GIẢ và THẬT

101

GIA & THATGIẢ và THẬT là hai trạng thái đối lập, ai cũng biết, vì ngày nay có quá nhiều thứ giả – đặc biệt là đồ giả, hàng giả. Giả và thật có nghĩa bóng và nghĩa đen.

Về nghĩa đen, hằng ngày chúng ta luôn phải tỉnh thức để đối mặt với hàng giả, từ những thứ đơn giản nhất tới những thứ quan trọng nhất. Cuộc sống luôn bị đe dọa bởi đồ giả (và thậm chí người giả), ngày nay còn thêm dạng nguy hiểm là nhiễm độc. Sống mà cũng mệt thật!

Ở đây không lạm bàn về đồ giả, hàng giả hoặc người giả theo nghĩa đen, mà chỉ thử nhận xét về tình trạng giả tinh thần và tâm linh: giả hình hoặc giả dối.

GIẢ HÌNH

Trình thuật Mc 12:38-40 đề cập việc Đức Giêsu thẳng thắn chỉ trích và lên án các kinh sư: “Anh em phải COI CHỪNG những ông kinh sư ưa dạo quanh, XÚNG XÍNH trong bộ áo thụng, THÍCH được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ƯA chiếm ghế danh dự trong hội đường, THÍCH ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ NUỐT HẾT tài sản của các bà goá, lại còn LÀM BỘ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ BỊ KẾT ÁN nghiêm khắc hơn”.

Trình thuật tương tự có Lc 20:46-47 và Mt 23:2-7.

Theo ký thuật của Thánh Luca: “Anh em phải COI CHỪNG những ông kinh sư ƯA dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, THÍCH được chào hỏi ở những nơi công cộng, ƯA chiếm ghế danh dự trong hội đường, THÍCH ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ NUỐT HẾT tài sản của các bà goá, lại còn LÀM BỘ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ BỊ KẾT ÁN nghiêm khắc hơn”.

Theo ký thuật của Thánh Mátthêu: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ NÓI, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ LÀM thì ĐỪNG có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc CỐT ĐỂ CHO THIÊN HẠ THẤY. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ƯA được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ráp-bi”.

Ngoài ra, như một lời giải thích cụ thể, Thánh Mátthêu cho biết thêm: “ĐỪNG để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng ĐỪNG gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng ĐỪNG để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người PHỤC VỤ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23:8-12). Rất rõ ràng, mạch lạc; không mơ hồ, bóng gió. Nhưng đôi khi người ta e ngại hoặc e sợ nên muốn… tránh né!

Đặc biệt hơn, tiếp theo là liên khúc lời-chúc-dữ: “Khốn cho…!” (Mt 23:13-32). Phải chăng Chúa Giêsu nguyền rủa người khác chứ không đụng chạm gì tới mình? CHỚ ảo tưởng! Và liệu chúng ta có “liên can” hay không? CÓ đấy!

Giả hình là giả dối, coi trọng bề ngoài, muốn khoe mẽ, ra vẻ “ta đây”, đề cao chính mình. Hằng ngày chúng ta vẫn thấy nhiều dạng giả hình, với mức độ khác nhau – ở trong các nhóm, hội đoàn, giáo xứ, cộng đoàn,… Và thậm chí có khi chính mỗi chúng ta cũng giả hình mà cứ tưởng mình chân thật. Giật mình và sờ gáy thì… ôi thôi, mình là… “chân giả”. Chết thật!

Giả hình là giả dối, là kiêu ngạo, là tự tôn. Trái ngược với giả hình là chân thật, là khiêm nhường. Cũng cần cảnh giác là đôi khi động thái khiêm nhường vẫn có thể là “bức bình phong” của sự giả hình. Dạng này rất đáng quan ngại, cần phải thực sự tỉnh thức. Người Việt có câu nói “liên quan” vấn đề này: “Muốn ăn gắp bỏ cho người”. Tinh vi lắm!

CHÂN THẬT

Chân thật luôn rất cần thiết trong cuộc sống, bất cứ xã hội nào hoặc là ai cũng cần. Hàng thật còn cần huống chi người thật.

Trình thuật Mc 12:41-44 (tương đương Lc 21:1-4) nói về một bà goá nghèo dâng cúng tiền của. Quan sát người ta bỏ tiền vào thùng quyên góp, Chúa Giêsu chú ý một bà góa. Sau đó, Ngài phân tích: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng NHIỀU HƠN AI HẾT. Quả vậy, mọi người đều rút từ TIỀN DƯ BẠC THỪA của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này RÚT TỪ CÁI TÚNG THIẾU của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”.

Chúa Giêsu chỉ nói ngắn gọn và có vẻ “bình thường” lắm, ấy thế mà như kim châm, xoáy sâu vào lòng vậy. Thật thế, vì tôi thật tồi tệ!

