Giống hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi

1067

GIỐNG HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA BA NGÔI

imagesTrong bài này, trước khi dựa vào Kinh Thánh viết về Thiên Chúa Ba Ngôi, về ”con người là Hình Ảnh của Ngài”, tôi xin trích phần ”Triết học nhập môn” cho hay con người ”do đâu” mà ra.

A- ”Triết học nhập môn” định nghĩa con người

Trước đây, ở lớp cuối Trung Học và ở Đại Học Văn Khoa (năm thứ nhất của các Ban: Việt-Hán, Triết, Sử-Địa, Pháp Văn và Anh Văn), học sinh và sinh viên ”được” thụ giáo ”Triết học nhập môn” định nghĩa con người như sau: ”Con người là TINH THẦN nhập thể và nhập thế, sống trong vũ trụ và bên cạnh tha nhân.”

B- Sách Sáng Thế nói về Thiên Chúa Ba Ngôi

Ban đầu, Thiên Chúa SÁNG TẠO trời và đất…và THẦN KHÍ Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước… Thiên Chúa phán: CHÚNG TA hãy LÀM RA con người theo HÌNH ẢNH CỦA CHÚNG TA, GIỐNG NHƯ CHÚNG TA để con người bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất. Thiên Chúa SÁNG TẠO con người có nam, có nữ. Thiên Chúa thấy mọi sự mà Ngài đã LÀM RA quả là rất TỐT ĐẸP!” (Tóm lược ST, Chương 1,1-31)

Dựa vào Tân và Cựu Ước, kinh ”Tin Kính” xác tín có một Thiên-Chúa-Ba-Ngôi nên tôi xin ghi tóm tắt về ”Tam Vị” như sau: ”Chúa Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình. Chúa Giêsu Kitô, con một Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha. Nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành. Ngài đã từ trời xuống thế bởi phép Chúa Thánh Thần và đã làm người. Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống. Ngài xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con. Ngài cùng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con. Ngài đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy.”

C- Giống Hình Ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi

Dựa vào Cựu và Tân Ước, bài khác sẽ nói về ”Thiên Chúa vô hình” mà lại ”hữu hình” để con người được ngắm Thánh Nhan của Ngài. Hôm nay, xin mạo muội trình bày về xác tín ”giống Hình Ảnh Thiên Chúa” là thế nào.

1- ”Giống theo như” Thánh Ý Chúa

Sách Toát Yếu Giáo Lý Công Giáo khẳng định: ”Thiên Chúa tạo dựng con người, GHI TẠC vào TÂM HỒN họ sự khao khát nhìn thấy Ngài. Ngay cả khi họ chẳng nhận ra sự khao khát ấy, Ngài vẫn không ngừng LÔI KÉO họ đến với Ngài để họ SỐNG và tìm ra NƠI NGÀI đầy đủ chân lý và hạnh phúc mà họ TÌM KIẾM luôn mãi.”

2- ”Giống” Đức Chúa Trời Ba Ngôi là ”giống” thế nào?

Bản Kinh Thánh (Sáng Thế 1,26) bằng tiếng Anh, Pháp ghi rõ: ”Let us make man in our image, after our likeness.” (Faisons l’homme à notre image, comme notre ressemblance.) Chữ ”likeness” (ressemblance) có ý nghĩa ”sống động” (dynamic) hơn chữ ”image”.

Nhưng khác với Thiên Chúa là Đấng Vô Hạn, con người chỉ là thọ tạo hữu hạn. Vả lại, sau khi Adam-Eva nghe theo lời phỉnh gạt của Satan, con người không còn ”vô tội” như Thiên Chúa đã dựng nên. Vì thế, muốn ”giống Thiên Chúa”, con người phải ƯỚC AO điều lành như Chúa Giêsu đã dạy: ”Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành.” (Matth. 5,48) và như Ngài nói về chính Ngài: ”Ta là Mục Tử nhân lành.” (Ga 10,14) Nổ lực làm theo Lời Chúa thì con người mới xứng đáng là ”ánh sáng chói lọi trước mặt người ta ngõ hầu họ thấy việc lành các con làm mà tôn vinh Cha các con trên trời.” (Matth. 4,14)

3- Giống Ba Ngôi bởi vì:

a- Con người là kiệt tác bằng Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Tình-Yêu-giữa-Cha-và-Con LÀ ”Thánh Thần” (Ngôi Ba) như lời Kinh Nghĩa dạy: ”Bởi Cha-Con yêu mến nhau mà ra.”, như trong kinh Tin Kính: ”Ngài xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con: Qui ex Patre Filióqueprocédit.” (Bài khác sẽ chứng minh Tín Điều ấy bằng Lời Chúa Giêsu.)

