Giới thiệu Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội
Đức Tổng giám mục Celli nhắc lại rằng, “Trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội mỗi năm, Đức Thánh Cha đều phân tích nền văn hóa truyền thông, đưa ra những hướng dẫn cho con người thời hiện đại và những chỉ dẫn cho hoạt động mục vụ của Giáo Hội. Trong những năm gần đây, Đức Thánh Cha đã rất chú ý đến cách thức và tính năng động của truyền thông, đặc biệt là trong bối cảnh mà tiến bộ công nghệ đã làm nảy sinh những biến đổi về văn hóa”.
Tuy nhiên, năm nay “Đức Thánh Cha lại chú ý đến một khía cạnh ‘cổ điển’ của truyền thông: ‘sự thinh lặng’, hay đúng hơn, khái niệm kép ‘sự thinh lặng và lời nói’. Phương diện này … ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh của nền văn hóa kỹ thuật số”. Đức TGM Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tiếp tục giải thích Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh ra sao đến tầm quan trọng của sự thinh lặng như thành phần của truyền thông đích thực. Thinh lặng có thể là một cách diễn tả, mang lại cho người khác cơ hội để nói và chúng ta có cơ hội lắng nghe, ngẫm nghĩ và suy tư. “Về thực chất, chính trong thinh lặng mà tôi có thể mang lại cho truyền thông ý nghĩa chính xác, và khỏi bị choáng ngợp bởi chính khối lượng thông tin.
Ngài nói thêm: “Thinh lặng có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh mà dòng thác bất tận các vấn đề, trong một nghĩa nào đó, là động lực của nền văn hóa truyền thông hiện đại”. Đức Thánh Cha đưa ra đề nghị: “ngay giữa dòng thác những vấn đề ấy có một vấn đề cơ bản, đó là việc tìm kiếm Chân Lý. Ở đây một lần nữa ta lại thấy tầm quan trọng của thinh lặng, đó là nơi mà con người phải đối diện với chính mình và với Thiên Chúa”. Trong thinh lặng con người khám phá “khả năng nói với Thiên Chúa và nói về Thiên Chúa”.
Vì thế, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc nhở mọi người tham gia vào nhiệm vụ truyền giáo trong đó “cả thinh lặng và lời nói đều là các yếu tố thiết yếu, gắn liền với công việc truyền thông của Giáo Hội, để canh tân việc loan báo Chúa Kitô trong thế giới ngày nay”.
(VIS 24-01-2012)