Trong bài giáo lý sáng thứ tư 19/06 tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha tiếp tục khai triển đề tại về Giáo hội. Giáo hội là thân thể Đức Kitô. Để là thành phần của Giáo hội nghĩa là phải hiệp nhất với Chúa Kitô. Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người xin ơn Chúa nâng đỡ để giải thoát khỏi những cám dỗ chia rẽ và đấu tranh với nhau, cùng dấn thân cho công cuộc hiệp nhất của Giáo hội.
Anh chị em thân mến
Tôi muốn bắt đầu bằng bản văn Công vụ Tông đồ, một bản văn chúng ta biết rất rõ : Sự hoán cải của Saolô, người sẽ được gọi là Phaolô, một trong những gương mặt rao giảng tin mừng vĩ đại (x. Cv 9,4-5). Saolô là người bách hại các kitô hữu, trong khi đang đi trên đường đến thành Damasco, thình lình luồng ánh sáng cuộn lấy ông, làm ông té ngã xuống đất và ông nghe có tiếng nói với ông : “Saolô, Saolô tại sao ngươi bắt bớ ta?”. Phaolô hỏi lại : “Người là ai?”, tiếng đó đáp lại : “Ta là Giêsu, là người mà ngươi đang bắt bớ” (x. Cv 3-5). Kinh nghiệm này của thánh Phaolô nói cho chúng ta về sự kết hiệp thâm sâu giữa chúng ta, các kitô hữu với chính Đức Kitô. Khi Đức Giêsu lên trời, Người không bỏ chúng ta mồ côi, nhưng với ơn Chúa Thánh Thần hiệp nhất với Người trở nên mạnh mẽ hơn. Công đồng Vatican II minh định rằng “khi thông truyền Thần Khí của Người, Chúa Giêsu thiết lập một cách thần bí như thân mình Người các anh em Người, được mời gọi từ mọi dân tộc” (LG, 7).
Hình ảnh thân thể giúp chúng ta hiểu được sự nối kết chặt chẽ giữa Giáo hội và Chúa Kitô, mà thánh Phaolô đã khai triển cách đặc biệt trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô (x. 1Cr 12). Trước hết, thân thể gợi lên cho chúng ta một thực tại sống động. Giáo hội không phải là một hiệp hội cứu trợ, văn hóa hay chính trị, nhưng là một thân thể sống động, bước đi và hoạt động trong lịch sử. Thân thể này có đầu là Đức Giêsu hướng dẫn, nuôi dưỡng và nâng đỡ. Đây là điểm mà tôi muốn nhấn mạnh : Nếu đầu bị tách ra khỏi phần còn lại của thân thể, toàn bộ con người không thể sống. Giáo hội cũng thế : Chúng ta luôn phải duy trì mối liên kết mạnh mẽ hơn với Chúa Giêsu. Nhưng không chỉ điều này : Giống như trong một thân thể, điều quan trọng là nhựa sống đi qua để thân thể sống. Như vậy chúng ta phải để cho Chúa Giêsu hành động trong chúng ta, để cho Lời Người hướng dẫn chúng ta, để cho sự hiện diện bí tích của người nuôi dưỡng chúng ta, linh hoạt chúng ta, để cho tình yêu của Người là sức mạnh cho tình yêu tha nhân của chúng ta. Luôn luôn, luôn luôn như vậy.
Anh chị em thân mến! Chúng ta duy trì sự hiệp nhất với Chúa Giêsu, tin tưởng vào Người, định hướng cuộc sống mình theo Tin mừng, nuôi dưỡng mình bằng việc cầu nguyện hằng ngày, lắng nghe Lời Chúa, tham dự các Bí tích.
Đến đây tôi nói tới khía cạnh Giáo hội như là thân thể Chúa Kitô. Thánh Phaolô minh định rằng giống như những chi thể của thân thể con người, dù khác biệt và đông số, nhưng hình thành nên chỉ một thân thể. Như vậy tất cả chúng ta được rửa tội nhờ chỉ một Thánh Thần trong một thân thể (x. 1Cor 12,12-13). Vì thế, trong Giáo hội có sự khác nhau, khác nhau về nhiệm vụ, về chức năng; không có sự đồng nhất đần độn, nhưng là sự phong phú của những ân sủng do Chúa Thánh Thần ban phát. Vì thế, có sự hiệp thông và hiệp nhất : Tất cả trong tương quan hiệp nhất với người khác và tất cả góp phần để hình thành một thân thể sống động liên kết chặt chẻ với Đức Kitô.
Anh chị em nhớ rõ điều này : là thành phần của Giáo hội nghĩa là được hiệp nhất với Chúa Kitô và lãnh nhận từ Người sự sống thần linh, sự sống làm cho chúng ta sống như những kitô hữu; nghĩa là duy trì sự hiệp nhất với Đức Thánh Cha, với các Giám mục là những công cụ của sự hiệp nhất và hiệp thông, cũng có nghĩa là phải học để vượt qua chủ nghĩa cá nhân và chia rẽ, để hiểu biết vững chắc hơn, để hòa hợp những khác biệt và những phong phú của mỗi người. Tắt một lời là yêu mến Chúa và những người thân cận, trong gia đình, hiệp hội. Để sống được, thân thể và các chi thể phải hiệp nhất với nhau. Hiệp nhất luôn ở cấp cao hơn các xung đột. Các xung đột không có kết thúc tốt đẹp, nó phân tách chúng ta với nhau, phân tách chúng ta với Chúa. Sự xung đột có thể giúp chúng ta thăng tiến nhưng cũng có thể chia rẽ chúng ta. Chúng ta không thể đi trên con đường của chia rẽ và đấu tranh giữa chúng ta với nhau. Tất cả hiệp nhất với những khác biệt, nhưng luôn phải hiệp nhất: đây là con đường của Chúa Giêsu. Hiệp nhất luôn ở cấp cao hơn các xung đột. Hiệp nhất là ơn mà chúng ta phải xin Thiên Chúa để giải thoát chúng ta khỏi những cám dỗ chia rẽ, đấu tranh giữa chúng ta với nhau, khỏi những ích kỷ, những lời bêu rếu. Biết bao nhiêu điều xấu xa tạo ra những lời bêu rếu, bao nhiêu điều xấu! Đừng bao giờ bêu rếu người khác! Biết bao nhiêu tổn thất đã gây ra cho Giáo hội những chia rẽ giữa các kitô hữu, những chú ý hẹp hòi.
Những chia rẽ giữa chúng ta, cũng như giữa những cộng đoàn với nhau như : các tín hữu Tin lành, Chính thống, Công giáo, tại sao lại chia rẽ? Chúng ta phải cố gắng đem lại sự hiệp nhất. Tôi kể cho anh chị em một chuyện : Hôm nay, trước khi ra khỏi nhà, được 40 phút, hơn kém nửa giờ gì đó, với một Mục sư tin lành, chúng tôi đã cầu nguyện chung với nhau, tìm sự hiệp nhất. Chúng ta phải cầu nguyện giữa những người công giáo với nhau, hoặc với những người kitô hữu khác, cầu nguyện để Thiên Chúa ban cho chúng ta sự hiệp nhất, hiệp nhất giữa chúng ta. Nhưng làm sao có được sự hiệp nhất nếu giữa chúng ta những người công giáo không có khả hiệp nhất? Không có sự hiệp nhất trong gia đình? Biết bao nhiêu gia đình đấu đá nhau rồi chia tay nhau! Anh chị em hãy tìm kiếm sự hiệp nhất, hiệp nhất làm nên Giáo hội. Hiệp nhất đến từ Chúa Giêsu Kitô. Người sai Chúa Thánh Thần đến với chúng ta để làm nên sự hiệp nhất.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa : nâng đỡ chúng là những chi thể của Thân Thể Giáo Hội luôn được liên kết chặt chẽ với Đức Kitô; nâng đỡ chúng ta để không tạo nên đau khổ cho Thân Thể Giáo Hội bằng những xung đột, chia rẻ, ích kỷ; nâng đỡ chúng ta để các chi thể sống động được liên kết với nhau bằng một sức mạnh duy nhất, sức mạnh tình yêu mà Chúa Thánh Thần đổ vào trong mọi tâm hồn mỗi người chúng ta (x. Rm 5,5).