Kể từ thập niên 1960, con người bắt đầu có những phát minh mới về phương diện khoa học và kỹ thuật. Đến những năm cuối của thế kỷ XX, nhân loại lần nữa chứng kiến một sự bùng nổ các kỹ thuật thông tin, đặc biệt là kỹ thuật công nghệ Internet, đã hỗ trợ và cho phép khắc phục khoảng cách thời gian và không gian toàn cầu, đưa tất cả các quốc gia, các dân tộc sát lại bên nhau trên con đường phát triển. Xã hội Việt Nam đã và đang hòa mình với dòng chảy của thời đại trong văn minh trí tuệ này. Sự giao lưu toàn cầu đem lại cho người dân Việt nhiều cơ hội phát triển và tiến thân, bên cạnh đó cũng mang theo cả những tố chất suy thoái về lối sống và đạo đức, những giá đạo đức truyền thống đang dần đồng hóa với văn hóa phẩm đồi trụy du nhập ồ ạt từ bên ngoài vào làm cho cơ cấu hôn nhân và đời sống gia đình có những báo động đỏ.
Tại sao thế giới càng ngày càng văn minh về vật chất lại càng bại hoại về cơ cấu hôn nhân và đời sống gia đình như vậy? Phải chăng vì khi công nghệ bước vào gia đình đã làm mất đi những giá trị đạo đức làm nền tảng cho đời sống con người mà chính từ nền tảng này, xã hội và nhân loại nhờ đó tồn tại và phát triển? Phải chăng vì con người văn minh ngày nay ý thức được nhân quyền của mình? Phải chăng các thành viên của gia đình hôm nay chưa hiểu về đạo đức, cách riêng đạo đức Internet? Hay đạo đức Internet là không thực tế, không còn quan trọng, không liên quan đời sống con người? Và từ thái độ xem thường hay đồng tình với mãnh lực của Internet, gia đình hôm nay đang bước vào vùng đất văn hoá sự chết của bạo hành, ly dị và lối sống vô luân? Hay nhân loại trở nên bình thường hoá lối sống lệch chuẩn và vô cảm rồi chăng?
I. KHI INTERNET BƯỚC VÀO GIA ĐÌNH VÀ LÀM NẢY SINH VẤN ĐỀ
1. Thực trạng chung
Ngày nay, toàn cầu hoá đang điều kiện hóa phần lớn cuộc sống mỗi con người, ở mọi nơi, từ thôn quê đến thị thành, từ thế tục đến đời tu. Chúng cho thấy một thế giới được liên kết với nhau hơn và phụ thuộc vào nhau hơn, nhưng thực tế chúng cũng đang đào sâu và mở rộng hố chia cắt của bất công và thù hận. Đó là một xu hướng bất đảo ngược. Rõ ràng, con người đương đại đang bị biến đổi não trạng và cung cách sống mà không cưỡng lại được.
Nhìn vào truyền thống trên thuận dưới hòa của người dân Việt, trong đó lòng hiếu thảo có vị trí quan trọng đối với đời sống gia đình và xã hội. Đó là một yếu tố căn bản để con người có thể thành nhân và thành tài. Nhưng truyền thống tốt đẹp đó đang có nguy cơ bị xói mòn và mai một. Có những gia đình đang trở thành quán trọ thay vì tổ ấm. Có nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nạn bạo hành gia đình còn khá phổ biến. Tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng và hậu quả là những trẻ em thất học, trẻ em bỏ nhà đi bụi đời ngày càng nhiều. Những phương tiện thông tin đề cập thường xuyên đến nhiều vụ việc tội phạm mà cả nạn nhân và hung thủ đều là vị thành niên. Cùng với những mâu thuẫn và khủng hoảng gia đình, những con số thống kê cho thấy nạn phá thai càng ngày càng nghiêm trọng, ngay cả nơi những em còn ở độ tuổi học trò.
Mặt khác, người trẻ ngày nay sinh hoạt trong một môi trường đầy những phức tạp. Cuộc sống của họ đã bị can thiệp bởi giới truyền thông, chúng đang tấn công người đọc, người xem và người nghe. Chúng được trình bày một cách hết sức khéo léo, được truyền qua những kỹ thuật tiên tiến đến nỗi những người lớn cũng thấy khó có thể cưỡng lại được sức quyến rũ của chúng. Sự hấp dẫn của truyền thông hiện đại đang chinh phục người tiêu thụ, bóp nghẹt họ trong sự khuất phục vô vọng.
