Giáng sinh và những khúc hát thời chinh chiến

46

Giáng sinh và những khúc hát thời chinh chiến

Khi tôi viết những dòng này, thì từng đợt gió mùa đang tràn vào thành phố. Những con đường xao xác lá cây khô. Những phố dài hun hút gió. Trên hè phố quen, vài cụ già ngồi trò chuyện bên chén trà ấm. Cái lạnh của một thành phố có đủ bốn mùa làm người ta muốn thu mình lại trong chăn ấm nệm êm. Hà Nội mùa đông luôn đem đến một cảm giác cô đơn lạ kì. Tôi cũng học theo thói quen người già. Cũng nhấp một ngụm trà nóng giữa cái se sắt ban mai. Nhưng ấm trà sắp vơi mà lòng mình chưa đủ ấm lại…

Giáng sinh đang về. Những giai điệu rộn ràng dậy vang khắp nơi báo hiệu cho ta điều đó. Những cây thông, những sắc màu xanh đỏ đặc trưng báo hiệu cho ta điều đó. Và chính lòng ta cũng đang báo hiệu cho ta điều đó. Nguồn ân sủng của Trời cao, từ bao đời, đã chiếu sáng và tỏa lan khắp nhân gian khởi từ một đêm lạnh xa xưa nơi thành Bethlehem thần thánh.

Giáng sinh vốn không là của riêng ai. Và vì những giá trị vượt ngoài ý nghĩa tôn giáo mà dường như Giáng sinh đã trở nên một biến cố lớn lao, đầy vui mừng, đầy mong đợi của một nhân loại yêu thương và khao khát yêu thương.

Có đôi lần trong cuộc sống, tôi được người thân kể lại những câu chuyện thời xưa. Cái thời người Việt mình còn phải cầm súng “đứng lên chống giặc”. Cái thời người Việt mình còn phải cầm súng chống lại nhau…

Tôi chợt nghĩ đến hình ảnh những người lính trận. Nhắc đến lính, chúng ta hay liên tưởng đến bom rơi đạn nổ, giết chóc lẫn nhau, những bãi chiến trường đẫm máu và những âm mưu thôn tính… Chúng ta muốn loại trừ chiến tranh khỏi cuộc sống này. Nhưng chính chúng ta đã tạo nên chiến tranh. Và trong lịch sử quân sự mấy nghìn năm nay, đã có bao nhiêu cuộc chiến lớn nhỏ xảy ra? Con số đó được tính bằng hàng ngàn.

Có người sẽ bảo rằng thật khập khiễng khi nhắc đến chiến tranh lúc đang nghĩ về mùa Giáng sinh. Nhưng tôi lại cho rằng “sợi dây liên hệ” đó ít nhiều tồn tại, một cách hữu hình.

Khi Giáng sinh về, điều “thường thấy” là người ta nghe nhạc Thánh rất nhiều. Những bản nhạc bất hủ viết về biến cố Con Thiên Chúa giáng trần làm người ta thêm yêu, thêm trân trọng và nâng niu khoảnh khắc diệu kì bậc nhất ấy. Với những người trẻ và những tâm hồn trẻ, Giáng sinh là mùa của tình yêu, mùa của nỗi nhớ… Tình khúc Giáng sinh như một nốt đàn trong cung đàn muôn điệu, ngân vang sưởi ấm mùa lạnh và thắp lên ánh sáng dịu dàng. Tựa như ánh sáng trên đỉnh cây thông trong đêm chờ Chúa đến.

Trong giới hạn của bài viết này, tôi không “lạm bàn” thêm về những điều đó. Tôi muốn nhắc đến những ca khúc được viết trong thời chiến, được viết bởi những người lính và được hát dành cho người lính, với những ước vọng thật đơn sơ nhưng nhiều khi chưa một lần được thực hiện…

Lịch sử nhân loại từng chứng kiến hai cuộc Thế chiến. Bao nhiêu bà mẹ mất con? Bao nhiêu người vợ lìa chồng? Và bao nhiêu cho đủ những cỗ quan tài lạnh ngắt? Máu và nước mắt nhân loại đổ xuống cho những tham vọng ngông cuồng và điên loạn.

