Giáo hội Công giáo dạy gì về an tử?

39
Philip Kosloski
An tử, dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm cả “trợ tử” hoặc “trợ giúp y tế khi hấp hối”, đều trái ngược trực tiếp với luật đạo đức.
Trong khi nhiều quốc gia và chính quyền thông qua luật mở rộng tính hợp pháp của trợ tử thì Giáo hội Công giáo kiên quyết phản đối mọi hình thức trợ tử.
Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo nêu rõ những gì Giáo hội dạy:
“Phải đặc biệt tôn trọng sự sống của những người tàn tạ, yếu ớt. Những người bệnh hoạn tật nguyền phải được nâng đỡ để sống một cuộc sống càng bình thường càng tốt”.
 
“Với bất cứ lý do nào và bất cứ phương thế nào, việc trực tiếp giết chết để tránh đau vẫn là nhằm chấm dứt sự sống của những người tật nguyền, đau yếu hoặc hấp hối. Về phương diện luân lý, việc này không thể chấp nhận được” (GLCG 2276-2277).
Không nên nhầm lẫn điều này với các thủ tục y tế đặc biệt, không được phân loại là “trợ tử trực tiếp”.
 
“Có thể ngưng các phương thức trị bệnh quá tốn kém, mạo hiểm, dị thường hoặc không tương xứng với những kết quả mong muốn. Luân lý không đòi buộc phải chữa bệnh với bất cứ giá nào. Chúng ta không muốn giết người, nhưng chấp nhận không thể ngăn cản được sự chết. Chính bệnh nhân phải quyết định nếu họ có thẩm quyền và khả năng; nếu không, việc quyết định phải do những người có quyền theo luật pháp nhưng luôn phải tôn trọng ý muốn hợp lý và các quyền lợi chính đáng của người bệnh” (GLCG 2278)
Hơn nữa, không được từ chối “chăm sóc bình thường” cho một người sắp chết.
“Dù bệnh nhân sắp chết, vẫn phải tiếp tục chăm sóc bình thường. Về mặt luân lý, việc sử dụng các loại thuốc giảm đau, để làm dịu bớt sự đau đớn của người hấp hối, ngay cả khi có nguy cơ rút ngắn cuộc sống vẫn được xem là xứng hợp với nhân phẩm, miễn là không nhắm đến cái chết như mục đích hay như phương tiện, nhưng chỉ được tiên đoán và chấp nhận như điều không thể tránh. Săn sóc người hấp hối là một hình thức đặc biệt của đức bác ái vô vị lợi, cần được khuyến khích” (GLCG 2279)
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhiều lần lên tiếng chống lại cái chết êm dịu trong nhiều dịp.
Đức Thánh Cha thường nhấn mạnh rằng khi người già hoặc người bệnh thực sự được chăm sóc thì ước muốn được chết sớm sẽ biến mất.
Chúng ta phải đồng hành với mọi người đến với cái chết, nhưng không kích động cái chết hoặc tạo điều kiện cho bất kỳ hình thức tự tử nào. Tôi muốn chỉ ra rằng quyền được chăm sóc và điều trị cho tất cả mọi người phải luôn được ưu tiên, để những người yếu đuối nhất, đặc biệt là người già và bệnh nhân, không bao giờ bị loại bỏ. Sự sống là một quyền, không phải cái chết, phải được tiếp nhận chứ không phải bị quản lý. Và nguyên tắc đạo đức này áp dụng cho tất cả mọi người, không chỉ cho các Kitô hữu hay những tín đồ.
Đức Thánh Cha đã nói rằng “việc thúc đẩy người già mau chết” là một “vấn đề xã hội thực sự”, đặc biệt là đối với người nghèo cao tuổi. Đức Thánh cha cho biết, họ được cấp ít thuốc hơn mức cần thiết vì họ nghèo. “Đây không phải là con người cũng không phải là Kitô hữu”.
Giáo hội Công giáo phân loại chết êm dịu là một kiểu giết người, theo đó một cá nhân cố ý giết một người không còn muốn sống nữa.
An tử không bao giờ được ủng hộ hoặc quảng bá như một thủ tục “y tế”.
G. Võ Tá Hoàng