Giáo dục giới tính cho con trẻ

131

Từ chủ đề giáo dục giới tính cho con trẻ, tiến sĩ Bích Hồng một lần nữa mang đến cho các thính giả, đặc biệt là các bậc cha mẹ một cách nhìn nhận mới, khoa học hơn trong vấn đề giáo dục giới tính cho con trẻ.

Có bao giờ các bậc phụ huynh chú ý đến việc giáo dục giới tính cho con cái chưa?

Có bao giờ các vị nhận thấy những biểu hiện khác thường nơi các con của mình và nhẹ nhàng giải thích, hướng dẫn cho con hiểu phần nào đó về những biến đổi đang diễn ra trên cơ thể của con mình?

Câu hỏi của cô Bích Hồng nêu lên một thực tế mà các bậc phụ huynh đang gặp phải “Cha mẹ giáo dục giới tính cho con cái từ khi nào?”

Câu trả lời của phần đông là cha mẹ giáo dục giới tính cho con khi chúng vào tuổi dậy thì. Thế nhưng sự thật là ngay khi trẻ lên 2 lên 3 thì cha mẹ đã cần giáo dục giới tính cho con rồi. Bằng chứng là ở tuổi này bé bắt đầu biết thắc mắc về sự khác biệt trên cơ thể của mình, sự khác biệt về phái tính… cha mẹ cũng giúp con mình dần dần nhận ra điều này qua trang phục của chúng, con gái thì mặc váy… Trong lời nói cũng như trong cách chăm sóc, từ bình sữa, chiếc nôi, đồ chơi cũng đã có sự phân biệt theo giới tính; rồi qua sự khen chê của bố mẹ khi thấy đứa bé ăn nhiều, ăn nhanh, nếu là bé trai có thể sẽ khuyến khích trong khi nếu là con gái thì sẽ nhắc bảo. Tất cả các điều đó cho thấy tuỳ vào độ tuổi và tuỳ vào cách ứng xử của bé mà cha mẹ có thể có những cách giáo dục giới tính cho con khác nhau.

Việc giáo dục giới tính đúng cách có thể mang lại một số tác dụng hoặc hiệu quả như sau:

  • Khi trẻ dậy thì, sự tò mò và khao khát khám phá những thay đổi của cơ thể là một nhu cầu và việc giáo dục giới tính sẽ giúp giải quyết nhu cầu này.
  • Kế nữa là khi trẻ đã hiểu được một phần nào đó về giới tính thì trẻ sẽ có khả năng tự chăm sóc bản thân, nhất là những bộ phận giới tính.
  • Sự hiểu biết này còn giúp trẻ phòng tránh hoặc đối phó với những nguy cơ xâm hại đến bản thân.
  • Từ những hiểu biết đó trẻ sẽ tự tin và xây dựng những mối quan hệ giới tính lành mạnh và phù hợp với những chuẩn mực xã hội.
  • Và điều quan trọng nhất là tạo mối quan hệ thân thiết trong gia đình, một khi cha mẹ giáo dục đúng cách sẽ tạo nên sự gần gũi, tin cậy giữa cha mẹ và con trẻ trong giai đoạn tuổi teen này.

Từ những điều nêu trên, diễn giả nêu lên 2 câu hỏi thảo luận mà các phụ huynh quan tâm: một là “Việc giáo dục giới tính cho con là giáo dục những điều gì?” và hai là “Việc giáo dục giới tính cho con có tác dụng tích cực như thế nào?

Ở câu hỏi thứ nhất có 3 thính giả trả lời khá đầy đủ, nhưng ấn tượng nhất là câu trả lời của một bạn trẻ, dù chưa lập gia đình, nhưng bạn đã nêu ra được những nét đặc trưng cần phải hướng dẫn cho trẻ trên cả 3 mặt “sinh lý, tâm lý và xã hội”. Trong khi đó, phần lớn các bậc phụ huynh thuờng nghĩ rằng, giáo dục giới tính chỉ gói gọn trong 4 chữ là giáo dục “sức khoẻ sinh sản”. Chính suy nghĩ tiêu cực này đôi khi bị dung tục hoá bởi chương trình giáo dục giới tính.

Về mặt sinh lý: cần giúp trẻ 4 điều sau:

–                       Nhận biết hiện tượng dậy thì và sự phát triển các bộ phận giới tính. Đến tuổi dậy thì, trẻ có rất nhiều thắc mắc, tò mò, quan tâm về chính cơ thể của các em và cả các bạn khác phái, điều này diễn ra ngay từ trước khi vào lớp 6.

