GIÁO HOÀNG CỦA LÒNG XÓT THƯƠNG
“Việt Nam ở trong trái tim tôi”
(ĐGH Gioan Phaolô II)
Cha kính yêu của chúng con,
Cha có biết không, vào những ngày Cha hấp hối trên giường bệnh, hàng ngàn bạn trẻ khắp nơi tuôn về tụ họp tại quảng trường Thánh Phêrô với cỗ tràng hạt trên tay, với ánh nến lung linh trong đêm canh thức 2-4-2005 để cầu nguyện cho sức khỏe của Cha. Chúng con ngước mắt nhìn về cửa sổ căn phòng làm việc của Cha ở khung cửa thứ 2 tầng thứ 3 hồi hộp chờ đợi. Những lời kinh nguyện của hàng chục ngàn bạn trẻ như những gắn bó sau cùng của chúng con bên Cha trong những giây phút bấp bênh giữa cái sống và cái chết, như những ước muốn của người trẻ muốn đồng hành với Cha trong những bước đầu tiên Cha sắp về Thiên Quốc. Cha ơi! Chúng con muốn đến với cha, vì chúng con cảm thấy mình mang nợ Cha, nợ tình, nợ nghĩa. Hơn 26 năm làm Giáo Hoàng, Cha đã vượt hàng trăm ngàn cây số không mỏi mệt, dành thời gian để đến thăm chúng con, cùng nói chuyện, chia sẻ, ca hát, nhảy múa với chúng con. Giờ phút lịch sử sắp sang trang này, chúng con muốn đến tận nơi để mong được cùng uống cạn chén đời với Cha, để được đồng lao cộng khổ với Cha “có phúc cùng chia, có họa cùng chịu”!
Bỗng nhiên tiếng cầu kinh ngừng hẳn khi Đức Tổng Giám Mục Leonardo Sandri công bố: “Đức Thánh cha đã trở về Nhà Chúa”. Một bầu không khí thinh lặng bao trùm tất cả. Sự thinh lặng đó như nhịp thở của Cha bỗng ngừng, chấm dứt hành trình 84 năm của cha trên dương thế. Sau lúc yên lặng bàng hoàng, những tiếng khóc nức nở nghẹn ngào cất lên, tiếng chuông sầu báo tử buồn bã vang lên trong màn đêm. Giữa tiếng thổn thức của hàng chục ngàn người, giữa trời Thánh Đô vào đêm u tịch, một tiếng hô vang: “Be Not Afraid! Đừng Sợ! Đừng Sợ hãi!” Mọi người trên quảng trường vỗ tay hoan hô một hồi dài. Vâng, con nhớ lại cách đây 26 năm, ngày đầu tiên của triều đại Giáo Hoàng của mình, Cha đã củng cố lòng can đảm nơi chúng con: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô!”
Giới trẻ chúng con được Cha coi như những người bạn trong cuộc đời của mình. Cha đã dành cho chúng con cả một trái tim yêu thương dù giữa trăm công ngàn việc của một người chủ chăn phải chăm sóc hơn 1 tỷ con chiên trên toàn thế giới. Bằng chứng tình yêu đặc biệt Cha dành cho giới trẻ được thấy cách rõ ràng ngay từ khi Cha còn làm Cha Phó Xứ và giáo sư đại học tại quê hương Ba Lan. Cha đã sinh hoạt rất gần gũi với sinh viên và giới trẻ và được họ rất quý mến. Trong ngôi vị Giáo hoàng, trong những lần đi thăm mục vụ đến 129 quốc gia, tính tổng cộng lại thành quãng đường dài 1.247.613 cây số, Cha luôn dành cho giới trẻ chúng con những buổi gặp gỡ riêng. Tình yêu Cha dành cho người trẻ được tỏ bày cách hồn nhiên, chân thành, gần gũi, nồng ấm và cởi mở. Ai trong chúng con đã một lần trong đời được gặp gỡ Cha mà không cảm động và ghi khắc trong tim mình “Ấn Tượng Gioan Phaolô 2” khó nhạt phai.
