Giáo Hội cảm phục và biết ơn những người sống thánh hiến

104

A. NHẬP ĐỀ

images (4)Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô của Bộ Đời sống Thánh Hiến và Hiệp hội Tông Đồ đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phê chuẩn ngày 16/5/2002 và ban hành tại Rôma, ngày 19/5/2002. Đây là thành quả mà Hội nghị Khoáng đại của Bộ nhìn lại sau năm năm Tông huấn Đời sống Thánh Hiến ra đời ngày 25/3/1996.

Huấn thị này nhằm duyệt xét lại hiệu quả của việc đón nhận và thực thi Tông huấn đời sống thánh hiến để giúp các người thánh hiến đi vào đường lối mục vụ, trung thành theo sát vết chân Chúa Kitô, qua việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, thực thi đức ái mỗi ngày trong tình hiệp thông huynh đệ và linh đạo tông đồ quảng đại.

Quả thế, Tông huấn đã mạnh mẽ thúc đẩy: “Các Tu Hội được mời gọi hãy can đảm tìm lại tinh thần xông xáo dám nghĩ dám làm, óc sáng tạo và sự thánh thiện của các đấng sáng lập, để đáp trả những ‘thời triệu’ đang xuất hiện trong thế giới ngày nay. Lời mời gọi này tiên vàn nhắm đến việc kiên trì trên đường nên thánh, giữa những khó khăn vật chất và tinh thần gặp phải trong cuộc sống hằng ngày… biết thích nghi các hình thái, khi cần, với những hoàn cảnh mới và những nhu cầu khác nhau, trong thái độ hoàn toàn tuân phục sự soi sáng của Thiên Chúa và sự biện phân của Giáo Hội. Trong tinh thần này, mọi Tu Hội phải canh tân lối nhìn về Luật Dòng, vì một lộ trình đã được phác họa trong Luật Dòng và Hiến Chương để thực hiện việc đi theo Chúa Kitô, tương ứng với đặc sủng riêng đã được Giáo Hội chuẩn nhận. Càng trân trọng Luật Dòng, người tận hiến càng có những tiêu chuẩn chắc chắn để tìm ra những phương thức thích đáng cho sứ vụ đáp ứng những đòi hỏi của thời đại mà không xa rời linh ứng nguyên thủy”[1] .

Mới đây, khi công bố Năm Thánh 2010, Hội đồng Giám Mục Việt Nam nhắc nhở mọi thành phần Dân Chúa: “Đây là thời điểm cho chúng ta nhìn lại quá khứ để tạ ơn Chúa và lắng nghe bài học của lịch sử, nhìn vào hiện tại để nhận diện những thuận lợi và thách đố, nhìn tới tương lai để cùng nhau canh tân đời sống và xây dựng Giáo Hội theo đúng thánh ý Thiên Chúa [2] .

Trong tinh thần sống Năm Thánh này, Đức Cha Chủ tịch Ủy ban Tu sĩ thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giuse Hoàng Văn Tiệm, muốn chúng ta cùng học hỏi Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, nhằm:

a) Nhìn lại quá khứđể tạ ơn Chúa, tỏ lòng biết ơn và quý mến đối với những người sống đời thánh hiến, vì qua căn tính và hoạt động tông đồ đa dạng của mình, họ đã mang lại niềm hy vọng vào tính siêu việt của đời sống vĩnh cửu mà thế giới đang đánh mất ngày một trầm trọng hơn, bằng việc sống chứng tá cho sự hiện diện của tình yêu có sức biến đổi của Thiên Chúa;

b) Nhìn vào hiện tạiđể nhận diện những khó khăn thử thách, những thuận lợi và thách đố mà những người sống đời thánh hiến hôm nay đang phải trải qua, nhưng với cái nhìn tích cực là xem chúng như một thời cơ mới để tái khám phá ý nghĩa và phẩm chất của đời sống thánh hiến một cách sâu xa hơn;

c) Nhìn tới tương laiđể cùng nhau canh tân và xây dựng đời sống thánh hiến theo đúng thánh ý Thiên Chúa và giáo huấn của Giáo Hội, bằng sự dấn thân mới trong đời sống thiêng liêng, xuất phát lại từ Chúa Kitô;

d) Nhận ra sự đồng hành hiệp thông của Giáo Hộivới các người thánh hiến trên các nẻo đường của thế giới, mà Chúa Kitô đã đi qua và hôm nay vẫn còn hiện diện, bằng sứ vụ chứng tá cho tình yêu của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại nhiều khổ đau.

Con được chỉ định trình bày phần I của Huấn thị nói về “Sự hiện diện của tình yêu Chúa Kitô giữa lòng nhân loại nhờ Đời sống Thánh Hiến”. Phần này nhấn mạnh rằng: cộng đồng Giáo Hội bày tỏ lòng biết ơn và quý mến đối với những người sống đời thánh hiến vì họ đã làm cho tình yêu của Chúa Kitô hiện diện giữa lòng nhân loại bằng căn tính và hoạt động tông đồ hiệu quả của mình.

B.  NHỮNG LÝ DO CỦA LÒNG BIẾT ƠN VÀ QUÝ MẾN CỦA CỘNG ĐỒNG GIÁO HỘI ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN

Các phát biểu và những bản báo cáo trong Hội nghị Khoáng đại của Bộ Tu sĩ năm 2002 gợi lên niềm cảm phục tri ân đối với các hoạt động tông đồ đa dạng của những người sống đời thánh hiến.

