Gia đình – nền tảng của xã hội

126

Gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hôi

Đôi nét về thực trạng gia đình hiện nay

Phải xây dựng gia đình hôm nay thế nào?

Gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội là bởi vì: Khi tạo dựng con người để cai quản muôn loài, Thiên Chúa đã phán: “Con người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St1.18). Và Thiên Chúa đã tạo dựng một người nữ bằng xương sườn của người nam. Một gia đình đầu tiên đã được chính Thiên Chúa tạo nên. “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St1. 24).

Gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội là bởi vì: Để cứu chuộc nhân loại sau khi nhân loại đã lỗi phạm với Thiên Chúa, Ngôi Hai Thiên Chúa không đến trần gian theo cách quyền uy của một Hoàng đế cai trị muôn dân; Ngài cũng không đến trần gian như một Thống tướng đầy sức mạnh bách chiến bách thắng trên khắp các mặt trận như câu chuyện huyền thoại Thánh Gióng của Việt Nam.

Ngài đã chọn cách đến trần gian trong thân phận con người nơi một gia đình, gia đình Nazaret nghèo hèn có cha là Thánh Giuse (Cha nuôi), có mẹ (Đức trinh nữ Maria). Ngài đã đóng đúng vai trò làm con trong một gia đình suốt 33 năm ở trần gian.

Về bản tính loài người, Người đã mang đủ đặc tính của con người, ngoại trừ tội lỗi.

Chúng tôi xin trích dẫn nhận định của cố Hồng y Fx Nguyễn Văn Thuận nói về gia đình: “Chúa Giêsu muốn xây dựng nhiệm thể Ngài bằng những tế bào gia đình; Hội Thánh có thể thay đổi đường lối tông đồ, thay đổi các hội đoàn, nhưng Hội Thánh luôn luôn phát triển nhờ các gia đình. Đức tin được thông truyền qua các  tế bào sống động và lành mạnh ấy” (ĐHV: 495)

Về mặt xã hội: Gia đình được gọi là tế bào của xã hội.

Nhà bác học Louis Pasteur (27 tháng 12 năm 1822 – 28 tháng 9 năm 1895) nhà khoa học nổi tiếng người Pháp và của nhân loại là người tiên phong trong lãnh vực sinh vật học đã nói và nó như là một định luật của sinh vật học:

“…Sự sống phải bắt nguồn từ sự sống. Nói một cách đơn giản, con cái phải có bố mẹ sinh ra…”.

Ngoài ra, người ta đã nhìn nhận như một chân lý: xã hội là một thân thể bao gồm triệu triệu tế bào, mỗi tế bào chính là gia đình. Thân thể (xã hội) cường tráng lành mạnh khi tất cả các tế bào (gia đình) lành mạnh. Ngược lại, trong cơ thể (xã hội) có nhiều tế bào (gia đình) đau yếu, thân thể (xã hội) đó sẽ suy yếu dẫn đến sự chết.

Ở Việt Nam ngày nay cũng đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. Ngày 28 tháng 6 hàng năm được chọn là ngày tôn vinh gia đình Việt Nam.

Như thế, Giáo hội và Xã hôi đều nhìn nhận: gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội.

Đôi nét về thực trạng gia đình hiện nay

Trên lý thuyết, thì gần như mọi người Công giáo hay ngoài Công giáo đều coi trọng gia đình, và nhìn thấy vai trò quan trọng tạo nên sự hưng thịnh trong một đất nước hầu như đều được bắt nguồn từ các thành phần trong một gia đình.

Trên thực tế, nhìn vào gia đình hôm nay ta không khỏi đau lòng với những suy thoái đang ngày một gia tăng. Xin điểm qua một vài vấn đề nổi cộm:

Sự ly hôn và Phá thai

Qua các phương tiên thông tin đại chúng hiện nay giúp chúng ta thấy rằng ở các nước phương tây việc ly di đã trở nên quá phổ biến. Ngay cả những gia đình Công giáo việc ly dị cũng thường xẩy ra, mặc dù giáo luật của đạo Công giáo không cho phép.

Việc ly di ở Việt Nam được luật pháp cho phép. Các cuộc ly dị ở Việt Nam ngày một nhiều hơn. Tôi xin trích dẫn phần sưu tầm của Lm Thái Hiệp, O.P trong chia sẻ Tin Mừng tháng 12 năm 2013 của Huynh đoàn Đa Minh Việt Nam bài “Gia đình hai tiếng thiêng liêng” để làm rõ vấn đề trên:

“Ngon nến gia đình leo lét trong bão giông: Theo thống kê, chỉ tính riêng năm 2012 ở Việt Nam đã có gần 100.000 vụ ly hôn, con số này chiếm gần 35-40% tổng số đôi hôn nhân ở Việt Nam trong năm. Điều đáng nói là trong số đó có hơn 70% là số gia đình trẻ (tuổi 22-30). Theo phóng viên Ben Bland của tờ Financial Times, Radio Australia, số vụ ly hôn ở Việt Nam ngày càng gia tăng nhanh. Điều đáng nói là số vụ ly hôn ở Việt Nam đã tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm, từ 53.000 vụ trong năm 2005 lên đến 90.000 vụ trong năm 2010. Thêm nữa, trung bình ở nước ta mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo phá thai, trong đó độ tuổi 15-19 chiếm khoảng 60-70 %”. Những con số trên đây thật đáng để cho chúng ta suy nghĩ.

