Giống như các môn đệ, chúng ta cần nhìn thấy Chúa Giêsu bằng cách chạm đến tình yêu của Ngài

156
longthuôngxot
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày lễ Trọng Kính Lòng Thương Xót Chúa, Chúa nhật II Phục sinh,8/4/2018, tại đền thờ thánh Phêrô.

Anh chị em thân mến

Trong Tin mừng hôm nay chúng ta thấy động từ “nhìn thấy” quay lại nhiều lần: “Các môn đệ vui mừng khi nhìn thấy Chúa” (Ga 20,20). Sau đó họ nói với Tôma : “Chúng tôi đã nhìn thấy Chúa” (c. 25). Nhưng Tin mừng không mô tả họ thấy Chúa như thế nào, không mô tả Đấng Phục sinh mà chỉ nhấn mạnh một chi tiết: “Người đã cho các ông thấy tay và cạnh sườn” (c.20). Dường như Tin mừng muốn nói cho chúng ta biết rằng các môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu qua các vết thương của Ngài. Và điều tương tự cũng đã xảy ra cho Tôma: ngay cả ông cũng muốn nhìn thấy “tay và những dấu đinh của Chúa” (25) và sau đó ông đã thấy và đã tin (27).

Bất kể sự hoài nghi của ông như thế nào chúng ta phải cám ơn Tôma, bởi vì ông không đã không hài lòng khi nghe người khác nói Chúa Giêsu đang sống, và thậm chí còn tận mắt thấy Ngài bằng xương bằng thịt, nhưng ông muốn gặp thấy từ bên trong, muốn đụng chạm tay vào những vết thương, những dấu chỉ tình yêu của ông. Tin mừng gọi Tôma là “Dydimo” (24), nghĩa là sinh đôi, và từ đó ông thực sự là người anh em sinh đôi của chúng ta. Vì chúng ta cũng vậy, biết rằng có Thiên Chúa thôi vẫn chưa đủ : Một Thiên Chúa sống lại nhưng rất xa xôi không lấp đầy trong chúng ta sự sống; một Thiên Chúa  xa cách không quyến rũ chúng ta bằng sự công chính và thánh thiện. Không. Chúng ta cũng cần “nhìn thấy Chúa”, cần chạm tay vào Đấng đã sống lại và sống lại vì chúng ta.

Làm sao chúng ta có thể thấy được Chúa?. Giống như các một đệ: nhìn thấy Chúa qua những vết thương của Chúa. Khi nhìn vào các vết thương, các môn đệ hiểu rằng Thiên Chúa không yêu thương họ như trò đùa và Ngài đã tha thứ cho họ, mặc dù trong số họ có người đã phản bội và có người đã chối bỏ Ngài. Đi vào trong các vết thương là chiêm ngắm tình yêu rất bao la tuôn trào từ con tim của Chúa. Đó là lối đi. Là hiểu rằng trái tim của Chúa gõ nhịp vì tôi, vì bạn và vì từng người chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng ta có thể tự nhận mình và nói rằng mình là kitô hữu, và nói về rất nhiều những giá trị tốt đẹp của đức tin, tuy nhiên, giống như các môn đệ, chúng ta cần nhìn thấy Chúa Giêsu bằng cách chạm đến tình yêu của Ngài. Chỉ có thế chúng ta mới đến được trung tâm của niềm tin, và giống như các môn đệ, chúng ta tìm thấy được bình an và niềm vui (c. 19-20) mạnh mẽ hơn mọi nghi ngờ.

Sau khi đã thấy các vết thương của Chúa, Tôma đã thốt lên: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con” (c 28). Tôi muốn anh chị em lưu ý đến tính từ mà Tôma đã lặp lại: của con. Đó là tính từ sở hữu, và nếu chúng ta nghĩ về nó, có vẻ nó không thích hợp để dùng cho Thiên Chúa: làm sao Thiên Chúa có thể là của tôi được? làm sao tôi có thể làm cho Đấng Quyền năng tuyệt đối là của tôi được? Thực ra, khi nói là của tôi, chúng ta không báng bổ Thiên Chúa, nhưng chúng ta đang tôn vinh lòng thương xót của Ngài, vì đó là điều Ngài đã muốn “trở thành của chúng ta”. Và giống như một câu chuyện tình, chúng ta nói với Ngài “Chúa đã làm người vì con, Chúa đã chết và đã sống lại vì con, cho nên Chúa không chỉ là Thiên Chúa mà là Thiên Chúa của con, là cuộc sống của con. Nơi Chúa con đã tìm thấy được tình yêu mà con hằng tìm kiếm và còn hơn thế nữa, theo cách mà chưa bao giờ con nghĩ ra được”.

