Giuda phản bội (Bài giảng tĩnh tâm)

379

GIU-ĐA PHẢN BỘI

Nói đến Giuđa Iscariốt, ai cũng biết, Ông là kẻ phản bội Chúa Giêsu, là kẻ bán đứng Thầy mình.  Nhưng khi tranh luận về Giuđa thì nhiều thắc mắc được nêu lên: Tội của Giu-đa phản bội Chúa thì đã rõ, nhưng phải chăng ông cũng có phần nào công trạng trong chương trình cứu chuộc của CG, vì nhờ ông mà MN khổ nạn của CG được hoàn tất? Vậy Giuđa có được lên thiên đàng không hay đương nhiên phải xuống hoả ngục?

Hôm nay nhân dịp tĩnh tâm trong ngày CN lễ lá, bắt đầu bước vào Tuần Thánh, tôi muốn mời các chị cùng với tôi, nhìn lại gương mặt nhiều màu sắc ấy của một người từng là môn đệ CG.   Đây là lúc thuận tiện để chúng ta thử soi mình vào “tấm gương Giuđa” mà nhìn thấy rõ thân phận yếu đuối, mỏng giòn của con người mình cũng chẳng khác gì con người tội lỗi Giuđa ngày xưa.  Để rồi từ đó, chúng ta cùng xin Chúa ban cho chúng ta ơn được biến đổi và cảm nghiệm sâu xa hơn con đường chúng ta đang chọn, đang dấn thân, cũng như xin Chúa ban cho chúng ta ơn được nhận ra tình thương bao la của Thiên Chúa dành cho con người và dành cho ơn gọi thánh hiến của chúng ta.

Thường khi nói đến Giuđa, người ta có thể nghĩ ngay đến một người mặc đồ đen từ bên ngoài đến bên trong tâm hồn, tưởng tượng Giuđa với cặp mắt dữ dằn, gương mặt phản trắc của một tên lưu manh…như một vài bức ảnh 12 môn đệ của CG trong bữa tiệc ly. Có người đồng hoá Giuđa với Satan, và cũng có người cho rằng Giuđa cũng có thể là một người môn đệ tốt của CG, vì lý do: Giuđa là điều kiện không thể thiếu được trong chương trình cứu rỗi của Chúa!

Thật ra, Giuđa ở giữa hai thái cực đó, nghĩa là giữa một thằng quỷ và một ông thánh, giữa một tên lưu manh và một vị anh hùng.  Đơn giản vì Giuđa là một con người.  Có một điều chắc chắn: Giuđa không phải là kẻ đốn mạt, mất trí.  Bởi nếu chúng ta nghi ngờ điều này là nghi ngờ sự khôn ngoan và đường lối của Thiên Chúa.

Trong TM Lc 6, 12-16 có viết: Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu ra núi cầu nguyện và Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.  Sáng ngày, Ngài kêu các môn đệ lại và chọn lấy trong họ nhóm 12, Ngài gọi họ là Tông đồ: Simon, Anrê… và Giuđa Iscariot. Qua đoạn TM này, chúng ta thấy có những yếu tố sau :

– CG đã thức suốt đêm cầu nguyện với Chúa Cha để chọn các Tông đồ trong đó có Giuđa.  Điều ấy thật rõ ràng.  Giuđa cũng như các tông đồ khác đã được CG chọn sau một đêm thức trắng cầu nguyện.

– Giuđa đã được chọn để trở nên một Tông đồ.  Giuđa được đặt ngang hàng với Phêrô, Anrê, Mathêu, Philip và những Tông đồ khác.  Giuđa được nghe những gì họ nghe, thấy những gì họ thấy.

– Giuđa cũng đi rao giảng Nước Trời như họ.

– Giuđa không được chọn để quay lưng với Chúa, để phản bội Ngài.

Như vậy, thử hỏi Chúa Giêsu có lầm không khi đã chọn Giuđa làm tông đồ ?  Và tại sao Thiên Chúa lại chọn Giuđa dù biết rõ con người Giuđa?

Thưa Chúa không lầm khi chọn Giuđa, cũng như Chúa không lầm khi chọn những Tông đồ khác.  Chúa không lầm khi chọn gọi tôi và các chị đây.  Bởi vì, Kinh Thánh cho thấy: đâu phải Thiên Chúa chỉ chọn những con người xứng đáng, mà TC còn chọn mọi hạng người, cả Giuđa cũng như tôi và các chị đây. Giuđa cũng như các tông đồ và cả chúng ta nữa, đã được chọn để được Chúa thanh luyện, để được nâng cao lên, để nên xứng đáng hơn với tình yêu của TC.

