Giáo dục con trẻ

50

Giáo dục là vấn đề rất quan trọng. Muốn có cây kiểng đẹp thì phải uốn nắn khi nó còn nhỏ. Đối với con người cũng vậy. Kinh Thánh xác định: Ngựa không thuần sẽ thành ngựa bất kham, con buông thả sẽ nên con mất dạy.” (Hc 30:8) Và Kinh Thánh cũng nói thẳng thắn: “Hãy giáo dục và uốn nắn chúng ngay từ thuở còn thơ.” (Hc 7:23)

Vấn đề gì cũng có tính liên đới, như một dạng luật nhân – quả, nhất là về giáo dục, với hệ lụy tất yếu: “Khi nó còn niên thiếu, đừng để nó tự quyền. Khi nó còn bé nhỏ, cứ thẳng tay trừng phạt, kẻo nó ra bất trị thì chẳng vâng lời nữa đâu.” (Hc 30:11-12) Giáo dục nghiêm khắc với lòng yêu thương, chứ không khắt khe như trừng phạt phạm nhân.

I. KỸ NĂNG XÃ HỘI

Hằng ngày chúng ta đều sử dụng các kỹ năng xã hội – chào hỏi nhau, nhờ người khác giúp đỡ, gọi điện thoại, nói chuyện, khen tặng, phê bình,… Rất đa dạng. Dùng các kỹ năng này ảnh hưởng tương đối nhiều về cách đối xử của người khác đối với chúng ta. Nếu chúng ta biết thay đổi cách giao tiếp, chúng ta có thể “xoay chuyển” tình huống và sống hòa bình hơn với người khác.

Dĩ nhiên đó là điều cần thiết để trẻ cũng học được các kỹ năng xã hội. Các kỹ năng xã hội định rõ cho trẻ những gì là cách cư xử có thể chấp nhận hoặc không thể chấp nhận đối với người khác và đối với xã hội nói chung. Cha mẹ là người đưa ra “khuôn phép” để dạy con cái cách cư xử.

Cha mẹ có thể dạy con cái các kỹ năng xã hội bằng nhiều cách. Khi chúng dùng kỹ năng này thích hợp hoặc cố gắng áp dụng kỹ năng kia, bạn có thể thưởng chúng hoặc củng cố nỗ lực của chúng bằng cách tương xứng nào đó sao cho hợp lý. Nói cách khác, bạn chọn cách nào đó thích hợp với hoàn cảnh sống thực tế của gia đình hoặc môi trường mà chúng đang sống. Điều này giúp bạn có thể dạy con cái biết cách thức, lý do hoặc nơi chốn mà chúng nên dùng các kỹ năng này hay kỹ năng nọ.

Khi trẻ có thể dùng các kỹ năng xã hội hợp lý, chúng có thể biết những gì cần nói hoặc cần làm khi chúng đối xử với người khác, và có thể thành công hơn trong sự tương tác của chúng. Cha mẹ tích cực dạy các kỹ năng xã hội cho con cái là cung cấp cho chúng các “kỹ năng sinh tồn” để sống hài hòa với người khác, để biết cách kiềm chế, nói chung là để sống tốt và trở thành người hữu dụng.

  1. Giáo Dục Kỹ Năng – Sau mỗi bước giáo dục nên cho trẻ “xả hơi” để chúng có thể xử lý thông tin. Hãy cố gắng giải thích cho trẻ biết khi nào chúng có thể dùng các kỹ năng này và đưa ra các lý do định hướng tích cực mà các kỹ năng này sẽ giúp chúng bằng cách nào và tại sao như vậy. Hãy cho trẻ biết bằng cách nào mà các kỹ năng chồng chéo nhau ở các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, biết cách chấp nhận sự phê bình của cha mẹ cũng như chấp nhận lời phê bình của người khác như giáo viên, huấn luyện viên, người lớn,…

Hãy khen trẻ hoặc thưởng chúng với cái gì đó có vẻ “đặc biệt” một chút để trẻ phấn khởi và hứng thú học hỏi. Chúng có thể không nhận ra ngay lợi ích của việc phát triển các kỹ năng đó, nhưng càng sử dụng các kỹ năng này thì chúng càng thấy tính tích cực mà người khác đối xử với chúng, và các kỹ năng này sẽ dần dần “ăn sâu” vào chúng. “Mưa dầm thấm sâu” là thế!