Thiên Chúa không bị xúc phạm vì Ngài là của “chúng ta”, bởi vì tình yêu đòi hỏi sự tin cậy, lòng thương xót đòi sự tín thác.  Giới răn đầu tiên trong 10 giới răn, Thiên Chúa đã nói: “Ta là Thiên Chúa, Thiên Chúa của ngươi” (Xh 20,2) và tái xác nhận: “Ta là Thiên Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là Thiên Chúa ghen tương” (c5). Đó là đề nghị của Thiên Chúa thích ghen tương, tự giới thiệu mình như là Thiên Chúa của bạn. Và từ tâm hồn đầy cảm xúc của Tôma đã vọt ra câu trả lời: “Lạy Thiên Chúa và Lạy Thiên Chúa của con!”. Hôm nay, khi bước vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, qua các vết thương, chúng ta hiểu rằng lòng thương xót của Thiên Chúa không đơn giản là một đức tính giữa những đức tính khác, nhưng là nhịp đập con tim của chính Chúa. Và lúc ấy, giống như Tôma, chúng ta không sống như những người môn đệ do dự, trung thành nhưng lưỡng lự; chúng ta cũng trở nên những người yêu đích thực của Thiên Chúa! Chúng ta không cần phải sợ những từ này: người yêu của Thiên Chúa.

Làm thế nào để tận hưởng được tình yêu này? Hôm nay làm thế nào để chạm tay vào lòng thương xót của Chúa? Lần nữa Tin mừng gợi ý về điều đó khi nhấn mạnh vào chính buổi chiều Phục sinh (x. c 19), tức là khi vừa sống lại, lần đầu tiên, Chúa Giêsu ban Thánh Thần để tha thứ tội lỗi. Để cảm nghiệm được tình yêu cần phải bước đi từ đó: để cho mình được tha thứ. Một câu hỏi cho tôi và mỗi người trong chúng ta: tôi có để cho mình được tha thứ không? Để cảm nghiệm được tình yêu ấy, cần phải bước đi từ sự tha thứ. Tôi có để cho mình được tha thứ không? “Nhưng thưa Cha, đi xưng tội sao thấy khó quá….”. Đối diện trước Thiên Chúa, chúng ta bị cám dỗ hành động như các môn đệ trong Tin mừng: đóng kín tất cả các cửa. Họ đã đóng cửa vì sợ hãi và chúng ta cũng sợ hãi, hổ thẹn khi mở lòng mình và xưng thú tội lỗi của mình. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn hiểu được điều xấu hổ, không xem nó như một cánh cửa đóng kín, nhưng như là bước đi đầu tiên của sự gặp gỡ. Khi chúng ta cảm thấy xấu hổ, chúng phải biết ơn: điều đó muốn nói rằng chúng ta không chấp nhận sự dữ, và đó là điều tốt. Hổ thẹn là lời mời thầm kín của linh hồn vốn cần đến Thiên Chúa để chiến thắng sự dữ. Thảm kịch đó là khi chúng ta không biết xấu hổ gì nữa. Đừng sợ cảm thấy xấu hổ. Và từ xấu hổ chúng ta bước sang tha thứ! Anh chị em đừng sợ xấu hổ. đừng sợ.

Vẫn còn một cánh cửa đóng lại trước sự tha thứ của Thiên Chúa, đó là sự cam chịu. Cam chịu luôn là cánh cửa đóng kín. Các môn đệ đã cảm nghiệm rằng vào ngày Chúa Sống lại họ nhận thấy chua cay, giống như mọi thứ đã trở lại như ban đầu: họ vẫn còn ở đó, ở Giêrusalem, họ không tự tin. “Chương sách về Giêsu” dường như đã kết thúc và sau một thời gian dài ở với Ngài mà không có gì thay đổi, chúng ta đành cam chịu. Chúng ta có thể nghĩ rằng: Tôi là người kitô hữu từ lâu, tuy nhiên trong tôi không có gì thay đổi, tôi luôn phạm tội như thường”. Vì mất tự tin chúng ta cự tuyệt lòng thương xót. Nhưng Thiên Chúa chất vấn chúng ta: “Con có tin rằng lòng thương xót của Ta lớn hơn lòng thương xót của con không? Con là kẻ hay phạm tội? Là kẻ tái phạm con nên kêu xin lòng thương xót, và chúng ta sẽ thấy ai đúng!. Và sau nữa – ai quen với Bí tích tha tội thì biết điều này – tất cả mọi sự trở lại giống như lúc đầu là không đúng. Mỗi khi được tha thứ chúng ta được an tâm, thêm can đảm, vì mỗi lần như vậy chúng ta cảm thấy mình được yêu thương nhiều hơn, được Chúa Cha ôm ấp nhiều ơn. Khi được yêu, chúng ta cảm thấy đau đớn nhiều hơn trước. Nỗi đau đó mang lại lợi ích, từ từ tách chúng ta ra khỏi tội lỗi. Lúc đó chúng ta khám phá ra được sức mạnh của cuộc sống chính là lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, và tiếp tục tiến bước từ tha thứ này đến tha thứ khác. Cuộc sống cứ như thế tiến bước: hổ thẹn này đến hổ thẹn khác, tha thứ này đến thứ tha khác. Đây là cuộc sống kitô hữu.

