Giáo Hội và người tị nạn
Năm nay Cao ủy Tỵ nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) –cơ quan Liên Hợp Quốc giúp đỡ người tị nạn, thành lập cách nay 60 năm–, đánh dấu Ngày tị nạn thế giới với một chương trình phong phú và đa dạng gồm nhiều sự kiện tại nhiều địa điểm trên khắp thế giới và khởi động một chiến dịch mới nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu. UNHCR sẽ bắt đầu tung ra chiến dịch đa phương tiện có tên gọi “Một” vào tuần tới. Trong vòng sáu tháng tới, chiến dịch này làm gia tăng nhận thức về nạn cưỡng bức di cư và tình trạng không quốc tịch bằng những chứng từ cụ thể. Chiến dịch này mang thông điệp “Một người tị nạn không có hy vọng cũng là quá nhiều”.
Nhân dịp này, Đức hồng y Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Mục Vụ cho người Di Dân và Du mục, trong bài trả lời phỏng vấn Đài Vatican, đã nói về đóng góp của Giáo Hội:
“Giáo Hội hiện diện với những người tị nạn và những người di dân trong nước theo nhiều cách khác nhau. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự tham gia của các Hội đồng Giám mục hay các giám mục địa phương. Linh mục và các nữ tu đang hiện diện với họ trong các trại tị nạn. Ở một số nơi, giám mục coi trại tị nạn như một giáo xứ, và chăm sóc như một giáo xứ. Ngoài ra, nhiều dòng tu có các tu sĩ dấn thân phục vụ người tị nạn, và có người lại tham gia Tổ chức giúp đỡ người tị nạn của Dòng Tên. Tổ chức này được cha Arrupe, Bề trên Tổng quyền Tên, thành lập năm 1980 để giúp các thuyền nhân Việt Nam.
Ủy ban Công giáo Di trú quốc tế cũng có một vai trò đặc biệt. Ủy ban này chuyên giúp người tị nạn tái định cư tại các nước thứ ba. Hơn một triệu người đã được tái định cư. Ngoài ra, Ủy ban cũng tham gia vào các dự án kinh tế xã hội khác nhau, chẳng hạn như vi-tín dụng.
Còn về Caritas, cả ở cấp giáo phận và cấp quốc gia, tổ chức này đã trợ giúp bằng nhiều cách khác nhau, từ viện trợ khẩn cấp đến trực tiếp tham gia điều hành các trại tị nạn. Caritas cũng tham gia tư vấn cho những người tị nạn bị khủng hoảng tinh thần, và tái hội nhập các trẻ em từng bị bắt buộc cầm súng.
Một trong những thách thức mới là hiện diện với những người tị nạn tại đô thị. Đây là một hiện tượng mới, ngày càng gia tăng; hiện nay một nửa trong số họ định cư ở các thành phố. Một trong những vấn đề là làm thế nào để tiếp cận họ vì họ đã trở thành vô hình trong đám đông, đặc biệt là trong các khu nhà ổ chuột”.
Tại Vatican, sau khi đọc kinh Truyền Tin Chúa nhật 17 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đưa ra nhận định về Ngày tị nạn thế giới: “Ngày này tìm cách thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến tình cảnh của nhiều người, đặc biệt là các gia đình, những người buộc phải trốn chạy khỏi quê hương mình vì bị đe dọa bởi cuộc xung đột vũ trang và các hình thức bạo lực nghiêm trọng”. Đức Thánh Cha cam đoan “Tòa Thánh hằng cầu nguyện và quan tâm đến các anh chị em đang bị bị thử thách nặng nề, đồng thời cũng bày tỏ hy vọng các quyền của họ luôn được tôn trọng và họ sớm có thể được đoàn tụ với những người thân yêu của mình”.
(Tổng hợp từ VIS và Vatican Radio)
Minh Đức