Giá Trị Của Việc Nhận biết Thiên Chúa

110

Giá Trị Của Việc Nhận biết Thiên Chúa

 

Có lần tôi nói bâng quơ với một người thầy của tôi rằng: “Ở tuổi của thày, học để làm gì cho mệt, lại tốn tiền nữa. Nghỉ ngơi hưởng thụ cho khoẻ” Có lẽ ở cái tuổi ăn tuổi ngủ như tôi, lúc đó tôi chẳng thể nào cảm nhận được giá trị thực sự của sự hiểu biết của một người ở tuổi 60 vẫn đi tìm sự khôn ngoan, nhất là sự nhận biết Thiên Chúa. Vì như lời Đức Thánh Cha Phanxicô ngỏ với các vị hồng y rằng, tuổi già mới là tuổi của sự hiểu biết và khôn ngoan, giờ tôi mới phần nào hiểu được tại sao người thày này vẫn ra sức học hỏi Lời Chúa. Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ cảm nghiệm của mình về một vài giá trị của sự hiểu biết Thiên Chúa trong Kinh Thánh. Ước mong qua đó, tôi sẽ tìm cho mình một hướng đi đúng theo ý Chuá hơn hầu xứng đáng là một Kitô hữu hơn.

Với tôi khi còn nhỏ, sự nhận biết Thiên Chúa xem rất đơn giản và khá dễ dàng. Tôi được sinh ra và nuôi dạy trong một gia đình Kitô giáo, tham gia mọi sinh hoạt đức tin trong giáo xứ có gần đến 10,000 giáo dân. Tôi tin vào Chúa qua học hỏi giáo lí và đọc kinh đi xem lễ hằng ngày. Rồi tôi vào nhà dòng, học thêm giáo lý, và qua thần học. Tôi chẳng thấy cần thiết phải thao thức để được biết Thiên Chuá hơn, vì tôi cho rằng tôi biết Thiên Chuá là tình yêu, là Ba Ngôi, và ơn cứu độ của Người, và như thế là đủ rồi. Tôi cũng đi dạy giáo lý. Thậm chí tôi còn tham gia các khoá huấn luyện đào tạo giáo lý viên nữa chứ. Cho đến một ngày, người thày mà tôi vừa nói trên khuyến khích tôi đọc lại thư thánh Phaolô. Khi đọc thư thánh Phaolô tông đồ gửi cho các tín hữu Cô-lô-sê thì tôi bị khựng lại đoạn 1 câu 9-10. Thánh Phaolô thôi thúc các tín hữu nhận biết Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Người như sau: “Chúng tôi cũng không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khí ban cho. Như vậy, anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Người về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn.” Sự hiểu biết và am tường về Thiên Chúa cùng Thánh Ý của Người được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI giải thích như là sự trở nên một với Người. Vì vậy sự am hiểu Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở chỗ biết Người và tuyên xưng Người là Thiên Chúa trên môi miệng mà thôi, nhưng là yêu mến Người và nên đồng hình đồng dạng với Người.

Quả thật, tôi bắt đầu tìm tòi trong Thánh Kinh và trong các văn kiện của Công đồng Vatican II để hiểu thêm ý nghĩa của sự nhận biết Thiên Chúa. Sự nhận biết Thiên Chúa cao quý đến mức độ mà Thánh Phaolô đã sẵng sàng đánh đổi tất cả để có được “đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là mối lợi” (Pl 1, 21) và “những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Ðức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi truyệt vời, là được biết Ðức Kitô Giêsu của tôi, vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Ðức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3, 7-9); và sẵn sàng “đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa” (2Cr 10, 5). Và chính hôm nay đây, Đức hồng y Seán Brady của Ai-len đã nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày khai mạc giáo triều của Ngài rằng tất cả chúng ta phải tìm để nhận biết Đức Kitô và sống trong sự hiện diện của Người[1]. Thì ra sự nhận biết Đức Kitô không chỉ giới hạn trong những sự kiện và các điểm giáo lý, nhưng sự nhận biết Người phải bao hàm cả việc đặt Người trên tất cả mọi sự, và sẵn sàng sống chết cho Người vì Người hằng theo dõi ta.