Một thông tin thời sự [3] cho biết Ngày thế giới Đời sống Thánh Hiến 2010 sẽ được tổ chức tại Mỹ ngày 7/2/2010, để càng có đông người tham dự hơn càng tốt. Nhưng chính ngày 2/2/2010 tại Rôma, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đích thân chủ sự Kinh Chiều và Phép Lành Mình Thánh Chúa trong đền thờ thánh Phêrô để cử hành ngày này. Ngài nhắc nhở những người thánh hiến hãy làm chứng về lòng từ bi của Chúa… trở nên trường dạy về lòng tín thác vào lòng từ bi Chúa, nơi đó con người tìm được ơn cứu độ, vì càng tiến lại gần Chúa, người thánh hiến càng gần gũi với Chúa và càng hữu ích cho tha nhân [4] .

Đức Hồng Y Sean O’Malley, Chủ tịch Uỷ ban Giáo sĩ, Tu sĩ và Ơn gọi thuộc Hội đồng Giám mục Mỹ đặc biệt nhìn nhận việc phục vụ của các nữ tu: “Giáo Hội được chúc phúc một cách lớn lao nhờ rất nhiều cống hiến của các nữ tu, cả những người đã đặt nền móng trong quá khứ lẫn những người đang phục vụ hôm nay”.

Ngài ước mong Ngày thế giới Đời sống Thánh Hiến “cung cấp cho mọi nam nữ tu sĩ một cơ hội để trải nghiệm một sự canh tân ơn gọi và cam kết sống đời tận hiến của mình.” Chắc chắn đó cũng là mục tiêu nhắm đến của Đức cha Chủ tịch Ủy ban Tu sĩ thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam khi chọn huấn thị Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô làm chuyên đề cho Đại hội Tu Sĩ toàn quốc lần thứ IV này.

I. NHỮNG CÁCH THỨC NGƯỜI THÁNH HIẾN BƯỚC ĐI TRONG THỜI ĐẠI HÔM NAY[5]

I.1 Hiện diện và dấn thân: Vì sự hiện diện và dấn thân trong mọi lãnh vực cuộc sống của Giáo Hội và xã hội, các người thánh hiến xứng đáng với lòng biết ơn của cộng đồng Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II diễn tả lòng biết ơn đó khi cầu nguyện với Thiên Chúa như sau: “Chúng con tạ ơn Cha vì món quà đời sống thánh hiến. Họ hằng tìm kiếm Cha trong đức tin và mời gọi mọi người đến gần Cha, nhờ sứ mạng của họ trên khắp hoàn vũ.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng chia sẻ tư tưởng ấy khi nói về ba mục đích của Ngày thế giới Đời sống Thánh Hiến 2010: “Ca tụng và tạ ơn Chúa về ân huệ đời sống thánh hiến; Thăng tiến sự hiểu biết và lòng quí trọng của Dân Chúa đối với đời sống thánh hiến; Mời gọi những ai hiến dâng cuộc đời cho Tin Mừng cử hành những điều kỳ diệu Chúa đã làm nơi mình. Cha chào đón và cám ơn từng người các con với một niềm yêu thương lớn lao, Cha thân ái gần gũi và tán dương những điều tốt lành các con đã phục vụ Dân Chúa.” [6]

I.2 Chứng tá trung thành và tín thác vào Chúa: Không tìm sự tán đồng bất cứ từ nơi đâu, mà chỉ tìm sự tán đồng của Chúa, các người thánh hiến hân hoan dấn thân sống Tin Mừng và trung thành họa lại lối sống và hành động của Chúa Giêsu nhập thể và nhập thế, trong mọi mối tương quan với Chúa và đồng loại.

I.3 Loan báo một lối sống khác: Tuy đời sống thánh hiến là lối đi ngược dòng với thời đại, nhất là trong thế giới tục hoá và hưởng thụ khoái lạc hôm nay, các người thánh hiến loan báo một lối sống khác lối sống và văn hoá thế gian, bằng chính cuộc sống đơn sơ từng ngày của họ, hầu xây dựng Nước Trời giữa lòng thế gian bằng nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương.

I.4 Phương dược chữa lành thiêng liêng: Bằng lối sống nỗ lực tìm kiếm Chúa, đời sống thánh hiến mang lại phương dược chữa lành thiêng liêng cho những ác hại của thời đại, như sự tục hoá, gian dối, hưởng thụ khoái lạc, việc đánh mất cảm thức siêu việt và ý thức về tội, không tôn trọng sự sống, phá thai, bạo lực, xì ke, ma tuý…

I.5 Phúc lành và lý do hy vọng: Đời sống thánh hiến là một phúc lành và lý do hy vọng cho đời sống con người và Giáo Hội, như thánh Phêrô đã khuyên là “anh chị em phải luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai hỏi về niềm hy vọng của anh chị em.”

I.6 Làm cho Chúa Giêsu hiện diện: Người sống đời thánh hiến làm cho Chúa Giêsu hiện diện bằng sự hiện diện năng động của thế hệ trẻ, cũng như sự hiện diện ẩn giấu và thành tựu của thế hệ già cả, cô đơn, bệnh tật và đau khổ, nhờ liên kết và bổ khuyết cuộc khổ nạn của Chúa Kitô nơi bản thân mình như thánh Phaolô khẳng định: “Những gian nan thử thách Chúa Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24). Do đó, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chọn chủ đề cho Ngày thế giới Cầu nguyện cho Bệnh nhân năm 2010 là: “Giáo Hội yêu thương phục vụ người đau khổ [7] và ngài cũng lưu ý rằng không ai trong các nam nữ tu sĩ cao niên, bệnh tật hay gặp khó khăn trong việc tông đồ là vô ích, vì họ được liên kết với Chúa và là hồng ân quý giá đối với Giáo Hội và thế giới [8] .