Phải chăng Internet đã làm thay đổi nhận thức, lối sống và nhân cách của con người, cách riêng người trẻ trong các gia đình? Thực tế Internet và xã hội hiện đại đang hình thành nơi những người trẻ này, một nếp sống và một lối suy nghĩ rất khác với các thế hệ cha ông của họ.
2. Internet ảnh hưởng đến gia đình làm nảy sinh vấn đề
Hiện nay, thế giới dường như đang đứng bên bờ của sự thất bại. Dấu hiệu thuyết phục nhất là sự suy giảm giá trị nơi các gia đình. Tuy nhiên không phải tất cả mọi gia đình trong xã hội ngày hôm nay đều tiên cực cả. Chúng ta có thể nhận thấy một sự luyến tiếc về hạnh phúc gia đình bền vững, về những giá trị làm cho gia đình hạnh phúc. Xã hội hôm nay đang cần một sự đổi mới sâu xa và gia đình có thể là một đóng góp quan trọng cho công cuộc đổi mới này. Thử hỏi: Gia đình hôm nay sẽ như thế nào nếu ở đó thiếu đi những nền tảng của sự hỗ tương, tình yêu và tha thứ?
Theo tác giả Dobash và cuốn sách của bà “Bạo Lực Chống Lại Những Người Vợ” cho rằng; bạo lực trong gia đình xảy ra thường bắt nguồn từ quyền uy của người chồng và chúng được khai hoả bởi sự ghen tuông tình dục hay chuyện con cái, tiền nong, say rượu.[1] Tại Mỹ, nhà nghiên cứu Monaha, khi tóm lược các nghiên cứu của mình và của nhiều nhà điều tra khác đã cho rằng; việc ly thân đã xảy ra phần nhiều trong năm thứ nhất hoặc thứ hai của cuộc sống hôn nhân.[2] Mặt khác, xã hội hiện đại, phụ nữ ồ ạt bước vào lực lượng lao động thì họ có sự độc lập về kinh tế. Bên cạnh đó, việc phổ biến các phương tiện ngừa thai đang dần giúp người nữ loại bỏ đi sự cột chặt của các chu kỳ thai nghén mà dường như họ không có quyền làm khác đi được. Con cái ra đời khi đã được hoạch định trước của cha mẹ. Bên cạnh những yếu tố vĩ mô đó, ta nhận dạng được những yếu tố đặc thù như tuổi kết hôn, vấn nạn sống thử, có thai trước hôn nhân, nhà ở, giai cấp xã hội, trình độ và tôn giáo.
Tình trạng khủng khoảng trong gia đình hôm nay sẽ nhấn chìm các thành viên vào một trạng thái vô tổ chức mà trong đó, những sự tương tác, những chiến lược để đương đầu với thực trạng là không tương thích, không hiệu quả, thậm chí là khép kín. Kinh nghiệm cho thấy, những gia đình nào càng gặp bất lợi về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa thì càng dễ rơi vào những trạng thái quá căng thẳng và chính chúng là nguồn tạo nên nạn bạo hành, những lạm dụng về thể xác, ly tán, những mâu thuẫn trong đời sống gia đình. Sau stress, nạn bạo hành là một trong số các nhân tố rất quan trọng khác khiến cho đời sống của gia đình bị lung lay. Nạn bạo hành trong gia đình có liên quan đến mọi thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, người ta ghi nhận được rằng chính phụ nữ mới thường là nạn nhân của nạn bạo hành trong gia đình nhiều hơn so với nam giới. Trẻ em co lẽ là nạn nhân dễ bị tổn thương nhất của loại bạo hành này, cùng với ông bà và những người cao tuổi. Ngược lại, cũng có một số bậc cha mẹ bị con cái họ lạm dụng về mặt thể lý.
