Giáo hội cần phải mở tất cả các cửa, để bất cứ ai cũng có thể cảm thấy được đón nhận, được yêu thương, được tha thứ

80
Sự dữ có hiện diện, nhưng Thiên Chúa mạnh hơn nhiều. Giáo hội cần phải mở tất cả các cửa, để bất cứ ai cũng có thể cảm thấy được đón nhận, được yêu thương, được tha thứ, ngay cả những người đang cách xa cũng được đón nhận với tình thương và kính trọng. Đức Thánh Cha đã nói như thế trong buổi tiếp kiến chung sáng nay 12/06/2013 tại quảng trường thánh Phêrô với khoảng 70 nghìn người hiện diện. Ngài đã tiếp tục khai triển chủ đề “Giáo hội là Dân Thiên Chúa”dựa theo dữ kiện của Công đồng Vatican II. 


Anh chị em thân mến
Hôm nay tôi muốn dừng lại trên một đoạn ngắn khác của những từ ngữ mà Công đồng Vatican II đã định nghĩa, Giáo hội là “Dân Thiên Chúa” (x. HC tín lý Lumen Gentium, 9; GLHTCG, 782). Tôi đưa ra vài câu hỏi để mọi người có thể suy tư.

1. “Dân Thiên Chúa” muốn nói lên điều gì? Trước hết muốn nói rằng Thiên Chúa không dành riêng cho một dân tộc nào; Bởi vì Ngài kêu gọi chúng ta, triệu tập chúng ta, mời gọi chúng ta làm nên một phần dân tộc của Người, lời mời gọi này được dành cho tất cả, không phân biệt, vì lòng thương xót của Thiên Chúa “muốn cứu độ tất cả” (1Tm 2,4). Chúa Giêsu không nói cho các Tông đồ và cho chúng ta biết việc hình thành một nhóm riêng, một nhóm ưu tú. Người nói : các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ (x. Mt 28,19). Thánh Phaolô khẳng định rằng Dân Thiên Chúa, trong Giáo hội, “không còn là Do thái hay Hy lạp… bởi vì tất cả anh em là một trong Đức Giêsu Kitô” (Gal 3, 28). Tôi muốn nói cho cả người cảm thấy còn cách xa Thiên Chúa và Giáo hội, cho người nhát sợ hay dững dưng, cho người đang nghĩ rằng không thể thay đổi được nữa: Thiên Chúa cũng kêu gọi bạn làm thành một phần dân tộc của Người và làm điều đó với sự tôn trọng và yêu thương bao la! Người mời gọi chúng ta làm một phần của dân tộc này, dân của Thiên Chúa.

2. Làm sao để trở thành những thành viên của dân tộc này? Điều đó không phải trải qua việc sinh ra thể lý, nhưng qua việc sinh ra mới. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng để có thể vào Nước Chúa, cần phải sinh ra bởi ơn trên, sinh ra bằng nước và Thánh Thần (x. Ga 3,3-5). Nhờ Phép rửa chúng ta được tháp nhập vào dân tộc này, qua đức tin vào Đức Kitô, ơn của Thiên Chúa cần phải được cung cấp và làm tăng triển trong toàn bộ cuộc sống chúng ta. Chúng ta thử tự hỏi : làm sao để làm tăng triển đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội? Làm thế nào để phát triển đức tin mà tôi đã nhận lãnh, để thuộc sở hữu dân của Thiên Chúa.

3. Một câu hỏi khác. Đâu là luật của Dân Thiên Chúa? Đó là luật tình yêu, yêu mến Thiên Chúa và tha nhân theo điều răn mới mà Thiên Chúa đã để lại cho chúng ta (x. Ga 13,34). Tình yêu, không phải thứ tình cảm khô khan hay những mập mờ, nhưng là nhận ra Thiên Chúa như Thiên Chúa duy nhất của cuộc sống, đồng thời, đón nhận người khác như là anh em thực sự, vượt qua mọi cách biệt, ghanh tỵ, hiểu lầm và ích kỷ; cả hai điều đi đôi với nhau. Khi bước đi chúng ta vẫn phải hành động để sống cụ thể luật mới này, là luật của Thần Khí hoạt động trong chúng ta, luật của đức ái và tình yêu! Khi chúng ta thấy trên báo chí hay tivi có nhiều cuộc chiến giữa các kitô hữu, nhưng làm sao có thể hiểu được điều này? Giữa dân Thiên Chúa, có biết bao cãi vả! Trong từng khu xóm, ở những nơi làm việc, có biết bao cuộc cãi vả vì ghen ghét, đố kỵ! Ngay cả trong chính gia đình, biết bao lần lủng củng nội bộ! Chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa làm cho chúng ta hiểu tốt hơn giới luật yêu thương. Đẹp biết bao khi chúng ta yêu thương nhau và hiệp nhất mọi người như những anh em đích thực. Đẹp biết bao! Hôm nay chúng ta cùng nhau làm một điều. Có thể tất cả chúng ta có thiện cảm hoặc không có thiện cảm; có thể tất cả chúng ta còn giận dữ với ai đó; Bởi vậy chúng ta thưa với Chúa : Lạy Chúa, con giận dữ vì điều này điều kia; Con cầu xin Chúa cho người ngày người kia. Hãy cầu nguyện cho những người mà chúng ta giận hờn là một bước đẹp trong luật yêu thương này. Chúng ta có thực hiện điều đó không? Hãy thực hiện hôm nay!