–                       Chăm sóc các bộ phận giới tính của cơ thể (phẫu thuật mắt cá voi, mặc đồ lót, vệ sinh kinh nguyệt)

–                       Phòng tránh bệnh lây nhiễm

–                       Quan hệ tình dục và biện pháp tránh thai (lớp 8 + 9)

Về mặt tâm lý:

Tình bạn trong giai đoạn này rất khó hiểu, thất thường và mất ổn định. Do đó, cần lưu ý về quan hệ cư xử của trẻ với bạn khác giới. Thứ nữa là giúp trẻ phân biệt giữa rung cảm về giới tính và tình cảm yêu thương.

Trong quan hệ với bạn khác giới, rất nhiều bạn trẻ khi bị ghép đôi, thường sợ bị hiểu lầm, nên có thái độ sỗ sàng thô lỗ trong cách ăn nói (dùng từ mày tao)… hoặc có thể sẽ tránh né nhau và thậm chí có thể là xua đuổi, dị ứng không muốn gặp nhau. Do đó, các bậc phụ huynh nên giúp trẻ vượt qua những bức xúc đó, bằng cách giúp trẻ cư xử chừng mực và khách quan hơn.

Một số đặc điểm ở tuổi teen và tâm lý của trẻ phải lưu ý:
– Lớp 6: khoảng từ học kì 2 của lớp 6, các bạn bắt đầu giai đoạn dò dẫm và yêu đơn phương.
– Lớp 7: “nhìn vào đôi mắt của bạn, mình thấy trong lòng xao xuyến lạ thường.”
– Lớp 8 và 9: chủ động chinh phục, không còn rụt rè như trước.

“Hãy nhìn người yêu mà thấy đẹp

Chớ nhìn người đẹp mà thấy yêu

Yêu ai cũng chỉ một người

Lòng ai khốn nạn…

Nghĩ người thứ hai.”

“Người đời ai cũng có đôi.

Cớ sao tôi mãi đơn côi một mình

Nhưng mà… phải có niềm tin

Trước – sau – nàng … cũng … của riêng mình anh thôi.”

Đối với học sinh cấp 3, những số liệu cô Bích Hồng cung cấp cần được chú ý:

– 30% các bạn lớp 10 thừa nhận có người yêu; Lớp 11: 50%. Lớp 12: 70-80% các bạn thừa nhận có người yêu. Tuy nhiên số 20-30% các bạn còn lại tuy không thừa nhận nhưng thật ra các bạn cũng rất thèm khát và thường có thái độ “rình mò”.

Những số liệu trên cho thấy ở cấp 3, các bạn chuyển sang giai đoạn tự khẳng định mình.

Một số nguyên nhân trẻ yêu sớm:

1. Cảm xúc giới tính và sự ngộ nhận.

Trong giai đoạn này, tâm sinh lý của trẻ có rất nhiều thay đổi mà đôi khi trẻ không biết đâu là cảm xúc của giới tính và đâu là tình yêu. Do đó dễ dàng dẫn đến sự ngộ nhận. Và một phần nguyên nhân ngộ nhận, cũng có thể đến từ phía các bạn bè khi trẻ bị ghép đôi; từ phía thầy cô giáo khi quá chú tâm đến một vài bạn; hoặc cũng có thể đến từ phía gia đình của trẻ khi phát hiện cha mẹ cư xử không bình thường!

2. Ảnh hưởng từ gia đình.

Một nghiên cứu của cô Hồng chỉ ra rằng ở các em lớp 8 và 9, các em thường quan hệ tình dục sớm do gia đình không hạnh phúc, bố mẹ ly dị, bất hoà… chính những tác động ấy dễ dàng làm cho trẻ cảm thấy thiếu tình thương và do đó trẻ đã “ngả” khi có sự quan tâm của người khác. Thứ đến là sự mất cân đối về giới tính trong gia đình. Có nhiều gia đình “con một bề” dễ khiến trẻ có khuynh hướng tìm đến với những người khác phái. Và cũng phải kể đến là vị thế của người trẻ trong gia đình. Nếu trẻ có một vị thế không tốt, không được tôn trọng thì trẻ dễ dàng tìm đến với những người khác khi được sự quan tâm .

3. Ảnh hưởng của xã hội.

Ngày nay, các phương tiện truyền thông phát triển không chọn lọc, với sự yếu đuối và thiếu kinh nghiệm, trẻ dễ dàng bị tiêm nhiễm bởi xu hướng tự do hoá trong các mối quan hệ. Thứ nữa, trẻ có khuynh hướng bắt chước sự lãng mạn trong các phim ảnh.

Sau đây là 2 tình huống mà các phụ huynh thường gặp phải. Nhưng cách giải quyết có thể sẽ rất khác nhau:

1/ Con trai lớp 8 xem phim sex bị mẹ phát hiện.

