Giáo hội Pháp và Đức mừng 50 năm cuộc hòa giải Đức-Pháp:
“Yêu thương kẻ thù là một đòi hỏi quyết liệt của Tin Mừng”
WHĐ (19.01.2013) – Nhân kỷ niệm 50 năm ký hiệp ước hợp tác Pháp-Đức, hai Hội đồng Giám mục Pháp và Đức đã ra Tuyên bố chung.
Cách nay 50 năm, ngày 8 tháng Bảy 1962, sau lễ ký Hiệp ước Elysée, Tổng thống Pháp Charles De Gaulle và Thủ tướng Đức Konrad Adenauer đã tham dự Thánh lễ Hòa giải tại nhà thờ Chính tòa Reims.
Sau đây là trích lược bản Tuyên bố chung của hai Hội đồng Giám mục Pháp và Đức:
“Hiệp ước Elysée đã trở thành cao điểm của cuộc hòa giải giữa hai quốc gia cựu thù và là khởi điểm sự phát triển bền vững các mối quan hệ hữu nghị qua các cuộc tiếp xúc chính trị và xã hội trên mọi cấp độ. Chúng tôi, các giám mục, hoan nghênh tất cả những gì đã được thực hiện và phát triển trong khuôn khổ Hiệp ước hữu nghị này.
Ngày nay, tình hữu nghị Pháp-Đức đã là điều hiển nhiên và các nhà chức trách chính trị cũng như mọi công dân, trong cuộc sống hằng ngày, không còn phải lưu ý về tính chất bất thường của những mối quan hệ này. Tuy nhiên, tình hữu nghị ngày nay giữa hai quốc gia và hai dân tộc chúng ta có ý nghĩa quyết định hơn bao giờ hết, giúp vượt qua cuộc khủng hoảng hiện thời và định hình cho tương lai của châu Âu.
Tình hữu nghị Pháp-Đức, vốn có vai trò trung tâm trong việc giữ cho châu Âu được thống nhất, luôn nhằm phục vụ châu Âu. Ngay cả trong một Liên minh châu Âu mở rộng, ý nghĩa của cặp đôi Pháp-Đức vẫn không hề mất đi”.
Tuy nhiên “Cuộc khủng hoảng đã cho thấy có những cách xử sự vô trách nhiệm ở những mức độ khác nhau và đặt sự đoàn kết giữa các nước châu Âu vào một thử thách nghiệt ngã. Vì tương lai châu Âu, sự đoàn kết và tinh thần trách nhiệm phải được liên kết với nhau chặt chẽ hơn nữa”.
Thủ tướng Konrad Adenauer và Tổng thống Charles De Gaulle “là hai biểu tượng cho nhận thức: chính trị được xây trên nền móng mà bản thân chính trị không thể tự mình dựng nên được. Lòng yêu thương kẻ thù là một đòi hỏi mạnh mẽ của Tin Mừng, đã được hai nhà lãnh đạo quốc gia này thực hiện thành công. Từ đó, Liên minh châu Âu đã mang lại cho người dân của mình nền hòa bình và sự thịnh vượng.
Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng kinh tế, chúng ta thấy đang xuất hiện trở lại nơi các dân tộc châu Âu sự miệt thị và ngờ vực, không chấp nhận kiều dân, từ chối sự liên đới.
Nền kinh tế toàn cầu hóa và sự pha trộn văn hóa, tôn giáo đang phát sinh những kẻ thù khác. Hầu như khắp châu Âu đang nở rộ các phong trào dân túy và cổ võ lối sống quay về với cái tôi của mình.
Như vậy, cuộc khủng hoảng kinh tế đang bộc lộ một cuộc khủng hoảng về đạo đức, trong đó ý nghĩa cuộc sống không còn bao gồm mối liên hệ với tha nhân và sự đòi hỏi của lẽ công bằng.
Nước Pháp và nước Đức có thể và cần phải rút ra được từ lịch sử cuộc hòa giải và tình hữu nghị của mình nguồn sức mạnh nhằm cùng nhau giải quyết những vấn đề hiện nay. Hai nước cũng có thể tìm được ở đó nguồn cảm hứng nhằm giúp Liên minh châu Âu thiết lập những cơ cấu chính trị vững chắc, lâu dài, và xây dựng nền kinh tế thị trường chân chính. Hai nước có thể cùng nhau làm việc để việc xây dựng châu Âu luôn được dẫn dắt bởi sư tôn trọng phẩm giá con người, mối quan tâm đối với công ích và nguyên tắc luôn trợ giúp cho nhau”.
Bản Tuyên bố cũng nêu rõ, việc mừng 50 năm cuộc hòa giải giữa hai nước Pháp và Đức cũng dành cho Giáo hội, vốn đã góp phần vào việc phát triển quan hệ hữu nghị Pháp-Đức, một cơ hội để “đặc biệt nhắc cho thế hệ trẻ biết hòa giải không phải là một từ vô nghĩa, nhưng là một con đường đích thực đã được hai nước chúng ta dùng trong lịch sử và vẫn còn mở ra cho những con người có thiện chí”.
(Theo VIS, 18-1-2013)