I.7 Hướng đi mới của đời sống thánh hiến: Đời sống thánh hiến trong thời đại mới tích cực nhập thế, đào sâu, thanh luyện, hiệp thông và truyền giáo bằng việc phục vụ phẩm giá con người trong một xã hội phi nhân hoá vì sự nghèo đói cùng cực và nhẫn tâm chà đạp lên các quyền lợi của con người. Người thánh hiến cần phải có tinh thần của người nghèo, được thanh luyện khỏi tư lợi, sẵn sàng phụng sự hoà bình và bất bạo động với tinh thần liên đới và đầy lòng thương cảm đối với những ai khốn khổ; sẵn sàng trả giá cho việc bị bách hại, vì hiện nay nguyên nhân của tử đạo thường là sự đấu tranh cho công lý vì muốn trung thành với Tin Mừng [9] .

I.8 Gia tăng và củng cố tính năng động cộng đoàn: Người thánh hiến không ngừng được lợi ích từ việc gia tăng và củng cố tính năng động cộng đoàn trong mọi chiều kích tương quan và trao đổi, như Tông huấn Đời sống Thánh Hiến mô tả: “Đời tu tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô bằng một yếu tố khác riêng của mình, đó là Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn hướng về sứ vụ. Việc hiến dâng cho Chúa Giêsu càng đi vào nội tâm, cách sống cộng đoàn càng đậm tình huynh đệ, sự dấn thân vào sứ vụ đặc thù của Hội Dòng càng hăng say, thì đời tu càng có giá trị tông đồ” [10] .

I.9 Nỗ lực mới trong vâng phục và hợp tác: Người thánh hiến nỗ lực tìm cách thức mới thực thi vâng lời quyền bính gợi hứng từ Tin Mừng: hiệp nhất, hoà nhập và hoà giải; Gia tăng hợp tác với giám mục trong việc huấn luyện và tông đồ; Cải thiện các tương quan trong lòng Giáo Hội bằng việc trao đổi hỗ tương và bổ túc các ân ban tài năng khác nhau; cùng Giáo Hội địa phương xây dựng những kế hoạch mục vụ cụ thể để đi đến với con người, làm cho các giá trị Tin Mừng được triển nở trong các môi trường xã hội và văn hoá; Nỗ lực xây dựng linh đạo hiệp thông trong các đặc sủng đa dạng và hỗ tương với lòng tin tưởng và cởi mở. Có thể nói Định hướng Năm Thánh của Hội đồng Giám mục Việt Nam nhằm xây dựng Giáo Hội Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ vừa là một cổ vũ vừa là một xác nhận cho nỗ lực mới trong vâng phục và hợp tác của những người sống đời thánh hiến chúng ta vậy.

Mới đây trong Bản Tuyên Bố Chung của Hội nghị Chuyên đề về “Ảnh hưởng của nền văn hoá ngày nay trên đời sống thánh hiến” do Ủy ban Đời sống Thánh Hiến thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á Châu tổ chức tại Thái Lan từ ngày 16-21/11/2009 cũng nhắc tới chiều kích này rằng: “Các quyền lợi của các nữ tu và sự bình đẳng về nhân phẩm của họ với các nam tu sĩ và giáo sĩ phải được nhìn nhận, tôn trọng, khẳng định và bảo đảm”.

 II. ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN GÓP PHẦN KIẾN TẠO SỰ THÁNH THIỆN CỦA DÂN CHÚA[11]

II.1 Ân huệ của Chúa Ba Ngôi: Ơn gọi thánh hiến là một ân huệ của Chúa Ba Ngôi, được lãnh nhận từ Bí tích Thánh Tẩy, chia sẻ ơn gọi nên thánh phổ quát cùng mọi tín hữu.

II.2 Bị thúc bách nỗ lực nên thánh: Người thánh hiến bị thúc bách thực hiện lối sống theo gương Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các tông đồ, trong một sự thánh hiến không ngừng được đổi mới vì lợi ích của Giáo Hội.

II.3 Chứng tá ngôn sứ và cánh chung: Khi bước theo và trở nên giống Chúa Kitô thanh khiết, khó nghèo và vâng phục, người thánh hiến khẳng định cho thế giới vị thế tối thượng của Thiên Chúa và cuộc sống vĩnh cửu, vừa là chứng tá vừa là báo trước đời sống cánh chung, nơi người ta không cưới vợ lấy chồng mà sống như con cái của Thiên Chúa.

II.4 Đề xuất lời mời gọi đáp trả ân sủng: Bằng chính cuộc sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa của mình, người thánh hiến đề xuất với thế giới tục hoá lời mời gọi đáp trả ân sủng thiêng liêng, bởi sự canh tân nhu cầu cầu nguyện và các việc đạo đức, phượng tự mỗi ngày.

II.5 Lời mời gọi hoán cải: Dù vẫn mang thân phận con người yếu đuối, người thánh hiến phải tỏa chiếu ánh sáng hoán cải trên mọi biến cố của cuộc sống; đồng thời cố giữ sống động và thăng tiến phẩm chất đời sống tu trì theo Tin Mừng bằng thực hành những việc sùng kính đạo đức vốn giúp họ kiên trì và trung thành trong đời sống và sứ vụ ơn gọi của mình, lúc ở trong nội vi Nhà Dòng cũng như khi ra sống giữa lòng trần thế đa nguyên đa diện.