2/ Con học lớp 9 có “người yêu

Một bạn trẻ chia sẻ một kinh nghiệm mà bạn đã có dịp đọc được. Người mẹ đó khi phát hiện con xem phim sex thì chẳng những không tỏ ra bực tức, mà còn nhẹ nhàng hướng dẫn bằng cách “cùng xem với con” để từ đó có sự thông cảm với con. Rồi sau đó hướng dẫn con biết giá trị đích thực.

Một cách giải quyết khác mà cô Hồng đã chia sẻ là có một bà mẹ khi phát hiện con mình lớp 8 đang xem “nhật kí Vàng Anh” vào buổi tối, đã khuyên con mình đi ngủ và đợi sáng hôm sau trò chuyện với con.

Mẹ hỏi: “Con xem gì?” Bé trả lời “Cách đưa tinh trùng vào cơ thể người phụ nữ”. Mẹ hỏi tiếp “Con nghĩ gì?” Bé trả lời “Xấu” Mẹ giải thích “Điều đó không xấu nhưng ‘sai’.” Chuyện đó không xấu, vì đó là điều rất quí giá và riêng tư. Sai, vì làm sai cách, không đúng với đối tượng. Từ đó, bà mẹ đã hướng dẫn con biết ý nghĩa đích thực, và dạy trẻ biết thêm về luật pháp trong vấn đề tình dục.

Ở câu hỏi thứ hai có 3 thính giả đưa ra 3 cách giải quyết. Một là giải thích cho con, hai là nhờ chuyên viên hỗ trợ, và ba là động viên, bày tỏ nỗi lòng, an ủi, vỗ về trẻ.

Hai câu hỏi trên đã gián tiếp giúp các bậc phụ huynh tìm ra câu trả lời cho việc “làm thế nào khi trẻ yêu sớm?

Về mặt xã hội:

– Giới trẻ có những hiện tượng như nam xỏ bông tai, để tóc dài, nữ đi giày to, bè… có vẻ như các giá trị đạo đức và thẩm mỹ của giới trẻ ngày càng xa lạ với các bậc phụ huynh. Do đó các bậc phụ huynh cần khéo léo hướng dẫn con từ từ, và tuỳ vào hoàn cảnh cụ thể xứng hợp với đạo đức và thẩm mỹ giới tính.

– Đặc biệt quan tâm thái độ đối với các bạn khác giới trong và ngoài gia đình, nhất là cách ứng xử của con gái với ông, cha, cậu, và giữa con trai với bà, mẹ, cô, dì …

– Nhận thức vai trò tiến bộ về sự bình đẳng trong xã hội. Trong gia đình giả như bố phụ giúp mẹ làm việc nhà, mẹ cũng đi làm công tác xã hội như bố, thì sẽ hình thành nên một nguời trẻ có nhận thức bình đẳng.

Những nội dung giáo dục giới tính cho trẻ không nên chỉ chú ý riêng mặt “sinh sản giới tính” mà phải toàn diện cả về “tâm lý, sinh lý và xã hội”. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là phải giáo dục cách nào?

– Thông thường thì cha dạy con trai và mẹ dạy con gái, nhưng khi con tới tuổi dậy thì, khi đó về mặt tâm lý và đạo đức, cần một số thay đổi trong cách thức giáo dục. Lúc này sẽ thật thích hợp nếu bố hướng dẫn con gái và mẹ chỉ bảo con trai.

– Có thể sử dụng các biện pháp khác như chủ động trò chuyện với con, trả lời các thắc mắc của con, tìm tài liệu cho con tham khảo, làm gương cho con qua cách sống và cư xử…

Ngoài ra cô Bích Hồng đã đưa ra 7 yêu cầu khi giáo dục giới tính cho con:

1-     Cha mẹ cần có hiểu biết cơ bản về sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.

2-     Lắng nghe để hiểu thắc mắc của con. Sự hiếu kỳ của trẻ là bình thường, cha mẹ không nên quá lo lắng

3-     Có thái độ tự nhiên khi giải thích, hướng dẫn con

4-     Trung thực, không nói dối. Cố gắng hướng dẫn chính xác và khoa học; chân thành thừa nhận những vấn đề cha mẹ chưa đủ sức hướng dẫn con

5-     Dùng ngôn ngữ thích hợp với trẻ

6-     Tận dụng cơ hội để cung cấp kiến thức cho trẻ

7-     Xây dựng quan hệ thân thiện, gần gũi, tin cậy để trẻ bộc lộ thắc mắc và nhận sự giúp đỡ của cha mẹ.

Thanh Phong