  1. Cố Gắng Kiên Nhẫn – Khi trẻ học được một kỹ năng mới, chúng có thể mất một thời gian trước khi thành thói quen và thực sự là phần không thể thiếu của cuộc đời chúng. Học một kỹ năng mới là một quá trình tiếp diễn không ngừng đến hết đời. Ít nhất chúng cũng cần thời gian thực hành vài lần. Đừng so sánh chúng với các trẻ khác, vì chúng có thể bị chạm tự ái hoặc mặc cảm. Bạn cũng đừng tìm cách ép buộc chúng, vì chính chúng ta cũng không thể quen ngay nếu không thực hành nhiều lần!

Dạy trẻ các kỹ năng xã hội thì phải dùng lời nói và cách giải thích phù hợp từng độ tuổi, tùy khả năng và mức độ phát triển của mỗi đứa trẻ. Đặc biệt quan trọng là phải cố gắng kiên nhẫn với chúng, vì “dục tốc bất đạt”!

Chúa Giêsu nêu gương về việc gần gũi và yêu mến trẻ: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” (Mt 19:14; Mc 10:14; Lc 18:16) Càng gần gũi chúng thì càng giáo dục chúng một cách hiệu quả.

II. KHÔNG GIAN LẬN

Cuộc đời học sinh có nhiều kỳ thi. Xếp hạng cao hoặc được điểm cao chưa hẳn đã phản ảnh đúng học lực của con cái. Quay cóp là một dạng tham lam. Mà 2 trong 10 Điều răn của Chúa liên quan vấn đề này. Điều răn thứ bảy: “Chớ lấy của người,” và Điều răn thứ mười: “Chớ tham của người.” Có tham lam thì mới quay cóp, không trung thực khi làm bài là “lấy” chất xám của người khác.

Trước tiên, cha mẹ phải chịu trách nhiệm về sự gian dối của con cái vì đã không dạy chúng đến nơi đến chốn. Vậy cha mẹ có thể dùng các “chiến lược” để giúp con cái không gian lận khi làm bài và thi cử. Đây là vài gợi ý:

  1. Là Bạn Học Của Con Cái – Hãy giúp con cái biết và cảm nhận rằng nếu gặp khó khăn ở trường thì có thể nhờ cha mẹ trợ giúp. Đừng bực tức hoặc la rầy chúng. Nếu trẻ cần cha mẹ hoặc ai đó dạy kèm thì hãy giúp chúng thỏa lòng. Nên chia sẻ với chúng về kinh nghiệm chống lại sự cám dỗ của việc quay cóp trong lúc thi cử để chúng noi gương.
  2. Thảo Luận Về Kết Quả – Hãy luôn cho trẻ biết rằng điều gì chúng làm thì chúng phải chịu trách nhiệm. Hãy cùng trẻ xem bài vở và chỉ cho trẻ biết sự gian lận có thể bị phát hiện, bị nghi ngờ về học lực và thậm chí là bị đuổi học hoặc đình chỉ thi. Đây không là hăm dọa mà là giúp chúng nhận thức đúng đắn và chịu trách nhiệm về các hành động của mình.
  3. Tạo Thói Quen Học Tập Tốt – Rất cần tạo động lực học tập để trẻ tập thói quen tự học. Hãy cho trẻ biết mục đích của việc học, sắp xếp thời gian học và không bị phân tâm vì bất kỳ thứ gì (ti vi, điện thoại, máy vi tính, trò chơi…) trong lúc học.
  4. Giảm Bớt Áp Lực – Đừng làm cho trẻ cảm thấy thỏa mãn với điểm chúng đạt được, cũng đừng so sánh với anh chị em hoặc bạn bè của chúng. Đừng ép chúng học quá mức, vì như vậy có thể khiến trẻ cảm thấy bị yếu kém và dẫn đến việc gian lận.
  5. Thấm Nhuần Giá Trị – Đừng coi việc quay cóp là “chuyện nhỏ.” Cha mẹ phải cho trẻ biết rằng, gian lận là sai, dù ở bất kỳ dạng nào. Động thái đó làm mất nhân cách, mất lòng tự trọng và bị giày vò bởi cảm giác tội lỗi. Nhờ giáo dục đạo đức tốt, trẻ sẽ dần thấm nhuần các giá trị nhân bản, có bản lĩnh, dám chống lại các động thái xấu.

III. LÒNG TỰ TIN CHO CON CÁI

Tự tin là có thể tin vào khả năng của chính mình. Rất quan trọng khi luôn là chính mình, luôn nỗ lực làm theo khả năng của chính mình và luôn đứng trên đôi chân của chính mình.

Tự tin giúp bảo vệ sĩ diện: Không nhờ vả, không luồn cúi, không nịnh hót, không ăn chặn người khác, không gian lận, không lừa đảo, không hối lộ, không tham nhũng, không nhận công sức của người khác là của mình, không háo danh, không tham quyền cố vị,… Tự tin giúp người ta biết liêm sỉ.

