Giáo hội dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô

73

Giáo hội dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô

new-pope-francisVới Thánh lễ khai mạc hôm nay – cũng là ngày Lễ kính Thánh Giuse – Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức bắt đầu triều đại giáo hoàng của mình – một triều đại hướng tới một Giáo hội nghèo, biết quan tâm cổ võ hòa bình, đối thoại liên tôn và bảo vệ môi sinh.

Bốn ưu tiên hay đường hướng mục vụ đó được thể hiện qua việc ngài chọn Phanxicô làm tông hiệu cho triều đại giáo hoàng của mình và ít nhiều cũng được ngài lặp lại trong bài giảng ở Thánh lễ khai mạc sứ vụ của ngài hôm nay.

Có thể nói bốn ưu tiên cũng là những sứ vụ thiết thực, ý nghĩa mà Giáo hội được mời gọi sống trong bối cảnh thế giới ngày hôm nay.

Một Giáo hội nghèo

 Trong cuộc gặp đầu tiên với báo chí quốc tế trong cương vị Giáo hoàng hôm 16/03, Ngài cho biết Ngài chọn danh hiệu Phanxicô – tên của một vị Thánh nghèo – vì Ngài muốn có ‘một Giáo hội nghèo’ và ‘vì người nghèo’. Đó cũng là căn tính, sứ mạng riêng của Giáo hội.

Chúa Giêsu – Đấng sáng lập Giáo hội – là một người nghèo. Người sinh ra trong máng cỏ nghèo hèn và Tin Mừng mà Người loan báo cũng là Tin Mừng cho những người nghèo đói, bệnh tật, bị bỏ rơi, bị tù đày, bị áp bức.

Khi ý thức căn tính, sứ mạng của mình, Giáo hội được mời gọi trở nên khiêm hạ, thanh bần, biết từ bỏ và dám dấn thân để sống với người nghèo và phục vụ người nghèo. Sứ vụ và đòi hỏi ấy càng cấp bách trong bối cảnh thế giới hôm nay.

Dù tỷ lệ nghèo đói giảm nhanh trong thời gian qua, theo số liệu của Ngân hàng thế giới, vẫn còn khoảng 1.3 tỷ người sống dưới mức nghèo đói (1.25 USD/ngày) vào năm 2008. Trong số đó hơn 750 triệu người ở Châu Á Thái Bình Dương dù tăng trưởng kinh tế tại một số nước, như Trung Quốc, trong những thập niên qua đã giúp nhiều người tại đây thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Với Giáo hội, phần lớn con cái của mình cũng đang sống tại các nước Nam Mỹ, Á châu và đặc biệt Phi châu – những quốc gia đang phát triển và nghèo. Với việc chọn Phanxicô làm danh hiệu cho mình, Đức tân Giáo hoàng muốn chính mình cũng như toàn Giáo hội biết liên kết, cảm thông với người nghèo và dấn thân bênh vực, nâng đỡ họ.

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng quyền bính mà Chúa Giêsu trao Thánh Phêrô đó là sự phục vụ. Người kế vị Thánh Phêrô phải phục vụ một cách khiêm tốn, cụ thể, đầy đức tin như Thánh Giuse và như Thánh nhân phải biết ‘mở rộng vòng tay để giữ gìn toàn thể Dân Chúa và yêu thương, dịu dàng, đón nhận toàn thể nhân loại, nhất là những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, những người nhỏ bé nhất, những người đói khát, người trần trụi, bệnh nhân, tù nhân’.

Cổ võ hòa bình

 Thánh Phanxicô là một người yêu hòa bình và điều đó được thể hiện rõ nét trong lời Kinh Hòa bình của ngài, trong đó Thánh nhân xin Chúa hãy dùng ngài như là ‘một khí cụ bình an’.

Đây cũng là một lời kinh rất quen thuộc đối với người Công giáo và đặc biệt được nhiều người Công giáo Việt Nam hát trong những buổi thắp nến cầu nguyện cho công lý, hòa bình trong thời gian qua.

Cùng với nghèo đói, xung đột là một thách khách đố mà thế giới vẫn đang phải đối diện. Và nguyên nhan đến bất ổn trên thế giới ngày hôm nay không đơn thuần chỉ có những xung đột truyền thống như tranh chấp giữa các quốc gia mà còn do những đe dọa phi truyền thống khác, như quốc gia thất bại (do lạm dụng quyền lực, tham nhũng, thiếu minh bạch).

Cũng vì có một cái nhìn như vậy về an ninh thế giới, trong chiến lược về an ninh của mình (European Security Strategy), Liên hiệp châu Âu cho rằng dùng vũ lực không thể giải quyết – và cũng không là phải giải pháp tốt nhất cho – những xung đột trên thế giới. Trái lại, để có hòa bình thực sự, cần phải xây dựng một thế giới trong đó các quốc gia được quản trị tốt và có dân chủ. Và để thiết lập một thế giới như vậy, cần ưu tiên việc cổ võ nhân quyền, thượng tôn pháp luật, cải cách xã hội, chính trị.

