Giáo lý về chữa lành thế giới: 2. Đức tin và phẩm giá con người

74

Vì tình hình dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn, buổi tiếp kiến sáng nay, thứ tư 12/08/2020, diễn ra tại thư viện Tông tòa Vatican. Hôm nay ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về chữa lành thế giới với chủ đề : Đức tin và phẩm giá con người.

Anh chị em thân mến

Đại dịch đã cho thấy rõ tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương và mối liên hệ giữa mọi người với nhau như thế nào. Nếu chúng ta không chăm sóc lẫn nhau, bắt đầu từ những người nhỏ bé nhất, những người bị tác động nhiều nhất, bao gồm các thụ tạo, thì chúng ta không thể chữa lành thế giới.

Điều đáng khen là nỗ lực của rất nhiều người trong những tháng gần đây, đã và đang đưa ra bằng chứng của tình yêu nhân loại và Kitô giáo dành cho tha nhân, bằng cách tự hiến mình cho các bệnh nhân ngay cả khi gặp rủi ro đối với sức khỏe của mình. Họ là những anh hùng. Tuy nhiên, coronavirus không phải là căn bệnh duy nhất phải chiến đấu, mà hơn thế nữa, đại dịch đã làm sáng tỏ những căn bệnh xã hội rộng lớn hơn. Một trong những căn bệnh đó là cái nhìn méo mó về con người, một cái nhìn phớt lờ nhân phẩm và mối quan hệ con người. Đôi khi chúng ta nhìn người khác như đồ vật, sử dụng và bỏ đi. Thật vậy, cái nhìn kiểu này gây ra mù quáng và xúi giục nền văn hóa vất bỏ mang tính chủ nghĩa cá nhân và hung hăng, biến con người thành mặt hàng tiêu thụ (Tông huấn Evangelii Gaudium, 53; thông điệp Laudato Sì, 22)

Tuy nhiên, dưới ánh sáng đức tin, chúng ta biết rằng Thiên Chúa nhìn con người theo cách khác. Ngài tạo nên chúng ta không phải như đồ vật nhưng như những người được yêu thương và có khả năng yêu thương. Ngài đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh và họa ảnh của Ngài (St 1,27). Theo cách này, Ngài đã ban cho chúng ta một phẩm giá độc đáo, mời gọi chúng ta sống hiệp thông với Ngài, hiệp thông với anh chị em của chúng ta, trong việc tôn trọng tất cả thụ tạo. Chúng ta có thể nói đó là sự hiệp thông, hòa hợp.  Việc sáng tạo là sự hòa hợp mà qua đó chúng ta được kêu gọi để sống. Qua sự hiệp thông, hòa hợp này Thiên Chúa ban cho chúng ta khả năng sinh sản và bảo vệ cuộc sống (St 1,28-29), lao động và chăm sóc trái đất (St 2,15; Laudato Sì 67). Chúng ta phải hiểu rằng việc sinh sản và bảo vệ cuộc sống phải có sự hòa hợp nếu không nó sẽ bị phá hủy.

Từ cái nhìn chủ nghĩa cá nhân đó, một cái nhìn không hòa hợp, chúng ta có một ví dụ trong Tin mừng, qua lời thỉnh cầu của mẹ hai vị tông đồ Giacôbê và Gioan với Chúa Giêsu (Mt 20,20-28). Bà muốn rằng các con của bà có thể ngồi bên tả và bên hữu của vị vua mới. Nhưng Chúa Giêsu đề nghị một giải pháp khác: đó là phục vụ và hiến mạng sống vì người khác, và ngay sau đó Ngài xác nhận điều này bằng cách phục hồi thị giác cho hai người mù và làm cho họ thành môn đệ của Ngài (x. Mt 20,29-34). Cố gắng trèo cao để trỗi vượt hơn người khác trong cuộc sống, điều đó phá hủy sự hòa hợp. Đó là luận lý của sự thống trị, thống trị người khác. Hòa hợp là cái gì đó khác biệt: đó chính là phục vụ.