Con được diễm phúc gặp Cha đến 3 lần. Lần thứ nhất vào năm 1992 khi con đi dự Tổng Tu Nghị Dòng Thánh Thể ở Rôma. Lần đầu tiên trong đời con được gặp mặt và bắt tay một vị Giáo Hoàng khi phái đoàn chúng con được Cha tiếp tại điện Vatican. Con xúc động biết là chừng nào! Cha đã tặng con xâu chuỗi mà con vẫn còn giữ đến bây giờ. Lúc đó Cha còn khoẻ mạnh tráng kiện lắm. Sau đó nhờ Đức Ông Thụ, là thư ký riêng của Cha, dẫn con đến thăm khu vườn của Cha. Con lại may mắn được gặp riêng Cha lần nữa. Lần này Cha xoa đầu, nhìn con mỉm nụ cười thật tươi, thật hiền, thậât vui khi thấy lúc đó hiếm lắm mới có người trẻ Việt Nam từ quê nhà được sang thăm Giáo Hoàng.
Mười năm sau con quay trở lại Giáo Đô để tham dự khóa bồi dưỡng tu đức cho các tu sĩ linh mục Việt Nam. Phái đoàn Việt Nam chúng con được hân hạnh chụp hình chung với Cha nhân dịp 6 bức tượng Đức Mẹ La Vang do Giáo Phận Huế gởi sang tặng cho các cộng đồng Việt Nam hải ngoại được đưa đến Rôma để Cha làm phép. Đứng sau tượng Đức Mẹ khi Cha đi ngang qua giơ tay ban phép lành, con thấy sức khoẻ Cha đã xuống, bước đi phải nhờ cây gậy, nhưng đôi mắt vẫn sáng, nụ cười vẫn dịu hiền như mười năm về trước.
Tháng 10 -2003 con được gặp Cha lần cuối trong dịp lễ phong chân phước cho Mẹ Têrêsa và trao mũ gậy Hồng Y cho Đức Tổng Giám Mục Gioan B. Phạm Minh Mẫn. Lúc này Cha không còn tự mình đi được nữa. Cha ngồi trên xe lăn trong suốt buổi lễ. Có lẽ hơn bao giờ hết, lúc này Cha thật sự cảm nghiêm nơi chính bản thân mình ý nghĩa của ngôn từ: “Có một ai đó sẽ thắt lưng cho con”. Giọng nói yếu và phát âm không rõ nữa, nhưng vẫn đôi mắt sáng và nụ cười hiền đó. Cha vẫn đi chúc lành cho chúng con dù ngồi trên xe lăn.
Khi Cha gặp giới trẻ, dường như Cha được tiếp thêm sức sống, Cha vẫy tay mạnh hơn, vươn người cao hơn như muốn ôm ấp người trẻ trong vòng tay yêu thương run rẩy của Cha. Một phóng viên hỏi Cha: “Tại sao Cha không từ chức khi tuổi cao sức yếu?” Cha mỉm cười đáp: “Nếu tôi là cầu thủ bóng đá thì tôi sẵn sàng từ chức khi gối mỏi chân chồn. Nhưng tôi không phải là cầu thủ, tôi là Giáo Hoàng. Tôi chăm sóc dân tôi không bằng đôi chân, nhưng bằng cái đầu và trái tim. Đầu tôi còn sáng, tim tôi còn đập, còn biết yêu thương, hà cớ gì tôi phải từ chức? Khi nào Chúa còn dùng tôi, thì tôi sẵn sàng phục vụ.” Và Cha đã phục vụ như thế cho đến hơi thở cuối cùng, không bỏ cuộc.
Sáu năm qua, Cha đã ra đi khỏi cuộc sống trần gian, nhưng Cha vẫn sống trong tâm tưởng, trong lòng yêu mến của chúng con. Mỗi khi nhớ về Cha, những gì Cha đã làm cho người Việt Nam chúng con, những tâm tình Cha gởi gắm cộng đồng Việt Nam trên khắp thế giới đều vang động trong tâm hồn con.
