Giáo Hội là mẹ sinh chúng ta vào cuộc sống trong Chúa Kitô và dưỡng nuôi chúng ta bằng Lời Chúa và các Bí Tích. Giáo Hội không phải là các linh mục hay các giám mục, mà là tất cả chúng ta. Chúng ta tất cả là con cái Giáo Hội nhưng chúng ta tất cả cũng là mẹ của các kitô hữu khác. Biết bao nhiêu lần trong cuộc sống chúng ta đã không làm chứng tá cho chức làm mẹ này của Giáo Hội.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 3-9-2014 tại quảng trường thánh Phêrô.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý chức làm mẹ của Giáo Hội. Ngài nói: chúng ta không tự mình trở thành tín hữu kitô với sức riêng của mình, một cách độc lập, cũng không trở thành kitô hữu trong phòng thí nghiệm, nhưng được sinh ra và làm cho lớn lên trong đức tin bên trong thân mình vĩ đại là Giáo Hội, mẹ chúng ta, một bà mẹ trao ban cho chúng ta sự sống trong Chúa Kitô và làm cho chúng ta sống với tất cả các anh chị em khác trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần.
Trong chức làm mẹ của mình Giáo Hội có Đức Trinh Nữ Maria là mẫu gương xinh đẹp và cao cả nhất. Đó là điều các cộng đoàn kitô tiên khởi đã đưa ra ánh sáng, và Công Đồng Chung Vaticăng II đã trình bầy một cách đáng ca ngợi (LG 63-64). Chức làm mẹ của Đức Maria chắc chắn là duy nhất, riêng biệt và được thành toàn, khi thời gian tới hồi viên mãn, lúc Đức Trinh Nữ cho chào đời Con Thiên Chúa, được thụ thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần. Giáo Hội tiếp nối và kéo dài chức làm mẹ ấy của Đức Maria trong dòng lịch sử. Trong sự phong phú của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tiếp tục sinh ra các người con mới trong Chúa Kitô, luôn luôn lắng nghe Lời Chúa và ngoan ngoãn với chương trình tình yêu của Người. Thật thế, biến cố Chúa Giêsu sinh ra trong lòng Đức Maria báo trước việc sinh ra của mỗi kitô hữu trong lòng Giáo Hội, từ lúc Chúa Kitô là trưởng tử của đoàn em đông đúc (Rm 8,29), và Chúa Giêsu Người Anh thứ nhất của chúng ta đã sinh ra từ Đức Maria, là mẫu gương, và tất cả chúng ta được sinh ra trong Giáo Hội. Khi đó chúng ta hiểu tương quan kết hiệp Đức Maria và Giáo Hội sâu đậm chừng nào. Khi nhìn Giáo Hội, chúng ta nhận ra các đường nét siêu việt của Đức Maria. Chúng ta không mồ côi, chúng ta có một người mẹ, Giáo Hội là mẹ chúng ta, Đức Maria là Mẹ chúng ta.
Giáo Hội là mẹ chúng ta, bởi vì đã sinh ra chúng ta trong bí tích Rửa Tội. Mỗi lần chúng ta rửa tội cho một em bé, nó trở thành con của Giáo Hội và vào trong Giáo Hội. Và từ ngày đó như là bà mẹ sốt sắng, Giáo Hội làm cho chúng ta lớn lên trong đức tin và với sức mạnh Lời Chúa chỉ cho chúng ta con đường cứu rỗi, bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ. Giáo Hội đã nhận được từ Chúa Giêsu kho tàng qúy báu của Tin Mừng không phải để giữ nó cho mình, nhưng để quảng đại trao ban nó cho người khác, như một bà mẹ làm. Trong việc phục vụ rao truyền Tin Mừng này tỏ hiện một cách đặc biệt chức làm mẹ của Giáo Hội, như một bà mẹ dấn thân cống hiến cho con cái mình của ăn tinh thần dưỡng nuôi và làm cho cuộc sống kitô sinh hoa trái. Vì thế chúng ta tất cả được mời gọi tiếp nhận với tâm trí rộng mở Lời Chúa, mà hàng ngày Giáo Hội phân phát cho chúng ta, bởi vì Lời này có khả năng biến đổi chúng ta từ bên trong. Chỉ có Lời Chúa có khả năng thay đổi chúng ta từ bên trong, từ các gốc rễ sâu thẳm nhất của chúng ta. Và ai là người ban Lời Chúa cho chúng ta? Mẹ Giáo Hội. Với lời đó Giáo Hội cho chúng ta bú, với lời đó Giáo Hội dưỡng nuôi toàn cuộc sống chúng ta. Đây thật là điều cao cả! Chính Mẹ Giáo Hội thay đổi chúng ta từ bên trong với Lời Chúa. Lời Chúa, mà Giáo Hội ban cho chúng ta, biến đổi chúng ta khiến cho nhân bản tính của chúng ta không đập nhịp theo tính trần gian của xác thịt, nhưng theo Thần Khí.
Trong sự lo lắng hiền mẫu của mình Giáo Hội cố gắng chỉ cho tín hữu con đường phải theo để sống một cuộc đời phong phú niềm vui và hòa bình.
