Gia đình… tiến trình “Thành nhân”

55

Family-Faith-HandsTheo lẽ bình thường, bất cứ ai trong chúng ta cũng có một gia đình. Gia đình là môi trường đầu tiên đón nhận chúng ta từ khi cất tiếng khóc chào đời, nuôi dưỡng chúng ta cả về vật chất lẫn tinh thần. Chính trong môi trường đó mà con người được hấp thụ nền giáo dục đầu tiên trước khi bước ra môi trường xã hội. Trong môi trường đó con người học được bài học đầu tiên và căn bản nhất, đó là bài học yêu thương. Tình yêu thương được biểu lộ trong mối tương giao qua lại giữa các thành viên của gia đình.

Đó là một môi trường lành mạnh giúp con người trưởng thành và phát triển về nhân cách. Và, với người Kitô hữu gia đình chính là môi trường lành thánh được Thiên Chúa thiết lập và chúc phúc. Chính Con Thiên Chúa, qua mầu nhiệm nhập thể, cũng đã sống trong một gia đình và nêu cao tấm gương một gia đình mẫu mực, đó là Thánh gia.

Những giá trị nền tảng của đời sống gia đình đang gặp nguy cơ…

Ngày nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy đang có một cuộc khủng hoảng về căn tính liên đời của gia đình, đó là sự xáo trộn trong tương quan giữa các thành viên trong gia đình. Biết bao nhiêu bi kịch gia đình đang diễn ra hàng ngày mà chúng ta ít nhiều đều cảm nhận được trong cuộc sống. Có thể nói, đây là một trong vấn đề đáng quan ngại đối với xã hội và Giáo hội Việt Nam.

Trở về với đời sống gia đình là trở về với những giá trị căn bản nền tảng của tiến trình thành nhân. Khơi lại nguồn mạch của sức sống, sự hạnh phúc và sự bình an cho toàn thể thế giới hôm nay. Trong bài giảng qua hệ thống vô tuyến truyền hình dành cho những người tham dự Thánh lễ bế mạc Đại Hội Gia Đình Thế Giới lần thứ 6 tại Thánh đường Đức Mẹ Guadalupe (Mêxicô), ĐTC Biển Đức XVI khẳng định “không có đâu bằng gia đình. Gia đình là nền tảng không thể thay thế của xã hội và con người, cũng như là những gì tốt lành nhất cho con trẻ. Chính trong mái ấm gia đình, con người mới được học hỏi để thực sự biết sống, biết tôn trọng đời sống và sức khỏe, tự do và hòa bình, công chính và chân lý, sự hòa điệu và lòng tôn kính”.(Trích lại trong sách “Bài giảng Chúa Nhật”, tháng 3- 2009, Tòa Tổng Giám Mục TP.HCM, tr.29).

Gần đây, trước làn sóng du nhập các kiểu sống, lối sống ngoại lai ồ ạt vào nước ta, không ít người đã xem thường và buông lỏng việc giáo dục con cái trong gia đình, thậm chí cũng không chú ý quan tâm đầy đủ đến kỷ cương trật tự trong gia đình. Có người còn áp dụng quan niệm phương Tây, cho rằng: cha mẹ và con cái là bạn cùng nhau, con cái có thể phê bình chỉ trích cha mẹ công khai như “đồng chí” với nhau; còn đối với con cái, cha mẹ tạo điều kiện có được sự tự do thái quá đi đến tình trạng không kiểm soát nổi, buông trôi, thả nổi việc dạy dỗ con cái, và chỉ “khoán” cho xã hội, cho nhà trường, cho xứ đạo, cho đoàn thể…

Lời khuyên nhủ của Ông bà ta “dạy con tử thuở còn thơ” là điều quá chí lý để nói lên tầm quan trọng của việc giáo dục trong gia đình đối với tiến trình thành nhân, giáo dục là chức năng thiết yếu của gia đình. Gia đình giáo dưỡng các thành viên của mình hoàn thiện dần theo bản tính tự nhiên tích cực của cá nhân, rồi sau đó mới chuyển tiếp đến tính xã hội và tính văn hoá. Cho nên, những cái hư, cái lỗi nơi con cái phần nhiều có nguyên do từ người cha, người mẹ. Thế nên, ông bà ta mới có câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.