Trong Đại Lễ tôn phong các Thánh Tử Đạo Việt Nam, lúc đó Cha 68 tuổi, mạnh mẽ hơn nhiều so với thời gian sau khi bị trúng đạn của Mehmet Ali Agca. Cha luôn nhìn các con cái Việt Nam vây quanh Cha bằng ánh mắt thật hiền hòa dễ thương và cười vui khi thấy các bạn trẻ Việt Nam bày tỏ lòng yêu mến Cha một cách thoải mái. Một em bé Việt Nam khoảng 10 tuổi đọc một lá thư bằng tiếng Ý nói lên lòng yêu quý của em với Cha cách rất đơn sơ dễ thương. Cha đã xúc động ôm chầm lấy em mà như muốn ôm cả đất nước và con người Việt Nam vào lòng Cha. Sau này, mỗi khi nhắc đến Việt Nam, Cha thường nói một câu nghe thật chan chứa tình thương: “Việt Nam ở trong trái tim tôi.”
Cha đã không mệt mỏi vượt mọi khoảng cách trong không gian, qua khắp năm châu bốn bể đến với con người, nhất là đến với giới trẻ, để cùng sống đức tin với chúng con và khơi dậy niềm hy vọng tình người. Trong cuộc gặp gỡ giới trẻ ở Hradec Kralové năm 1997, Cha nhắn nhủ: “Các con hãy cùng với Giáo Hội đem Tin Mừng của Chúa đến tận cùng thế giới với tấm lòng vui tươi rộng mở… Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô cần đến sức sống đang triển nở vươn lên của các con, cần đến sự đóng góp của trí tuệ và lòng hào hứng phấn khởi của các con. Các bạn trẻ yêu quý, các con hãy đặt tin tưởng vào Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội của Ngài tin tưởng nơi các con.”
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Rôma dịp Năm Thánh 2000, vào đêm canh thức, Cha đã tâm tình với chúng con: “Ngày nay chúng ta phải sống quảng đại cho Chúa Kitô, và rất nhiều khi đòi buộc lòng hy sinh tử vì đạo nữa. Tử đạo ngày hôm nay cũng như hôm qua, đòi hỏi phải sống lội ngược dòng nước, để tin theo Chúa là thầy dậy hướng dẫn chỉ đường… Ngày nay các con không bị đòi hỏi phải đổ máu ra làm chứng cho đức tin vào Chúa, nhưng lòng trung thành với đức tin. Đó là lòng trung thành trong cuộc sống hàng ngày.”
Vào Chúa Nhật Lễ Lá 4-4-2004, Cha nhắn nhủ chúng con : “Hỡi các con, đừng sợ sống phó thác cho Chúa Kitô. Đừng chối bỏ những gì diễn tả vẻ đẹp của Thiên Chúa cũng như những tài năng mà con người đã nhận lãnh từ Thiên Chúa. Chúng ta cần đứng về phía Chúa Kitô, để làm chứng cho Thiên Chúa trước mặt mọi người.”
Trong buổi gặp gỡ các bạn trẻ ở Thụy Sĩ vào chiều thứ bảy 5-6-2004, Cha đã chứng tỏ khả năng ngoại thường trong việc lôi cuốn những người trẻ. Giới trẻ cảm thấy đang nghe một diễn giả trẻ trung độ tuổi 38 chứ không phải 83 như tuổi thật của Cha! Cha đã dâng thánh lễ với hơn 70.000 tín hữu và bạn trẻ tại công viên Allmend bên ngoài thủ đô Bern. Cha nhắn nhủ chúng con: “Tất cả những ai xúc phạm đến con người cũng là xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa của người ấy.” Và Cha khuyên: “Hãy tìm kiếm Chúa trong dung mạo của người anh chị em đang đau khổ, đang gặp cảnh túng thiếu, đang là khách ngoại kiều.”
Cha còn là “Tông Đồ của lòng Chúa xót thương”. Cha đã phác họa lòng sùng kính này trong tông thư “Thiên Chúa Giầu Lòng Thương Xót” (Dives in Misericordia). Tại Collevalenza, năm 1981, Cha nhắc lại quyết tâm đối với sứ điệp lòng thương xót của Thiên Chúa như sau: “Ngay từ lúc khởi đầu tác vụ ở Toà Thánh Phêrô tại Rome, tôi đã coi sứ điệp này là công việc đặc biệt của tôi. Chúa quan phòng đã uỷ thác sứ điệp ấy cho tôi trong bối cảnh hiện nay của nhân loại, giáo hội, và thế giới.”
