Giáo lý về 8 mối phúc : 3 – Phúc cho ai sầu khổ vì họ sẽ được ủi an

267
Tiếp tục loạt bài giáo lý về các mối phúc, sáng nay tại hội trường Phaolô VI, Đức Thánh cha Phanxicô tập trung vào mối phúc thứ 2 “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được ủi an (Mt 5,4). Sau khi tóm tắt bài giáo lý bằng các thứ tiếng và chào thăm các kitô hữu đang hiện diện, ĐTC mời gọi mọi người cầu nguyện cho đất nước Syria mau chóng có được hòa bình sau nhiều tháng ngày đổ máu, và ĐTC cũng không quên mời mọi người cầu nguyện cho Trung Quốc mau vượt qua khỏi nạn dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra, càng sớm càng tốt.
3. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được ủi an (Mt 5,4)

Anh chị em thân mến

Chúng ta đã bắt đầu hành trình về các Mối phúc và hôm nay chúng ta tập trung vào mối phúc thứ hai : Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được ủi an.

Trong tiếng Hy lạp, ngôn ngữ viết ra Tin mừng, mối phúc này được diễn tả không phải bằng một động từ thụ động – thực vậy, các mối phúc không phải chịu đựng cảnh tang tóc này – nhưng mang tính tích cực: “sầu não”; than khóc, nhưng ở trong lòng. Thái độ đó đã trở thành tâm điểm trong linh đạo kitô giáo và trong linh đạo của các giáo phụ sa mạc, những tu sĩ đầu tiên của lịch sử, gọi nó là “penthos”, nghĩa là đau khổ nội tâm, nó mở ra mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân; một mối tương quan mới mẻ với Chúa và với tha nhân.

Theo Kinh thánh, sự than khóc này có thể có hai khía cạnh: trước hết là dành cho người chết hoặc dành cho một số người đau khổ. Khía cạnh thứ hai là những giọt nước mắt dành cho tội lỗi – vì tội lỗi của mình – khi con tim rướm máu vì nỗi đau đã xúc phạm đến Chúa.

Cho nên đó là vấn đề yêu thương tha nhân theo cách ràng buộc chúng ta với họ để chia sẻ với nỗi đau của họ. Có những người vẫn còn cách xa, lùi sau một bước; nhưng mà điều quan trọng là họ thuyết phục được tâm hồn chúng ta.

Tôi vẫn thường nói về hồng ân nước mắt, nó quý giá dường bao[1]. Người ta có thể yêu cách lạnh lùng được không? Người ta có thể yêu vì chức vụ, vì bổn phận không? Chắc chắn là không. Có những người sầu khổ được an ủi, nhưng đôi khi cũng có những người được an ủi làm họ lo âu, làm họ thức tỉnh, họ có con tim bằng đá, không còn biết than khóc là gì, thức tỉnh những người không biết lay động vì nỗi đau của người khác.

Chẳng hạn, tang chế là một con đường cay đắng, nhưng có thể hữu ích khi mở mắt nhìn cuộc sống và nhìn vào các giá trị thiêng liêng và không người nào có thể thay thế, và lúc đó ta mới nhận ra được thời gian ngắn ngủi như thế nào.

Ý nghĩa thứ hai cho mối phúc đầy nghịch lý này là : khóc vì tội lỗi.

Ở đây chúng ta cần phân biệt: có những người tức giận vì họ phạm sai lầm. Nhưng đây là người kiêu ngạo. Trái lại, có người khóc vì đã làm điều xấu, vì đã bỏ sót những điều tốt đẹp, đã phản bội mối tương quan với Chúa.

Đây là tiếng khóc vì đã không yêu thương, bắt nguồn từ sự quan tâm đến cuộc sống của người khác. Ở đây người ta khóc vì không xứng với Chúa, Đấng yêu thương chúng ta rất nhiều, và chúng ta buồn vì nghĩ về những điều tốt chưa thực hiện được; đây là ý nghĩa của tội lỗi. Những người này nói : “Tôi đã làm tổn thương người tôi yêu”, và điều này khiến họ đau khổ đến nỗi rơi lệ. Thiên Chúa sẽ chúc phúc nếu những giọt nước mắt này xảy ra.

Đây là đề tài về những sai lầm mà chúng ta phải đối mặt, khó khăn nhưng quan trọng.

Chúng ta hãy nghĩ đến giọt nước mắt của thánh Phêrô, điều đó đã dẫn ngài đến với một tình yêu mới mẽ và chân thật hơn: đó là giọt nước mắt tinh khiết, được đổi mới. Thánh Phêrô nhìn Chúa Giêsu và khóc: tâm hồn của ngài được đổi mới. Khác với Giuđa, không chấp nhận mình sai lỗi, và con người tội nghiệp này đã tự sát. Hãy hiểu tội lỗi là ơn của Thiên Chúa, là công trình của Chúa Thánh Thần. Chỉ một mình chúng ta thì không thể hiểu được tội lỗi là gì. Đó là ân sủng chúng ta cần phải kêu xin. Lạy Chúa, con hiểu được điều dữ mà con đã làm hay con có thể làm. Đây là một món quà rất tuyệt vời và sau khi hiểu được điều này, giọt lệ thống hối sẽ xảy đến.

Một trong những tu sĩ đầu tiên, Ephrem, người Syria nói rằng: khuôn mặt được rửa bằng nước mắt là một khuôn mặt xinh đẹp tuyệt vời (x. bài giảng khổ chế). Vẻ đẹp của sự ăn năn, vẻ đẹp của nước mắt, của hối hận. Như mọi khi, cuộc sống kitô giáo có được biểu hiện tốt nhất nơi lòng thương xót. Khôn ngoan và hạnh phúc là người biết chấp nhận nỗi đau gắn bó với tình yêu, bởi vì người đó sẽ nhận được sự an ủi của Thánh Thần, Ngài là sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng tha thứ và chữa lành. Thiên Chúa luôn luôn tha thứ: chúng ta đừng quên điều này. Thiên Chúa luôn luôn tha thứ, cả những tội lỗi tồi tệ nhất, Ngài vẫn thứ tha. Vấn đề là ở chúng ta, chúng ta mệt mỏi khi cầu xin tha thứ, chúng ta khép lòng và không cầu xin tha thứ. Đây là vấn đề; nhưng Ngài luôn hiện diện ở đó để thứ tha.

Chúng ta luôn nhớ rằng Thiên Chúa “không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 103,10), chúng ta đang sống trong lòng thương xót và từ bi, làm xuất hiện trong chúng ta tình yêu.

Xin Chúa ban cho chúng ta một tình yêu dồi dào, yêu thương bằng nụ cười, bằng gần gũi, bằng phục vụ và cả bằng nước mắt.

KÊU GỌI CẦU NGUYỆN CHO SYRIA VÀ TRUNG QUỐC

Tôi muốn mọi người trong lúc này hãy cầu nguyện cho đất nước Syria yêu dấu và đau khổ. Rất nhiều gia đình, người già, trẻ em, phải chạy trốn chiến tranh. Syria đã đổ máu từ nhiều năm qua. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Syria.

Một lời cầu nguyện cho anh chị em Trung Quốc của chúng ta đang đau khổ vì bị căn bệnh tàn khốc này. Xin cho họ tìm được cách phục hồi càng sớm càng tốt.


[1] Xem Tông huấn Christus vivit, 76; Bài giảng cho giới trẻ tại Đại học thánh Toma, Manila, 18/01/2015; Bài giảng thứ tư lễ tro, 18/03/2015.

Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Nguồn tin: w2.vatican.va