Được soi lối bởi ánh sáng Tin Mừng và trợ giúp bởi ơn thánh của các Bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể hướng các lựa chọn của chúng ta tới sự thiện và trải qua các lúc tối tăm và các con đường ngoằn nghèo trong cuộc sống với lòng can đảm và niềm hy vọng. Con đường cứu rỗi, qua đó Giáo Hội hướng dẫn chúng ta và đồng hành cùng chúng ta với sức mạnh của Tin Mừng và sự trợ lực của các Bí Tích, cho chúng ta khả năng bảo vệ mình khỏi sự dữ.
Giáo Hội có lòng can đảm của một bà mẹ và biết phải bênh vực con cái mình khỏi các hiểm nguy phát xuất từ sự hiện diện của Satan trong thế giới như thế nào, để đem chúng ta tới gặp gỡ Chúa Giêsu. Một bà mẹ luôn luôn bênh vực con cái mình. Sự bênh vực ấy cũng tỏ lộ ra trong việc khích lệ tỉnh thức: tỉnh thức chống lại sự lừa dối và cám dỗ của kẻ dữ. Bởi vì nếu Thiên Chúa đã chiến thắng Satan, thì nó cũng luôn trở lại với các cám dỗ của nó – chúng ta biết điều đó – tất cả chúng ta đều đã bị cám dỗ và đang bị cám dỗ, ”như sư tử rảo quanh tìm mồi để cắn xé” (1 Pr 5,8). Và chính chúng ta phải đừng khờ khạo, Satan đến ”như sư tử gầm gừ”. Tông Đồ Phêrô nói như thế. Chúng ta không được khờ khạo, nhưng phải tỉnh thức và vững vàng kháng cự trong đức tin. Kháng cự với các lời khuyên của mẹ, kháng cự với sự trợ giúp của mẹ Giáo Hội, như một bà mẹ tốt lành luôn luôn đồng hành với các con cái mình trong những lúc khó khăn.
Các bạn thân mến, đó là Giáo Hội, đó là Giáo Hội mà chúng ta yêu mến, đó là Giáo Hội mà tôi yêu mến: một bà mẹ lưu tâm tới hạnh phúc của con cái mình và có khả năng trao ban sự sống cho con cái mình. Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng Giáo Hội không phải là các linh mục hay các giám mục, không, Giáo Hội là chúng ta tất cả! Giáo Hội là tất cả chúng ta! Có đồng ý không? Và chúng ta là con nhưng cũng là mẹ của các kitô hữu khác, chúng ta tất cả. Tất cả mọi người đã được rửa tội, nam giới nữ giới, chúng ta cùng là Giáo Hội. Biết bao lần trong cuộc sống chúng ta không làm chứng cho chức làm mẹ của Giáo Hội, cho lòng can đảm hiền mẫu của Giáo Hội? Biết bao lần chúng ta hèn nhát, phải không? Không, không được như vậy!
Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria, bởi vì như là mẹ của Người Anh Cả, của Trưởng Tử Giêsu, Mẹ dậy chúng ta có cùng tinh thần hiền mẫu của mẹ đối với các anh chị em khác, với khả năng chân thành tiếp nhận, tha thứ, trao ban sức mạnh và thông chuyền sự tin tưởng và niềm hy vọng. Đó là điều mà một bà mẹ làm.
Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu đến từ Pháp, Đức, Senegal, Mozambic, Nam Phi, Anh quốc, Ailen, Malta, Canada, Hoa Kỳ, Sri Lanka, Tây Ban Nha, Mêhicô, Cuba, Costa Rica, Guatemala, Colombia và Argentina. Bồ Đào Nha, Brasil.
Chào các tín hữu nói tiếng Arập, đặc biệt các tín hữu Irak, Đức Thánh Cha nói: Giáo Hội săn sóc con cái mình và bảo vệ các đứa con không được bênh đỡ và bị bách hại. Tôi muốn bảo đảm với các anh chị em bị bách hại sự gần gũi. Anh chị em ở trong tim của Giáo Hội, Giáo Hội đau khổ với anh chị em và hãnh diện vì anh chị em; anh chị em là sức mạnh của Giáo Hội và là chứng tá cụ thể đích thực của sứ điệp cứu độ, tha thứ và tình yêu thương của Giáo Hội. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và che chở anh chị em!
Đức Thánh Cha cũng hợp tiếng với Đức Giám Mục giáo phận Terni-Narni-Amelia bầy tỏ lo âu về tình trạng nghiêm trọng vì các dự án của hãng Thyssenkrupp. Ngài kêu gọi đừng để cho cái luận lý của lợi nhuận chiến thắng, nhưng là tình liên đới và công bằng; con người và nhân phẩm phải là trung tâm của mọi lãnh vực, kể cả việc làm.
Chào các bạn trẻ, đặc biệt là các trẻ em mới chịu phép Thêm Sức, ngài nhắn nhủ người trẻ sau kỳ hè giờ đây trở lại với sinh hoạt thường ngày biết tiếp tục đối thoại với Chúa và dãi tỏa ánh sáng ra chúng quanh mình.
Ngài mong các anh chị em bệnh nhân tìm được điểm tựa nơi Chúa Giêsu và cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. Đức Thánh Cha nhắc nhở các cặp vợ chồng mới cưới duy trì sự tiếp cận với Chúa để tình yêu của họ được lâu bền và đích thực.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV.