GIA ĐÌNH
MỘT TÊN GỌI “GỢI NHỚ” NHẤT
Theo nhà nhân chủng học Claude Levi-Strauss, gia đình là một định chế xã hội mang tính pháp lý và kinh tế, hiện có trong mọi xã hội loài người.
GIA ĐÌNH, TRƯỜNG HỌC CỦA TÌNH THƯƠNG VÀ HÒA BÌNH
Định chế đầu tiên của con người là gia đình, tức định chế quan trọng nhất của loài người. Không có gia đình, sẽ không có chúng ta. Qua gia đình, chúng ta được lãnh nhận gia tài ngôn ngữ, văn hóa, luân lý, những giá trị cốt lõi, và ngay cả tôn giáo.
Tình thương là chất dính kết toàn gia đình. Tất cả diễn ra trong phẩm chất và sự tuyệt hảo của tình yêu giữa người nam và người nữ, trong địa vị là hai người bạn đời và là người cha, người mẹ.
Gia đình đích thực có tính cách thiêng thánh và được xem như thế trong mọi tôn giáo trên trần gian.
Những liên hệ gia đình là cốt lõi, trong Khổng giáo cũng như trong Kitô giáo, là “ngũ thường” trong xã hội – những tương quan giữa vua-tôi, cha-con, anh – em, chồng – vợ và giữa bạn – bè.
Gia đình là căn bản của linh đạo. Khi gia đình suy đồi, những truyền thống của quá khứ sẽ bị phá hủy. Từ đó, đời sống đánh mất cội nguồn đạo đức của mình và gia đình cũng mất đi những gì tạo nên sự đồng nhất của nó (Ấn độ giáo-Bhagavad-Gita, 140)
Gia đình là cộng đoàn tôn thờ Thiên Chúa. Khi một người trọng kính cha mẹ mình thì Thiên Chúa sẽ nói: “Ta đã ở giữa họ và họ đã kính thờ Ta”. (Do thái giáo, Talmud)
“Sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người, là khuôn mẫu cho sự kết hợp thánh thiện của hôn nhân. Tất cả đã được cấu thành bởi Thánh ý của Thiên Chúa và ý muốn của con người” (Đức Piô XI, Casti Connubii).
Gia đình có tiềm lực để biểu lộ đầy đủ nhất lý tưởng của tình yêu đích thực của Thiên Chúa. Các thể loại tình yêu trong gia đình:
· Tình yêu con cái
· Tình yêu anh em
· Tình yêu vợ chồng
· Tình yêu cha mẹ
Hiệu lực của hôn nhân:
· Một kết ước giữa người nam và người nữ;
· Một cam kết thánh thiện, độc quyền, vĩnh viễn
· Một phương tiện chắc chắn, rạng rỡ để xây dựng tình yêu vợ chồng để tạo dựng một đời sống mới.
· Duy trì giống nòi
· Giáo dục con cái
Tình yêu, cuộc sống và giống nòi: Hôn nhân kết hợp cuộc đời của một người nữ với cuộc đời của một người nam. Chẳng bao lâu, nhờ con cái, hôn nhân sẽ kết hợp gia-hệ của người nam với gia-hệ của người nữ. Trong hôn nhân, ta tìm thấy sự khởi đầu của lịch sử, của đất nước, của thế giới và của nước Thiên Chúa ở trần gian (Sun Myung Moon).
Tình yêu đôi lứa là độc quyền, tuyệt đối loại trừ ngoại tình, vì ngoại tình là sự bất trung, phá hoại niềm tin và làm tổn thương tâm hồn người bạn đời của mình.
Phải ưu tiên lưu ý đến sự phát triển tính tình, các tài năng, những phẩm chất để trở thành người nam, người chồng và người cha hay là người nữ, người vợ và người mẹ thích đáng.
Việc quan hệ nam-nữ trước hôn nhân di hại cho việc phát triển nhân cách, đạo đức của đôi nam nữ và khả năng xây dựng những liên kết chặt chẽ giữa hai gia đình.
Sự kiêng cữ quan hệ tình duc trước hôn nhân là rất quan trọng. Sự bừa bãi tình dục dễ đưa tới sự đổ vỡ gia đình: sự hỗn tạp về tình dục, sự bất trung thành, sự khiêu dâm, tạo nên sự lây lan bệnh tình dục, dẫn đến sự tan vỡ gia đình, phá hủy sự bền vững của xã hội, phẩm chất công dân, sự phát triển giáo dục, và là những yếu tố gây nên tội phạm, sự thác loạn và dẫn đến tử vong.