Vì thế chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta đôi mắt biết quan tâm đến anh chị em của mình, nhất là những người đang đau khổ. Là người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không muốn trở thành người dững dưng, theo chủ nghĩa cá nhân. Đó là hai thái độ tồi tệ đi ngược lại với sự hòa hợp. Dững dưng: tôi nhìn tha nhân theo hướng khác. Chủ nghĩa cá nhân: tôi chỉ quan tâm đến lợi ích của tôi thôi. Sự hòa hợp được Thiên Chúa tạo nên đòi hỏi chúng ta nhìn đến người khác, những nhu cầu của họ, những vấn đề của họ, trong sự hòa hợp. Nếu chúng ta muốn công nhận phẩm giá con người nơi mỗi người, bất kể chủng tộc, ngôn ngữ, thân phận ra sao, thì sự hòa hợp đưa bạn đến việc nhận ra phẩm giá con người, đó là sự hòa hợp được Thiên Chúa tạo nên với con người là trung tâm.

Công đồng Vatican II nhấn mạnh rằng phẩm giá này là bất khả xâm phạm, bởi vì “nó được tạo nên giống hình ảnh Chúa” (Hiến chế Gaudium et spes, 12). Nó là nền tảng của toàn bộ cuộc sống xã hội và quyết định cho các nguyên tắc hoạt động. Trong nền văn hóa đương đại, tham chiếu gần nhất với nguyên tắc về phẩm giá bất khả xâm phạm của con người là Tuyên ngôn Nhân quyền của thánh Gioan Phaolô II, xác định như một “cột mốc trên hành trình dài và khó khăn của nhân loại”  và như “một trong những biểu hiện cao nhất của lương tâm con người”. Quyền lợi không chỉ mang tính cá nhân mà còn mang tính xã hội; chúng là của các dân tộc, các quốc gia. Trên thực tế, con người với phẩm giá cá nhân của mình là một thực thể xã hội, được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh của một Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi. Chúng ta là những sinh vật thuộc xã hội, chúng ta cần phải sống trong một xã hội hài hòa này, nhưng khi có sự ích kỷ, chúng ta không nhìn người khác, nhìn cộng đoàn mà trở về với chính mình và điều này khiến chúng ta thành kẻ tồi, xấu xí, ích kỷ, phá hủy sự hài hòa.

Nhận thức đổi mới về phẩm giá của mỗi con người có những tác động nghiêm trọng về xã hội, kinh tế, chính trị. Nhìn vào anh chị em và mọi thụ tạo như một món quà nhận được từ tình yêu của Chúa Cha sẽ khơi dậy hành vi quan tâm, chăm sóc và ngạc nhiên. Vì vậy, người tín hữu hãy xem tha nhân như anh chị em mình chứ không như người ngoại, nhìn họ với lòng trắc ẩn và cảm thông chứ đừng nhìn họ với sự khinh thường hay hằn học. Và khi chiêm ngắm thế giới dưới ánh sáng đức tin, nhờ sự trợ giúp của ân sủng, chúng ta hãy gắng sức phát triển khả năng sáng tạo và lòng nhiệt thành của mình để giải quyết những bi thương của lịch sử. Chúng ta ý thức và phát triển khả năng của mình như một trách nhiệm nảy sinh từ đức tin, như món quà của Thiên Chúa đưa đến để phục vụ con người và thụ tạo.

Đang khi tất cả chúng ta đều làm việc để chữa khỏi một loại virus đang tác động đến tất cả mọi người mà không phân biệt, niềm tin thôi thúc chúng ta dấn thân cách nghiêm túc và tích cực để chống lại sự thờ ơ trước những vi phạm nhân phẩm con người.

Nền văn hóa thờ ơ đi kèm với văn hóa vất bỏ: những thứ không can dự gì đến tôi, tôi không quan tâm. Đức tin luôn đòi hỏi chúng ta hãy để cho mình được chữa lành và hoán cải khỏi chủ nghĩa cá nhân, dù cá nhân hay tập thể; chẳng hạn như chủ nghĩa cá nhân thuộc đảng phái.

Xin Thiên Chúa “phục hồi thị giác” cho chúng ta để chúng ta tái khám phá ý nghĩa của việc trở thành thành viên trong gia đình nhân loại là như thế nào. Và xin cho cái nhìn này đưa chúng ta đến những hành động cụ thể của lòng trắc ẩn và kính trọng mọi người, chăm sóc và bảo vệ vì ngôi nhà chung của chúng ta.

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