Khi những chiến dịch còn đang tiếp diễn, những kế hoạch tác chiến đang được triển khai, thì mùa Giáng sinh 1914 lặng lẽ tìm đến bên những chiến hào còn đậm mùi thuốc súng của Đệ nhất Thế chiến! Vùng đất mang tên Ypres, Bỉ, là nơi chứng kiến một cuộc hưu chiến nổi tiếng trong lịch sử. Đêm Vọng Giáng sinh năm ấy, những binh sĩ Đức đã dùng mọi thứ có thể trang trí quanh chiến hào của mình để đón mừng ngày Chúa đến. Họ ngồi lại với nhau hát vang những ca khúc Giáng sinh, nhiều nhất là bài Đêm Thánh Vô Cùng (Stille Nacht). Khi ấy, các binh sĩ Anh bắt đầu ra khỏi chiến hào ở bên kia chiến tuyến và đáp lời bằng những bài hát Giáng sinh tiếng Anh. Những lời chúc Giáng sinh được hô vang, và bằng một hành động đẹp đẽ hiếm thấy, binh sĩ hai bên tìm gặp nhau và trao nhau những món quà thật giản dị nơi chiến tuyến – rượu, mứt, bánh kẹo, xì gà… Đêm ấy hoàn toàn không có tiếng đạn pháo. Cuộc hưu chiến cũng là cơ hội để đồng đội đem xác những người lính mới ngã xuống về chôn cất. Các chiến sĩ trận vong này được an táng theo nghi thức, được thương tiếc và nghiêm chào theo quân cách bởi những người lính từ cả hai bên.

Một cuộc hưu chiến khác cũng đã xảy ra một năm sau đó giữa quân Pháp và Đức. Chúng ta hãy nghe lời kể của Richard Schirrman, chiến sĩ thuộc một trung đoàn quân Đức đồn trú trong vùng Vosges, “khi chuông Giáng sinh reo vang trên khắp các ngôi làng trong vùng Vosges đằng sau các chiến tuyến… một điều kỳ diệu đã xảy ra. Binh lính Đức và Pháp cùng tự nguyện bắt cầu hòa bình và tạm ngưng thái độ thù địch. Họ băng qua các chiến hào bỏ hoang để tìm đến chào hỏi nhau, trao đổi rượu vang, rượu cognac và thuốc lá để lấy bánh mì đen Westphalia, bánh quy và thịt jambon. Điều này mang hạnh phúc đến cho những người lính từ hai phía đối địch đến nỗi họ đã cố kéo dài tình bằng hữu cho đến hết Giáng sinh”.

Chúng ta đang nghe thấy những giai điệu mượt mà của ca khúc Silent night. Dù bằng tiếng Đức hay tiếng Anh, thì ý nghĩa và giá trị của nó vẫn không hề khác biệt. Một đêm yên bình, một đêm thánh thiêng. Mọi thứ thật êm đềm và rực rỡ. Quanh chốn này, Mẹ Maria đang ngắm Hài nhi thơ bé. Vị Thánh bé bỏng, thật dễ thương, thật ấm áp. Ngủ yên dưới khung trời thanh bình

Chúng ta gọi đó là bài hát làm ngưng cuộc chiến. Với ca từ nhẹ nhàng như một lời kể chuyện, tuyệt tác âm nhạc này đã làm chiến tranh bớt tàn nhẫn hơn, con người bớt thù địch hơn và biết sống bằng những giá trị lương tâm cốt lõi. Chúng ta còn mong đợi gì hơn thế từ âm nhạc và ảnh hưởng của nó?

Có một sự liên quan nhất định giữa Đệ nhị Thế chiến và cuộc chiến tranh Việt Nam. Mảnh đất hình chữ S này bị xẻ làm đôi. Cuộc đối đầu Nam – Bắc dai dẳng và đầy thù hận. Cuộc đối đầu giữa Cộng sản và Cộng hòa. Cuộc đối đầu giữa Độc tài và Tự do… Ai thắng, ai thua? Chỉ có người dân Việt bị đem ra làm mồi cho ngọn lửa khủng khiếp của thần chiến tranh.

