Tông huấn ” Familiaris Consortio” nhận định gia đình bắt nguồn từ Tình Yêu, ” Không Tình Yêu, gia đình không thể sống, lớn lên và tự hoàn thiện xét như một cộng đồng các ngôi vị. Có thể diễn tả cộng đồng tình yêu này qua một vài nhận xét trong bữa ăn gia đình người Việt Nam.
Ăn uống không chỉ dừng lại ở việc duy trì sự sống, mà còn nói lên nhiều khía cạnh tương quan khác nhau. Khác với người phương Tây với quan niệm : “ăn để sống chứ không phải sống để ăn”, đối với người Việt Nam thì khác, “có thực mới vực được đạo”. Bữa ăn cũng rất quan trọng ” Trời đánh tránh bữa ăn”. Nhiều hành động người Viêt Nam cũng ráp chữ ăn ở hàng đầu (ăn uống, ăn ở, ăn tiêu, ăn học, ăn chơi, ăn ngủ, ăn trộm,…) .
1. Đào tạo một cộng đồng các ngôi vị.
Gia đình Việt Nam biểu hiện khá rõ nét qua bữa ăn. Bữa ăn nói lên một tính chất cộng đồng các ngôi vị gắn kết với nhau qua việc chia sẻ bữa ăn. Trong bữa ăn, bao giờ cũng quy tụ hầu hết mọi thành viên, từ ông bà con cái đến cháu chắt, nếu cùng ở chung trong một nhà.
Để bắt đầu bữa ăn người công giáo thường đọc kinh “Lạy Cha” để cầu xin Chúa thánh hoá bữa ăn, và cũng để cầu xin cho mọi thành viên tham dự bữa ăn hôm đó.
Trong cách ăn cũng có nhiều đặc điểm đáng nói.
Việc ăn uống trước tiên là lời mời, càng bé càng mời nhiều người. Việc mời không chỉ dừng lại ở việc lễ phép, nhưng còn biểu lộ một tâm tình biết ơn. Thực vậy, ca dao Việt Nam có câu “ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi” nói lên ân nghĩa đối với những nơi, những người đã giúp ích cho mình ít nhiều. Lời mời càng không thiếu khi cha mẹ và các anh chị là những người vất vả “chân lấm tay bùn” “ăn lúa tháng năm, trông trăng rằm tháng tám”.
Chia nhau những vất vả, sẻ cho nhau những niềm vui. Trong bữa cơm, nơi gặp gở gia đình, hiệp thông với nhau cách tròn đầy tình nghĩa. Như trái cam, mẹ đi chợ mua về, nghĩ tới ba, vất vả ngoài đồng. Ba nghĩ tới con, tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” dành lại đem về cho con. Con nghĩ tới mẹ ” một sương, hai nắng” đem về gửi mẹ. Trái cam đi hết một vòng lớn hơn qủa đất, rộng hơn biển cả.
” Bát cơm và nắng chan sương.
Đói no con mẹ sẻ nhường cho nhau”
Những người ở đồng ruộng mới thấu hiểu “chén cơm, bồ lúa” có giá trị kinh tế thế nào trong gia đình. Bao nhiêu thứ tiền, từ ăn đến học, chỉ trông vào bồ lúa. Hòan cảnh gia đình cũng trồi sụt theo từng vụ mùa. Thế nên người Việt Nam mỗi khi nhớ về mẹ cha hay quê hương thường nhắc đến một chút nào đó ẩn hiện hơi hướng cánh đồng.
” Đằng sau những dấu chân chim
Là cả một đời khó nhọc
Mẹ đưa bàn tay gầy guộc
Đỡ về từng giọt sương mai” ( Hiếu Dũng).
Những đứa con lớn lên, rồi trưởng thành, xa mẹ cha, ai là người không nhớ :
“Khi con biết đòi ăn
Mẹ là người mớm cho con muỗng cháo” (Thanh Nguyên).
Từ bàn ăn trần thế có thể hiểu bàn tiệc Thánh Thể trong một môi trường như thế, thật không xa. Nếu là bữa tiệc các thành viên trong gia đình còn đông đủ hơn nữa. Ở các địa phận miền Bắc, có những truyền thống rất đáng trân trọng. Ví dụ tại địa phận Bùi Chu. Vào mỗi dịp chầu lượt tại Giáo Xứ, những người bà con thân thuộc, từ nhiều nơi quy tụ về. Không chỉ dừng lại ở việc chầu Thánh Thể, nhưng còn là một bàn tiệc hiệp thông với mọi người trong đại gia đình. Hầu như nhà nào cũng thức từ tối hôm trước, chuẩn bị những bàn ăn cho mọi người thân vào ngày chầu hôm sau. Dù có đi đâu, cũng cố gắng trở về quê vào dịp ấy, ý nghĩa ngày tết thế nào, ngày chầu cũng mang ý nghĩa như vậy . Họ đến với Chúa và đến với nhau, những buồn giận, dịp này cũng là để hoà giải, thông cảm, sẻ chia. Đây cũng là dịp họ hàng ở xa, có dịp gặp gỡ nhận ra nhau là anh em chú bác.