Rõ ràng là ngay từ đầu, Giuđa đã nhanh chóng đáp lại tiếng gọi của Đức Kitô.  Ông muốn trở nên môn đệ đích thực của Chúa.  Ông cũng đã từ bỏ tất cả để theo Chúa không một chút do dự và Giuđa đã được cả nhóm tông đồ đón nhận.  Họ đã chọn ông làm thủ quỹ, vì họ tôn trọng tài năng của ông.  Họ quý mến và tin cẩn ông, dù ông là người miềnNamduy nhất trong số 12 Tông đồ.

Thật ra Giuđa không xuất hiện từ đầu như một người quay lưng lại với Chúa, bởi không ai bỗng dưng mà phản bội.  Giuđa không thay trắng đổi đen chỉ trong đầu hôm sớm mai, nhưng ông đã bước dần đến hố thẳm của tội lỗi, ông bước đi từng bước một… và mỗi lần Giuđa bước thêm một bước gần đến hố thẳm là mỗi lần ông được Đức Giêsu nhắc nhở, cảnh báo một cách kín đáo nhưng thật rõ ràng.  Tin Mừng có ghi lại cách rõ ràng những bước chân sai phạm đó của Giuđa.

Lần 1:  khi đám đông bỏ đi vì những lời giảng thật khó nghe về bánh hằng sống của Ngài, CG đã hỏi các Tông đồ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ Thầy mà đi sao?”.  Và trước lời xác quyết chắc nịch của Phêrô Simon: “bỏ Thầy chúng con biết theo ai, vì Thầy mới có Lời hằng sống”, thì CG đã nói một câu mà chỉ có Giuđa có thể hiểu: “Chẳng phải Thầy đã chọn cả 12 người đó sao?  Thế mà một trong anh em là quỷ dữ” (Ga 6, 67).  Thánh Gio-an tông đồ cho rằng : “Người muốn nói về Giuđa, con ông Simon Í-ca-ri-ốt; thật thế, chính y, một trong nhóm 12 sẽ nộp Người”. Như vậy, CG đã biết trước về Giuđa như Thánh Vịnh 41, 10 tiên báo: “Kẻ cùng con chia cơm sẻ bánh, lại giơ gót đạp con”.

Chúa Giêsu biết rõ lời tiên báo ứng nghiệm nơi chính con người Giuđa, vì có những dấu hiệu ngày càng rõ: sự suy giảm nhiệt tình, sự cứng cỏi, sự biếng nhác cầu nguyện, sự tự mãn kiêu căng trong đời sống đạo đức, tính ham mê những lời khen và sự tính toán vật chất ích kỷ của y trong vai trò người giữ túi tiền trong Nhóm 12.  Chính vì thế có lần CG đã nhắc nhở: “Nếu anh em yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy”.  Và hơn một lần, trước lời trầm trồ của một phụ nữ: “Phúc cho lòng dạ nào đã cưu mang Thầy, và phúc cho vú nào đã cho Thầy bú mớm”, thì CG xác quyết: “Ai nghe và làm những điều ta nói đây, thì ví như người khôn xây nhà trên đá”.

Vâng, Chúa Giêsu đã nói nhưng Giuđa đã cố tình không biết!  Giuđa không nghĩ rằng kẻ tội nghiệp đó chính là mình.  Như vua Đa-vít ngày xưa đã không nhận ra tên nhà giàu tham lam, độc ác trong câu chuyên mà ngôn sứ Nathan kể cho ông, lại là chính mình.  Giuđa vẫn cảm thấy thoải mái với Chúa, vẫn an tâm với công việc mà ông gọi là dấn thân, phục vụ!

Lần 2:  Khi CG cùng các môn đệ đến dùng bữa ăn tối tại nhà mấy chị em Ma-r-a, Mát-ta và La-da-rô, thì Giu-đa đã trở nên như một tên ăn cắp mà mãi sau này người ta mới phát hiện ra. Lúc Maria lấy dầu thơm trong bình bạch ngọc xức lên chân Chúa, Giuđa bảo: “Sao không đổi lấy 30 đồng mà cho người nghèo ?”.  Nhưng Thánh Gioan sau này giải thích: “Giuđa nói những lời này không phải vì bận tâm đến người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp, y giữ ví tiền, nên cái gì bỏ vào túi y là y phỗng mất” (Ga 12, 5-6).