Đó cũng là lý do tại sao, trong những năm gần đây thay vì chú trọng đến an ninh quốc gia, Liên hiệp quốc và các nước châu Âu nhấn mạnh đến ‘an ninh con người’ (human security), đặt con người cũng như những nhu cầu và quyền căn bản của con người làm trọng tâm trong các chính sách kinh tế, chính trị và an ninh.

Trong bối cảnh đó, với những đặc tính riêng, thế mạnh ngoại giao của mình và với hơn 1.2 tỷ người sống tại nhiều châu lục khác nhau, Giáo hội đóng một vai trò rất quan trọng trong công việc cổ võ và xây dựng một thế giới hòa bình, bái ái và huynh đệ hơn. Bằng việc chọn Phanxicô làm danh hiệu cho mình, chắc chắn Đức Thánh Cha sẽ chú trọng nhiều đến việc cổ võ hòa bình và công lý trên thế giới.

Đối thoại liên tôn

 Nhưng sẽ không dễ dàng – nếu không muốn nói là không thể  – xây dựng một thế giới huynh đệ, hòa bình nếu không có sự thông hiểu và cộng tác giữa các tôn giáo.

Không ít các cuộc xung đột trên thế giới ít nhiều liên quan đến tôn giáo. Chẳng hạn xung đột giữa Palestine và Israel.

Vì vậy, Giáo hội luôn coi trọng đối thoại liên tôn, đại kết và cái tên Phanxicô Assisi được coi là biểu tượng của sự gặp gỡ, đối thoại giữa các tôn giáo.

Năm 27/10/1986, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã tổ chức cuộc gặp giữa các vị lãnh đạo tôn giáo trên thế giới tại Assisi. Sau cuộc gặp lịch sử ấy, Ngài thường xuyên gặp gỡ đại diện các tôn giáo khác để kêu gọi con cái mình cũng như những người thuộc các tôn giáo luôn coi trọng việc nối kết, đối thoại và cộng tác giữa các tôn giáo.

Đức nguyên Giáo hoàng Bênêdictôt XVI tiếp tục đường hướng ấy. Và giờ đây, dưới triều đại của Đức Giáo hoàng Phanxicô, chắc chắn Giáo hội sẽ vẫn chú tâm nhiều vào đối thoại với các tôn giáo để qua đó hiểu nhau hơn và cùng nhau xây dựng một thế giới huynh đệ đại đồng và hòa bình.

Bảo vệ môi sinh

 Bảo vệ môi trường sinh thái cũng là một ưu tiên của Đức tân Giáo hoàng vì theo Ngài thế giới không coi trọng các công trình của Tạo hóa. Ngài chọn danh hiệu Phanxicô một phần vì Thánh Phanxicô – người được chọn làm Bổn mạng cho những ai dấn thân bảo vệ môi trường sinh thái – là một người yêu quý thiên nhiên.

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha mời gọi con cái mình hãy noi gương Thánh Giuse – một người được Thiên Chúa ủy thác sứ mạng canh giữ Mẹ Maria và Chúa Giêsu – ‘gìn giữ Chúa Kitô trong đời sống để giữ gìn những người khác, để giữ gìn thiên nhiên, công trình sáng tạo’.

Nhưng Ngài cũng nhấn mạnh rằng ơn gọi của người canh giữ không phải chỉ liên hệ đến các tín hữu Kitô nhưng còn liên hệ tới tất cả mọi người. ‘Đó là việc bảo tồn toàn thể thiên nhiên, vẻ đẹp của công trình tạo dựng, như được trình bày trong Sách Sáng Thế và như thánh Phanxicô Assisi đã chỉ cho chúng ta; đó là tôn trọng đối với mỗi thụ tạo của Thiên Chúa và môi trường trong đó chúng ta sinh sống’.

Như vậy, Đức tân Giáo hoàng cũng tiếp tục đường hướng của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêdictô XVI – người được biết đến như một vị ‘Giáo hoàng xanh’ vì những nỗ lực của Ngài trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên và hệ sinh thái nhân bản. Đức Bênêdictô XVI đã chọn môi sinh làm chủ đề cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2010 vì theo Ngài có sự liên hệ mất thiết giữa hòa bình thế giới và bảo vệ môi sinh.

Trước đó vào dịp Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu ở Copenhagen, Đức Giáo hoàng Bênêdictô cũng đã gửi một thông điệp tới hội nghị này, trong đó Ngài nhấn mạnh rằng để bảo vệ môi trường ‘cần có một lối sống điều độ, có trách nhiệm, và đặc biệt phải có sự tôn trọng đối với người nghèo và các thế hệ mai sau’.

Như vậy, bốn sứ mạng trên đều liên kết với nhau. Hơn nữa, khi ưu tiên cho những sứ vụ ấy, dù có những nét độc đáo riêng, phong thái riêng, Đức Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục đường hướng mục của hai vị tiền nhiệm của mình là Đức cố Giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Đức nguyên Giáo hoàng Bênêdictô XVI.

 Đoàn Xuân Lộc