Lời Chúa: Gr 17, 5-10; Lc 16, 19-31.
Tiêu chuẩn để được gọi là tài giỏi không tùy thuộc vóc dáng hay khuôn mặt cân đối xinh đẹp, mà người ta thường đánh giá, nhận xét dựa trên lời nói việc làm phát sinh hiệu quả lớn, nhỏ. Đôi bạn trẻ quyết định đi tới hôn nhân, yếu tố trọng tâm là họ có tự do yêu thương nhau không ? Để sống và sống hạnh phúc, người ta cần đến giá trị của tình yêu trong các tương quan; vì thế, thước đo vật chất chỉ nói lên mức độ giầu nghèo của một cá nhân trong xã hội.
Nơi hai trái tim cùng nhịp có một lực hút thật dữ dội, họ dám vượt rào đến với nhau, dám quả quyết sống chết có nhau, không ngần ngại với lý tưởng : “thương nhau tam tứ núi cũng trèo”. Tình yêu có một sức bật khiến người ta sẽ trải lòng mình ra; sống ích kỷ, thù hận, hệ quả là dửng dưng, tự co mình lại. Rộn rã niềm vui, hay âu sầu buồn bã, là cách diễn tả một tâm trạng đầy tình yêu thương hoặc trái tim mình đang bị đóng băng !
Sách Tiên tri Giêrêmia nói tới sự đối nghịch giữa người cậy dựa vào sức mình, dù niềm vui hạnh phúc có đến, họ cũng không nhận ra, tâm trí họ như đồng khô cỏ cháy ! Người trông cậy vào Chúa, cuộc sống của họ sánh ví như cây trồng bên dòng nước, luôn trổ sinh bông trái, bình an, tình yêu ngập tràn tâm hồn. Để quảng diễn về giá trị của tình yêu thương, thánh sử Luca hôm nay đưa ra hình ảnh giầu nghèo ở trần gian, yến tiệc liên tục nơi người phú hộ và đói khổ triền miên nơi người Laradô.
Dụ ngôn cho thấy một qui luật là sống ở đời giầu nghèo rồi cũng phải đối diện với cái chết, hạnh phúc thật tùy thuộc ta đã sống thế nào khi giầu sang phú quí hay túng thiếu nghèo đói trên trần gian ? Chớ trêu ở chỗ là “kẻ ăn chẳng hết, người lần chẳng ra” đều được minh xét công bằng, bạn đã sử dụng nén bạc ra sao khi giầu sang ? Có chia sẻ, có làm việc bác ái không ? Người nghèo Laradô có nguyền rủa, oán thân trách phận hay không ? Có “đói ăn vụng, túng làm liều hay không” ?
Ngày hôm nay, người ta nói nhiều đến tình yêu, lý luận khá nhiều về hạnh phúc trần gian, nhưng nào có thông thoáng gì đâu, nếu không muốn nói là bế tắc ! Có thể ta đang đặt giá trị tình yêu vào vật chất của cải ? Đặt giá trị hạnh phúc trên địa vị tiền tài ? Đánh giá thành công dựa vào việc thu gom lợi nhuận nhiều hay ít ? Xây dựng gia đình mình trên sự vững chắc nơi khả năng hiểu biết thông thái theo qui luật làm giầu ?
Ngày hôm nay, giá trị tình yêu có được ta quan tâm đúng mức chưa ? Mỗi chúng ta đang là những người phú hộ, sở hữu tiền tài, địa vị thế nào ? Hoặc chúng ta đang là những Laradô nghèo hèn mọi mặt, chỉ biết cậy trông vào tình yêu Chúa ? Hy vọng rằng dụ ngôn “giầu nghèo” hôm nay, đủ giúp từng người, từng hoàn cảnh của chúng ta có được quan niệm chính xác về tình yêu, biết sống sẻ chia với nén bạc ta đang có. Amen.
Lm. Jos. DĐH, Gp. Xuân Lộc