Vâng, Giuđa cũng như mỗi người chúng ta đây đang đi theo Chúa, ngay từ đầu đều có mục đích, một chí hướng.  Nhưng tiếc thay, ý hướng ngay lành đó có thể đang bị méo mó, bị cám dỗ dưới quá nhiều hấp dẫn của sự đời.

– Giuđa tỏ ra thương yêu người nghèo, nhưng bên trong đầy những tính toán vụ lợi.

– Giuđa đưa ra bên ngoài khuôn mặt nhân ái, để che giấu bên trong lòng ganh ghét đố kỵ.

– Trên môi miệng Giuđa là những lời lẽ vị tha nhân ái, nhưng trong lòng thì đầy những mưu toan vị kỷ thấp hèn.

– Giuđa là kẻ luôn nói đúng, nhưng lại làm sai hoặc chẳng làm gì cả.

– Giuđa là người phục vụ chính mình, thay vì phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Và cứ thế mà tiến, những bước chân của Giuđa đã đưa ông đến bờ vực thẳm của sự phản bội.  Câu hỏi được đặt ra: vì sao Giuđa lại làm thế?  Vì sao Giuđa lại trở nên một kẻ chỉ điểm, ám hại, bán đứng Chúa Giêsu?

Thưa : Có nhiều cách giải thích, nhưng Kinh Thánh trả lời như sau: “Satan đã nhập vào Giuđa, gọi là Iscariot”. (Ga 13,2/ Lc 22,3-4)

Dĩ nhiên, Satan không thể tự tông cửa mà vào, nhưng chính Giuđa đã vui lòng tự ý mở cửa.  Giuđa đã phản bội Thầy mình.  Thật ra, ông có thể chỉ cho họ biết nơi ở của Chúa Giêsu, có thể mô tả cách ăn mặc của Chúa để giúp họ nhận diện.  Nhưng không, chính ông đã đích thân tố giác Chúa, tố giác bằng một cái hôn.  Với Giuđa, dấu chỉ của yêu thương đã trở thành hành động của sự phản bội.

Giuđa đã bỏ lỡ nhiều cơ hội Chúa đã dành cho ông.  Ông đã từ chối những cánh cửa Chúa đã mở cho ông.

Chúa Giêsu biết rất rõ Giuđa sẽ phản bội, sẽ bán đứng mình bằng một cái hôn.  Ngài còn biết rất rõ rằng: Giuđa có nhiều khả năng, Giuđa có thể đổi đời và Ngài hy vọng ông sẽ đổi đường đi để đời ông đơm hoa kết trái.  Chính vì thế, Ngài đã chọn Giuđa.  Chúa chọn Giuđa không vì Giuđa xứng đáng mà để ông được biến đổi và nên xứng đáng hơn.

Bữa tiệc ly bắt đầu bằng một cử chỉ khiêm hạ của CG : Rửa chân cho các môn đệ.  Chúa rửa chân cho các môn đệ, cho Phêrô và cho cả Giuđa.  Ngài rửa chân cho Giuđa để ông tỉnh thức, để các tông đồ khác sau này hiểu rằng: dù biết trước sẽ bị bán đứng, nhưng Chúa vẫn luôn yêu thương Giuđa.  Dù con người bất trung bất xứng tới đâu, Thiên Chúa vẫn một niềm trung tín, vì Ngài là tình yêu… biết mình bị phản bội mà vẫn cứ yêu thương.  Ngài cúi xuống rửa chân cho Giuđa, mong ông nhìn ra tình thương của Ngài.  Nếu Giuđa bắt được cái nhìn đó, có lẽ ông đã có một “sức bật” như Phêrô và sẽ không đi đến vực thẳm tuyệt vọng.

Khi CG trao tấm bánh cho Giuđa, Chúa muốn mở cho ông một lối thoát sau này.  Ngài muốn các môn đệ khác không hận thù, tẩy chay, nhưng vẫn để cho Giuđa là thành viên của nhóm 12.  Chúa vẫn rất thương ông dù ông có đốn mạt đến đâu đi chăng nữa.  Ngài hy vọng ông sẽ thay đổi và sẽ hoán cải để trở lại là một tông đồ của CG. Vì Thiên Chúa là Đấng “không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn le lói”.