Nhìn chung, quá trình hội nhập giao lưu, thúc đẩy công nghiệp hoá hiện hoá đang làm thay đổi mọi mặt về kinh tế, chính trị, xã hội đem lại cho cuộc sống người dân Việt một sức sống mới. Chính những cám dỗ về chủ nghĩa tiêu thụ vật chất đang huỷ hoại, xói mòn truyền thống nền luân lý đạo đức của gia đình và xã hội Việt Nam. Điều đó đã tác động đến sự biến chuyến của các thiết chế, các khuôn mẫu văn hoá trong cấu trúc xã hội chẳng hạn như gia đình, nhà trường và các định chế xã hội khác. Những thay đổi này đang đi vào mọi ngõ ngách trong đời sống con người, in dấu ấn lên từng cá nhân, trong nhận thức và quan niệm sống của họ.
Như vậy, có thể nói, mạng Internet đã góp phần to lớn phát triển kinh tế nhưng nó cũng đã vượt qua mọi “rào cản” có tính đặc thù của mỗi quốc gia về chính trị, pháp luật, tôn giáo, của đạo đức và luân lý xã hội; Nó làm thay đổi cả tư duy, lối sống, văn hóa của xã hội loài người đương đại. Vậy đâu là những mặt tích cực và tiêu cực của Internet?
II. NHỮNG MẶT TÍCH CỰC VÀ TIÊU CỰC CỦA INTERNET ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH HÔM NAY
1. Tích cực
Trong vòng 20 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông trên hầu hết các khu vực của toàn thế giới. Nhờ phát minh được con chíp cực nhỏ mà các thiết bị viễn thông trở nên rẻ, nhỏ và dễ sử dụng hơn.
Internet hiện nay là phương tiện truyền thông hiện đại, đa chức năng, đa phương tiện. Trong thế giới thông tin đó, nhiều người có thể học tập, tìm tài liệu, nghiên cứu, làm việc, kết bạn bốn phương và giải trí cùng một lúc. Nhờ những ưu điểm này mà những người sử dụng Internet thu được số thông tin về thế giới hiện nay lớn hơn bất cứ kỳ thời đại nào trước đây. Bên cạnh đó, một trong những nét năng động của truyền thông kỹ thuật số là cấp độ và số lượng chuyển tải thông tin. Mở một website, bạn có thể thu thập thông tin của cả trăm tờ báo khác nhau. Và nửa tiếng trước màn hình vi tính có nối mạng, bạn có được một khái niệm tình hình không chỉ trên cả nước mà còn trên toàn thế giới với những mẩu video sống động, cụ thể.
Giới trẻ trở thành đối tượng tiếp cận rất nhanh chóng, thích nghi mau lẹ, nhạy bén nhất so với các lứa tuổi khác. Bởi vì, người trẻ là lứa tuổi luôn có những sáng tạo, khám phá mới trong cuộc sống. Họ năng động sử dụng những phương tiện, những phát minh của nhân loại. Với những tính năng phi tuyến, hai chiều, không biên giới, biến đổi, tương tác và trôi nổi, mạng điện tử Internet là một chỗ, một ngôn ngữ, một lối sử dụng và tư duy truyền thông.
Sự thay đổi cơ bản nhất của Internet so với các phương tiện truyền thống đó là tính tương tác của phương tiện này rất cao, việc thay đổi vai trò giữa nhà truyền thông và người tiếp nhận thông tin diễn ra dễ dàng hơn. Internet là dạng truyền thông đa phương tiện và đa cấp độ (cá nhân, nhóm, đại chúng). Và như thế, chính vì những đặc tính này trong hoạt động của Internet với tư cách một phương tiện truyền thông, cách nào đó Internet đã gây ảnh hưởng đến việc định hướng các giá trị của cá nhân theo cách thức khác đi so với các phương tiện truyền thống.
2. Tiêu cực
Ngay nay, những tiện ích mà Internet đưa lại là điều không thể phủ nhận. Nhiều người cho rằng, có thông tin là có tất cả. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế về vấn đề Internet, nó đã và đang có những ảnh hưởng có tính tiêu cực lên con người. Có thể nói, bản chất của các thông tin chuyển tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng là không xấu. Vấn đề là người chuyển tải và tiếp nhận với mục đích gì, cách thức chuyển tải như thế nào. Internet hiện nay là “sân chơi” cho mọi người. Nhưng chỉ để nhằm tìm kiếm lợi nhuận mà xâm phạm đến cá nhân, đời sống riêng tư hay những thông tin có tính đả kích là việc làm xem thường và lãng quên giá trị đích thực, phẩm giá, tính nhân văn của con người.
