Chúa Giê-su, Ngài bước vào vườn dầu cùng với ba môn đệ: Phêrô, Giacôbê và Gioan trong tâm trạng mệt mỏi bởi sau nhiều ngày đi rao giảng, bước chân dường như không còn nhanh nhẹn như lúc đi rao giảng nữa… Mang thân phận con người Chúa Giê-su cũng đau khổ, sợ hãi khi biết mình sắp phải gánh chịu những lằn roi, những sỉ vả, những nhạo báng… mà lẽ ra Ngài không phải chịu. “Ngài bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến xuyến” (Mt 26,37b) nên Ngài đã nói với ba môn đệ đang cùng Ngài ở trong vườn dầu: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt 26,38a), nhưng các môn đệ không hiểu lời Thầy mới nói với mình là gì… nên các ông vẫn thản nhiên để một mình Chúa Giê-su trong tâm trạng buồn đau, cô đơn. Nỗi buồn đau này đã khiến Chúa Giê-su hoàn toàn tê liệt. Ngài đã sấp mình cầu nguyện cùng Cha, Ngài đã bắt đầu bước vào một cuộc chiến giữa ý riêng của mình và ý muốn của Cha. Chưa bao giờ Chúa Giê-su lại yếu đuối đến như vậy. Lúc này Ngài rất cần những người bạn bên cạnh mình. Ngài sợ cô đơn một mình trong cuộc chiến nên đã nói với ba môn đệ:“Anh em hãy ở lại đây mà canh thức với Thầy, đừng bỏ Thầy một mình” (Mt 26,38).
Thế nhưng ba môn đệ thân tín nhất của Chúa đã ngủ vùi, chỉ còn một mình Chúa vẫn thức để cầu nguyện. Phê-rô đã quên mất Thầy đã tiên báo ba lần về cuộc thương khó, cũng như quyết định ăn lễ vượt qua ở đâu, còn Gia-cô-bê và Gio-an thì thản nhiên chẳng biết gì về thảm kịch mà Thầy sắp phải chịu. Khi Phê-rô nghe Thầy nói “Anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?” (Mt 26, 40), các ông cứ tưởng rằng Thầy muốn mình thức với Thầy một giờ là để cho có bạn, nhưng rồi mắt các ông vẫn nặng trĩu và ngủ thiếp đi. Chính giấc ngủ quá vô tư, bình thản nên các ông đã hoàn toàn không biết gì về cơn thử thách mà Thầy mình đang trải qua. Những điều đó đã khiến cho Thầy Giê-su càng thêm đau khổ và càng thêm sự lẻ loi. Có nỗi đau nào đau hơn khi “giờ đã đến” mà những người thân tín nhất của mình lại thờ ơ và dường như vô cảm trước cái đau của mình.
Lạy Chúa, trong cuộc sống hằng ngày, con người luôn phải chiến đấu để nhận ra ý Chúa. Trong vườn dầu, Chúa cũng rất khó khăn khi phải chiến đấu để nhận ra ý Chúa Cha. Chúa đã một mình cô đơn trong cuộc chiến nội tâm. Nhìn vào hình ảnh của Chúa, con đã tự hỏi: Nỗi cô đơn trong con hiện nay là gì? Nỗi cô đơn nào đã làm con lo sợ khiến con không dám buông mình tín thác vào Chúa?
Sự lẻ loi của Chúa đã khiến con suy nghĩ về cuộc đời con. Trên con đường theo Chúa con cũng đã cảm nếm được sự cô đơn, hãi hùng đến toát mồ hôi lạnh, nhưng có lẽ nỗi cô đơn, sự sợ hãi của con Chưa thấm vào đâu so với nỗi đau và sự cô đơn của Chúa. Sự trách móc, than phiền, buồn sầu, đau khổ của con khi nhận được món quà mà Chúa đã dành tặng cho con khi xưa có lẽ đã làm cho Chúa rất buồn. Con đã làm tăng thêm sự cô đơn, lẻ loi của Chúa. Giờ đây nhìn và ngắm món quà đó, con nhận ra và thấu hiểu được tình yêu của Chúa dành cho con. Món quà đó gói trọn một tình yêu cho đi tất cả mà không giữ lại gì riêng cho bản thân và một tình yêu hy sinh đến giọt máu cuối cùng của Chúa. Giờ đây nhìn ngắm món quà con đã rơi những giọt nước mắt hạnh phúc chứ không phải khóc vì đau khổ nữa.
Chúa ơi! Con cũng giống như các tông đồ xưa của Chúa. Con cũng là một người được Chúa tuyển chọn, và cũng là một môn đệ thân tín của Chúa trong ơn gọi Mến Thánh Giá. Cuộc đời của con cũng được mời gọi theo sát Chúa. Trong những ngày này con đang được sống lại những giây phút cuối cùng trên dương thế của Chúa, con cảm nhận được đây là thời gian thân mật nhất của mối tình Chúa và con, cũng là thời gian con được ở lặng bên Chúa để ngắm nhìn, cảm nếm về một tình yêu vĩ đại trong con đường tình mà Chúa dành cho con. Xin Chúa thức tỉnh tâm hồn con, để con cũng dám can đảm bước vào vườn dầu cùng Chúa, và để cảm nhận tình yêu và ơn cứu độ của Chúa dành cho con và toàn thể nhân loại, để con luôn biết kiên trung với Chúa và sẵn sàng Loan Tin Mừng của Chúa.
Anna Hải Yến, Học viện MTG. Thủ Đức