II.6 Trung tâm nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng: Cộng đoàn tu trì phải trở nên Trung tâm nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, bằng việc lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa, cử hành phụng vụ, huấn luyện cầu nguyện và giúp đồng hành thiêng liêng, cùng nhau tìm kiếm và vâng phục ý Chúa, luôn có cái nhìn đức tin và phản ứng cách siêu nhiên trước mọi biến cố của cuộc đời.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho chúng ta mẫu gương của chính ngài: Khi bị ngã gãy tay phải vào bệnh viện bó bột và phải nghỉ ngơi, Ngài chia sẻ cái nhìn đức tin: “Thiên Thần giữ mình của tôi đã vâng lệnh Chúa không ngăn cản tôi khỏi ngã gãy tay, ngõ hầu cho tôi có thời gian hơn để cầu nguyện và suy niệm”.

II.7 Trợ giúp hỗ tương trong đời sống thiêng liêng: Trong khi giúp giáo dân thánh hoá cuộc sống giữa đời, người thánh hiến cũng được trợ giúp tăng tiến trong đời sống thiêng liêng của chính mình, vì không ai cho cái mình không có: Trước khi nói về Chúa cho người khác thì mình phải có Chúa, sống trong Chúa và nói với Chúa đã.

III. NGƯỜI THÁNH HIẾN TÍCH CỰC SỐNG SỨ VỤ VÌ NƯỚC TRỜI [12]

III.1 Tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu nơi trần gian: Càng nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, người thánh hiến càng làm cho sự hiện diện mang ơn cứu độ của Chúa Kitô được sống động trong lịch sử nhân loại. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dạy: “Càng để cho mình nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, người tận hiến càng làm cho Người hiện diện và hành động trong thế giới để cứu độ nhân loại [13] .

III.2 Nhạy cảm với nhu cầu của thế giới: Cởi mở với nhu cầu của thế giới để hướng thế giới tới niềm hy vọng Phục sinh. Công đồng Vaticanô II viết ngay trong trang đầu tiên Hiến chế Mục Vụ ‘Giáo Hội trong thế giới ngày nay – Vui Mừng và Hy Vọng’ như sau: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không có âm hưởng trong lòng họ… Họ phải cảm thấy thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại.” [14]

III.3 Một thúc đẩy mới cho sứ vụ Phúc Âm hoá: Sự dâng hiến bản thân thật sự của người thánh hiến là một thúc đẩy mới cho sứ vụ Phúc Âm hoá, vì sứ vụ nhiệt tâm xây dựng Nước Chúa và mang ơn cứu rỗi cho mọi người “cốt ở việc làm cho chính Chúa Kitô hiện diện bằng chứng tá bản thân người tận hiến”

III.4 Đóng góp lớn lao của người nữ thánh hiến

Hơn bao giờ cả, ngày nay người ta nói nhiều đến giải phóng và thăng tiến phụ nữ, và xem ra ngoài xã hội nhiều hơn trong Giáo Hội. Thật ra không phải thế, vì ngay từ thời của Ngài, Chúa Giêsu đã ân cần đón nhận sự cộng tác của nhiều phụ nữ theo giúp Ngài và cho họ một vị trí đặc biệt quan trọng, nhất là vai trò của Mẹ Maria và Maria Mađalêna dưới chân thập giá, trong biến cố phục sinh và thời kỳ đầu của Giáo Hội sơ khai, bắt đầu với Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đầu tiên.

Tông huấn Đời sống Thánh Hiến nói đến phẩm giá và vai trò của người phụ nữ tận hiến như sau: “Giáo Hội chứng tỏ sự phong phú thiên hình vạn trạng của mình về mặt thiêng liêng, khi biết vượt lên mọi thứ kỳ thị và đón nhận như một hồng phúc đích thực những ân huệ Thiên Chúa ban cho những người nam và người nữ, bởi vì đôi bên đều bình đẳng về phẩm giá… Không thể chối cãi tính cách hợp lý của nhiều đòi hỏi liên quan đến vị trí của người nữ trong nhiều môi trường xã hội và Giáo hội. Cũng nên ghi nhận rằng những ý thức mới của các phụ nữ về chính mình đã giúp những người nam xét lại não trạng, cách hiểu về chính bản thân họ, cách họ tự định vị trong lịch sử, và cách họ giải thích lịch sử, tổ chức đời sống xã hội, chính trị, kinh tế, tôn giáo và đời sống Giáo Hội… Và người nữ tận hiến góp phần loại trừ một số quan niệm một chiều không giúp nhìn nhận trọn vẹn phẩm giá của người nữ, nhìn nhận phần đóng góp chuyên biệt của họ vào đời sống, hoạt động mục vụ và truyền giáo của Giáo Hội.” [15]

Tông huấn viết tiếp: “Giáo Hội trông chờ nhiều vào phần đóng góp độc đáo của các phụ nữ tận hiến trong việc phát triển đạo lý, phong hoá, đời sống gia đình và xã hội, đặc biệt trong những gì liên quan đến phẩm giá phụ nữ và tôn trọng đời sống con người… họ có nhiệm vụ thăng tiến một phong trào nữ quyền mới, không bị cám dỗ họa lại mô hình trọng nam khinh nữ ngõ hầu nhìn nhận và diễn tả thiên tài chân thực của nữ giới.” [16]

Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô nói đến thiên tài nữ tính, cũng là thiên tài mẫu tính của người nữ, với những đức tính dịu dàng, nhẫn nại, bao dung, từ tâm, đặc biệt là người nữ thánh hiến luôn sẵn sàng nghiêng mình xuống trên những người khổ đau, tinh thần lẫn thể chất, để phục vụ họ, nâng đỡ họ vì yêu thương họ, và nhận ra Chúa Giêsu trong họ. Phần IV của Huấn thị sẽ nói nhiều đến những phục vụ rất đa dạng và hiệu quả của thiên tài nữ tính này.