Thật vậy, sự nhận biết Thiên Chúa không phải đơn thuần như ta đọc một cái tin hay một bài báo để nắm bắt sự kiện và tin tức đang diễn ra xung quanh mà thôi, nhưng là đi sâu và cảm nghiệm và sống những sự kiện đó như đang xảy ra với chính mình. Việc nhận biết Thiên Chúa không chỉ là kết quả của việc học hỏi nơi sách vở trường lớp mà thôi, nhưng phải đến cả trong cuộc sống kết hợp với sự chiêm niệm và cầu nguyện. Cũng vâỵ, sự nhận biết Thiên Chúa không chỉ đơn thuần là học thuộc lòng và đọc các kinh, hay đi lễ hằng ngày như thời thơ ấu tôi vẫn thực hành. Có thể lúc đó, tôi chỉ có khả năng nhận biết Thiên Chúa qua những việc nhỏ bé ấy. Thậm chí cho đến bây giờ sự hiểu biết ấy vẫn còn rất hạn chế, vì thực sự tôi chưa sống được những gì Người đòi hỏi. Nếu tôi thực sự biết Người thì tôi đã không phải buồn khổ. Vì khi thơ ấu tôi chưa đủ trình độ để nhận biết Thiên Chúa như Thánh Phaolô khẳng định: “Tôi đã không thể nói với anh em như những con người sống theo Thần Khí, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Ðức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi, vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao?” (1Cr 3, 1-3). Tôi không lấy làm lạ là tôi chưa hiểu biết Đức Kitô trọn vẹn, vì “nhận biết tình thương của Ðức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết” (Ep 3, 19). Tuy nhiên, con người là loài thụ tạo duy nhất được ban cho trí khôn để hiểu biết Thiên Chúa, và chỉ có con người mới biết và thờ phượng Thiên Chúa. Như thế, sự nhận biết Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất phải đi liền với lòng thờ phượng, kính yêu như Đức Kitô dạy:  “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mt 22, 37); tìm ra ý của Người và thực thi thánh ý Người cách trọn vẹn như Đức Kitô nhấn mạnh: “Không phải tất cả những ai kêu lên ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời, nhưng là kẻ làm theo ý Cha Ta Đấng ngự trên trời” (Mt 7, 21). Nếu nhận biết Thiên Chúa bao gồm tất cả những sự như nói trên, thì sự nhận biết ấy là một hành trình. Một hành trình kéo dài không phải chỉ một ngày hay một vài năm, mà hết cả cuộc đời lữ thứ này ta vẫn chưa kết thúc được. Chính vì thế, Đức hồng y Seán Brady nhấn mạnh rằng chúng ta được mời gọi để nhận biết Đức Kitô và làm bạn hữu của Người[2]. Lời mời gọi ấy đã, đang và sẽ mãi vang trong tôi cho đến khi tôi về trước nhan Thánh Người. Vậy đâu là thánh ý của Người?

Đức Giêsu đã trả lời cho người Do thái rằng: “Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 40). Như thế, thánh ý Thiên Chúa là hết mọi người tin vào Đức Giêsu là Đấng Kitô. Tác giả thư Do Thái quả quyết “không có đức tin thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa” (11, 6) và “Đức Kitô là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (12, 2). Và khi đã tin vào Đức Kitô thì ta sẽ tin vào Lời của Người nơi Kinh Thánh cũng như huấn quyền của các tông đồ. Vì “Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và là sự sống” (Ga 6, 63) và “Lời của Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tưởng lòng người” (Dt 2, 12). Tin thì phải sống thực hành vì “đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 7). Vậy tin vào Lời Đức Kitô cũng đồng nghĩa là sống những Lời ấy, và những ai tin và đem ra thực hành thì được chúc phúc (x. Lc 8, 21; 11, 27). Nếu ai tin và sống những Lời của Người thì không những được gọi là bạn của Đức Kitô (x. Ga 15, 14) mà còn được sự sống đời đời (x. Ga 6, 69). Ngược lại, nếu ai tin mà không đem ra thực hành thì thật khốn cho họ, họ được ví như người ngu xây nhà trên cát không có nền tảng (x. Mt 7, 26-27). Tin và sống những Lời của Con Thiên Chúa là yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức hết linh hồn hết trí khôn và yêu anh em như chính bản thân mình (x. Mt 22, 37-39), và yêu “như chính Thày đã yêu anh em” (Ga 13, 34). Tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chuá không đơn giản và dễ dàng. Bằng chứng là những người Do thái đương thời với Người, thậm chí những người đồng hương với Người đã từ chối Người (x. Mt 13, 53-58) đã cho rằng những lời của Người là chói tai và giết Người. Thậm chí cho đến ngày nay, họ vẫn chưa tin Đức Giêsu là Đấng Mê-si-a. Cũng vậy, chính một trong những người môn đệ được sống với Người như Giuđa đã bán đứng Người cho người Do thái (x. Mt 26, 47-48). Nhưng những ai thực sự tin và thực hiện ý Thiên Chúa thì sẽ được là con Thiên Chúa và là người nhà của Đức Giêsu, như Người đã tuyên bố: “Vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời là anh em của Ta, là chị của Ta, và là mẹ của Ta” (Mt 12, 50).

