Gv 1, 2-11; Lc 9, 7-9
Đứa trẻ con nghĩ sao nói vậy, nếu lỡ lời vô phép một chút thì còn chấp nhận được. Người lớn mà thắc mắc những câu ngớ ngẩn dễ bị khinh thường, hoặc phải mang tiếng là “giả nai”. Nếu tỏ ra mình thông thái, bách khoa.., thế nào bạn cũng được tặng danh hiệu “dân nổ, dân cưa bom”. Thật là phức tạp đến nỗi cha ông chúng ta nói : sống sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười ở hẹp người chê. Cũng có nhiều đấng bậc lạc quan khuyên con cháu, cứ chà đạp lên dư luận mà sống theo chủ trương : ăn đi trước lội nước theo sau.
Bạn là ai và từ đâu đến ? cứ tưởng người nào mà chẳng có quyền sử dụng câu hỏi xã giao đại loại như thế ! Đúng, ở đời không biết thì dựa cột mà nghe, không hiểu thì khiêm tốn để được giải thích, đâu có gì phải ngại ngùng. Tin mừng hôm nay cho thấy khi Tiểu vương Hêrôđê đã nghe biết tất cả những việc Đức Giêsu đã làm thì phân vân…., Giêsu, ông là ai ? Nếu thắc mắc như đứa trẻ con, với thời gian ta sẽ hiểu về nhân vật nổi tiếng của mình. Nếu dối lòng, tỏ vẻ “ngây thơ cụ”, cũng cần thời gian ta mới rõ hơn thế nào là “cháy nhà ra mặt chuột”.
Xét về tự nhiên, mắt mờ tai điếc, hoặc vô tâm lắm, người ta mới không hề hay biết một nhân vật Giêsu đang hoạt động công khai, đang giảng về nước trời, chữa lành bệnh tật, và làm nhiều phép lạ…. Cũng có thể nói là bất thường, khi trí lòng nhạy bén, tai thính mắt tinh mà lại mù mịt hỏi Giêsu, ông là ai ? Thờ ơ không muốn biết, chẳng cần hiểu, ai sao mình vậy, hoặc cố tình làm ngơ trước một người nổi tiếng, rõ là khác nhau rồi. Dù hôm nay chúng ta là môn đệ, là đám đông thường dân, hay là một Hêrôđê, mỗi người vẫn được tự do để lên tiếng : Đức Giêsu là nhân vật lịch sử đã chết, Đức Giêsu là vĩ nhân đã từng để lại nhiều ấn tượng, hoặc Đức Giêsu là Thiên Chúa cứu độ.
Giêsu, ông là ai ? Có phải là câu hỏi cũ xưa đối với ta không ? Thực hư thế nào, chỉ cần quan sát một chút ta cũng thấy nơi Đức Giêsu có nhiều bí mật, nên không phải người đương thời mà cả xã hội hiện đại, người ta vẫn không ngừng thắc mắc, khám phá, Đức Giêsu là ai ? Với kinh nghiệm ở đời, ta phải bắt đầu với tâm tình của đứa trẻ con : đơn sơ, trong sáng. Ta nhất thiết phải vươn lên làm người trưởng thành : biết cân nhắc, chọn lựa, sử dụng khối óc và trái tim của mình cách tốt nhất.
Sách Giảng viên hôm nay cũng nêu lên các triết lý về cuộc đời : mọi sự đều là phù vân, nhằm giúp mỗi người nên dừng lại để đặt câu hỏi cho những gì ta đang theo đuổi. Đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc đời ? Thực tế hơn, ta đã sẵn sàng, có đủ khiêm tốn để thưa chuyện, để nghe được tiếng nói và hoạt động của Chúa Giêsu trong cuộc sống hôm nay không ? Hàng ngày, hàng tuần ta đến nhà thờ để mong gặp Chúa Giêsu vì yêu mến, hay vì thói quen ? Hy vọng chúng ta đủ khôn ngoan để nói lên niềm tin của mình, Đức Giêsu là Thiên Chúa, đã chết và sống lại để cứu độ loài người chúng ta. Amen.
Lm. Jos. DĐH, GP. Xuân Lộc