Hai mươi năm huynh đệ tương tàn. Hai mươi mùa Giáng sinh đến rồi đi. Vẫn còn đó Lá thư trần thế của người lính trận. Lạy Chúa con là lính trận ngoài biên. Vì xa thành phố, xa quá nên quên. Đêm nay Ngôi Hai Trời xuống. Ánh sao lung linh muôn màu. Con tưởng hỏa châu soi tuyến đầu…

Chúng ta dễ dàng liên tưởng đến hình ảnh những chiến binh trận mạc, trong phút nghỉ ngơi hiếm hoi, họ mở trang giấy, tìm cây bút viết vội những dòng thư ngắn ngủi. Lá thư không gửi cho mẹ hiền nơi quê xa, không gửi cho người yêu dấu đang ngày đêm ngóng đợi tin về, mà được gửi cho Ngôi Trời giáng thế. Chiến trận kéo dài quá! Con đi đánh giặc đã lâu rồi. Vì lâu quá, vì xa quá nên quên mất ngày Ngôi Trời ngự xuống. Lời bài hát mộc mạc, như phút giãi bày lòng mình một cách đơn sơ. Nỗi ám ảnh chiến tranh còn in hằn vào tâm trí, để đến nỗi ánh sao lung linh đêm Giáng sinh đã bị “tưởng lầm” thành từng quả pháo sáng chiếu soi bầu trời đêm nơi tiền tuyến!

Nơi chiến địa, cô đơn là thế, hãi hùng là thế! Nhưng một bông tuyết trắng giữa Mùa hoa tuyếtcũng đủ để người chiến binh chợt nhớ những kỉ niệm dường như vẫn còn mới nguyên… Mùa hoa tuyết năm xưa đã về. Ngày lễ Noel. Nơi đồn xa khó về thăm em. Chạnh thương hai đứa. Em anh giữa mùa Giáng sinh. Bơ vơ ngóng người chiến binh. Chắc em anh đang cầu kinh… Hình ảnh bông tuyết rơi đưa cái lạnh về giăng mắc đêm đông. Tiếng kinh cầu âm thầm nơi khóe miệng nhỏ xinh của cô gái có người thương yêu đang đánh giặc miền xa. Lời kinh bay vào cõi vô cùng, nguyện cầu bình an cho quê hương đang trong cơn lửa khói. Lạy Chúa Cứu Thế. Non nước con ngàn dâu bể. Chinh chiến lan tràn sơn khê. Xin giúp cho vượt bến mê. Xin cho bao kẻ ra đi lại về. Vợ trẻ không hai lần đò. Bầy trẻ không cha sầu lo…

Cứ tưởng rằng khói lửa điêu tàn chỉ có nơi chiến trường khốc liệt. Có ai ngờ ở miền quê xa, nơi ấy Bóng nhỏ Giáo đường trải xuống triền đê của nỗi nhớ miền kí ức, giấc ngủ em chưa một lần thôi mộng mị. Có ai ngờ tình yêu ngày đó gieo ngang trái sầu lo. Lửa binh lan tràn, hai đứa đôi đàng, mộng đẹp kia vỡ tan. Từng hồi chuông tha thiết bi ai vang trong mùa quan tái. Tiếng cầu kinh khe khẽ thôi vang khi quân giặc giẫm tan ngôi Thánh lầu chuông…

Quê hương, khung trời và kỉ niệm. Nhớ mãi ngày ấy quân cướp xô bừa hạ gác chuông. Nước mắt em tuôn, xót xa quỳ trên đống tro tàn. Lửa chiến tranh và dã tâm của quân thù đã lan đến tận cổng nhà thờ – nơi yên bình duy nhất còn sót lại. Gác chuông kỉ niệm đôi lứa ngày nào giờ đã chìm vào lửa khói. Dẫu nhà thờ có thể sụp đổ, gác chuông có thể bị tàn phá, thì tình yêu và Đức tin vào Ơn Trên chắc chắn không bao giờ hư mất. Nhớ mãi ngày ấy, anh góp tre dựng lại gác chuông. Với trí ngây thơ, vững tin tầm vông giữ nhà thờ… Để rồi một ngày nào đó, chinh chiến qua rồi, ngồi kể lại chuyện ngày xưa hai đứa thương nhau trong đêm nhiều sao sáng. Dưới lầu chuông, anh khắc tên nhau chung trong lời khấn xin chan chứa niềm tin…