4. Sứ mạng của dân này là gì? Đó là đem đến cho thế giới niềm hy vọng và ơn cứu độ của Thiên Chúa : là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, Đấng kêu mời tất cả làm bạn với Người, là men để làm dậy lên cả đấu bột, là muối để đem lại hương vị và bảo vệ khỏi hư thối, là ánh sáng để chiếu soi. Trở lại với chúng ta, mở một tờ tạp chí đủ để chúng ta thấy có sự hiện diện của sự dữ, hoạt động của ma quỷ. Tôi muốn kêu lên : Thiên Chúa mạnh hơn nhiều! Anh chị em có tin điều này là : Thiên Chúa mạnh hơn nhiều? Chúng ta cùng nói điều đó chung với nhau, nói chung với nhau : Thiên Chúa mạnh hơn nhiều!  Anh chị em có biết tại sao lại mạnh hơn nhiều không? Vì Người là Thiên Chúa, Thiên Chúa duy nhất. Tôi muốn thêm rằng thực tại đôi khi tối tăm, bị đánh dấu bởi sự dữ, nhưng tôi có thể thay đổi nếu chúng ta những người đầu tiên mang ánh sáng Tin mừng cách đặc biệt bằng cuộc sống của chúng ta. Nếu ở vận động trường, Olimpic ở Roma hay San Lorenzo ở Buenos Aires, vào một đêm tối, một người thắp lên ngọn đèn, người ta thấy leo lét, nhưng nếu 70 nghìn khán giả cùng thắp lên ngọn đèn của mình, vận động trường sẽ được chiếu sáng. Chúng ta hãy làm cho cuộc sống mình thành ánh sáng của Đức Kitô; chúng ta sẽ cùng mang ánh sáng của Tin mừng cho toàn thể thực tại.

5. Đâu là đích điểm của dân tộc này? Đích điểm là Vương quốc của Thiên Chúa, được bắt đầu trên mặt đất do bởi chính Thiên Chúa và cuộc sống của chúng ta cần phải được rộng mở cho đến lúc hoàn tất, khi Đức Kitô sẽ xuất hiện. (x. Lumen gentium, 9). Vì thế đích điểm là sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, thành gia đình với Thiên Chúa, đi vào trong chính cuộc sống thần linh của Người, chúng ta phải sống niềm vui tình yêu không giới hạn của Người, một niềm vui trọn hảo.

Anh chị em thân mến, để là Giáo hội, là Dân Thiên Chúa, theo chương trình tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa, muốn nói rằng hãy là men của Thiên Chúa ở trong nhân loại này, hãy loan báo và đem ơn cứu độ của Thiên Chúa vào trong thế giới này, thế giới thường bị hỗn độn, cần phải có những câu trả lời đầy can đảm, trao ban niềm  hy vọng, trao ban sức mạnh trong hành trình mới. Giáo hội là địa điểm của lòng thương xót và niềm hy vọng của Thiên Chúa, nơi mà mỗi người có thể cảm thấy được đón nhận, được yêu thương, được tha thứ, được khích lệ để sống theo cuộc sống tốt đẹp của Tin mừng. Để cho người khác cảm thấy được đón nhận, được yêu thương, được tha thứ, được khích lệ Giáo hội phải là những cánh cửa mở rộng, để tất cả mọi người có thể bước vào. Phần chúng ta, chúng ta phải bước ra khỏi những cách cửa đó và ra đi loan báo Tin mừng.

Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Nguồn : News.va