Sự gian dối

Vấn đề thứ hai mà chúng tôi muốn đề cập đến là sự gian dối trong xã hội Việt Nam hôm nay. Báo Tuổi trẻ ngày 27-09-2013 tác giả Nguyễn Quang Thân trong bài: “Ai dạy trẻ nói dối” đã cho chúng ta một thông tin rất đau lòng với những ai còn yêu qui, trân trọng sự thật. Tác giả cho chúng ta biết:

“Công bố mới đây của Trung Tâm Xã Hội Học cho kết quả sững sờ: Tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp I là 22%; cấp II là 50%; cấp III là 64%; và sinh viên là 80%”. Còn ngoài xã hội thì thế nào?

Tôi xin nêu một sự kiên phi đạo đức và đáng xấu hổ biết bao khi cả hai tờ báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên ngày 09 thánh 12 năm 2013 cùng đăng tải. Trưa ngày 04-12-2013 chiếc xe chở 1300 thùng bia do tài xế Hồ Kim Hậu bị nạn ở vòng xoay Tam Hiệp Biên Hòa (Đồng Nai). Hơn 300 thùng bia văng xuống đường, thì chỉ trong hơn 10 phút, cả trăm người đã ồ tới cướp không những số bia văng xuống đường, mà trèo cả lên xe để cướp bia. Tổng cộng gần 1000 thùng bia của anh Hậu trị giá trên 300 triệu đã bị lấy mất. Anh Hậu van xin nhưng vô ích, chỉ con biết khóc nhìn cảnh cướp bia của mình giữa ban ngày.

Trong khi đó, tôi nhớ lại cậu bé chín tuổi ở thành phó Sendai tỉnh Miyay của Nhật trong trân sóng thần mới xẩy ra ở Nhật ngày 11 tháng 3 năm 2011. Cậu bé đang đói bụng, lạnh cóng đã cúi gập người xuống cám ơn và nhận gói lương khô của một người tốt bụng cho em khi em đang xếp hàng theo thứ tự để nhận phần ăn. Em đã không ăn, mà đem gói lương khô tiến lên phía trước bỏ vào thùng lương thực chung, sau đó lại trở về vị trí xếp hàng lúc đầu để chờ đến lượt mình.

Ôi! Giáo dục như thế nào mà được như thế! Khi nào…quê hương ta được như vậy?

Trong xã hội hôm nay, gần như mọi người đang chấp nhận sống chung với gian dối, như người dân đồng bằng Sông Cửu Long sống chung với lũ hàng năm.

Phải xây dựng gia đình hôm nay thế nào?

Đứng trước một thực trạng suy thoái về đạo đức của xã hội như đã nêu trên, mỗi gia đình, một Giáo hội thu nhỏ, chúng ta không được quyền đứng đó để nguyền rủa bóng đêm, mà cùng nhau thắp nên một ngọn nến để xua đi bóng đêm. Ánh sáng mà mỗi gia đình thắp lên đó, chính là Lời Chúa, vì chính Chúa đã phán: “Lời Chúa là ngọn đền soi con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (TV 119: 105).

Giáo hội hoàn vũ đều đồng thanh tuyên xưng Đức tin trong kinh Tin Kính : “Giáo hội duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền”.

Cộng đoàn dân Chúa trong Giáo hội Việt Nam, chúng ta luôn vâng phục và thực thi những điều Hội Đồng Giám Mục VIệt Nam chỉ dạy.

Năm 2014 HĐGMVN đã chỉ dạy chúng ta: Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình

Để cụ thể hóa công việc Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình, HĐGM đã khôn ngoan đưa ra những việc làm cụ thể cho mọi gia đình trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hôm nay. Mỗi gia đình phải trở thành:

Gia đình cộng đoàn cầu nguyện

Gia đình là một cộng đồng yêu thương

Gia đình là một cộng đồng phục vụ sự sống

Gia đình là một cộng đồng tham gia vào sự Phúc-Âm-hóa môi trường

Về phía xã hội, tôi nghĩ xây dựng gia đình bằng cách mọi người phải bắt đầu từ suy nghĩ sự thật; nói những điều là sự thật; và hành đồng sự thật.

Sự thật chính là ánh sáng xua đi bóng đêm. Một xã hội gồm những cá nhân, những gia đình, những xóm làng, những tập đoàn thiếu sự thật, xã hội đó đang chết dần. Chính Chúa đã phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6)

Chúng ta chờ đợi gì ở sự thay đổi căn bản và toàn diên của nền giáo dục nước nhà?

Chúng ta chờ đợi một nền giáo dục: NHÂN BẢN, KHOA HỌC VÀ KHAI PHÓNG.

Mọi người mong đợi sự thật được có mặt đều khắp trên quê hương ta!

 Inhaxiô Đặng Phúc Minh

Nguồn: gplongxuyen.org