Ngay những ngày đầu của Internet, người ta đã thấy trước hiểm họa của các hình ảnh khiêu dâm và cho đến hiện nay đã tràn lan hơn bao giờ trong lịch sử loài người. Một khi vi tính đã nối vào mạng Internet thì việc truy cập vào các trang dâm dục là vô cùng dễ dàng. Điều đáng quan ngại là trong nhiều trường hợp, người dùng không chủ ý vào các trang này nhưng các chương trình tìm kiếm trên Internet cũng vẫn trình bày ra những hình ảnh khiêu dâm hay những nối kết (links) dẫn vào các trang dâm dục. Tại Úc Châu, tờ The Age ở Melbourne, trong số ra ngày 04.06.2006 cảnh cáo rằng những người thường truy cập vào các trang dâm dục cũng thường là những kẻ “săn tình trên Internet,” và những “mối tình trên Internet này” đang làm gẫy đổ hạnh phúc của nhiều gia đình. Bà Simone Buzwell, giáo sư môn Tâm lý tại Đại học Swinburne cho biết “nhiều mối quan hệ hôn nhân bị tan nát bởi những mối tình bí mật trên mạng, trong khi các luật sư cho biết ngày càng có sự gia tăng những vụ li dị có liên quan đến Internet.”
Những tin nhắn có vẻ như bông đùa nhưng lại gây nên những hậu quả khôn lường. Không ít gia đình đổ vỡ chỉ vì những tin nhắn trêu chọc. Do vậy, nhiều người bị ngộp thông tin, thậm chí nhiều người bị mất phương hướng bởi quá nhiều thông tin mà không biết theo ai. Mặt khác, một số trường hợp thông tin trên Internet mang tính phiếm diện, không đúng sự thật là vì mục đích riêng tư nào đó đã “đánh giá con người theo tiêu chuẩn kinh tế, nên xem lợi nhuận và các qui luật tự nhiên là tuyệt đối, bất chấp nhân phẩm và sự tôn trọng con người và các dân tộc.”[4] Christopher Locke, đồng tác giả của The Cluetrain Manifesto, than: “Đã mất rồi cái tâm thức thanh lịch!”[5]
Internet đã làm thay đổi cách người ta sử dụng thời gian rảnh của mình. Người ta đã bỏ những công việc của cộng đồng, các việc đạo đức ở nhà thờ, các trò giải trí chung tại gia đình và nhiều hoạt động trao đổi trực tiếp khác để xem các chương trình ưa thích hay chỉ để thư giãn với các phương tiện truyền thông. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, việc sử dụng Internet đã lấn vào số thời gian chúng ta quen dành cho các phương tiện truyền thông khác. Hiện nay, tại thành phố Hồ Chí Minh, gần như gia đình nào cũng có Computer nối mạng Internet. Một thực trạng đáng buồn là các bậc phụ huynh để mặc cho con cái Chat thoải mái, hết giờ này sang giờ khác, có khi Chat thâu đêm suốt sáng. Hầu hết những gia đình đều có rất nhiều game, đó là chưa kể một loại game rất đang thịnh hành game online, game trực tuyến vì chúng là một trò chơi hấp dẫn đối với mọi lứa tuổi.
Thật vậy, khi nhân loại đang đứng trước những báo động đỏ về đạo đức trong Internet, dưới góc độ của tôn giáo, câu hỏi được đặt ra ở đây khi đứng trước những mặt tốt và xấu của Internet mang lại hiện nay, làm sao chúng ta có thể xây dựng một nhân sinh quan đề cao những giá trị bảo vệ sự sống và kính trọng nhân vị, trong khi hàng ngày, hàng giờ con người đang phải ngụp lặn, sống trong một môi trường thô tục, đề cao một nhân sinh quan bạo lực: càng giết nhiều càng được thưởng nhiều! Vậy đâu là những quan điểm, nhân sinh quan của giáo hội về đạo đức Internet? Và đâu là ý nghĩa thánh thiêng của gia đình trong thời đại thông tin?
III. ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VÀ ĐẠO ĐỨC INTERNET THEO GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI
1. Ý nghĩa thánh thiêng của gia đình
Giáo luật điều 1013 quy định rõ; “Mục tiêu đầu tiên của hôn nhân Kitô giáo như Hội thánh Chúa dạy là sinh sản con cái và giáo dục con cái. Vì thế, đôi vợ chồng có trách nhiệm không chỉ sinh sản con cái cho nhân loại nhưng còn có trách nhiệm trong các quá trình giáo dục và đào tạo con cái. Họ phải tập cho chúng có những đức tính tốt, mở trí khôn với chân lý, hướng dẫn ý chí đến với một tình yêu đích thật.”[6]
Thật vậy, trọng tâm của yêu thương trong gia đình hôm nay là khả năng nhìn ra và thấu hiểu các nhu cầu của người khác cách chính xác và đáp ứng các nhu cầu ấy cách thích đáng.[7] Giá trị căn bản nhất của gia đình là sự quan tâm chia sẻ lẫn nhau. Trong bối cảnh của sự biến chuyển xã hội ngày càng nhanh và mạnh mẽ như hiện nay, thiết chế gia đình đang đứng trước những thách thức chưa có tiền lệ. Thậm chí nhiều chuyên gia nghiên cứu về gia đình còn cho rằng hiện thiết chế cơ bản này của xã hội đang đứng trước sự khủng hoảng. Chính vì thế, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm Mêxicô năm 1990 đã nói; “Tình yêu trong thế giới ngày nay đang bị đe doạ bằng nhiều cách và tình yêu gia đình đang bị lu mờ dần.”[8] Gia đình là cộng đồng đầu tiên của sự sống và tình yêu, là môi trường đầu tiên nơi con người học yêu mến và cảm nhận được mến yêu, không những bởi người khác mà còn bởi chính Thiên Chúa nữa.
Gia đình đặt nền tảng trên tình yêu. Đó là một ràng buộc có nhiều sắc thái. Tình yêu giữa người chồng và người vợ, giữa cha mẹ và con cái, giữa ông bà, giữa các anh chị em với nhau. Đó là một tình yêu không ngừng lớn lên và vững bền vượt qua mọi giới hạn của chúng ta.[9] Tình yêu đã nối kết những phần tử trong gia đình lại với nhau và sẽ hình thành nên tình huynh đệ bằng hữu phổ quát, chăm sóc và cảm thông nhau. Tình yêu sẽ tạo nên một xã hội mới. Điều này như một tiếng gọi giải thoát xã hội nhân loại hôm nay khỏi những sức mạnh làm ô nhiễm của một nền văn hoá duy vật ích kỷ xem thường đạo đức và giá trị con người. Khiến xã hội ngày nay như bị nghẹt thở. Tình yêu ấy cũng giúp cho con người tái khám phá lại vẻ đẹp của mỗi người.
Đạo đức gia đình Kitô giáo được xây dựng trên nền tảng yêu thương mà Đức Kitô là gương mẫu. Nói cách khác, tình yêu là cốt tủy của đạo đức hôn nhân Kitô giáo. Hạnh phúc của một gia đình cũng được xây dựng trên nền tảng yêu thương. Một gia đình hạnh phúc chắc chắn phải là một gia đình yêu thương nhau, được biểu lộ qua những hy sinh nho nhỏ cho nhau hằng ngày. Trái lại, gia đình nào không có hạnh phúc, hay xảy ra bất hòa, thường là những gia đình thiếu sự yêu thương nhau. Đạo đức Kitô giáo và hạnh phúc gia đình đều có chung nhau một nền tảng là tình yêu thương. Do đó có thể nói: một gia đình hạnh phúc ắt phải là một gia đình có đạo đức. Và ngược lại: gia đình nào có đạo đức thường là gia đình hạnh phúc. Giữa đạo đức và hạnh phúc gia đình có một tương quan mật thiết.