Nhưng khốn nỗi, trong bữa tiệc ly hôm ấy, chỉ một mình Gioan là hiểu được tấm lòng của Ngài.  Và Chúa Giêsu biết Gioan hiểu mình.  Gioan hiểu Chúa muốn anh em đừng làm khổ Giuđa, Gioan hiểu: Chúa muốn ông đứng ra làm chứng nếu sau này anh em có làm phiền Giuđa.  Và rồi cho đến phút cuối, Giuđa cũng đã nhận ra tấm lòng của Chúa (Mt 27,3-10).  Ông hối hận, ông xưng thú tội công khai và sẵn sàng đền tội.  Nhưng điều đáng tiếc là cách hành xử của ông đã làm uổng phí những cố gắng của Chúa.  Ông đã để lỡ cơ hội của Chúa, vì ông không thể tin rằng ông lại có thể được tha thứ, lại có cơ hội để sửa đổi.  Ông đã để lỡ cơ hội của đời mình, vì ông không tin rằng Chúa lại có thể thương mình đến như thế!

Cái chết của Giuđa vén tỏ một chân lý: quỷ dữ và con người chỉ khác nhau có mỗi một điều: cả hai cùng có thể sa ngã, nhưng quỷ dữ thì sa ngã luôn, còn con người vẫn có cơ hội trỗi dậy, phục hồi và đi tới.  Cái chết của Giuđa cho chúng ta nhận ra rằng: trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, cho dù có chậm chạp, té ngã nhiều đến đâu, nếu biết trỗi dậy trong hành trình đi theo Chúa, chúng ta không bao giờ trễ cả.

Người ta vẫn thường ví von: “hãy nhìn về phía mặt trời, bóng tối sẽ ở sau lưng bạn”.  Như thế trở về với Chúa cũng là một cuộc chọn lựa, gạn đục khơi trong, bóc hết lớp vỏ bề ngoài mau qua, để dung nhan Thiên Chúa rạng ngời nơi tâm hồn mỗi người chúng ta vì con người được dựng nên theo hình ảnh của TC.  Ơn gọi dấn thân, phục vụ của chúng ta không phải chạy theo nghi lễ bề ngoài, hay những nhu cầu giả tạo mau qua, cũng không sa lầy vào thói phô trương công đức, hay bằng lòng với một vài hoạt động rình rang nhưng rỗng tuếch vì thiếu sức sống, thiếu tình người.  Nhưng là tiếp tay đem ánh sáng thần linh của Đức Kitô soi chiếu vào những mảnh đời tối tăm, những thân phận hẩm hiu, sao cho dung mạo nhân loại chói ngời ánh sáng nhân phẩm, ánh sáng văn hoá, ánh sáng lương tâm và ánh sáng thần linh.  Như thế, chúng ta đang cộng tác vào việc biến đổi thế giới, đang theo chân Đức Kitô để cùng với Ngài đưa nhân loại vào hành trình phục sinh, khởi đi từ chính những đổi thay ngay từ hôm nay trong lối sống, trong cách nhìn, trong nếp nghĩ của chính mình.

Trong những ngày của Tuần Thánh này là một chặng dừng cần thiết của cuộc hành trình nội tâm của mỗi người chúng ta.  Đó là giờ của ân sủng, là thời gian Thiên Chúa biểu lộ trọn vẹn lòng yêu thương tột đỉnh đối với con người tội lỗi chúng ta.

Cuộc hành trình của con sâu gỡ mình ra khỏi tổ kén để trở thành cánh bướm, tương tự như cuộc “lột xác” của mỗi người chúng ta. Chúng ta được mời gọi hãy từ bỏ mọi khuynh hướng xấu của đam mê và tội lỗi để có thể gặp Chúa nơi tha nhân, là cuộc hành trình của hạt mầm đâm chồi vươn lên cho vụ mùa tốt tươi.  Chúng ta hãy cúi mình xuống trong chân thành, khiêm hạ để có thể mở rộng tâm hồn trước ân sủng Chúa ban qua những biến cố, những thành công, niềm vui và cả những thất bại, của mỗi người chúng ta, vì biết rằng Chúa vẫn luôn mở ra cho chúng ta những cơ hội mới.  Bởi dù sao đi nữa, chúng ta không bao giờ để mình rơi vào tuyệt vọng vì tin rằng Chúa vẫn luôn ở bên chúng ta và Chúa cũng không bao giờ thất vọng về chúng ta.

Sau đây là nhũng bài học ta có thể rút ra từ việc Giuđa phản bội Chúa và Phêrô chối Chúa.

