Các bạn trẻ thường hay tụm năm tụm ba nói chuyện không biết mệt. Chuyện gì mà họ nói mãi như vậy? Có lẽ đề tài “xưa rồi mà luôn luôn mới và hấp dẫn” là chuyện anh này “đẹp trai” chị kia “đẹp gái”; chuyện người này phải lòng người khác giữa đám bạn bè, chuyện yêu đương ở độ tuổi nào…
Các bậc cha mẹ hay các nhà giáo dục thường hay ngại nói đến chuyện yêu đương với các bạn trẻ, nhất là với tuổi vị thành niên. Nhiều người sợ vì làm như thế khác nào “vạch đường cho hươu chạy”. Nhiều người cho rằng đó là chuyện của “người lớn”, con nít thì lo học hành trước đã, khoan nghĩ đến điều đó mà “lo ra chia trí” v.v… Khổ một điều là chuyện “phải lòng nhau” luôn là điều bất ngờ và gây cho người trẻ những xúc cảm hoặc thay đổi đột ngột trong đời sống của họ, và cảm xúc ấy không giống nhau nơi tất cả mọi người. Bởi thế việc chia sẻ kinh nghiệm về tình yêu với người trẻ cũng bị phân rẽ theo nhiều kiểu.
Nơi các phương tiện truyền thông hiện nay ở các nước phát triển, người ta nói nhiều về kinh nghiệm tình yêu thiên về tình dục, hay cổ vũ cho tự do tình dục với nhiều dạng thức khác nhau của việc hưởng thụ cá nhân, và một cách nào đó họ có khuynh hướng phản kháng lại quan niệm về tình yêu, tình dục theo quan điểm luân lý kitô giáo.
Nhiều người có khuynh hướng “nghiêm túc” hơn thì nghĩ đến cách giúp người trẻ giáo dục chính con tim của mình, bằng cách đồng hành với bạn trẻ cho đến khi họ có thể xây dựng cho mình một nhân cách sống dựa trên khả năng và giới hạn nội tại của chính mình và những tương quan ngoại tại với người khác, chuẩn bị cho họ bước vào đời. Đó là công việc của cha mẹ, các nhà giáo dục, hay các cố vấn tâm lý cho giới trẻ. Công việc này luôn đòi hỏi tình yêu thương và lòng kiên trì, nhẫn nại.
Nói với bạn trẻ thế nào về tình yêu? Chúng ta cùng nhau tham khảo ý kiến của nhà tâm lý học Erich Fromm về một kiểu định nghĩa tình yêu. Trong một cuốn sách nhỏ có tựa đề Nghệ thuật của tình yêu (L’arte di amare – NXB Mondatori), Erich Fromm nói đến 5 tiêu chuẩn để xác định một tình yêu đích thực và trưởng thành.
Yêu là trao ban. Đây là khả năng tích cực và sống động nơi con người, giúp con người phá vỡ lá chắn ngăn cách mình với người khác, biết mình là ai trong tương quan với mọi người. Nhưng cụ thể thế nào là trao ban? Người ta có thể cho đi một cái gì đó và cảm thấy ngay sự mất mát, hy sinh hoặc hối tiếc. Người không trưởng thành sống theo cách này và luôn cảm thấy mất đi những gì mình có. Ngược lại hành vi trao ban đích thực xuất phát từ nội tâm của một cá nhân, việc trao ban làm cho người ấy cảm thấy hạnh phúc và tăng thêm sinh lực, vì thế càng trao ban nhiều họ càng sống phong phú và dồi dào hơn. Việc trao ban như thế không ngăn cản hành vi và khả năng đón nhận ân huệ cho mình từ phía người khác, bởi ân huệ đón nhận tạo nên một sự hiệp thông và làm tròn đầy sự sống nơi người khác nữa. Ai cũng có thể đạt đến sự trưởng thành trao-nhận này nếu biết chiến thắng tính ích kỷ, ham muốn sở hữu và sử dụng người khác cho mục đích của chính mình (kể cả những mục đích xem ra chính đáng). Nếu con người thiếu phẩm chất này, họ sẽ trở nên những kẻ sợ hãi chính bản thân mình, sợ yêu người khác vì sợ mất mát. Và theo nguyên tắc căn bản của hiện hữu nhân linh, con người sẽ không là người nếu chỉ đóng kín trong chính mình.
Yêu là phục vụ. Thường có hai quan điểm để nhìn nhận một con người: Ta có thể nhận ra hiện trạng của họ và xem người đó như họ là; và ta cũng có thể quan tâm ở mức cao hơn về tình trạng mà họ sẽ trở thành. Mỗi một con người là chủ thể mà nơi sâu thẳm tâm hồn luôn đòi hỏi việc được hiện thực hoá chính mình. Bởi thế yêu một người cũng có nghĩa là biết đặt mình phục vụ cho chủ thể ấy, để giúp họ hiện thực hoá chính mình. Yêu là giúp người khác sống và trở thành chính mình, trở thành hiện hữu người hơn. Ai có thể biết được còn bao nhiêu giới hạn nơi một con người. Bởi thế tình yêu cần đến niềm tin và hy vọng nơi người đó. Ai không có cảm thức về sự huyền nhiệm, về những may rủi và mạo hiểm để khám phá con người sẽ không có khả năng yêu thương thực sự.