Tình Yêu của Ba Ngôi là ”Thiên Thượng Bửu Bối” mà ”thiên hạ” được ban cho để xứng đáng với nhân phẩm. Do đó, trong Thánh Lễ, chủ tế ”phải” đọc: ”Nguyện xin ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần Ở CÙNG tất cả anh chị em.” (II Cor. 13,13) Cho nên, cộng đoàn cũng phải thưa: ”Và ở cùng Cha.”

b- Con người có Lương Tri

Sau khi Adam-Eva phạm tội, Thiên Chúa vẫn thương, vẫn để cho con người có TIỀM NĂNG của thọ tạo (potentialité de la nature humaine) giúp họ càng trở nên ”giống Ngài” bằng cách sử dụng Lương Tri (mà Ngài đã ban) để biết CHỌN điều lành và LÁNH sự dữ.

c- Con người là thọ tạo phản chiếu Vinh Quang của Thiên Chúa

Thông Điệp ”Veritatis Splendor” (Sự Sáng Ngời của Chân Lý) dạy: ”Sự Sáng Ngời của Chân Lý được phản chiếu trong mọi thọ tạo của Đấng Tạo Hóa và đặc biệt trong con người được dựng nên theo Hình Ảnh và nét giống như Thiên Chúa. Chân Lý soi sáng trí khôn và tạo hình dạng cho tự do của con người và, nhờ đó, họ nhận biết và yêu mến Chúa. Chính trong ý nghĩa như thế, tác giả Thánh Vịnh cầu nguyện: ”Xin tỏa trên chúng con ánh sáng của tôn nhan Ngài.” (TV 4,7)

D- Nếu không có Ba Ngôi thì:

1- Thiên Chúa ”chẳng là” Tình Yêu vì Tình Yêu ”phải” có đối tượng!

2- Lời ”tỏ Tình” của Chúa Giêsu: ”Như Cha yêu mến Ta, Ta cũng yêu mến các con.” thành vô nghĩa!

3- ”chẳng có” Kitô (Ngôi Hai) là ”Chúa, người Thầy, người Bạn” của chúng ta và chúng ta ”không là” Kitô hữu và vẫn còn mang ”ách của Satan” là nguyên tội và các tội khác.

4- chẳng có ”Thiên Chúa Cứu Chuộc” là ý nghĩa của Thánh Danh ”Giêsu” và Thiên Chúa chẳng ”ở giữa chúng ta” (Emmanuel) và chúng ta ”cũng chẳng” ngắm được Vinh Quang của Con Một ở trong Cung Lòng Cha! (Ga, 1,14; 1,18)

5- không có ”Thánh Thần” là Đấng Bảo Trợ ”khác” mà Cha sẽ ban theo Lời của Chúa Giêsu đã hứa. (Ga,14,16)

6- không có Tin Mừng, Sách Tông Đồ Công Vụ, Thánh Thư, Khải Huyền.

7- không có Kitô Giáo!!!

8- không có Công Nguyên: Kỷ Nguyên của chúng ta! (our era; notre ère; unsere Zeitrechnung)

9- không có ”Chúa / Chủ Nhật!”: Ngày của Chúa: Dimanche: ”dies dominica; dies dominicus”. (Chữ ”dies” có hai giống tùy trường hợp; giống ”đực” thì thông dụng hơn, nhất là với học giả về Latin.)

10- không có Nền Văn Hóa, Văn Minh Kitô Giáo đã đóng góp vào mọi lãnh vực của nhân loại!!!

Lời kết

Con người vốn mang Hình Ảnh ”giống Thiên Chúa”, lại xử sự với nhau bằng ”hình ảnh của Satan” là tội kiêu ngạo, dối trá, chà đạp nhân phẩm…, mà quên đi hoặc không biết rằng mình được dựng nên để tiếp nối công trình của Đấng Tạo Hóa. Muốn được xứng đáng với nhân phẩm mà Thiên Chúa Ba Ngôi đã ban cho, con người phải làm rạng rỡ Vinh Quang của Thiên Chúa bằng cách tuân giữ Luật Chúa, nhất là sống Đạo Bác Ái như Lời Chúa Giêsu dạy: ”Đây là dấu chỉ để mọi người nhận biết rằng các con là môn đệ của Ta: Các con hãy thương yêu nhau.” Bằng không, con người vẫn thua thọ tạo khác vì Sách Isaya 6,3 viết thế này: ”Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” (Trước câu vừa nêu, có ba lần chữ ”Thánh” do thiên thần Sêraphim hô và đáp để tôn vinh Ba Ngôi.)

Bác Ái là ”Hình Ảnh” sống động của Thiên Chúa Cứu Thế như trong Ca Khúc ”Trên đường Emmau”: Ấy những lúc mắt ta không trông, không thấy được Ngài: Trong những kẻ nghèo đói!!!

Đức Quốc, 23.5.2013

Đaminh Phan văn Phước