Chúa Nhật 18-04-1993, nữ tu Faustina được Cha nâng lên hàng chân phước. Ngày 30-04-2000 cũng chính Cha tôn phong Faustina, vị Tông Đồ của Lòng Thương Xót Chúa, lên bậc hiển thánh, và chính thức thiết lập lễ kính Lòng Thương Xót Chúa trên Giáo Hội Công Giáo toàn cầu vào Chúa Nhật II sau lễ Phục Sinh đúng theo yêu cầu của Chúa Giêsu “Cha mong ước Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh sẽ là ngày đại lễ kính lòng thương xót Cha.” (NK 299-300).
Nhiều năm trước đây, Đức Lêô Cả đã chỉ thị cho các linh mục hãy rao giảng về Lòng Thương Xót Chúa : “Linh mục không có quyền khước từ việc rao giảng một mầu nhiệm quá ư vĩ đại như vậy, hơn nữa, linh mục không thể thiếu chất liệu để diễn giảng về một đề tài mà chưa bao giờ được nói cho đầy đủ; và trước tôn nhan vinh quang của Thiên Chúa, tuy thấy mình không xứng đáng diễn giảng về những công trình của Lòng Thương Xót Chúa, nhưng chúng ta hãy nỗ lực và dâng hiến trí năng của mình đến độ vận dụng tất cả mọi khả năng lợi khẩu.”
Trong bức tông thư “Thiên Chúa giầu Lòng Thương Xót” Cha cũng nhấn mạnh đến sứ vụ này: “Giáo hội của thời đại chúng ta phải trở nên ý thức đặc biệt và sâu xa về nhu cầu làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa trong sứ mạng toàn thể của mình, theo bước chân của truyền thống Cựu và Tân Ước, và trên hết là của chính Chúa Giêsu Kitô và các tông đồ của Người… Giáo Hội phải coi việc tuyên xưng và đưa mầu nhiệm lòng thương xót vào cuộc sống là một trong những bổn phận chính yếu của mình của mình trong mọi giai đoạn lịch sử, nhất là trong thời buổi hiện tại của chúng ta.” (#14)
Cha ơi, kể làm sao cho hết những gì Cha đã làm cho chúng con, viết làm sao cho cùng những tâm tình Cha muốn gởi gấm đến chúng con. Nhìn lại cuộc đời của Cha, những công việc Cha đã làm, những thao thức trăn trở và hoài bão của Cha, sao con cảm thấy mình sao nhỏ bé tầm thường quá! Báo chí đã đặt cho Cha danh hiệu là “Lực Sĩ của Chúa”, là “ Người của Thế Kỷ, của Thiên Niên Kỷ”, là “Gioan Phaolô Cả”, là “Ca Sĩ Cho Một Nền Văn Minh Tình Thương”. Người ta còn nói Cha được hưởng danh tiếng như một ngôi sao nhạc Rock, là thần tượng của bao người trẻ. Nhưng với con, Cha mãi mãi vẫn là “Giáo Hoàng của Lòng Xót Thương”. Nhớ thương Cha, chúng con lại thấy mình còn nhiều việc phải làm cho những người bên cạnh, những người sống chung quanh, những người gặp gỡ trên đường đời. Dù là những việc thật nhỏ bé tầm thường, nhưng con xin làm với cả tấm lòng để nhớ đến Cha. Bằng cả cuộc sống của mình, Cha đã chỉ cho con thấy con đường nên đi. Đó là con đường yêu thương phục vụ để sống mãi trong tình yêu Thiên Chúa và con người. Sống ở Chúa là sống ở mọi người, vì Chúa cũng ở trong mọi người.
Thưa Cha kính yêu,
Ngày Đại Lễ Kính Lòng Chúa Xót Thương vào Chúa Nhật II Phục Sinh 01-05-2011, Cha được tôn phong lên hàng Chân Phước, xin Cha cầu bầu cùng Chúa luôn phù trợ và chúc lành cho chúng con trên hành trình loan truyền Lòng Chúa Xót Thương đến mọi người, mọi nơi… Cha nhé!
Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS