GÓC SUY TƯ GIA ĐÌNH Gia Đình trong đôi mắt con

Gia Đình trong đôi mắt con

ba meTIẾNG RU

Có bao cuộc đời có bấy nhiêu hình ảnh gia đình trong đôi mắt con. Mỗi người một hoàn cảnh, một cách nhìn về cha, một ý nghĩ về mẹ. Nếu nói gia đình, là có thể nói về lòng bao dung, quảng đại ấy của cha lẫn mẹ. Dường như trong đôi mắt con, nội dung “thảo hiếu” nằm trong một phần nào đó ý nghĩa gia đình.

Để chia sẻ, có thể đưa ra đây vài nét qua cụm từ : lời ru. Chắc chắn sẽ còn là nhiều, trong mỗi chữ mỗi câu, hàm chứa biết bao điều muốn nói, mà không bao giờ nói hết.

Lời ru : Ai lớn lên, lẽ nào lại quên, những tháng năm đầu đời được ướp trong lời ru. Lời ru của mẹ, tiếng ru của cha, giọng hát ru của chị, của anh.

1. Lời ru của mẹ :

Niềm hạnh phúc trong con, lời hát ru của mẹ ướp mãi trong cuộc đời, trong vòng tay mẹ, con cứ muốn là trẻ thơ, để được lấp đầy tiếng ru của mẹ. Nhưng thời gian vẫn không ngừng chảy trôi. “Những lời mẹ hát ầu ơ…ru con khôn lớn, bây giờ còn vang”

Đôi khi, chợt nghe đâu đó, vọng lời hát ru, giật mình nhận ra :
“Lời ru vang vọng bốn bề. Mà câu hiếu đạo chưa hề trả xong. Giờ đây lưng mẹ đã còng. Cuộc đời mẹ vẫn long đong nỗi buồn”.

Cuộc đời của mẹ, ngắn dần theo sự lớn lên của con, nỗi lòng của con ẩn trong lời hát ( Mừng tuổi Mẹ) :”Mỗi mùa Xuân sang, me tôi già thêm một tuổi, mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần”. Vừa mừng lại vừa lo, vui buồn chen lấn, để rồi có khi hốt hoảng : “Mỗi ngày qua- con lại thấy ngẩn ngơ. Ai níu nổi thời gian ? Ai níu nổi ?. Con mỗi ngày một lớn thêm. Mẹ mỗi ngày thêm gìa cỗi. Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.”

Lời ru của mẹ, ngày xưa ngăn con khỏi khóc. Rồi một ngày, con lại ru mẹ bằng tiếng khóc của con. Ngày ấy lời mẹ ru không còn nữa, con nhận ra mình đã mất mẹ. Cổ tích ngày xưa thường bắt đầu ” một nàng công chúa”, cổ tích ngày nay còn lại bắt đầu “ngày xưa có mẹ”.

Dù sao chăng nữa, bao lâu còn sự sống, bấy lâu lời ru còn mãi, bởi bao người được làm mẹ trong ngày, rồi những đứa bé lại chào đời và lớn dần theo năm tháng.

2. Tiếng ru của cha.

Thông thường là lời ru của mẹ, nhưng cũng không thiếu những tiếng ru của cha, những khi mẹ vắng nhà hay bận việc chi đó hoặc buồn hơn khi mẹ không còn nữa. Tình người cha đối với con, nó là một thứ tình bình thản như đồng lúa êm ả. Nó không sôi sục, cháy bỏng như tình con chim Pélican của Alfred de Vingy, khi con đói, cha tìm mồi mỏi cánh không ra, trở về rỗng không, vì thương con, cha tự mổ bụng để con rút thịt mình ra ăn. Cái tình cha người Việt nó tự tại như tre già, để mặc sức người ta chặt mình để cho măng mọc lên. Tình cha như muốn thể hiện, mà lại không biết cách nào tỏ ra hiển hiện. Thầm lặng mà sâu, nhợt nhạt mà lại bền bỉ, đằm thắm mà nồng nàn.