Giận nhau thường người Việt Nam không ăn chung với nhau, bởi lúc ấy “cơm chẳng lành, canh chẳng ngon”, mà mỗi người chia nhau một bếp. Cho nên, khi đồng ý ngồi lại với nhau để dùng chung một mâm cơm, là bắt đầu đi vào cuộc hòa giải ” Bát cơm ấm áp thơm tho, canh rau cũng mát, cá kho cũng hiền.” .
2. Bữa ăn gia đình, cộng đồng chia sẻ sự sống.
Tính tổng hợp trong lối ăn của người Việt. Trước hết trong cách chế biến thức ăn. Hầu hết trong các thức ăn của người Việt là kết qủa của sự pha chế tổng hợp thức này với thức nọ. Dù là bình dân như xôi bắp, bún riêu ốc, nấu phở… cầu kỳ như bánh chưng, chả giò hay đơn giản như rau sống, nước chấm, tất cả đều được tạo nên bởi nhiều nguyên liệu khác nhau, tuỳ khẩu vị người pha chế. Lối pha chế tổng hợp làm cho thức ăn thêm phong phú và còn làm cho thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đủ chất. Nhiều màu sắc khác nhau trong thực phẩm chế biến, đủ ngu sắc. Ngoài ra còn đủ ngũ vị, mặn ngọt, chua, cay, đắng.
Tính tổng hợp cũng thể hiện trong nhiều cách ăn : người Việt Nam dọn mâm cơm thường dọn hết các món ăn một lúc, “mâm cao cỗ đầy” , khác với cách phân tích của người Tây phương ăn dọn theo từng món. Nhờ cách dọn ăn tất cả các món cùng một lúc, người Việt Nam trong bữa cơm dù nghèo hay giàu sang cũng có nhiều cách ăn. Có bao nhiêu món ăn là có bấy nhiêu giai thừa cách ăn khác nhau.
Tính tổng hợp còn thể hiện trong tất cả mọi giác quan trong khi ăn. (Uống miếng trà ngon thích chép miệng nhâm nhi, uống miếng rượu tỏ ra ngon thích khà lên một tiếng, ăn trong chén cơm thường thích lấy đũa khua vào chén cho kêu lách tách). Để ăn ngon còn cần nhiều yếu tố khác như ” Trà tam rượu tứ “, có thức ăn ngon mà thời tiết không hợp thì cũng chẳng ngon, hợp thời tiết mà không có chỗ ăn ngon thì cũng kém ngon. Có chỗ ăn ngon mà thiếu bạn tâm giao thì cũng mất ngon, có bạn tâm giao mà bầu khí không vui vẻ thì cũng hết ngon.
Từ tính tổng hợp trong bữa ăn đến tính cộng đồng trong bữa ăn cũng chẳng xa. Có thêm khách thì cũng chỉ thêm đũa thêm chén, nên khi vào thăm các gia đình Việt Nam trúng vào bữa ăn mà có được mời ăn cơm cũng không có gì làm ngại. Người Tây phương ai có phần nấy nên việc mời luôn cần có sự chuẩn bị từ trước. Người Việt Nam trong lúc ăn thường thích chuyện trò, bởi lúc ăn cũng chính là nhưng lúc gặp gỡ thân tình, trao cho nhau những gì ngon nhất ( khác với người Tây Phương lúc ăn tránh chuyện trò).
Tính tổng hợp cũng nói đến một tinh thần rất quan trọng trong đời sống. Đó là tính cộng đồng phục vụ sự sống. Tính cộng đồng làm cho mọi người ý thức cuộc sống cần có nhau, nương tựa vào nhau mà sống, chẳng ai ăn một mình mà thấy ngon. Sống là sống với, chẳng ai sống một mình, ” Không ai là một ốc đảo”. Từ bữa ăn gia đình thu nhỏ đến bữa ăn gia đình rộng lớn hơn, người Việt Nam luôn ý thức việc “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Vì mọi người đều tuỳ thuộc lẫn nhau nên phải ý tứ khi ngồi, mực thước khi ăn . Tính mực thước này biểu hiện tính cách đặc trưng của khuynh hướng quân bình âm dương. Điều này đòi hỏi mọi người đừng ăn quá nhanh cũng đừng qúa chậm, đừng ăn qúa nhiều hay quá ít, đừng ăn hết nhưng cũng đừng ăn còn qúa nhiều.
Tính tổng hợp kéo theo tính cộng đồng, bữa ăn gia đình không chỉ khép lại trong gia đình nhỏ bé mà còn lan tỏa đến một đại gia đình rộng lớn hơn :
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, giần, sàng”.
Bữa ăn quan trọng như sợi dây liên kết bao nhiêu thứ tình thân trong gia đình cũng như xã hội. Cuộc sống hôm nay, nhiều gia đình không còn hoặc ít đi những bữa ăn chung, liệu hạnh phúc có bền không ? Vẫn là điều cần suy nghĩ.
Lm.Giuse Hoàng Kim Toan