Tình yêu vốn thật đẹp đẽ diệu kì. Tình yêu trong thời chiến lại càng cao đẹp và đáng trân trọng hơn. Một người ra đi vì nước, lăn xả nơi hòn tên mũi đạn. Kẻ ở nhà đêm ngày trông ngóng tin về. Có khi là nỗi nhớ. Có khi là niềm đau. Có khi là những ngậm ngùi thân phận. Trong tác phẩm Chinh phụ ngâm của dịch giả Đoàn Thị Điểm, hình ảnh người phụ nữ có chồng đi chinh chiến xa nhà được thể hiện qua giọng thơ đầy ưu tư, đầy tâm sự:

Thuở đất trời nổi cơn gió bụi

Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên

Xanh kia thăm thẳm tầng trên

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

Chiến tranh là một thử thách của số phận. Và tình yêu đôi lứa như nốt thăng của cung bậc cảm xúc, dẫu khói lửa binh đao cũng không bao giờ khuất lấp. Giáng sinh về, một Mùa sao sángrực rỡ không gian. Giáng sinh thật đẹp. Và từng ánh sao lung linh thật đẹp. Ngước nhìn ánh sao, lòng dậy lên một niềm tin son sắt vào Đấng đã ngự đến giữa thế gian. Từ mùa đông trước qua mùa đông tiếp theo sau này. Người bạn còn đi mà niềm tin vẫn thắm trên môi. Giặc tràn về quê hương tôi, giặc diệt niềm tin Kitô. Lớp lớp đoàn chiên quyết sáng danh Chúa trên trời cao… Chúng ta đang thấy hiển hiện trước mắt hình ảnh của một đạo binh Thánh giá mang trong mình Đức tin kiên vững.

Một cách nào đó, cầm súng chính là để bảo vệ nền tảng Đức tin ấy!

Chiến cuộc kéo dài. Hòn tên mũi đạn chĩa vào nhau thôi không đủ. Nhưng còn chĩa vào niềm tin và lý tưởng sống. Giặc tràn về quê hương, chém giết dân lành, tàn phá quê hương thôi không đủ. Nhưng còn muốn tiêu diệt niềm tin Kitô. Lời nhạc dù nhẹ nhàng du dương nhưng chứa đầy ý chí bất khuất và bầu nhiệt huyết cùng lòng trung thành son sắt của đoàn chiên Chúa. Mùa sao sáng chưa bao giờ đẹp rạng ngời như thế!

Niềm tin vào Thiên Chúa không chỉ có ở những người con Chúa, mà còn ở những người ngoại đạo. Giữa đêm trường Việt Nam tăm tối vì Trời chưa muốn sáng, bỗng vang lên một lời nguyện cầu tha thiết. Lạy Chúa tôi, con người không đạo. Nhưng tin có Chúa ở trên cao. Con nghe trong đêm Việt Nam tối tăm. Những mìn bom hoen dấu. Lạy Chúa trên cao, Chúa ở nơi nào? Khi chút hi vọng và tin tưởng vào con người đã dần vơi hết. Khi mức độ khủng khiếp của chiến tranh ngày một tăng lên. Khi con bơ vơ chắp tay nguyện cầu. Cho người thương còn xa mãi xa. Mà suốt đêm dài ánh sáng chưa qua. Thì người ta phải tìm đến một bến bờ an ủi đủ sức cho người ta trông cậy. Người ta tìm đến Chúa, Đấng ban sức mạnh và hằng nâng đỡ những tâm hồn thiện chí.