Tin Mừng Matthêu, Marcô, Luca và Gioan đều ghi lai sự kiên Phêrô chối Thầy, Giuđa Ít-ca-ri-ốt , một trong 12 môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu đã phản bội Thầy, bán Thầy và tuyệt vọng đến mức treo cổ tự tử sau đó. (Mt 27: 5)

Riêng Tin Mừng Luca ghi lại sự kiên “Người gian phi sám hối và được vào Thiên Đàng với Chúa Giêsu”.

1- Trường hợp của Giuda

Giuđa tượng trưng cho lớp người quá say mê của cải vật chất ở đời này đến mức quên tình quên nghĩa để phản bội người khác, kể cả ân nhân. Giuđa là một trong Nhóm 12 Tông Đồ nòng cốt mà Chúa Giêsu đã chọn lựa cho tham gia vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa từ lúc ban đầu. Giuđa đã được diễm phúc sống bên Chúa suốt 3 năm, đã được trực tiếp nghe lời giảng dạy của Chúa về Nước Trời, về tinh thần khó nghèo cũng như  chứng kiến tận mắt  đời sống khó nghèo của Chúa ở  mức “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8: 20). Vậy mà Giuđa đã không được cảm hóa  theo gương khó nghèo của Chúa. Vì thế Giuda đã cam tâm bán Chúa lấy 30 đồng bạc. Nhưng khi chứng kiến cảnh Thầy mình bị bắt và bị đánh đập tàn nhẫn, Giuđa đã  hối hận  đem tiền trả lại bọn thượng tế và kỳ mục Do Thái rồi đi thắt cổ chết. Giuđa tự tử vì quá tuyệt vọng, không còn  tin tưởng gì vào lòng xót thương, tha thứ của Chúa nữa. Đây là điều rất đáng buồn cho ông ta và là gương xấu cho người khác.

Thật vậy,  Giuđa đã trở thành gương xấu không những vì tham mê tiền của, phản bội mà nhất là tuyệt vọng về lòng xót thương của Chúa. Đây là điều đáng nói nhất về người môn đệ phản bội này, vì y đã mất hết niềm tin vào Thiên Chúa nhân lành, sẵn lòng  tha thứ hết mọi tội lỗi của con người trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần, tức tội tuyệt vọng không còn tin tưởng gì vào lòng xót thương tha thứ của Chúa nữa. Giuđa đã phạm tội này khi tự tử chết.

Chúa Giêsu đã than thở như sau về sự phản bội của Giuđa:

 “…Con đã canh giữ  và không một ai trong họ phải hư mất trừ đứa con hư hỏngđể ứng nghiệm lời Kinh Thánh” ( Ga 17: 12)

lại nữa:

    “…đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26: 24; Mc 14: 21)

Dầu vậy, Giáo Hội cũng không  dám kết  luận  chắc chắn  về số phận đời  đời của Giuđa. Việc này chỉ có một mình Thiên Chúa biết vì Người đã phán đoán Giuđa theo lượng từ bi và công bằng của Người.

Ngược lại , Giáo Hội chỉ lưu ý con cái mình về gương xấu của Giuđa mà thôi. Gương xấu vì Giuđa đã mê tiền của hơn yêu mến Thầy, nên đã phản bội Thầy khi bán Người lấy 30 đồng bạc của các Thượng Tế và kỳ mục Do Thái. Nhưng điều đáng nói nhất về  Giuđa là sự tuyệt vọng của anh, khi không còn muốn sám hối để xin Chúa tha thứ nữa, để rồi đi treo cổ tự tử (cf. Mt 27:5). Đây là gương xấu mà mọi tín hữu phải xa tránh vì thực chất của nó là  mất hết hy vọng vào lòng thương xót của Chúa, là Cha nhân từ luôn sẵn lòng tha thứ cho kẻ có tội biết sám hối và xin tha thứ.

2- Phêrô chối Chúa

 Ngược lại với Giuđa là kẻ nêu gương xấu về  tham tiền và tuyệt vọng, Phêrô lại  dạy cho chúng ta bài học quý giá về lòng ăn năn sám hối.