Thật vậy, gia đình hôm nay được kêu gọi để sống và để vun trồng lòng yêu thương nhau và chân lý, lòng trọng kính và công lý, lòng trung thành và hợp tác, việc phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau, nhất là những ai cần thiết nhất. Chính vì thế, sứ mệnh của các gia đình Kitô giáo, một gia đình cần phải “bày tỏ cho tất cả mọi con người thấy sự hiện diện sống động của Chúa Kitô trên thế giới, và bản tính đích thực của Giáo Hội,”[10] cần phải tràn đầy sự hiện diện của Thiên Chúa, đặt tất cả mọi biến cố hằng ngày vào bàn tay của Người và xin Người giúp đỡ để hoàn tất trọn vẹn sứ vụ thiết yếu của mình. Nhờ đó, đời sống cá nhân và gia đình của nhân loại mới được biến đổi và dần dần cải tiến, việc đối thoại mới được tiến triển, đức tin mới được truyền đạt, lòng ham thích ở với nhau mới gia tăng, và gia đình trở nên đoàn kết hơn và vững chắc hơn.
2. Quan điểm của Giáo Hội về đạo đức Internet
Quả thật, Internet đang đặt ra nhiều vấn đề hệ trọng không dễ gì giải quyết đối với sự tồn tại và phát triển của con người, của mỗi quốc gia và của thế giới. Hơn nữa, ơn gọi Kitô hữu không cho phép chúng ta có thái độ bi quan, thụ động hay chỉ dừng lại ở việc chỉ trích, vì “nguyên việc chỉ trích thôi không đủ, cần phải tiến xa hơn thế; cần thiết phải là những người kiến tạo và xây dựng”.[11] Để thực hiện công việc này, Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội là những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và đưa ra những đường hướng hành động.
Thật ra, vấn đề Internet chẳng có gì xa lạ đối với Giáo Hội Công giáo. Các Nghị phụ Công đồng nhận thấy Hội Thánh như đứng ở ngay chính giữa sự tiến bộ của nhân loại, chia sẻ kinh nghiệm của nhân loại, tìm kiếm, thấu hiểu chúng và tìm cách giải thích chúng dưới ánh sáng của đức Tin. Dân Thiên Chúa có nhiệm vụ phải vận dụng cách sáng tạo những khám phá và kỹ thuật mới mẻ ấy để mưu ích cho nhân loại và hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa đối với thế gian.[12] Quả thật, đứng trước vấn đề đạo đức Internet hiện nay, Giáo Hội nhìn nhận tiến trình này có ảnh hưởng rất quan trọng trong bước tiến của nhân loại. Một mặt, Giáo Hội nhìn nhận những giá trị tích cực mà Internet mang lại; nhưng mặt khác, Giáo hội cũng cảnh báo Internet có thể gây ra nhiều tiêu cực đáng lo âu.
Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội, số 4 khẳng định “nếu sử dụng đúng đắn, Internet sẽ mang lại những lợi ích hữu hiệu cho nhân loại vì chúng đóng góp rất nhiều vào việc giải trí, huấn luyện tinh thần cũng như việc mở rộng và củng cố Nước Chúa sao cho tiến bộ của toàn thể cộng đồng nhân loại. Giáo Hội cũng biết những tai hoạ nếu cố ý sử dụng sai những phương tiện này”. Trên cơ sở đó, Giáo Hội nhắc nhở: “Không hệ thống nào tự nó lại trở thành mục đích được, cho nên cần phải để ý rằng: Internet, cũng giống như bất cứ một hệ thống nào khác, phải trở nên một phương tiện phục vụ cho con người, chúng phải giúp mục tiêu là làm bền chặt tình liên đới con người và phục vụ lợi ích chung.”[13]
Đối với những tiêu cực của Internet mà nhân loại ngày nay đang phải đối diện, Giáo Hội cho rằng đó là do thiếu những nguyên tắc, những bộ máy hiệu nghiệm để hướng dẫn sử dụng Internet cho đúng. Truyền thông xã hội hôm nay đang thực sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ, hình thành cấu trúc văn hóa mới nơi người trẻ qua chu trình hệ thống toàn cầu với những phát triển quá mau lẹ của công nghệ thông tin kỹ thuật số. Khi đưa ra chủ đề: “Giới Trẻ và Phương Tiện Truyền Thông: một thách đố cho công tác giáo dục” Đức Bênêđitô XVI khẳng định: Mối tương giao giữa giới trẻ, truyền thông, và giáo dục cần được nhìn dưới hai góc cạnh: Truyền thông giáo dục người trẻ, và giáo dục giúp người trẻ đáp trả thích đáng với những phương tiện truyền thông. Về điểm này, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rõ: “nguyên tắc căn bản vẫn là: con người và cộng đồng con người chính là mục tiêu và thước đo việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội”.[14] Vấn đề là các phương tiện truyền thông làm sao phải tạo “sân chơi” bình đẳng cho mọi người, mọi người đều có cơ hội tiếp cận được với các nguồn thông tin. Bởi, thực tế cho thấy, xã hội ngày nay đang có một phân hóa về thông tin: một số rất giàu thông tin trong khi đó một số lại rất nghèo thông tin. Và quan trọng hơn, truyền thông và các phương tiện truyền thông phải đặt con người làm trọng tâm.