Do đó, ngày nay phải đào sâu và mở rộng cơ hội cho phụ nữ tham gia vào mọi lãnh vực, trên mọi bình diện, kể cả tiến trình quyết định liên quan đến phụ nữ, ngay cả trong các Bộ của Giáo triều Rôma. Một biến cố thời sự chứng minh điều vừa nói là Vatican loan báo rằng ngày thứ Năm 21/1/2010, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm cô Flaminia Giovanelli là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí Phó Thư ký của Hội đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hoà Bình. Cô sẽ làm việc bên cạnh Đức Hồng Y Chủ tịch Peter Turkson và Đức Giám mục Thư ký Mario Toso. Thông cáo của Vatican đã nói rằng “việc bổ nhiệm cô Giovanelli khẳng định lòng tín nhiệm lớn lao mà Giáo Hội và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đặt để nơi giới phụ nữ. Trong thời của Ngài, Đức Thánh Cha đáng kính Gioan Phaolô II cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết của một tham gia ý nghĩa và đầy đủ hơn của giới phụ nữ vào sự phát triển xã hội.” [17]

Hãng CWN ngày 22/1/2010 còn ghi thêm: “Một nữ giáo dân người Úc, Rosemary Goldie, cũng đã ở vị trí tương đương tại Hội đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân từ 1966 đến 1976. Một nữ tu người Ý, Soeur Enrica Rosanna, hiện đang giữ cùng chức vụ tại Thánh Bộ Tu Sĩ.” [18]

Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tuyên bố: “Ngỏ lời với các phụ nữ tận hiến với khả năng tận tâm phi thường của họ, tôi nói lên một lần nữa sự thán phục và lòng biết ơn của toàn thể Giáo Hội. Giáo Hội nâng đỡ họ, vì họ đang sống viên mãn và vui tươi ơn gọi của họ, họ đang cảm thấy được kêu mời chu toàn một nhiệm vụ cao cả là huấn luyện người phụ nữ hôm nay.” [19]

Chúng ta cùng xem những hoạt động nổi bật sau đây của thiên tài nữ tính của các người nữ thánh hiến mà huấn thị nói đến.

4.a Hăng say truyền giáo: Lời cám ơn đặc biệt được gửi đến những người đang ở tuyến đầu rao giảng Tin Mừng, được thôi thúc đi đến những nơi khó khăn, dù có phải gặp rủi ro hay hy sinh mạng sống [20] .

4.b Công tác từ thiện bác ái: Với một quan tâm mới, họ tìm đến săn sóc các bệnh nhân, người túng thiếu và đau khổ vì sự nghèo khó theo hình thức cũ cũng như sự nghèo khó theo hình thức mới là thất vọng vì cuộc sống vô nghĩa, tình trạng nghiện ngập ma túy, sợ bị ruồng bỏ vì tuổi già hay vì bệnh tật, sống bên lề xã hội hay bị phân biệt đối xử trong xã hội. Người thánh hiến được mời gọi nhận ra nơi bản thân người nghèo sự hiện diện đặc biệt của Chúa Kitô; đồng thời nhận ra tiếng nói của Người qua lời cầu cứu vang lên từ thế giới nghèo đói, và qua cả lời van xin tha thứ của người lầm lỗi trong hình thức nghèo khó mới mà Chúa Giêsu vẫn tiếp tục cầu bàu cho họ như Ngài đã làm trên thập giá [21] .

4.c Tham gia vào nền giáo dục Kitô Giáo: Người nữ thánh hiến ý thức sâu xa rằng chỉ trợ giúp người túng thiếu mà thôi thì không đủ, còn phải tìm cách loại trừ và nhổ tận gốc nguyên nhân gây ra cảnh túng thiếu…. qua việc dấn thân một cách nghiêm túc trong lãnh vực giáo dục, vì giáo dục là chìa khoá vạn năng (passe partout) mở được mọi cánh cửa của cuộc sống: giáo dục đức tin, dạy giáo lý, đào tạo tri thức… Cần cổ võ trong lòng đời sống thánh hiến một sự đổi mới trong việc dấn thân vào môi trường văn hoá, nhằm nâng cao trình độ cá nhân và chuẩn bị cho một cuộc đối thoại giữa đức tin và não trạng thời đại, cổ võ việc Phúc Âm hoá các nền văn hoá như là việc phục vụ sự thật. Để việc đó được hiệu quả, người thánh hiến nối dài tiếng nói của Giáo Hội cổ võ sự biến đổi xã hội qua các phương tiện truyền thông xã hội là cần thiết hơn bao giờ hết [22] .

