GÓC SUY TƯ GIỚI TRẺ Giới trẻ và khả năng đề kháng

Giới trẻ và khả năng đề kháng

Giới trẻ và khả năng đề kháng

 Biểu tượng của Ngày Quốc tế giới trẻ là Thánh Giá. Gắn với Thánh Giá là lời mời gọi hi sinh và từ bỏ. Hoàn toàn đối nghịch với những cám dỗ ngọt ngào của chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ đang vẫy gọi người trẻ từng giây phút, qua các phương tiện truyền thông cũng như qua lối sống hiển hiện trước mắt. Từ đó, câu hỏi đặt ra là làm thế nào người trẻ có thể cưỡng lại những cám dỗ và đáp lại tiếng gọi của Thánh Giá?

Chuyện kể rằng con rùa mang cái mai cứng rất nặng. Dĩ nhiên rùa rất mệt nhưng nếu cáo xuất hiện thì rùa có thể nấp ngay dưới cái mai và rất an toàn, cáo không sao ăn thịt được. Thế rồi một ngày đẹp trời, thế giới toàn cầu hóa! Cáo đề nghị mua đứt mai rùa. Rùa nhất quyết không bán. Một hôm, nhân lúc không có cáo, rùa thò đầu ra khỏi mai và bắt gặp một quảng cáo trên tivi màn hình phẳng. Tivi quảng cáo rằng cáo đã chuyển sang ăn chay rồi, không còn nguy hiểm nữa. Thế là rùa yên chí, bằng lòng bán mai cho cáo, lấy tiền đi du lịch bằng máy bay cho thỏa chí tang bồng. Thế nhưng ngày rùa bán mai cho cáo cũng chính là ngày cuối cùng của đời rùa!

Dĩ nhiên chỉ là chuyện ngụ ngôn thời hiện đại, và người kể chuyện có ý nói đến mặt trận thông tin. Đại khái là trong lý thuyết chiến tranh thông tin, chiến lược đầu tiên là phải làm sao để đối thủ tự phá vỡ hệ thống bảo vệ mình. Khi đối thủ đã tự phá vỡ hệ thống bảo vệ thì việc đánh gục nó là chuyện dễ dàng. “Cáo không ăn thịt nữa và đã chuyển sang ăn chay rồi”! Đúng là chuyện khó tin. Nhưng quảng cáo trên tivi nói riết ngày này qua ngày khác rồi cũng nhập tâm chú rùa. Từ chỗ tin vào quảng cáo đến chỗ bán mai rùa chỉ có một bước. Và từ chỗ bán mai rùa đến chỗ chết chỉ có nửa bước! Tội nghiệp chú rùa chết vì thông tin!

Tuy là chuyện ngụ ngôn về thông tin nhưng lại có thể áp dụng vào mọi lãnh vực của đời sống. Trên bình diện thể lý, thử nhìn vào căn bệnh thế kỷ mà xem. Ở tự tên gọi, bệnh AIDS đã diễn tả sự suy yếu khả năng miễn nhiễm (Acquired Immunodeficiency Syndrome), là hậu quả cuối cùng của tình trạng nhiễm HIV (Human Immunodeficiency Virus), cho nên có người gọi là bệnh liệt kháng cho dễ hiểu. Hệ thống miễn nhiễm của cơ thể được hình thành bằng nhiều thứ tế bào, có mục đích nhận diện, cô lập, loại trừ những vi khuẩn nguy hiểm; nhờ đó cơ thể con người có sức đề kháng trước sự tấn công của những thực thể lạ và nguy hiểm. Khi hệ thống đề kháng ấy suy yếu thì cơ thể gục ngã dễ dàng.

Trong đời sống tâm lý cũng thế. Có những đứa trẻ được nuông chiều quá mức. Tất tần tật mọi sự đã có người lo, không phải đụng tay vào bất cứ việc gì. Dường như nó được sinh ra để mọi người phục vụ nó chứ nó không cần phục vụ ai. Rõ sướng. Nhưng mối nguy là sức đề kháng tâm lý suy yếu dần. Khi ra đời, chỉ cần gặp một thử thách khó khăn nhỏ là đã suy sụp. Nhiều bậc cha mẹ thương con mà hóa ra hại con là thế.