Và đây một kinh nghiệm của một người con vắng mẹ :

GIỌT MỒ HÔI CỦA BỐ

“Khi thằng em út của tôi cất tiếng khóc chào đời, cũng là lúc mẹ tôi qua đời. Ở cái tuổi vừa tròn 30, bố tôi phải chịu cảnh gà trống nuôi con. Tuổi thơ của anh em chúng tôi không được bàn tay dịu dàng của mẹ chăm sóc, nhưng chúng tôi cũng được lớn lên trong từng câu hát ru à ơi của bố. Từ ngày mẹ tôi qua đời, mọi việc trong nhà dồn lên đôi vai của bố, vất vả nhất là việc chăm sóc chúng tôi. Tôi lên 5, em gái lên 3 còn thằng Ut thì mới một ngày tuổi. Hàng ngày bố tôi phải bế nó đi xin từng giọt sữ, thay từng tã lót và ấp ủ nó như một người mẹ. Nhiều người đã đánh tiếng xin làm con nuôi, nhưng bố tôi nhất quyết không chịu.

Để chuẩn bị cho tôi, em gái tôi ngày đầu tiên đến lớp, bố tôi đi bộ cả gần mười cây số xuống phố huyện mua sách vở và quần áo. Hôm dắt chúng tôi dến trường, bố ngồi ở ngoài chờ hàng giờ. Bố chỉ từng con đường để lần sau tôi có thể tự đi một mình, khi không có bố. Bố chuẩn bị cho anh em tôi từng bình nước để uống khi đến trường. Có lần tôi bị sốt, bố thức canh cả đêm. Tồi đến, bố tập cho tôi đánh vần từng chữ và dạy cho tôi những bài toán cộng trừ. Bố làm việc vất vả nhưng không bao giờ than vãn. Nhiều người thấy vậy khen bố tôi giỏi, bố chỉ cười. Nhưng trong ánh mắt bố là một nỗi buồn xa xăm. Bố chỉ có duy nhất hai bộ đồ, mùa đông rét còng bố cũng không có được chiếc áo ấm để mặc. Năm cuối cấp một khi đoạt giải nhất cuộc thi toán toàn huyện, tôi đã dùng tiền thưởng mua tặng bố chiếc áo ấm. Bố tôi cảm động nước mắt rưng rưng và nói với chúng tôi rằng, phần thưởng lớn nhất dành cho bố là các con học giỏi.

Mùa lũ năm ấy cuốn đi tất cả. Quê tôi vốn nghèo lại càng khốn cùng hơn. Dân làng kéo nhau đi làm ăn xa, làng quê buồn xơ xác. Hàng đêm nhìn thấy bố thức trắng, tôi thương bố vô cùng. Suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng bố quyết định đi làm ăn xa. Đêm đó bố bảo tôi là bố phải lên đầu nguồn để đãi vàng, nhưng không yên lòng khi để các con ở nhà một mình. Mắt bố đỏ hoe. Tôi ôm chặt bố nói :”Con sẽ chăm sóc các em thật tốt”. Bố đưa cho tôi một ít tiền và dặn dò cách nấu ăn, cách chăm sóc em.

Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy thì bố đã đi rồi. Không còn nghe tiếng nói cười quen thuộc của bố, căn nhà dường như rộng hơn, anh em tôi cảm thấy hụt hẫng vô cùng. Cuối tháng nào, bố cũng đi bộ hàng chục cây số mang gạo mắm về cho anh em chúng tôi. Mỗi lần bố về là anh em chúng tôi có quà, khi thì cái cặp, khi thì đôi dép, em gái thì kẹp tóc, bông tai. Đáp lại công lao của bố, chúng tôi chỉ biết cố gắng học giỏi. Dù bận rộn đến đâu, cuối năm học nào bố cũng đến trường dự buổi lễ bế giảng. Nhìn chúng tôi lên nhận phần thưởng, khuôn mặt bố tôi tràn đầy hạnh phúc.