Người tự tin có thể làm tốt nhiều thứ, do đó họ không sợ làm điều này hoặc điều nọ, không ngại thử làm những cái mới, không sợ khó. Trẻ em tự tin sẽ lớn lên trong quá trình cảm thấy tốt về mình và trở thành người lớn hữu ích, có thể sống thanh thản. Cha mẹ có thể giúp con cái xây dựng lòng tự tin ngay từ nhỏ với các gợi ý này:

  1. Sống Đáng Tin – Hãy sẵn sàng giúp con cái khi chúng cần. Hãy tạo môi trường gia đình an toàn, nhưng cũng cần nghiêm luật để uốn nắn con cái: Cây nhỏ không uốn, để lớn mới uốn sẽ bị gãy cành. Con cái còn nhỏ không được giáo dục nghiêm, lớn lên chúng không coi ai ra gì, coi trời bằng… nắp bia! Đó là nền tảng cần thiết.
  2. Tự Quyết Định – Cương quyết là một bí quyết tạo nên sự thành công. Một trong những điều tạo sự tự tin là dám tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Cha mẹ có thể giúp con cái tự quyết định bằng cách cho phép chúng chọn lựa (trong những điều không nguy hiểm). Dĩ nhiên là phải biết lượng sức mình.
  3. Dám “Mạo Hiểm” – Mạo hiểm khác liều mạng. Mạo hiểm là dám thử sức mình trong mọi lĩnh vực, không sợ khó, không lười biếng, không “ngồi chờ sung rụng.” Cứ để con cái làm và cho chúng đi đây đi đó, gặp người này người nọ, có vậy chúng mới thêm kinh nghiệm và thêm khôn ngoan. Như tục ngữ nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.” Khuyến khích con cái là điều cần thiết để chúng xây dựng lòng tự tin.
  4. Đừng Chê Trách – Chê trách, đay nghiến hoặc mỉa mai sẽ làm cho con cái thêm thất vọng, thất vọng về chính mình và thất vọng về cha mẹ, tệ hại hơn là sẽ hủy hoại sự tự tin ở chúng. Lời nói chẳng mất tiền mua. Thay vì dùng cách nói tiêu cực thì hãy dùng cách nói tích cực, chắc chắn hiệu quả hơn. Có chê thì cũng phải chê đúng.
  5. Khen Đúng Cách – Khen con cái nhiều quá cũng không tốt, vì có thể làm chúng ảo tưởng. Nhưng lời khen cần thiết và đúng lúc sẽ giúp trẻ thêm tự tin. Có khen thì cũng phải khen đúng, đừng khen vì muốn chứng tỏ “bản lĩnh” của con cái – và cũng là muốn “sĩ diện” với người khác.
  6. Chấp Nhận Thất Bại – Tục ngữ nói: “Thất bại là mẹ thành công.” Có thất bại mới có kinh nghiệm. Đừng lầm lẫn hai khái niệm “thất bại” và “thất thế.” Không ai làm được ngay điều mình muốn, mà thường phải trải qua thất bại, thậm chí là thất bại nhiều lần – với các mức độ khác nhau. Khi con cái thất bại, đừng la rầy hoặc so sánh chúng với các bạn khác, mà hãy phân tích giúp chúng tìm ra nguyên nhân và giúp chúng “chấn chỉnh” cách hành động.

Hãy dành thời gian cùng trẻ tận hưởng những gì mà trẻ thích làm. Nhiều người tự tin hành động và thành công trên thế giới thường là những người đã từng được cha mẹ khuyến khích và hỗ trợ từ nhỏ. Môi trường giáo dục trong gia đình rất quan trọng đối với một con người.

Muốn con cái tự tin thì cha mẹ phải làm gương trước! Tục ngữ nói: “Mẹ dạy thì con khéo, bố dạy thì con khôn.” Tuy nhiên, cha mẹ phải cương trực, nghiêm nghị mà không nghiêm khắc, không được nhu nhược, vì “mềm quá thì yếu, cứng quá thì gãy.” Cha mẹ xây dựng lòng tự tin cho con cái là kế thừa cho chúng di sản quý giá vậy!

Giáo dục trẻ em là điều cần, vì chúng là rường cột của tổ quốc, là tương lai của đất nước, xã hội và Giáo hội. Chúa Giêsu rất yêu trẻ em, vì Ngài đã “ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng,” (Mc 10:16) đồng thời Ngài cũng đề cao trẻ em khi Ngài nói rằng Nước Trời thuộc về “những ai giống như chúng.” (Lc 18:16)

TRẦM THIÊN THU