Giáo đường im bóng

108

GiaoDuong ImBongKhi còn là một chàng trai 17 tuổi, NS Nguyễn Thiện Tơ (*) đã viết ca khúc đầu tay là bài “Giáo Đường Im Bóng”, liên quan Giáng Sinh. Tại sao giáo đường lại im bóng trong khi đêm Giáng Sinh khắp nơi nhộn nhịp, phố phường tấp nập, xe cộ dập dìu, ai cũng hớn hở, vui tưng bừng?

Ca khúc “Giáo Đường Im Bóng” được ông viết về một cô gái theo đạo Công giáo tên Hà Tiên, 16 tuổi, người mà ông bị tiếng sét ái tình. Ông kể: “Lúc này còn là học sinh trường Thăng Long ở Hà Nội, trong kỳ nghỉ hè năm 1938, tôi được mời tham gia biểu diễn đàn ghi-ta ở Nam Định. Ở đây tôi đã làm quen với cô nữ sinh Hà Tiên cũng đến đây đóng góp tiếng hát của mình. Sau buổi dạ hội ca nhạc, tôi được bạn bè cho biết là gia đình cô ấy theo đạo Thiên Chúa. Nghĩ mình là kẻ ngoại đạo nên mới viết nên Giáo Đường Im Bóng sau ngày ấy”.

NS Nguyễn Thiện Tơ là người ngoại đạo nhưng “phải lòng” một cô gái Công giáo. Gia đình của Hà Tiên ngăn cấm, ông nghĩ tình yêu đó chẳng đi đến đâu, nên ông viết ca khúc này để nói lên tâm trạng thất tình. Nhưng rồi thật may mắn, ông đã thuyết phục được gia đình cô gái và được kết hôn với nàng năm 1944.

Ca khúc “Giáo Đường Im Bóng” được viết với nhịp 2/4, âm thể Mi thứ (Em). Có cái lạ là rất ít nhạc sĩ viết ca khúc ở âm thể này, các ca khúc ở âm thể này cũng hiếm thấy. Nguyễn Thiện Tơ hoàn thành phần nhạc của ca khúc này, sau đó thi sĩ Phi Tâm Yến (bạn thân của Nguyễn Thiện Tơ) viết lời.

Lời 1:

Nhớ tới đêm đầy ánh sáng, hương trong gió tràn mênh mang, giây phút như ngừng thôi rơi, tiếng kinh muôn lời. Dáng xinh xinh bao tiên kiều quỳ ngân Thánh Kinh ban chiều, trong giáo đường đêm Noel ấy ngàn đời tôi mến yêu. Tiếng A-men đều âm u, hòa theo gió vàng đêm thu, làm xao xuyến tâm hồn quá, thời khắc mơ.

Thánh giá xa vời lắm với chuông chiều ngân, hồn thánh thót mưa dầm, buồn tới âm thầm. Nơi giáo đường im bóng tôi thầm mong ngóng, đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ.

Lời 2:

Tới chốn xưa nàng vắng bóng, tôi mơ mắt huyền nhung trông, bao phút vui thần tiên qua, thấy đâu bây giờ? Lá êm rơi trên gương hồ, hình như mối duyên xa mờ. Nay đến làm tôi xao xuyến, hồi đời tươi sáng êm. Sóng rung rinh hồ xưa đây, hồn tôi nhớ nàng mê say. Ngày xa ấy u trầm quá, và chóng qua.

Biết đến đâu tìm kiếm, nối dây tình duyên, và sóng mắt mơ huyền còn biết đâu tìm. Tôi tiếc thời tươi sáng trôi cùng năm tháng, trí óc âm thầm nhớ mắt nàng huyền mơ.

Cách dùng chữ của ông khá thú vị: Gió vàng đêm thu,… Hồn thánh thót mưa dầm, buồn tới âm thầm,… Lá êm rơi trên gương hồ,…. So sánh khéo léo lắm. Vâng, cái cảm giác tương tư mạnh mẽ, nỗi nhớ sâu thẳm, nhưng chỉ âm thầm thôi. Kỷ niệm tình yêu luôn kỳ lạ, và ông đã tự thú: “Đêm Noel ấy ngàn đời tôi mến yêu”.

“Giáo Đường Im Bóng” như nói thay những người đã và đang yêu, nhất là khi Noel về trong cái giá lạnh của mùa Đông… Nỗi nhớ chợt cũng như “co ro” vì giá lạnh. Nhưng Thiên Chúa sưởi ấm và khỏa lấp khoảng trống vắng trong lòng họ.

Dù ca khúc này viết ở tâm trạng thất tình nhưng nghe không ảo não, bi quan. Nhưng thật lạ, nghe ca khúc này chúng ta có cảm giác như một bài thánh ca.

NS Nguyễn Thiện Tơ tâm sự: “Với bài Giáo Đường Im Bóng, tôi thấy có 2 ca sĩ hát thành công nhất là Khánh Ly và Nga My. Khánh Ly hát như một bài hát trữ tình đượm thánh ca, còn Nga My thì lại hát như một bài thánh ca đượm chất trữ tình”. Ông cũng là người tự trọng, không muốn những thứ hão huyền, không “vơ vào mình” như một số người thích “cầm nhầm” – người ta gọi là đạo nhạc, đạo văn, đạo thơ,… Tâm hồn “trong sạch” như vậy thì sẽ bình an, đặc biệt trong Mùa Sao Sáng. Ông cho biết rằng ca khúc Vườn Hồng Dưới Trăng (Thềm Trăng) không phải là sáng tác của ông như một số trang mạng đăng tải.

TRẦM THIÊN THU

Mùa Giáng Sinh 2014

.

(*) NS Nguyễn Thiện Tơ sinh ra tại Hà Nội, xuất thân trong một gia đình công nhân (xưởng in Viễn Đông) tại căn nhà số 22 phố Charron (nay là phố Mai Hắc Đế), quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Năm 12 tuổi, Nguyễn Thiện Tơ theo học Hạ Uy cầm (ghi-ta Hawaii) với thầy Trần Đình Khuê. Chỉ ba tháng sau, ông đã được biểu diễn cùng thầy trên đài phát thanh Pháp. Sau đó ông theo học ghi-ta với một người Pháp, rồi đi biểu diễn ở các phòng trà và chương trình từ thiện. Ông dạy ghi-ta và Hạ Uy cầm. Trong số những người học ông có các nhạc sĩ nổi tiếng như Dzoãn Mẫn, Đoàn Chuẩn và Nguyễn Văn Quỳ.

Một số ca khúc của ông: Chiều Quê, Chiều tà, Cung Đàn Xuân Xưa, Đêm Trăng Xưa, Khúc Nhạc Canh Tàn, Mộng Giang Hồ, Nắng Xuân, Nhắn Gió Chiều, Nhớ Quê, Thu Sang, Tiếng Trúc Bên Sông, Xuân Về. Các bài ông viết nhạc, lời của Hoàng Giác: Qua Bến Năm Xưa, Tiếng Hát Biên Thuỳ, Trên Đường Về. Các bài ông viết nhạc, lời của Văn Khôi: Giấc Mơ Xưa. Các bài ông viết nhạc, lời của Phi Tâm Yến: Giáo Đường Im Bóng, Ngày Vui Đã Qua.

(1) http://nhacso.net/nghe-nhac/giao-duong-im-bong.WlhTUEBZ.html

(2) https://www.youtube.com/watch?v=yiW7lXGz99I