Những giá trị nào đang bị bỏ qua trong các gia đình ở phương Tây? Những điều gì cần phải thay đổi?
Thách thức trong việc tái thiết gia đình
Các đôi vợ chồng nếu không ra khỏi chính mình và không sống vì nhau và sống vì con cái sẽ lại chìm vào trong sự đơn độc của chính mình, càng ngày càng sâu và tách biệt bản thân mình; và con cái của họ thậm chí trở nên ích kỷ hơn và cô độc hơn. Đó chính là lý do tại sao chúng ta có ít ước mơ cao thượng hơn – trong hiện tại và tương lai – so với việc lập nên các gia đình, những mái ấm đích thực, đó có thể là hình mẫu và hạt mầm cho một tương lai quảng đại và hạnh phúc hơn.
Nền tảng gia đình có thể tạo dựng và lan truyền những giá trị tích cực
Một mái ấm đích thực chỉ có thể được xây dựng dựa trên tình yêu. Và tự bản thân tình yêu chỉ hiện hữu khi nó chứa đựng lý tưởng và sự quảng đại. Một đôi bạn trẻ dự định kết hôn thực sự yêu thương nhau nếu họ cùng nhau chia sẻ những lý tưởng: mang lại hạnh phúc cho nhau và truyền tình yêu đó cho con cái – gia đình cần được triển nở từ tình yêu quảng đại của họ.
Người chồng và người vợ là những người đầu tiên cần học biết về tình yêu quảng đại: tình yêu đó không lặp đi lặp lại khuyết điểm của nhau, học cách để hiểu, để tha thứ và mong muốn được thứ tha. Đó là cách duy nhất để tình yêu vợ chồng có thể tồn tại và triển nở. Những kinh nghiệm mà họ trải qua sẽ giúp họ trở nên những giáo viên tận tụy và tốt lành về bài học yêu thương cho chính con cái mình.
Nhu cầu trước tiên của các em nhỏ là nhận được tình yêu thương nhưng không. Nếu các em đón nhận được tình yêu thương đó, sau này, các em sẽ bắt đầu nhận ra tình yêu vô điều kiện đó đòi hỏi một sự nỗ lực; và các em cũng cần sự nỗ lực tương tự, để trẻ có thể vượt qua được sự ích kỷ tự nhiên, cũng như học cách yêu thương cha mẹ, và không chỉ có cha mẹ mà còn yêu thương anh chị em theo cách của riêng chúng.
Hôn nhân và gia đình là trường học đầu tiên. Và môn học đầu tiên được dạy ở đây chính là tình yêu. Cha mẹ cần phải học cách yêu trước, và sau đó trở thành giáo viên dạy cho con cái của mình. Học cách yêu thương, trưởng thành trong sự hiểu biết và thông cảm, tha thứ và bỏ qua cho nhau, khám phá ra rằng mỗi người luôn có cách riêng của mình…
Nếu mái nhà là một trường học bắt buộc về tình yêu, thì đây cũng chính là nơi trẻ em còn có thể học thêm được những điều khác nữa. Một điều đặc biệt quan trọng trong thời đại ngày nay chính là học cách sử dụng sự tự do. Ở thời đại này, hiếm có điều gì giá trị hơn sự tự do; nhưng chỉ một số ít được dạy về sự thật đầu tiên của tự do: đó chính là tự do có thể được thực hiện để trở nên tốt hoặc nên xấu, có thể phát triển hoặc biến mất, nếu một người chỉ yêu sự tự do của chính mình và không quan tâm đến sự tự do của người khác thì đó không phải là tình yêu tự do đích thực.
Hơn nữa, gia đình là nơi cung cấp những khái niệm tự nhiên đầu tiên về mầu nhiệm của giới tính. Trong bầu khí không bị xáo trộn bởi ham muốn thể xác, anh chị em trong gia đình bắt đầu nhận thức về sự khác biệt và bổ túc cho nhau của hai giới một cách sâu hơn và chân thật hơn – từ đó, họ biết cảm kích và tôn trọng sự khác biệt về giới tính của nhau.
Ngoài ra, chỉ ở nơi gia đình, các em có thể học biết rằng uy quyền có thể đến từ tình yêu, và tuân theo những điều đó có thể là hành động diễn tả tình yêu.
Kho báu kỷ niệm của gia đình
Cuộc sống không chỉ sống cho hiện tại. Nó còn phải xây dựng tương lai – một tương lai có thể tồn tại. Chúng ta cần phải hy vọng, và hy vọng được củng cố bởi những kỷ niệm tươi đẹp trong quá khứ.
Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Dostoyevsky, Anh em nhà Karamazov, gần với nhận xét của một trong ba anh em. Ông ta đề cập với một nhóm bạn trẻ, sau sự ra đi của một trong những người đồng hành như sau:
Không có điều nào có sức mạnh hoặc có lợi cho sức khỏe cũng như hiệu quả hơn trong cuộc sống này bằng những ký ức tốt đẹp; và cách đặc biệt đối với ai được sinh ra trong mái ấm với cha mẹ từ thời thơ ấu. Người ta thường nói với bạn về sự giáo dục, nhưng một ký ức đẹp đẽ và thánh thiện có được từ thời thơ ấu chính là cách giáo dục tốt nhất. Nếu một người tập hợp được càng nhiều kỷ niệm trong cuộc sống, một ngày nào đó anh ta sẽ được cứu bởi các kỷ niệm đó. Và kể cả nếu chỉ có một kỷ niệm đẹp tồn tại trong tâm hồn của chúng ta, đến một lúc nào đó, các kỷ niệm sẽ giải thoát chúng ta. (Epilogue).
Trở về nhà
“Luôn có một con đường để trở về nhà”; đó là 1 câu trong bái hát của nhóm The Beatles, bài “Golden Slumbers”. Nhưng ngày nay, kể cả khi biết đường, vẫn có rất rất ít những người được thúc giục trở về nhà bởi vì đơn giản là họ không có nhà; có thể có một nơi để về nhưng đó không phải là nhà. Những người này, hầu như không có, hoặc nếu có, thì cũng có rất ít những kỷ niệm đáng nhớ về thời thơ ấu và quá trình trưởng thành của họ; và những điều đem lại cho họ niềm hi vọng hay sự giải thoát, lại càng hiếm hoi hơn.
Di sản truyền lại trong một gia đình tốt lành chính là những kỷ niệm mà gia đình đó tạo ra: những kỷ niệm từ sự thánh thiện của Cha và Mẹ, ở một nơi mà người ta có thể nhận được sự che chở, nơi mà họ có thể được cảm thông và học cách thông cảm người khác, nơi mà sự cãi nhau giữa anh chị em được bỏ qua, nơi của sự tha thứ và được thứ tha. Đó chính là trường học cuộc đời.
Đối với những ai đã kết hôn, và cả những ai dự định sẽ kết hôn, có thể tự hỏi một câu quan trọng: những đứa con của chúng ta – hoặc những đứa con sau này của chúng ta – có thật sự được hạnh phúc với những gì chúng nhận được từ cha mẹ hay không? Liệu tôi và chúng ta có thể mang lại những điều tốt nhất cho chúng hay không? Và điều tốt nhất ở đây không phải là tiền bạc hay danh vọng, nhưng chính là tình yêu. Tình yêu trong những việc nhỏ nhặt hằng ngày có thể xây dựng cuộc sống gia đình đích thực, và còn tô điểm cho gia đình bằng những kỷ niệm giúp chúng ta tiếp tục đi lên.
Có một đại gia đình ở phương tây mà tôi quen biết đã lâu, một gia đình giàu tình yêu thương và đông con cái. Vài năm trước, người mẹ qua đời, tất cả con cái đều có mặt tại đám tang. Sau khi chôn cất bà, người cha và các con tụ họp tại ngôi nhà thân thương, và cùng nhau hồi tưởng lại tất cả những kỷ niệm mà họ đã có cùng với người mẹ quá cố. Người cha đó đã kể với tôi sau đó rằng không một người xa lạ nào có thể tưởng tượng được mất mát mà họ đang phải trải qua. Nhưng ngược lại, bầu khí khi đó trở nên vui vẻ dù hòa lẫn nước mắt. Niềm vui và nước mắt của lòng biết ơn. Đó chính là sự giàu có; đó là một di sản!
Nỗi buồn và nước mắt qua đi, chỉ còn niềm vui ở lại, Và nếu năm tháng qua đi, những kỷ niệm vẫn còn mang lại nước mắt, họ sẽ khóc vì niềm vui không bị lãng quên.
Đó là nơi đặt nền tảng và hứa hẹn hạnh phúc. Có lẽ chúng ta vẫn cần phải học thêm từ điều cơ bản mà Chúa đã dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận”. Hơn nữa, chính khi cho đi là khi đón nhận: từ đây, hạnh phúc đích thực khởi nguồn, và sau đó sẽ đạt đến sự trọn vẹn của nó.
Đức Ông CORMAC BURKE, Catholic Education Resource Center
Nguyễn Lâm Trấn An chuyển dịch