Yêu là đảm nhận trách nhiệm. Đơn giản là: tương lai, hạnh phúc, suy tư, âu lo về cuộc đời của người tôi yêu không để cho tôi yên hoặc khiến tôi có thái độ dửng dưng được.Tôi không thể chối từ và cảm thấy mình có bổn phận phải ghé vai vào để nâng đỡ người ấy để cùng nhau đi hết con đường trên thế gian này.
Yêu là tôn trọng. Đó là thái độ biết đón nhận nơi người khác những gì họ là. Chúng ta biết rằng mỗi người có một tình trạng khác nhau trong bước hiện thực hoá chính mình, nên cần thiết phải tôn trọng những kế hoạch hay dự phóng của người khác. Thái độ tôn trọng loại trừ tính độc đoán, chiếm đoạt, lợi dụng và hay phê bình chỉ trích người khác. Yêu thương một ai đó là mong muốn cho người ấy trở thành “chính họ”, chứ không theo cái mà mình muốn “họ phải là” để thích hợp với mình.
Yêu là thấu hiểu. Mỗi người là một huyền nhiệm. Hiểu người khác như người khác hiểu chính họ đòi hỏi một sự tự huỷ để ta có thể tiến gần hơn huyền nhiệm của người khác. Ta chỉ có thể hiểu điều này qua kinh nghiệm sống của con người chứ không bằng lý thuyết suy tưởng. Qua tương quan và hiệp thông, ta có thể tìm ra câu trả lời cho những vấn nạn của chính mình. Nơi người khác tôi tìm thấy chính mình; và cùng với người khác tôi khám phá được con người.
Trên đây là những gợi ý của một nhà tâm lý. Có thể mỗi người trong chúng ta có kinh nghiệm, cách cảm nhận và cách diễn đạt tình yêu khác nhau, nhưng chúng ta sẽ nhận ra rằng một tình yêu đích thực được biểu tỏ qua những nét căn bản trên. Người ta có thể nhận ra một tình yêu dối trá qua sự chiếm đoạt, tính ích kỷ, sự ghen tương và muôn vàn bộ mặt tiêu cực khác của cảm xúc mà con người dành cho nhau. Hình như nhà thơ trữ tình người Anh G. Byron cũng đã cảm nghiệm rằng cái na ná của tình yêu thì có hàng trăm hàng vạn, nhưng cái đích thật của tình yêu thì chỉ có một trên đời. Người trẻ, trong những bước đi đầu tiên, có mấy người biết được sự thật cuộc đời, hoặc là họ nhận ra sự thật sau khi đã trãi qua kinh nghiệm đau thương. Lúc đó biết cũng đã muộn màng và chỉ là hối tiếc khôn nguôi, nói theo kiểu nhiều tình khúc sầu buồn mà các bạn trẻ vẫn thường nghe. Giữa một thế giới đang đổi thay từng ngày, nơi mà người trẻ lo lắng không biết mình đang đứng ở đâu trên mặt đất này, thì hoặc là họ sẽ tìm cách để tự lo liệu lấy trong cuộc chạy đua với thời gian, công việc, tiền bạc và danh vọng, hoặc là họ sẽ bị nhận chìm trong những chuyến phiêu lưu tình ái không có hồi kết thúc.
Người trẻ cần một ai đó nói cho họ biết những gì là có thể tin được về một tình yêu chân chính; và cũng cần những minh chứng rằng tình yêu chân thật hiện hữu trên thế gian này qua những con người mà họ gặp gỡ thường ngày. Thế nhưng ai sẽ là người nói và làm chứng về tình yêu đích thực ấy cho người trẻ? Thế giới này luôn cần những con người biết nói bằng ngôn ngữ của trái tim và biết sống với tất cả trái tim, biết trao ban và biết đón nhận, biết yêu thương và cảm thông, biết hy sinh, phục vụ và can đảm nhận lãnh trách nhiệm vì người khác. Xem ra hơi có vẻ “lý tưởng hoá” và “khó kiếm” những mẫu người như thế. Và một câu hỏi lại được đặt ra: Liệu có thể tìm thấy họ chăng? Vâng, người ta vẫn còn có thể tìm thấy rất nhiều người như thế dưới mái gia đình, nơi trường học, công sở… Một điều đáng nói là có một phần không nhỏ trong số đó là những người đã biết kín múc nguồn năng lực đời mình và biết sống trong yêu thương phục vụ từ một tình yêu vĩ đại và là cội nguồn của mọi thứ tình người – Tình yêu của Thiên Chúa.
Lê An Phong, SDB