Trong lãnh vực này, chúng ta không thể không lưu ý tới quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về nền giáo dục Kitô giáo: “Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và dân tộc không thể không quan tâm đến tình trạng này… Do đó, việc giáo dục đạo đức và lương tâm phải là trách nhiệm hàng đầu của toàn xã hội, và cần đến sự tham gia tích cực của người dân cũng như các tổ chức xã hội.” [23]

Cao hơn trong phẩm trật và xa hơn trong thời gian, các nghị phụ của Công đồng Vaticanô II viết trong Tuyên Ngôn về Giáo dục Kitô Giáo (28/10/1965) rằng: “Thánh Công đồng tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, đã tự hiến theo tinh thần Phúc Âm dấn thân vào công cuộc trọng đại này là giáo dục trong các trường thuộc mọi cấp và mọi ngành. Ðồng thời khuyến khích họ hãy quảng đại và kiên tâm trong bổn phận đã lãnh nhận, nỗ lực vươn lên trong việc đào luyện học sinh thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô, trong khoa sư phạm và trong việc trau dồi kiến thức, để họ không những đẩy mạnh cuộc canh tân bên trong Giáo Hội mà còn duy trì và phát huy thêm sự hiện diện hữu ích của Giáo Hội trong thế giới ngày nay nhất là trong giới trí thức. [24]

4.d Hậu phương thiêng liêng: Đời sống cầu nguyện chiêm niệm của các nữ đan sĩ làm hậu phương thiêng liêng cho những người hoạt động tông đồ Phúc âm hoá thế giới ở tuyến đầu, vốn xác tín chọn sống giữa và chia sẻ với những người bị loại trừ, di dân và nhỏ bé [25] .

4.e Chứng tá đức tin và tử đạo: Số chứng nhân đức tin và tình yêu Nước Trời đi đến tận thập giá gia tăng, dù cơ hội và hoàn cảnh khác nhau, động cơ tử đạo luôn vẫn là một: đó là trung thành với Chúa và Tin Mừng.

 IV.NGƯỜI THÁNH HIẾN PHẢI LUÔN RỘNG MỞ CHO CHÚA THÁNH THẦN[26]

Trong chiều kích hướng nội (ad intra), Ba Ngôi Thiên Chúa là một duy nhất, nhưng xét về chiều kích hoạt động hướng ngoại (ad extra) cho tạo thành, Ba Ngôi Thiên Chúa có một ngôi vị khác biệt và một hành động bổ túc: Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hoá.

Thời đại chúng ta đang sống là thời Thánh Khí thấm nhập và mở ra những triển vọng mới qua các đặc sủng đa dạng mà Ngài không ngừng ban xuống, thúc đẩy và phát triển nơi mỗi con người, cũng như nơi mỗi cộng đồng của các hình thức thánh hiến.

Những người sống đời thánh hiến đang cộng tác cùng với Chúa Thánh Thần chuẩn bị Giáo hội cho ngày tái lâm vinh quang trong trời mới đất mới của Chúa Kitô, Ngài là tương lai của nhân loại phát triển tới tầm mức viên mãn.

Mẹ Maria là người nữ toàn hiến bản thân đầu tiên đã nhờ Chúa Thánh Thần mà mang Chúa Kitô đến trong thế gian để cứu chuộc thế gian thế nào, thì người tận hiến hôm nay cũng nhờ ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần mà đặt cược tất cả vào đức ái để thi hành lệnh truyền yêu thương cách thiết thực và cụ thể đối với mọi người thể ấy. Mẹ phụng sự Chúa cách nhiệt thành trong Thánh Thần, hân hoan trong hy vọng, mạnh mẽ trong thử thách, bền bỉ trong cầu nguyện, và Mẹ hằng bầu cử cho chúng ta, nâng đỡ chúng ta trong việc thực hiện những cam kết hàng ngày, bằng cách biến các lời cam kết ấy trở thành chứng tá của tình yêu.

Như vậy giữa Chúa Thánh Thần và người tận hiến có một khế ước sự sống năng động đặc biệt, nên họ phải luôn luôn rộng mở cho Ngài, Đấng ban mọi ân sủng cho họ trong Chúa Con và luôn hành động phù hợp với thánh ý Chúa Cha. Chính Thánh Thần soi chiếu cho người thánh hiến thấu hiểu mầu nhiệm trong mọi sự để họ tận tụy với Nước Trời và với quần chúng túng thiếu bị bỏ rơi.

Xem đó thì tương lai của đời sống thánh hiến tuỳ thuộc sự năng động và các đoàn sủng của Chúa Thánh Thần ban xuống trong Giáo Hội để giúp thấu hiểu và thực thi Tin Mừng của Chúa Kitô. Vì thế, Hội Nghị Chuyên đề tại Thái Lan ước mong “Mỗi cộng đoàn Dòng tu phải phát triển và đào sâu căn tính của các thành viên của mình với tư cách là những con người thánh hiến phù hợp với đặc sủng của Dòng, nhờ đó cái họ làm phát xuất từ cái họ là khiến cho hoa trái của Chúa Thánh Thần có thể được biểu lộ ra trong những đường lối đa dạng của cuộc sống họ” [27] .