Một đời sống nhận biết và yêu mến Thiên Chúa là đời sống trở nên men, nên muối, nên ánh sáng (x. Mt 5, 13-14), và thực sự sinh hoa kết trái . Hoa trái của đời sống nhận biết Thiên Chúa là tình yêu và sống yêu thương, vì “người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thày là anh em yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Tình yêu ấy không chỉ giới hạn nơi người thân cận đáng yêu, mà phải vô điều kiện và không biên giới tới những người bé nhỏ, tầm thường, bị tù đày, khách lạ (x. Mt 25, 31- 46), thậm chí phải yêu và cầu nguyện cho kẻ thù (x. Mt 5, 44). Hoa trái của sự nhận biết Thiên Chúa còn là kiên nhẫn hiền hoà, là không kết án (x. Lc 6, 37), là khiêm tốn nhường nhịn (x. Mt 12, 29; Lc 14, 7-14), là chia sẻ cho nhau những gì mình có (x. Dt 13, 16), là tha thứ (x. Mt 18, 22). Sau cùng, ý của Đức Kitô là những ai đã tin và sống Lời Người phải ra đi làm chứng và rao giảng ơn cứu độ của Người cho những ai chưa nhận biết Người (x. Mt 28, 19). Quả thực, nếu như 1,2 tỉ người Kitô hữu sống và thực hành Lời Chúa; sống yêu thương như những gì Người dạy chắc chắn thế giới này sẽ hòa bình hơn và nhiều người được sống đúng với nhân phẩm con người hơn.

Nói tóm lại, việc nhận biết Thiên Chúa không phải chỉ dừng lại ở việc tuyên xưng Người là Thiên Chúa trên môi miệng và làm các việc bổn phận như đi tham dự thánh lễ và đọc kinh hằng ngày. Nhưng việc nhận biết Thiên Chúa phải đi đến việc yêu mến Người và ao ước được làm đẹp lòng Người qua việc tin vào Đức Kitô, sống và thực hành Lời Đức Kitô, và rồi là đi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng của Người. Xem ra việc nhận biết Thiên Chúa không phải dễ dàng như khi còn nhỏ tôi vẫn nghĩ. Việc nhận biết Người là một hành trình của tin-cậy-mến. Hành trình ấy đòi hỏi tôi phải từ bỏ đi tất cả những ý riêng, những ham muốn cá nhân, và nhiều thứ khác lắm. Nếu như thế thì tôi cũng chỉ mới bắt đầu chập chững bắt đầu tập đi trên hành trình ấy. Nhưng tôi không sợ hãi, vì tôi biết chính Thiên Chúa sẽ ban cho tôi nếu tôi thành tâm cầu xin Người. Khi tôi đã biết Người một phần, Người sẽ tiếp tục cho tôi biết Người hơn. Thánh Phaolô cũng đã xác tín rằng: “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng sẽ được Thiên Chúa biết đến” (1 Cr 8, 3). Như vậy, việc nhận biết Thiên Chúa sẽ tiếp tục được triển nở khi ta thực sự tìm Ngài và khi Ta đã thấy Người rồi ta sẽ nghe Người và sống Lời Người. Chỉ khi ta thực sự sống Lời Người thì ta mới biết Người và được sống muôn đời (x. 1Ga 2, 17). Ngược lại, nếu “ai cho mình là biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều Người truyền dạy thì là kẻ nói dối” (1 Ga 2, 4).

Kalamazoo, Tuần Thánh 2013

Sr. Theresa Kim Phụng (MTG. Thủ Đức)



[1] Statement by Cardinal Seán Brady for the inauguration mass of the Pope Francis, March 19, 2013 (Zenit. Org)

[2] Statement by Cardinal Seán Brady for the inauguration mass of the Pope Francis, March 19, 2013 (Zenit. Org)