Huấn thị Mục vụ ‘Aetatis Novae’ về truyền thông xã hội đưa ra 5 nguyên tắc đạo đức cho truyền thông nói chung, trong đó có Internet gồm: Phương tiện truyền thông phục vụ con người và văn hóa; phục vụ việc đối thoại với thế giới; phục vụ cộng đoàn nhân loại và sự tiến bộ; phục vụ sự hiệp thông của Hội Thánh; phục vụ việc Tân Phúc âm hóa. Trên cơ sở đó, “con người, chứ không phải của cải hay kỹ thuật, là tác nhân chủ yếu và là mục tiêu chính của sự phát triển.”[15] Vì thế “Sự phát triển của mỗi người và của toàn thể nhân loại sẽ bị tổn thương, nếu không đặt mỗi việc theo đúng giá trị quan trọng của nó.”[16]
IV. KẾT LUẬN VÀ GIẢI PHÁP
Tóm lại, khi nhìn thấy những bất trắc và cam go của gia đình và các thành viên trước những mãnh lực của truyền thông Internet, mỗi người Kitô hữu chúng ta cần can đảm nhìn nhận và khẳng định lại niềm tin và lòng xác tín của mình về tình yêu của gia đình. Hôn nhân gia đình Kitô giáo với ý nghĩa đi liền với trách nhiệm và xây dựng xã hội như một thân thể nhiệm mầu phản ánh tình yêu của Đức Giêsu dành cho giáo hội của Ngài. Với những khủng hoảng gia đình trong xã hội hôm nay, chúng ta cần ý thức rằng từ ban đầu gia đình là cấu trúc của tình yêu và gia đình theo đúng thánh ý Chúa phải tồn tại và phát triển trong tình yêu. Do đó gia đình phải là môi trường giáo dục đặc biệt về tình yêu. Giáo dục đức tin phải đi đôi với giáo dục đức ái.
Điểm gay go đầu tiên trong việc giáo dục giới trẻ hôm nay là thời đại truyền thông kỹ thuật số đang tiến những bước quá nhanh và quá sâu vào cuộc sống con người, cách riêng những người trẻ, trong khi rất nhiều người lớn, kể cả các nhà giáo dục thanh thiếu niên lại đang chập chững học hỏi về vi tính và Internet. Do đó, Giáo dục trẻ em biết phân biệt khi dùng các phương tiện truyền thông là một trách nhiệm của các bậc cha mẹ, Giáo Hội và nhà trường. Phải giúp cho họ biết sử dụng thời gian, lúc nào, bao lâu; địa điểm đặt các thiết bị nối mạng và nội dung, mục đích tìm kiếm điều gì trong thế giới chung này. Vai trò của cha mẹ là quan trọng.
Kế đến, do đời sống công nghiệp và đô thị phát triển, con người thời nay có nguy cơ sống khép kín, thiếu tình yêu và thiếu quan tâm đến tha nhân. Gia đình là môi trường thuận lợi giúp cho các thành viên sống tình liên đới, vị tha, hài hòa và quảng đại. Khi chú trọng giáo dục cho con cái những đức tính nhân bản như khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ, các bậc phụ huynh đang huấn luyện con cái mình “thành người”. Các bậc phụ huynh phải có trách nhiệm với cuộc sống hôn nhân mình, và phải cho con cái biết rằng hôn nhân là một cuộc sống hạnh phúc. Con cái cần được tận mắt chứng kiến cha mẹ yêu thương nhau, kính trọng nhau. Và cha mẹ cũng cần phải thực tế hoá cuộc sống hạnh phúc ấy bằng chính hành động yêu thương, tha thứ và trách nhiệm của mình.