C. KẾT LUẬN

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói với mọi người chúng ta rằng:

Một thiên niên kỷ mới đang mở ra dưới ánh sáng của Chúa Kitô. Nhưng không phải mọi người đều thấy được ánh sáng này. Nhiệm vụ phi thường và cấp bách của chúng ta là “phản chiếu” ánh sáng đó… Đó là một nhiệm vụ dễ làm ta thối chí, nếu chúng ta băn khoăn về sự yếu kém của con người chúng ta, vốn thường làm cho chúng ta trở nên mờ đục và tràn ngập bóng tối. Tuy nhiên, chúng ta có thể chu toàn nhiệm vụ ấy được, nếu chúng ta quay về với ánh sáng của Chúa Kitô và mở rộng tâm hồn để đón nhận ân huệ biến đổi chúng ta thành tạo vật mới.” [28]

Dĩ nhiên phải xuất phát lại từ Đức Kitô và luôn tiến bước dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vì “thử thách to lớn của đời sống dâng hiến hôm nay là sự tục hoá bên trong của đời sống dâng hiến. Đây là lúc để thừa nhận những sai lầm đã phạm. Các cộng đồng tu trì phải trở về với nguồn của đặc sủng thành lập và với những giá trị Tin Mừng. Phải trả lại vị trí trung tâm của đời sống thánh hiến cho đời sống cầu nguyện, đời sống huynh đệ cộng đoàn, ơn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Tái khám phá những giá trị căn bản này để sống chúng và làm chứng cho chúng trong thế giới: đó là cách thế trao ban cho đời sống tu trì một đà vươn lên mới.” [29]

Và mới đây, ngày 3/2/2010 tại Naples, ngài còn lặp lại rằng “Nền văn hoá tục hoá đã thâm nhập vào trong tâm trí và tâm hồn của một số cá nhân và một số cộng đoàn sống tận hiến, lấy cớ cần một sự cởi mở với tính hiện đại và một cách để tiếp cận với thế giới đương thời.” [30]

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dường như cũng đang trực tiếp nói với chúng ta hôm nay: “Các con không những phải nhớ và kể lại một lịch sử huy hoàng, mà còn phải kiến tạo một lịch sử vĩ đại nữa. Hãy hướng về tương lai, tới chỗ mà Thánh Thần đang sai các con đi để làm những việc trọng đại. Các con hãy biến cuộc đời các con thành cuộc trông đợi Chúa Kitô cách sốt sắng… Hãy sẵn sàng luôn luôn, hãy trung thành với Chúa Kitô, với Giáo Hội, với Tu hội của mình và với con người thời đại này. Nhờ thế, ngày qua ngày, các con sẽ được Chúa Kitô đổi mới, và nhờ Thánh Thần trợ giúp, các con sẽ kiến tạo những cộng đoàn huynh đệ,…và góp phần độc đáo của các con vào sự biến hình của thế giới… Mong sao cho thế giới đã được trao vào tay các con sẽ được nhân đạo hơn, công bằng hơn, trở nên dấu chỉ và hình ảnh báo trước thế giới sắp đến… [31] .

Cũng trong tinh thần đó, chúng ta cùng chung quyết tâm với Hội Nghị Chuyên đề tại Thái Lan rằng: “Đời sống thánh hiến, được bắt rễ sâu xa từ gương mẫu và giáo huấn của Chúa Kitô, là quà tặng của Chúa Cha ban cho Giáo Hội qua Chúa Thánh Thần” (VC 1). Chúng tôi cầu mong rằng sẽ góp phần làm cho quà tặng này trở nên dấu chỉ đầy sức sống của Nước Thiên Chúa cho thế giới hôm nay.” [32]

Để thực hiện được quyết tâm đó, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắn nhủ chúng ta: “Những ai tin nơi Chúa Giêsu Kitô thì càng có thêm động lực mạnh mẽ hơn để không sợ hãiThiên Chúa không bỏ rơi chúng ta và tình yêu của Ngài đến với chúng ta nơi chúng ta đang sống và trong thân phận của chúng ta, để mang lại cho chúng ta cơ hội mới để làm điều thiện… Tôi nồng nhiệt mời gọi đặt niềm hy vọng của chúng ta nơi Thiên Chúa… Niềm hy vọng hướng về Thiên Chúa không bao giờ chỉ là hy vọng cho chúng ta mà thôi, nhưng luôn luôn là hy vọng cho người khác nữa: hy vọng ấy không cô lập chúng ta, nhưng làm cho chúng ta liên đới trong sự thiện, kích thích chúng ta giáo dục lẫn nhau về sự thật và tình thương.” [33]

Trước khi kết thúc phần trình bày của con, con xin hết lòng cám ơn Đức Cha và toàn thể Hội nghị đã nhẫn nại quan tâm theo dõi. Con xin kính chúc tất cả mọi người một ngày tốt đẹp và thật nhiều ơn Chúa. Nguyện xin Chúa Thánh Thần tiếp tục cho đến hoàn thành tốt đẹp những gì Ngài đã khởi sự với chúng ta và cho chúng ta, đặc biệt qua sự biểu lộ lòng cảm phục và biết ơn của cộng đồng Giáo Hội và thế giới đối với những cống hiến lớn lao trong nhiều lãnh vực cuộc sống của những người sống đời thánh hiến chúng ta, vì đó vừa là lời đánh giá tưởng thưởng cho những gì chúng ta đã làm và đã sống, nhưng quan trọng hơn, vừa là lời cổ vũ và nhắc nhở chúng ta phải cố gắng duy trì và nỗ lực làm tốt sống tốt hơn nữa hầu làm chứng tá cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa và không phụ lòng những kỳ vọng mà Giáo Hội và thế giới đặt để nơi chúng ta. “Chúng ta cùng nhau cám đội ơn Chúa đã ban cho chúng ta ân huệ sống đời tận hiến và hãy cầu xin được tiếp tục mãi như là một dấu hiệu tình xót thương của Chúa trên thế giới.” [34] Amen.

Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS

.

