Giải tội là cử hành lòng thương xót, chứ không phải xét xử
Vị giám mục chuyên về các vấn đề liên quan đến bí tích giải tội nhận định: “Bí tích hòa giải “đã quá nhấn mạnh một chiều đến việc kết tội và liệt kê các tội”. Thay vì tỏ ra tiêu cực hay nóng nảy, linh mục giải tội cần có thái độ hiền lành và thương xót đối với hối nhân.
Kết quả sau cùng, “điều chính yếu khi nghe xưng tội là ôm lấy người con đi hoang trở về bằng vòng tay âu yếm của Chúa Cha đầy lòng thương xót”.
Ngài đặt câu hỏi: “Chẳng phải đã có lúc việc xưng tội mang dáng vẻ của một tòa án truy tố hơn là cử hành lòng tha thứ”, và cuộc trao đổi (nơi tòa giải tội) lại mang tính thẩm tra hoặc thường có giọng điệu thiếu tế nhị hay sao?
Trước hết và trên hết, cha giải tội là một người cha người chào đón, lắng nghe và trò chuyện.
Những người đi xưng tội “tìm sự an ủi, lời khuyên và sự tha thứ”. Thường thì họ phải đối phó với những vấn đề trong cuộc sống cá nhân hoặc trong các mối quan hệ của họ, những mối quan tâm về ngừa thai, về ly hôn, hoặc những khó khăn giữa cha mẹ và con cái.
“Là người giải tội, chúng ta được mời gọi để tỏ lòng thương xót và hy vọng, là người cha hơn là thẩm phán, để gánh lấy nỗi đau của hối nhân và kiên nhẫn lắng nghe họ”.
“Tất cả những chuyện ấy không dính dáng gì đến sự dễ dãi hay chấp nhận, nhưng đúng hơn là nhắm đến sự giải thoát nội tâm cho hối nhân”, cảm xúc hối hận ăn năn của họ, để giúp họ dễ dàng đón nhận sự phán xét, ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa .
Đức Giám mục Girotti nói một cha giải tội “phạm bất công nghiêm trọng” nếu ngài dám để cho phán đoán và lời khuyên của ngài dành cho hối nhân bị ảnh hưởng bởi ý kiến của cá nhân và quan điểm của mình hơn là bởi giáo huấn và học thuyết của Giáo Hội.
Khi nghe xưng tội, linh mục phải kiểm soát phản ứng của mình một cách cẩn thận, bao gồm cả nét mặt và cử chỉ.
Vị giải tội cần bắt chước tính dịu dàng của Chúa Kitô và không bao giờ tỏ ra mình bị sốc dù tội có nặng đến đâu. Đừng bao giờ tỏ mò về các chi tiết cá nhân, đừng bao giờ tỏ ra thiếu kiên nhẫn hay vội vàng, và cần phải thông truyền cho hối nhân lòng kính sợ Thiên Chúa, nhưng không phải là khủng bố và cần phải lên án tội lỗi, chứ không phải tội nhân.
Hối nhân cởi mở tâm hồn cho vị giải tội vì họ xem ngài như “thừa tác viên của Chúa, và nếu họ gặp thấy nơi vị giải tội tính khắc nghiệt thay vì lòng thương xót, hoặc mối nghi ngờ và tối tăm thay vì ánh sáng sự thật, thì họ thực sự thất vọng”.
(Carol Glatz, CNS, 30-01-2012)