Cả cuộc đời vừa làm bố vừa làm mẹ, bố tôi đã cho chúng tôi-những đứa trẻ sớm mất mẹ một tuổi thơ hồn nhiên như những đứa trẻ bình thường khác. Bố đã cho chúng tôi một tương lai tươi sáng. Cái tương lai mà hôm nay anh em chúng tôi đã được, đã tích tụ từ những giọt mồ hôi đổ trên đồng sâu, đồng cạn của bố. Bây giờ và mãi mãi, bố vẫn là bóng mát của đời tôi, và chỗ dựa cho chúng tôi bay xa hơn.” NGUYỄN THỊ DIỆU NGA – Tháng 6/2000

3. Giọng hát ru của chị, của anh.

Tình cảm gia đình không chỉ bắt nguồn từ cha lẫn mẹ, mà còn mang hơi ấm của anh của chị. Cái tình nghĩa anh chị em trong nhà, được diễn dạy ở sách “Trung Dung”, là một phần lớn trong việc báo hiếu cha mẹ : “Huynh đệ kỳ hấp, hoà lạc khả đam, phụ mẫu kỳ thuận hỹ hồ” có nghĩa là ” Anh em hoà hợp vui vẻ, cha mẹ trông thấy hẳn hài lòng lăm vậy”. Người phương Tây cũng có cùng một cảm nghĩ như vậy ” Một người em là một người bạn được tạo hoá ban cho” (Beaudoin).
Chính nhờ anh chị em trong nhà mà mỗi người được huấn luyện về đời sống nhân bản và đức tin của mình. Đó là một trong những điều mà Tông huấn “Familiaris Consortio” nhắc tới.

Nhìn vào hoàn cảnh Việt Nam, trong cuộc sống hiện tại, dù có nhiều tình anh chị em ruột thịt bị sứt mẻ đi chăng nữa, vẫn không thiếu bao là tình yêu anh, chị dành cho những đứa em, bằng tấm lòng của người me, sự ân cần nâng đỡ của người cha.

Ta không thể nào không trăn trở trước những hoàn cảnh gia đình tan tác, cha mẹ mất cả, một mình anh lớn đứng mũi chịu sào, nuôi đàn em nhỏ.

Ta không thể nào không trăn trở trước những hoàn cảnh gia đình, chị đứng thay nuôi đàn em ăn học.

Có những gia đình xưa, việc trị tội em, anh chị bắt đứa em nằm trước bàn thờ, đợi anh chị thắp nén hương trước vong hồn cha mẹ, rồi mới dùng roi trị tội em mình. Mà anh chị cũng đau lòng khi phải làm thế, đứa em đã không hề oán trách đem lòng giận hờn. Nếu cha mẹ chúng ta còn sống đâu đến nỗi này.

Tình anh chị em có gì đó thật thiêng liêng, như tình chị em Hai Bà Trưng “Một dạ em cùng chị, Hai vai nước với nhà”., hay cũng như tình anh em Lê Lai chết thay cho Lê Lợi thoát khỏi vòng vây.

Không chỉ nhìn ở đâu xa mới thấy tình anh chị em như vậy, ngay trong cuộc sống hằng ngày ở thôn quê thường hơn thành thị, đứa lớn bồng ẵm đứa bé, vừa học vừa chơi. Đứa này dỗ nín đứa kia, và có khi cả hai cùng ôm nhau khóc, những khi buồn tủi…Thử hỏi có sách luân lý nào dạy thế không ? Dù Sách có nói tới hay không, nó vẫn là một tình cảm có thạt trong cuộc đời.

Lời ru vẫn đầm ấm đưa những đứa trẻ vào đời, vẫn còn hát ru trong tiếng hát của mẹ, của cha và anh chị em, có lẽ nào tình cảm gia đình hôm nay, sao lại dễ đổ vỡ đến vậy ?

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Exit mobile version