CÂU HỎI THẢO LUẬN

Số 7 Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô nói đến những nỗ lực mới trong vâng phục và hợp tác của những người thánh hiến, đặc biệt những điểm này: Hiệp nhất, hoà nhập và hoà giải; Gia tăng hợp tác với các giám mục; Cải thiện các tương quan trong lòng Giáo Hội; cùng Giáo Hội địa phương xây dựng những kế hoạch mục vụ cụ thể để đi đến với con người, làm cho các giá trị Tin Mừng được triển nở; nỗ lực xây dựng linh đạo hiệp thông.

Bên cạnh đó, định hướng Năm Thánh Việt Nam 2010 là xây dựng Giáo Hội Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ mà Đức Hồng Y Etchegaray nêu bật trong hai chữ hoà giải và hy vọng: “Tôi chỉ muốn nhắc lại hai đề tài của Năm Thánh làhoà giải và hy vọng. Hoà giải là điều mà cả thế giới này đều cần, bởi đây là thời mà hầu như tất cả đều phân hoá…Niềm hy vọng, cũng như sự hoà giải, đòi hỏi sự can đảm, bởi chúng ta đang sống trong một xã hội có rất nhiều những khó khăn thử thách, đối diện với biết bao thất vọng, với hàng ngàn khuôn mặt khác nhau, có khi có những khuôn mặt giả tạo của niềm hy vọng. Có khi chúng ta nói chúng ta hy vọng hay vui mừng vì niềm hy vọng, nhưng thực tế chúng ta lại không có niềm hy vọng… Chúng ta phải hành động để đem lại niềm hy vọng, như chứng tá mà Đức Giêsu đã trình bày… Một xã hội huynh đệ phải được thực hiện từng ngày với những con người tự do, những con người khát khao công lý và tình liên đới.” [35]

Từ đó, chúng ta rút ra mấy câu hỏi để thảo luận:

Trong tinh thần hoà giải và hy vọng của Năm Thánh Việt Nam 2010 Giáo Hội Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ, giới tu sĩ và giáo sĩ chúng ta sẽ sống mối tương quan hợp tác thế nào để hoạt động dưỡng giáo và truyền giáo mang lại những thành quả tốt nhất? Cụ thể trong mấy điểm sau đây:

  1. Hiện trạng của mối tương quan hợp tác đó có những tích cực và tiêu cực nào?
  2. Làm thế nào để khắc phục và xây dựng các mối tương quan đó mỗi ngày một tốt hơn?
  3. Phải chăng việc đào tạo và đường lối lãnh đạo là những yếu tố quyết định cho sự thành công của cuộc canh tân Xuất phát lại từ Đức Kitô?
  4. Huấn thị Phục vụ Quyền bính và Vâng phục của Bộ Tu sĩ ngày 11/5/2008 đóng góp thế nào cho việc canh tân thăng tiến đời sống thánh hiến?

  

[1] Đời sống Thánh Hiến, số 37.

[2] Thư Công bố Năm Thánh 2010 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 1.

[3] Thông tấn CNA ngày 27/1/2010.

[4] Vatican City, chiều 2/2/2010.

[5] Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô (XPLTĐK), số 5-7.

[6] Roma 2/2/2010, http://www.zenit.org/article-23412.

[7] Roma, Vendredi 5 février 2010 (zenit.org)

[8] Rôma 2/2/2010, http://www.zenit.org/article-23412.

[9] Xem thêm XPLTĐK, số 35.

[10] Đời sống Thánh Hiến, số 72.

[11] XPLTCK, số 8.

[12] XPLTCK, số 9.

[13] Đời sống Thánh Hiến, số 72.

[14] CÔng ĐỒng VaticanÔ II, Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 1.

[15] Đời sống Thánh Hiến, số 57.

[16] Ibid., số 58.

[17] CNA, Vatican City, January 21, 2010.

[18] CWN ngày 22/1/2010.

[19] Đời sống Thánh Hiến, số 58.

[20] Loan báo Tin Mừng Evangelii Nuntiandi, số 69.

[21] X. XPLTĐK, số 35.

[22] Ibid., số 39.

[23] Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay, I, 2&3, làm tại Xuân Lộc ngày 25/9/2008.

[24] CÔng ĐỒng VaticanÔ II, Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô Giáo, phần kết luận.

[25] X. Đức Ái Hoàn Hảo, số 7; Đời Sống Thánh Hiến, số 8 và 59.

[26] XPLTĐK, số 10.

[27] Trích Tuyên Bố Chung của Hội nghị Chuyên đề về “Ảnh hưởng của Nền văn hóa hôm nay trên đời sống thánh hiến” do Ủy Ban Đời sống Thánh Hiến thuộc Liên Hiệp các Hội đồng Giám mục Á Châu tổ chức từ ngày 16-21/11/2009 tại Nhà Tĩnh Tâm Salêdiêng ở Hua Hin, Thái Lan.

[28] Gioan phaolô II, Ngàn Năm Mới, số 54.

[29] X. Cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y Rodé do nhật báo Osservatore Romano ngày 8/11/2007.

[30] Theo thông tấn CNS ngày 5/2/2010.

[31] Đời sống Thánh Hiến, số 110.

[32] Trích Tuyên Bố Chung của Hội nghị Chuyên đề về “Ảnh hưởng của nền văn hóa hôm nay trên đời sống thánh hiến”…

[33] Trích Thư ngày 23/2/2008 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về Giáo Dục, VietCatholic News, Thứ Hai 25/02/2008 12:38.

[34] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói nhân Ngày thế giới đời sống thánh hiến 2006, Vatican City 29/1/2006, Zenit.org.

[35] Trích phát biểu của Đức Hồng Y Etchégaray trước Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại Sở Kiện.