Lời Chúa Năm A Giới răn trọng nhất trong mọi giới răn?

Giới răn trọng nhất trong mọi giới răn?

Giới răn trọng nhất trong mọi giới răn?

Xh 22,20-26; 1Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40

Để thử thách Chúa Giêsu, những người thuộc phái Sađốc đưa ra một câu hỏi liên quan đến niềm tin về sự sống lại, nhưng họ bị Chúa Giêsu phản bác (Mt 22,23-33). Hôm nay những người thuộc nhóm Pharisiêu chuyển sang tấn công Chúa Giêsu. Nhóm người Pharisiêu và Sađốc tuy là kẻ thù của nhau, nhưng hôm nay họ họp sức lại để thử Người.

Các thầy thông luật của Israel sở hữu một khối lượng lớn những thói quen, lề luật, lớn cũng như nhỏ để làm nên một quy chế nhằm tuân giữ 10 giới răn. Họ đã khám phá trong Kinh thánh có 613 điều luật: 248 điều tích cực được làm và 365 điều tiêu cực nghiêm cấm không được làm. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, đâu là giới răn quan trọng bậc nhất giữa 613 điều luật này?. “Thưa Thầy, trong sách Luât Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”

Để trả lời cho những thắc mắc của nhóm người Pharisiêu và Sađốc, Chúa Giêsu trích lại lời trong Kinh thánh: “Hãy yêu mến Thiên Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” (Đnl 6, 4-5). Sau đó Người trích dẫn thêm: “Hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (Lêvi 19, 18). Tóm lại: “Trong hai điều răn này tất cả đều được xây dựng dựa trên lề luật và các tiên tri”.

Khi trả lời câu hỏi trên, Chúa Giêsu đã cho họ biết giới răn yêu thương cần phải chiếm vị trí ưu tiên trong đời sống của mỗi người. Thiên Chúa là tình yêu và con người được tạo nên giống hình ảnh Chúa. Vì thế, con người được mời gọi đặt tình yêu trên tất cả mọi thứ.

Tình yêu là nguyên tắc căn bản phải thấm nhuần trong tất cả mọi sự. Tình yêu là linh hồn của lề luật và cuộc sống người tín hữu, cá nhân hoặc cộng đoàn. Tình yêu đem lại ý nghĩa cho cuộc sống con người. Tình yêu thúc đẩy chúng ta tự hiến mình, ích kỷ đưa chúng ta đến việc thống trị và chỉ tìm kiếm lợi ích cho riêng mình.

Tình yêu đòi hỏi một sự cố gắng, nổ lực cá nhân và hy sinh thật nhiều. Thử thách không thể tránh khỏi của tình yêu là đau khổ. Khi chúng ta sẵn sàng chịu đau khổ vì một người, chúng ta chứng minh được tình yêu của mình nơi người đó. Khi ta yêu thương thực sự, đau khổ trở nên nhẹ nhàng. Tình yêu làm cho chúng ta yêu mến Thiên Chúa vượt trên tất cả mọi sự, và yêu tha nhân như chính mình. Hai tình yêu này hết hợp nhau chặt chẽ và chúng không thể tách rời nhau được, đến nỗi chúng ta sẽ biểu lộ tình yêu của chúng ta cho Thiên Chúa bằng cách yêu thương và phục vụ anh em mình. Càng yêu mến Thiên Chúa bao nhiêu, chúng ta càng phải yêu mến anh em mình bấy nhiêu.

Cũng tình yêu ấy đã khiến cho chân phước mẹ Têrêsa Calcutta miệt mài lo cho những người nghèo và những người bị bỏ rơi. Trong trái tim của mẹ như thể có một ngọn lửa đang bùng cháy và tiêu hao từng ngày. Mẹ đã không tiết kiệm một chút tình yêu nào dành cho tha nhân, luôn muốn đem ánh sáng của Chúa và nhân ái kitô giáo đến cho những người chưa được nhận biết, chưa được yêu thương, đang sống trong thân phận của những người bị xã hội ruồng bỏ.

Tình yêu đó đã thúc đẩy thánh Piô tự giam mình hàng giờ nơi tòa giải tội để đem đến cho các linh hồn sự tha thứ của Thiên Chúa. Và cũng nơi tòa giải tội, vị linh mục lừng danh đầy khiêm tốn nơi xứ đạo nghèo là Gioan Vianey đã đưa không biết bao nhiêu linh hồn trở về với Chúa trong tâm tình hoán cải thực sự.

Tình yêu đó đã thúc đẩy thánh nữ Têrêxa tự nguyện giam mình trong tu viện như nạn nhân đối với tình yêu thương xót của Chúa Giêsu, để hoán cải những người tội lỗi. Ơn gọi này đối với người đời là một điều khó hiểu, nhưng trước mặt Thiên Chúa đó là thật là quý giá.

Tình yêu làm cho chúng ta thoát ra khỏi chính mình và hướng đến tha nhân, quan tâm đến những nhu cầu của tha nhân như thể là của chính mình. Người ta nói rằng: “Yêu thì không tính toán; người tính toán thì không yêu”.

Tình yêu là thước đo của người Kitô hữu. Chúng ta sẽ được nhìn nhận như là những môn đệ của Chúa Giêsu nếu chúng ta sống hướng đến tha nhân. Không ai có thể nói rằng mình yêu mến Thiên Chúa, nhưng không yêu mến anh em. Vì vậy tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân là hai mặt của một đồng tiền. Ta không thể yêu điều này điều kia mà không để cho tình yêu thấm nhuần trong tất cả mọi thái độ và mọi mối tương quan của mình. Ai sống trong tình yêu thì không thể yêu người này và ghét bỏ kẻ khác, vì tình yêu tạo nên tất cả mọi tương quan. Bằng cách này, trái tim chai đá của chúng ta sẽ được thay đổi thành trái tim bằng thịt, con người già cỗi của chúng ta được biến đổi thành con người mới trong tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.

 G. Võ Tá Hoàng

Exit mobile version