Hình ảnh con rùa và cái mai còn là lời nhắc nhở cho đời sống đức tin của các bạn trẻ công giáo. Hơn hẳn các bậc cha ông ngày xưa, người trẻ ngày nay có rất nhiều phương tiện phát triển. Cụ thể là khả năng tiếp cận thông tin, đặc biệt qua mạng internet, để phát huy sự hiểu biết và mở rộng những tương quan. Tuy nhiên, nguy cơ là không phải thông tin nào cũng tốt và hữu ích. Nếu người trẻ không có chuẩn mực đúng đắn để đánh giá và chọn lựa, thì thay vì phát triển nhân cách và mở rộng hiểu biết, nhiều luồng thông tin nguy hại sẽ lôi họ vào lối sống hạ thấp phẩm giá, kiếm tìm những niềm vui chóng qua và kết thúc cuộc đời cách bi đát.

Cho nên phải củng cố khả năng đề kháng. Một trong những cách thế cụ thể là nắm vững Lời Chúa. Lời Chúa không chỉ được mô tả là “ánh sáng soi đường con đi”, mà còn là “khiên che thuẫn đỡ”, nghĩa là sức mạnh đề kháng trước tấn công của quân thù. Để Lời Chúa trở thành khiên che thuẫn đỡ, cần bám vào Lời Chúa trên cả ba bình diện: tri thức, tình cảm, ý chí.

Trước hết là phải học để biết Lời Chúa. Đức Bênêđictô XVI có lý khi khuyến khích người công giáo nói chung – và người trẻ nói riêng – học thuộc lòng những câu Kinh Thánh quan trọng và căn bản. Học thuộc lòng để Lời Chúa thấm sâu vào tâm trí, đến nỗi trở thành phản xạ quen thuộc trong cuộc sống.

Không chỉ học để biết Lời Chúa, còn cần cầu nguyện với Lời Chúa. Cầu nguyện với Lời là để cho Lời soi sáng và uốn nắn những suy nghĩ, chọn lựa của mình theo thánh ý Thiên Chúa, chứ không theo những tính toán quen thuộc của loài người. Cầu nguyện với Lời để khi đã thấy được ánh sáng thì có sức mạnh bước đi trong ánh sáng.

Cầu nguyện thực sự sẽ dẫn đến sự tập luyện để phản ứng và hành động theo Lời Chúa. Càng tập luyện, khả năng đề kháng càng gia tăng, giúp chúng ta chống lại những vi khuẩn nguy hiểm cho đời sống đức tin và kiên cường niềm tin của mình.

Chủ đề của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm nay là “Niềm Vui trong Chúa”. Nhấn mạnh niềm vui trong Chúa hàm nghĩa có những niềm vui ngoài Chúa. Ngay giây phút này, cũng có nhiều bạn trẻ đang đi tìm niềm vui ngoài Chúa: niềm vui đê mê của ma túy, niềm vui cuồng loạn của những cuộc truy hoan… Niềm vui ấy có thật. Chỉ tiếc rằng nó ngắn ngủi và ngay sau đó là chán chường, trống rỗng, vô nghĩa. Còn niềm vui trong Chúa là niềm vui sâu lắng, vững bền, niềm vui thể hiện trên khuôn mặt, trong tiếng hát, nụ cười của các bạn trẻ trong đại hội này. Đó là niềm vui của Lời Chúa, niềm vui của Thánh Giá. Xin cho niềm vui ấy được lớn mãi trong lòng các bạn để các bạn chia sẻ niềm vui ấy cho bạn bè của mình cũng như cho mọi người các bạn gặp gỡ.

Ngày Giới Trẻ giáo phận 2012
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

tgpsaigon.net

Exit mobile version