Sau hổ thẹn và cam chịu, còn một cánh cửa khác đóng kín, đôi khi được bọc thép đó là: tội lỗi của chúng ta, đó chính là tội lỗi. Khi tôi phạm tội trọng, thành thật mà nói, nếu tôi không muốn tha thứ cho chính mình, thì tại sao tôi Thiên Chúa phải làm điều đó cho tôi? Dù cho cánh cửa này của chúng ta một phần bị đóng kín, nhưng đối với Thiên Chúa thì không có gì không thể vượt qua được. Giống như Tin mừng đã dạy, Thiên Chúa ưa thích bước vào trong “những cánh cửa đã đóng” khi mọi ngõ hẹp dường như bị cài then. Ở đó Thiên Chúa làm nên những kỳ diệu. Chúa không bao giờ muốn tự chia cách khỏi chúng ta, chỉ có chúng ta mới bỏ Ngài ra ngoài. Nhưng khi chúng ta xưng tội thì điều lạ thường xảy ra: chúng ta khám phá ra rằng chính tội lỗi giữ chúng ta xa cách Thiên Chúa nay trở thành nơi để gặp gỡ Thiên Chúa. Ở đó Thiên Chúa bị thương tổn vì yêu thương đến gặp các thương tổn của chúng ta. Và Ngài sẽ làm cho những vết thương khốn khổ của chúng ta nên giống như những vết thương vinh hiển của Ngài. Có một sự thay đổi: vết thương khốn khổ của tôi nên giống với những vết thương vinh hiển của Chúa. Vì Chúa là Đấng xót thương và làm nên những điều kỳ diệu trong cảnh cơ cùng của chúng ta. Giống như Tôma, hôm nay chúng ta xin ơn được nhận biết Thiên Chúa của chúng ta: biết tìm thấy được niềm vui trong sự tha thứ của Chúa, tìm thấy được niềm hy vọng nơi lòng thương xót của Ngài.

Trước khi kết thúc thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến

Trước khi ban phép lành kết thúc, chúng ta hướng về Đức Maria trên trời của chúng ta trong lời cầu nguyện. Nhưng trước hết, tôi xin cảm ơn tất cả mọi người đã đến tham dự thánh lễ hôm nay, cách đặc biệt các Nhà Truyền Giáo Của Lòng Thương Xót, đã hiện diện vì cuộc gặp gỡ của họ. Cám ơn vì sự phục vụ của anh chị em.

Các anh chị em thuộc Giáo hội Đông phương của chúng ta, theo lịch Giulian, hôm nay họ cử hành lễ Phục Sinh trọng thể. Tôi gửi lời chào thân ái đến tất cả mọi người. Xin Chúa Phục Sinh lấp đầy ánh sáng và bình an, và khích lệ các cộng đồng đang sống trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Một lời chào đặc biệt đến những người Rom và Sinti đang hiện diện nơi đây, nhân ngày quốc tế “Romano Dives”. Chúc bình an và tình huynh đệ đến các thành viên của dân tộc cổ đại này, và tôi hy vọng rằng ngày này nuôi dưỡng nền văn hóa của sự gặp gỡ, với thiện chí nhận biết và tôn trọng lẫn nhau. Và đây là con đường dẫn đến sự hòa nhập đích thực. Anh chị em Rom và Sinti thân mến, xin hãy cầu nguyện cho tôi và cho những người anh em tị nạn Syria của anh chị em nữa.

Tôi mến chào tất cả các khách hành hương đang hiện diện nơi đây, các giáo xứ, gia đình, hiệp hội; và chúng ta đặt mình dưới áo choàng của Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót.

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Nguồn tin: w2.vatican.va