Gia đình Việt Nam có một truyền thống lâu đời và chịu ảnh hưởng sâu đậm của tinh thần Nho giáo. Với tinh thần Nho giáo, gia đình là một yếu tố chính yếu và chủ đạo hình thành nên tương quan xã hội tốt đẹp. Tinh thần Nho giáo đề cao nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và gia đình là môi trường đầu tiên áp dụng tinh thần này.

Ngay từ nhỏ, con cái đã được dạy cho biết phải lễ phép, kính trọng và hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Đạo làm con phải giữ tròn chữ hiếu. Chữ hiếu đó sẽ giúp cho con người đào sâu chữ nhân, do đó, một người không có hiếu thì không xứng đáng với địa vị làm người. Chữ hiếu còn được bộc lộ qua việc con cái nối dõi tông đường, duy trì nề nếp gia phong, đặc biệt trong những ngày lễ tết, lễ giỗ, con cái qui tụ về để tỏ lòng hiếu thảo, tri ân công ơn sinh thành dưỡng dục…

Hơn nữa, văn hóa Việt Nam xuất phát từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước, do đó những hình ảnh về gia đình, làng xóm, hội hè, đình đám…lại càng gắn bó cách đặc biệt hơn đối với mỗi con người Việt Nam. Và, cũng vì vậy, mối tương quan giữa các thành viên trong đời sống gia đình có tính cách ràng buộc và bền vững, tuy đi xa nhưng tâm hồn, tinh thần luôn luôn hướng về tổ ấm gia đình, làng quê.

Hiện nay, một số ít gia đình còn giữ được “gia phong”, “gia phạm”, “gia lễ”, “gia quy”… và lưu truyền qua các thế hệ con cháu. Tinh thần “tứ đức” (công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ; hiếu, đễ, trung, tín của người đàn ông) và “ngũ thường” (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), mặc dù, ngày nay nhiều người cho rằng khá khắt khe và không còn phù hợp với lối sống đầy năng động và hiện đại hôm nay. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận giá trị tích cực của tinh thần “Tứ đức” – “Ngũ thường” đến nay vẫn còn có vai trò tích cực nhất định trong giáo dục gia đình.

Trước những luồng gió văn minh Tây phương ồ ạt, lấn át và thiếu sự quản lý, kiểm soát của những nhà chức trách, đã góp phần không nhỏ làm biến chất và dần dần làm mờ nhạt đi mô hình những gia đình truyền thống với những giá trị nhân văn cao đẹp mà tổ tiên đã trải nghiệm và lưu truyền cho con cháu. Luân thường đạo lý trong gia đình bị đảo lộn, sự rạn nứt các mối tương quan giữa các thành viên trong gia đình đang ở tình trạng báo động. Nguy cơ của nó có thể gây nên những hậu quả khôn cùng cho xã hội và Giáo hội. Mặc dù, việc phát triển kinh tế xã hội là không thể thiếu và cấp thiết, thế nhưng nếu phát triển không gắn liền với việc quan tâm tới việc xây dựng đời sống gia đình, sớm hay muộn gì xã hội cũng sẽ bị khủng hoảng.

Điều đó được minh chứng cách rõ rằng ở một số nước trong khu vực Châu Á như, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Singapore… trong khi phát triển mạnh mẽ về kinh tế và về nhiều lãnh vực khác nhưng vẫn giữ được trật tự xã hội là nhờ nền tảng gia đình vẫn còn được gìn giữ và ổn định, những giá trị văn hóa tinh thần Á Đông vẫn còn đậm nét trong đời sống sinh hoạt gia đình.

Những mẩu tin trên báo chí hay đài phát thanh những năm tháng gần đây cho ta thấy sự biến động đáng ái ngại với tình trạng khủng hoảng to lớn trong đời sống gia đình hiện nay. Những chuyện tưởng chừng không thể có như: con cái đánh đuổi, ruồng rẫy cha mẹ, hoặc ngược lại, cha mẹ ngược đãi, hành hạ con cái, thậm chí còn có cả trường hợp cha mẹ giết con cái, con cái giết cha mẹ hay anh chị em ruột của mình, v,v… Những giá trị luân lý một thời từng ăn sâu trong đời sống gia đình, làm nền tảng cho gia đình và xã hội, tưởng chừng như không còn chỗ đứng, khó có thể vun đắp lại được.

Nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên xuất phát từ bầu khí và việc giáo dục trong gia đình. Vấn đề nảy sinh trong gia đình hiện nay là “sự xung đột thế hệ” – thiếu sự hòa hợp giữa lớp già và lớp trẻ, đại diện cho truyền thống và hiện đại. Trong quá trình vươn lên theo trào lưu hiện đại, lớp trẻ dễ chạy theo “cái mới mẻ”, theo vẻ hào nhoáng bên ngoài mà không tiếp thu được cái thực chất, phần tinh tuý trong cái hiện đại. Bên cạnh đó, lớp già, mặc dù có thể nói là đại diện cho phần tinh túy trong truyền thống, nhưng lại dễ vướng nặng sự bảo thủ với những “tàn tích” cần loại bỏ của quá khứ (gia trưởng, đòn roi, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, v.v…), thiếu sự thức thời. Nhưng đáng e ngại hơn, ngày nay người ta lại có khuynh hướng thờ ơ và thiếu chú trọng đến việc xây dựng một bầu khí thân thương và chân thành trong đời sống gia đình.

Ngoài ra, độ bền vững của các gia đình hiện nay, nhất là các gia đình trẻ, cũng là một vấn đề rất quan ngại. Những thống kê gần đây cho thấy trong số những vụ ly hôn, những cặp vợ chống trẻ chiếm đa số và chỉ sống với nhau được từ 1-5 năm. Gia đình trẻ là một tế bào đang hình thành, một tế bào mới tràn đầy sức sống, góp phần quyết định cho sự phát triển của toàn xã hội. Việc các gia đình trẻ tan rã, không làm tròn trách nhiệm của mình đối với xã hội, không chỉ là vấn đề riêng, nhưng còn là vấn đề chung của toàn xã hội. Chẳng hạn, vấn đề ly dị đưa đến những hậu quả: trẻ em thiếu vắng tình thương sẽ bị tổn thương về tinh thần, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và sẽ gây một ấn tượng khó phai nhòa trong tâm hồn trẻ thơ khi các em lớn lên. Tệ hơn nữa là các em bị bỏ rơi bên lề xã hội một cách vô trách nhiệm, vô tội vạ, v,v…Rồi đây chúng sẽ ra sao ? Có lẽ, ai trong chúng ta cũng có thể đưa ra được câu đáp án.

Thật là thiếu sót nếu chúng ta không đề cập đến sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ thông tin trong lãnh vực khoa học kỹ thuật hiện đại ngày nay. Không thể phủ nhận mặt tích cực và hữu ích của nó, khi mà nhờ đó mà con người giải quyết được bao nhiêu vấn đề, cải thiện và nâng cao mức sống của con người; thế nhưng, bên cạnh đó, mặt trái của nó cũng đã tác động không nhỏ vào đời sống gia đình. Cuộc sống con người ngày càng bận rộn hơn, dường như không thể thoát khỏi vòng vây của công việc, của các dịch vụ xã hội. Con người luôn bị bao bọc bởi một thời gian biểu dày đặc; tất cả được giả quyết trên bàn phím – vi tính hóa, điện thoại hóa. Còn đâu thì giờ dành cho nhau, còn đâu thời gian để tạo lập những mối cảm thông, sẻ chia và hiểu biết lẫn nhau. Và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm thức của con người thời đại: khó lòng cảm nhận được bầu khí linh thiêng, ấm cúng và tình nghĩa của gia đình, trong đó tình yêu được biểu lộ và niềm tin được củng cố.

Giáo dục gia đình là nhân tố quan trọng và có vai trò thiết thực trong tiến trình “thành nhân” của một con người:

Sống trong gia đình là sống giữa những mối tương quan giữa cha mẹ với con cái và anh chị em với nhau. Chính trong gia đình mà con người học được bài học đầu tiên là tình thương yêu nhau, được thể hiện qua tình yêu giữa các thành viên trong gia đình. Trong tình yêu đó, các thành viên sẵn sàng hy sinh cho nhau, thậm chí ngay cả tính mạng của mình: chẳng hạn sự hy sinh của cha mẹ suốt đời tận tụy vì con cái. Có những câu chuyện cảm động về sự hy sinh lớn lao của người mẹ nuôi con bằng chính những giọt máu của mình…

Gia đình là môi trường lành mạnh quan trọng nhất trong việc dưỡng nuôi và đáp ứng những nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Trong Hiến chế Mục vụ, Công Đồng đã khẳng định rằng do tự bản tính, con người sinh ra cần có gia đình (MV s.25) và ngay từ buổi đầu, chính Thiên Chúa đã thiết lập và thánh hóa gia đình. Con người là loài động vật sống quần tụ, hay nói cách khác là nó có xã hội tính. Xét về thể chất, con người khi sinh ra không thể tự mình đứng vững ngay được, nó cần đến sự chăm sóc và sự trợ giúp của người khác. Trong quá trình trưởng thành, con người lại cần có những nhu cầu về tinh thần, và chính gia đình là môi trường tự nhiên và lành mạnh nhất có thể đáp ứng nhu cầu đó. Cho nên, con người lớn lên và trưởng thành trước tiên trong môi trường gia đình. Gia đình có hạnh phúc hay không, có thể hiện được tương quan lành thánh hay không…, tất cả cách này hay cách khác đều ảnh hưởng đến tâm tính và đạo đức của con cái sau này !!!

Và như thế, giáo dục trong gia đình có ảnh hưởng rất lớn và hình thành nên nhân cách con người. Trong quá trình giáo dục đó, nhân cách và đường hướng giáo dục của cha mẹ, bầu khí gia đình có một vai trò đặc biệt. Điều này cũng dễ hiểu, vì xét theo tâm lý, một đứa trẻ được nuông chiều sẽ dễ bị hư, trái lại, nếu bị đối xử khắt khe, nó sẽ bị ức chế, dồn nén và dễ có khuynh hướng phản kháng. Từ môi trường gia đình, con người bước ra một môi trường rộng lớn và phức tạp hơn, đó là môi trường xã hội, và tất cả những gì con người hấp thụ trước đây trong gia đình sẽ hình thành nên lối sống và cung cách ứng xử trong các mối tương quan xã hội. Cho nên, đời sống gia đình yên ổn, lành mạnh và hạnh phúc thì xã hội sẽ trật tự, ổn định và bớt đi những tệ nạn xã hội.

Công Đồng nhìn nhận vai trò của gia đình như là môi trường phát triển nhân tính, huấn luyện các đức tính xã hội và hướng dẫn con người bước vào đời sống xã hội. Gia đình là cộng đoàn đầy tình yêu và có bổn phận trước tiên là giáo dục con cái: Vì là người thông truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng… Vai trò của việc giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu xót thì khó lòng bổ túc được. Thực vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo ra một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với thiên Chúa và tha nhân, để các thành viên, nhất là con cái hấp thụ cách toàn diện trong những mối tương quan cá nhân và xã hội khi dấn bước vào đời, hòa nhập vào xã hội. Và, do đó, gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính cần thiết của một con người…(GD s.3).

Hơn nữa Công Đồng cũng đề cập đến gia đình như một “Giáo hội tại gia”, như một thí điểm truyền thụ đức tin Kitô giáo cách sống động. Trước khi người ta có thể là một chứng nhân kitô giáo trong những mối tương quan bên ngoài xã hội thì nhất thiết họ phải là chứng nhân sống động ngay trong môi trường gia đình của mình.

Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, gia đình cũng có một vai trò đặc biệt. Chính Thiên Chúa đã chọn gia đình ông Abraham, gia đình đầu tiên thực hiệc chương trình cứu độ của Người. Thiên Chúa đã chúc phúc và biến đổi gia đình ấy thành một dân tộc, thành một quốc gia để tham dự vào tiến trình đón nhận ơn Cứu độ. Trong thời Tân ước, Con Thiên Chúa cũng chọn một gia đình để sống, lớn lên và trưởng thành trong chính gia đình đó. Thánh Gia là một mẫu gương sống động trong đó tình yêu và niềm tin được thể hiện cách rõ nét (Lc. 2, 41-51). Chính trong môi trường đó mà Chúa Giêsu “ngày càng khôn lớn và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc 2, 52).

Lm. Giuse Đỗ Trung Thành, op.