Trên dòng chảy của hai mươi năm chinh chiến, có hình ảnh xác người nào trôi sông, quay đầu về biển Ðông. Những bước chân nào đi, có khi không trở lại. Phải chăng vì bài hát đã lột tả hiện tại chân thực đến mức tàn nhẫn, mà ai đó đã sửa lại tên bài thành Lạy Chúa con người không đạo? Và sửa lại đoạn nhạc này thành một khúc ca đượm buồn của tình yêu –Những cuộc tình mong manh, như chiều vàng biển xanh. Những dấu chân tình nhân, kéo theo mơ ước đầu…

Nhưng nỗi buồn trong tình yêu không thấm vào đâu nếu sánh với những đau thương và mất mát bắt nguồn từ chiến tranh. Để rồi như một vòng tròn số phận, trong chiến tranh người ta nhớ về tình yêu. Và trong tình yêu người ta hướng lòng về Chúa. Dâng lên Ngài lời nguyện tha thiết,Xin Chúa thấu lòng con… Bởi vì Lạy Chúa, mùa Giáng sinh xưa, ngày đầu vướng yêu đương. Người ấy hứa với con rằng, “tan mùa chiến chinh, ngày đó anh về kết đôi”. Nhưng Chúa ơi, đêm từng đêm chiếc lá lìa ngàn. Đêm từng đêm giấc mơ kinh hoàng. Nhân loại còn ngủ say bên những kiếp người quê hương đoạ đày. Một vòng tròn nghiệt ngã cứ xoay đều mấy mươi năm. Đau thương nối dài qua từng ngày kiếp sống. Chiến cuộc mấy mươi năm, mệnh trời bắt gian truân. Lạy Chúa, chinh chiến lâu rồi, cho mùa Giáng sinh này đến thanh bình Chúa ơi!

Một ước vọng đơn sơ nhưng thật lớn lao khi ngước nhìn lên Chúa. Khi con người còn hi vọng, nghĩa là cuộc sống còn tươi đẹp và còn những ý niệm tích cực. Trong đống hoang tàn của hai thập kỉ đẫm máu, những chồi xanh của khát khao sống vẫn ươm mầm và nảy nở qua từng ngày.

Viết về chiến tranh là một chủ đề dường như không còn mới lạ. Viết về Giáng sinh cũng là một chủ đề không còn mới lạ. Nhưng như một sự sắp xếp của thời gian, từng mùa Giáng sinh đi ngang qua cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Để lại trong lòng những người trong cuộc bao cảm xúc, bao suy nghĩ, bao trăn trở và bao ước vọng… Những khúc nhạc Giáng sinh viết vào thời chiến vì thế cũng trở nên độc đáo và lắm khi làm nghẹn ngào người nghe. Chúng ta nghẹn ngào cho quê hương suốt hai mươi năm binh lửa đầy tang thương. Và khi tàn cuộc chiến, thì lại xuất hiện thêm những xung đột và đối đầu mới. Dai dẳng mãi đến tận hôm nay. Chúng ta nghẹn ngào cho quê hương, vốn tự hào với bốn ngàn năm văn hiến. Nhưng đã phải đánh đổi lấy những giá trị thấp hơn vì hai thập kỉ chĩa súng vào nhau…

Hát về Giáng sinh là một niềm vui khôn xiết. Tụng ca Đấng đã ngự đến giữa thế gian là một niềm vui khôn xiết. Niềm vui đó với những người lính trận, giữa mùa băng giá, nơi tiền đồn xa xôi, trong hoàn cảnh lửa đạn và đao gươm, lại càng trở nên đáng quý và đáng trân trọng hơn. Chúng ta thấy đâu đó trong lời hát có tình yêu Thiên Chúa, tình cảm quê hương, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa…

Chiến tranh đã qua. Nhưng những khúc hát sẽ còn ngân nga mãi. Cho những giá trị cao đẹp. Cho những lý tưởng thiêng liêng và cho từng trái tim biết yêu thương con người.

Tôi xin mượn lời hát trong ca khúc Mừng Chúa ra đời để kết thúc bài viết này. Lạy Chúa ban ơn cho Việt Nam bền vững muôn đời. Hạnh phúc lâu dài, xây đắp một quê hương đổi mới. Và từ đây trên khắp nơi nơi vang tiếng ca non nước thanh bình, quên những ngày chinh chiến điêu linh…

Hà Nội, mùa Giáng sinh 2011.

Antoine Nguyễn

LÁ THƯ TRẦN THẾ – ĐAN NGUYÊN