Phêrô cũng có khuyết điểm là quá tự tin nơi mình khi tuyên bố lúc ban chiều trước khi Chúa Giêsu bị bắt: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” ( Mt 26:35)

Nhưng đúng như lời Chúa đã nói trước là đêm đó gà chưa gáy sáng thì Phêrô đã chối Chúa ba lần. Nhưng chối xong và nhớ lại lời Chúa đã nói trước, Phêrô “ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (cf. Mt 26: 75, ; Lc 22: 62).  Ông khóc vì ăn năn hối hận đã hèn nhát chối Thầy trước những kẻ bắt bớ và hành hạ Người cách tàn nhẫn. Chính vì thật sự thống hối ăn năn mà Chúa đã tha cho Phêrô tội công khai  chối Chúa và còn tín nhiệm trao phó cho Phêrô sứ mệnh “chăn dắt chiên con và chiên mẹ của Thầy” ( Ga 21: 15-16).

Như thế đủ cho ta thấy là dù tội lỗi con người có nặng đến đâu, nhưng nếu biết sám hối và chạy đến với lòng thương xót vô biên của Chúa thì chắc chắn sẽ được tha thứ và nối lại tình thân với Người, sau khi đã lỡ sa ngã vì yêu đuối của nhân  tính do hậu quả của tội nguyên tổ còn để lại.

3- Người gian phi sám hối (Lc 23 : 40-42)

Tin Mừng Luca kể rõ hai tên gian phi cùng chịu đóng đanh với Chúa Giêsu,  một đứa bên phải, một đứa  bên trái, trong khi Matthêu nói đó là hai tên cướp ( Mt 27: 38). Chúng bị đóng đinh vì tội trôm cướp, và một trong hai tên gian phi này đã nhận biết tội của mình nên xin cùng Chúa Giêsu rằng: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của Ông xin nhớ đên tôi. Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 42-43)

Như thế, chỉ có lòng ăn năn sám hội thực sự là đáng kể vì là điều đẹp lòng Chúa, và Người sẽ tha hết mọi tội lỗi cho những ai nhận biết mình có tội và xin Chúa thứ tha. Người gian phi sám hối hay còn được gọi là “kẻ trộm lành” đã vào Thiên Đàng bằng đường tắt nhanh chóng chỉ vì biết ăn năn sám hối và chạy đến với lòng thương xót vô biên của Chúa để xin tha thứ.

Người  trộm lành này  đã từng đi đàng tội lỗi  không biết là bao nhiêu năm, nên bị đóng đanh vì những trọng tội mà xã hội Do Thái phải trừng phạt bằng cực hình đóng đanh. Nhưng Chúa đã tha thứ cho anh mọi tội, từ tội nguyên tổ cho đến mọi tội cá nhân anh đã phạm cho đến ngày bị đóng đanh chung với Chúa, là Người lành vô tội, nhưng đã cam lòng chiu khổ hình thập  giá để đền thay cho nhân loại đáng phải phạt vì tội.

Dĩ nhiên chúng ta không thể bắt chước “người trộm lành” bằng cách cứ sống  tội lỗi rồi cuối cùng sám hối xin Chúa tha thứ để được vào Nước Trời. Ta  chỉ có thể noi gương tốt của anh về lòng sám hối và tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa để xin Người tha thứ mọi tội cho ta đã lỡ sa phạm vì yếu đuối của bản chất và vì ma quỉ cám dỗ. Nhưng ta không thể bắt chước anh ta làm những việc sai trái  hay đối nghịch với tình thương, sự thánh thiện và công bằng của Chúa để chờ xin tha thứ vào phút chót. Không ai có thể biết ngày giờ nào mình phải ra đi, nên không thể liều mình sống trong tội chờ ngày sám hối được. Cố ý sống như vậy là lợi dụng lòng thương xót, tha thứ  của Chúa. Và  nếu ai cố ý liều lĩnh như vậy thì hãy nghe lời Chúa cảnh cáo nghiêm khắc sau đây:

“Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh  mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn đi, nhưng vì người hâm hâm, chẳng nóng chẳng lạnh nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3: 15-16)

Tóm lại, điều thiết yếu là ta phải cố gắng xa tránh mọi tội lỗi vì chỉ có tội là cản trở duy nhất cho ta sống đẹp lòng Chúa mỗi giây phút của đời mình trên trần thế này. Tuy nhiên, vì bản chất yếu đuối do hậu quả của tội Nguyên tổ, nhất là vì ma quỉ  luôn rình rập để lôi kéo ta vào vòng tội lỗi, nên cần thiết cho ta phải xin ơn Chúa giúp sức để có thể đứng vững, sống theo đường lỗi của Chúa để được an vui ngay trên đời này trước khi được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên Nước Trời mai sau.

Lm. Giuse Nguyễn Tiến Dũng – OFM.