Con cái của chúng ta hôm nay cần phải được hiểu rõ và được sử dụng cách thông minh và thích hợp về sự tiến bộ của Internet. Những phát minh tân kỳ đang làm thay đổi các tiến trình học hỏi lẫn phẩm chất của các mối quan hệ giữa con người với nhau, nếu không có một cơ chế thích hợp, chúng sẽ lèo lái và làm vong thân con người hơn là phục vụ họ. Điều này đặc biệt đúng nơi những người trẻ, là lứa tuổi có khuynh hướng tự nhiên hướng về các sáng tạo kỹ thuật, và do đó cần sự giáo dục tốt hơn về việc sử dụng có trách nhiệm và thiết yếu các phương tiện truyền thông.
Chúng ta cũng cần nhìn vào thực tế của các gia đình hôm nay. Đời sống gia đình trong thế giới ngày nay thật phức tạp và đa dạng. Mỗi gia đình là một hệ thống đang phát triển và hay thay đổi. Mỗi gia đình có một truyền thống riêng biệt, có những cách làm việc, thói quen, tập tục và luật lệ khác nhau, cần được quan tâm và tôn trọng đúng mức. Ngoài ra, mỗi gia đình còn có những hoàn cảnh đặc biệt mà người mục tử cần phải lưu tâm, chẳng hạn như gia đình đang có người đau yếu, mất việc làm, gia đình đang lục đục hoặc cha mẹ ly dị. Tất cả đều ảnh hưởng đến con cái.
Cuối cùng, cần đề cao cái gốc, đạo đức nền tảng, đỉnh cao cho mọi cá nhân, gia đình, xã hội phát triển và vươn lên. Sự phát triển mau lẹ của khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi mọi lãnh vực của xã hội, trong đó có cả đạo đức Internet là một trong những vấn đề rất quan trọng của cuộc sống, vì đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người với nhau và đối với xã hội.[17]
Vũ Tuấn
nguồn: daminhvn.net
————-
[1] Lê Ngọc Văn chủ biên, Nghiên Cứu Gia Đình, Lý Thuyết Nữ Quyền và Quan Điểm Giới, KHXH, HN, 2006, tr. 73
[2] Jack Dominian, Hôn Nhân, Đức Tin và Tình Yêu, Muối đất 2001, Vũ Văn An chuyển ngữ, tr. 221
[3] Nguyễn Hữu Quang, Giáo Trình Huấn Luyện, 2000, tr. 384
[4] Tông huấn Giáo Hội tại Mỹ Châu, số 156.
[5] Http://www.cluetrain.com/apocalypso.html
[6] G. ponteville; nguyên tác “Amour et Famille” Thanh Bình chuyển ngữ, Giáo Dục Gia Đình Kitô Giáo, UBĐKCG, Tp. Hồ Chí Minh, 1992, tr. 14
[7] Jack Dominian, Hôn Nhân, Đức Tin và Tình Yêu, Muối đất 2001, Vũ văn An chuyển ngữ, tr. 323
[8] Trần Mạnh Hùng CssR, Một Số Vấn Đề Luân Lý Trong Đời Sống Hôn Nhân Gia Đình, Tp. Hồ Chí Minh, 1998, tr. 7
[9] Gildo Dominici Sj., Gia Đình Trong Thiên Niên Kỷ Thứ III, nguyên tác “Family 2000”, tr. 265
[10] Hiến chế Vui Mừng Và Hy Vọng, số 48
[11] VietCatholic News, Lời Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắn nhủ các Kitô hữu trước hiện tượng toàn cầu hoá ngày 09.04.2001, Vatican, 10.04.2001.
[12] Http://www.tinvuivn.com, Huấn thị Mục vụ “Thời đại mới” về truyền thông xã hội, Số 3
[13] Http://www.vietcathiolicnews, Bài diễn văn của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II với Hàn Lâm viện Khoa học Xã hội tại Vatican 27.04.2001.
[14] Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội, Đạo đức trong Internet, số 3.
[15] Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, số 33.
[16] Thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc, số18.
[17] Nhiều tác giả, Từ điển Tiếng Việt, Khoa Học Xã Hội – TT Từ điển học, HN 1994, tr. 280