Mẹ góa con côi thì vất vả lắm, làm gì có nhiều tiền, nên không có dư. Bà chỉ có “hai đồng tiền kẽm”, trị giá “một phần tư đồng xu Rôma” (*). Chẳng đáng giá chi cả. Số tiền nhỏ đó là vốn sinh sống của mẹ con bà, nhưng vì đức ái, bà sẵn sàng quên tư lợi để hy sinh vì công ích. Tính theo “giá trị sống” thì “hai đồng kẽm” của bà góa thì quả là nhiều thật, lớn thật. Thú thật, tôi không bao giờ có thể dám so sánh với bà góa “vĩ đại” này!

Người Latin có câu thành ngữ: “Pecunia non olet – Tiền bạc không hôi thối”. Câu này ám chỉ Hoàng đế La mã Vaspasianus (thường gọi là Vaspasian, sinh 17 tháng 11 năm 9, mất 23 tháng 6 năm 79 sau công nguyên), ông là người đã áp đặt “thuế nước tiểu” (vectigal urinae) lên dân chúng. Con trai ông là Titus đã than phiền về loại thuế “bốc mùi” này, ông cầm lấy đồng tiền và hỏi: “Con có thấy khó chịu vì mùi tiền không?”. Titus trả lời: “Dạ, không”. Ông nói: “Nhưng tiền có được nhờ nước tiểu đấy”. Đúng là… “hết ý” luôn!

Tiền chỉ là những tờ giấy với các con số được quy ước và được công nhận. Nó chẳng là gì mà lại hầu như là tất cả, và nó có ma lực khó cưỡng lại, như Thánh Phaolô đã cảnh báo: Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1 Tm 6:10).

Thật là hiếm có người như ông Dakêu. Ông là dân thu thuế, tất nhiên có “dính líu” chuyện khuất tất, tham nhũng, hối lộ, chia chác,… Khi gặp được Chúa Giêsu, ông phấn khởi thưa ngay: “Thưa Ngài, đây phân NỬA tài sản của tôi, tôi CHO người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin ĐỀN GẤP BỐN” (Lc 19:8). Chúa Giêsu chưa đòi hỏi gì mà ông Dakêu đã tự biết mình có tội và xin đền bù ngay. Đó là khiêm nhường và sám hối. Chúa Giêsu rất thích những tâm hồn như vậy!

Không tội này thì tội nọ, không nặng thì nhẹ, không nhiều thì ít – đặc biệt là vấn đề tiền bạc. Tiền không là gì nhưng nó có thể khiến người ta hóa ngu muội, điên đảo, và giả dối. Hãy sám hối và thú tội: “Thưa Cha, con đã phạm tội – Pater peccavi”. Và hãy noi gương Thánh I-nha-xi-ô Lô-yô-la mà chân thành cầu xin: “Lạy Chúa, con sẵn sàng chịu mọi hình phạt, nhưng xin Ngài cho con được hưởng Tôn Nhan Ngài”.

Ai cũng là tội nhân, chẳng ai hơn ai, thế nên đừng nhìn người khác bằng “cặp kính đen”, nhưng hãy thành tâm gục đầu vào Thánh Tâm Chúa Giêsu và xin Ngài thương xót. Trong cuốn Institutes of the Christian Religion (Tóm lược về Kitô giáo), nhà cải cách John Calvin (thế kỷ XVI) nhận định: “Tất cả chúng ta đều xuất thân từ hạt giống không thuần khiết, sinh ra đã nhiễm tội lỗi rồi”. Tác giả Thánh Vịnh cũng đã chân nhận: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51:7).

Tuy nhiên, đừng bao giờ tuyệt vọng. Thiên Chúa vẫn luôn đợi chờ chúng ta trở về với Ngài để Ngài cho nghỉ ngơi và bồi dưỡng. Hãy ghi nhớ lời khuyên của Thánh giám mục Phanxicô Salê (François de Sales, 1567-1622): “ĐỪNG bao giờ lo buồn vì sự bất toàn của mình, nhưng phải luôn CAN ĐẢM ĐỨNG DẬY sau khi vấp ngã”.

Đừng bao giờ giả hình, nhưng hãy luôn chân thật, và thú nhận: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm” (Tv 51:3-5).

Lạy Mẹ Maria, xin dẫn chúng con tới gần Chúa Giêsu. Xin cho chúng con được chết lành trong tay Mẹ, và xin cho chúng con cũng được thưởng cùng Mẹ trên Nước Trời. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 

_____________________

(*) Hai đồng kẽm (Hy ngữ có số ít là “lepton”, số nhiều “lepta”) hợp thành một quadrans là giá trị 1/4 đồng xu, là đơn vị tiền nhỏ nhất của Rôma. Khi lưu hành ở Palestine, một lepton có giá trị khoảng 6 phút làm công theo lương công nhật trung bình.