Muốn xây dựng một nền hòa bình lâu dài, cần phải chấn hưng tình yêu đích thực của những bậc cha mẹ và xây dựng những gia đình chân chính.
Một phong trào được chúc lành:
· Xây dựng một gia đình trong tình yêu Thiên Chúa
· Xác quyết giá trị vừa thánh thiện vừa xã hội của hôn nhân và gia đình
· Cam kết cùng nhau xây dựng một gia đình nhân loại biết liên đới và tôn trọng mọi người, vô hiệu hóa những rào cản về chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch và văn hóa.
Mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm xây dựng gia đình – với cương vị là cha, mẹ, vợ, chồng, con cái – là những người trực tiếp tham dự vào nhiệm vụ lớn lao xây dựng hòa bình.
GIÁO DỤC CON CÁI – TÂM LÝ VÀ QUYỀN BÍNH
Đối diện với một đứa trẻ ngày càng có tính tự lập, xác định và xây dựng nhân cách cho trẻ đôi khi thật khó để biết phải hành động thế nào. Chẳng may, về mặt giáo dục, không hề có một qui luật tuyệt đối nào; rất thường khi, đó là vấn đề quân bình và thông đạt.
Quyền bính
Trẻ cần được hướng dẫn vì trẻ không biết điều gì là tốt nhất cho nó. Quyền bính là yếu tố giúp trẻ tiếp nhận những điều cấm đoán căn bản về mặt xã hội. Thất bại vì không đạt được ước muốn của mình là một kinh nghiệm cần thiết cho việc phát triển của trẻ: để sống trong xã hội, trẻ cần học biết chấp nhận không đạt được ngay tất cả những điều trẻ muốn. Cũng phải luôn nhớ rằng tình thương và quyền bính có thể đi đôi với nhau: thậm chí tình thương bắt nguồn từ quyền bính. Thật vậy, bởi vì bạn thương con của bạn nên bạn đặt ra cho con những điều cấm kỵ, để giữ con trong sự an toàn và an lạc. Đặt những rào cản trên đường đi của đứa trẻ cũng là giúp nó tiến tới: một con đường có đóng cột mốc làm cho an tâm, đứa trẻ sẽ tin tưởng hơn và được chuẩn bị để tự lập hơn. Không có quyền bính của cha mẹ, đứa trẻ có thể cảm thấy không được chú ý, bị bỏ rơi.
Thực thi quyền bính cách nào?
Chất liệu chủ yếu của quyền bính là sự thông đạt: một sự cấm đoán thuần túy và đơn giản mà không kèm theo một lời giải thích nào thì không có nghĩa lý gì cho đứa trẻ. Như vậy, sự cấm đoán ấy là vô ích, và thậm chí là có hại. Thật quan trọng để bạn giải thích rõ ràng, đơn giản cho con bạn biết tại sao bạn cấm nó làm điều này, điều nọ. Cũng rất quan trọng là phải có sự đồng thuận giữa hai cha mẹ: nếu đứa trẻ nghe người này nói “có” và người kia nói “không” thì nó sẽ không bao giờ vâng lời và sẽ chóng biết khai thác sự bất đồng của các bạn. Cùng với sự lo lắng không ngừng về sự nhất quán ấy, quyền bính còn hàm chứa ý nghĩa là chính bản thân quý vị, các bậc cha mẹ, phải thực hành những quy luật áp đặt cho con các bạn. Đừng quên rằng: các bạn là mẫu gương cho con.
Tuy nhiên, cần thiết phải dành một phạm vi nào đó cho hoạt động của trẻ, dĩ nhiên là phải bảo đảm sự an toàn cho trẻ. Điều này được bà Francoise Dolto gọi là “sự chấp nhận nguy cơ”.
Cũng không được làm cho đứa trẻ bực bội với những cấm đoán ngày càng nhiều: đứa trẻ cần phải có thể rèn luyện chính kinh nghiệm của nó. Sự thất bại cũng có những lợi ích về mặt giáo dục.
Cuối cùng, không được lẫn lộn “quyền bính” với “sự hách dịch”. Bạn trở nên hách dịch nếu bạn gợi nên sự sợ hãi nơi đứa trẻ, nếu những mệnh lệnh của bạn được ban bố cách phi lý, bất công, nếu bạn cấm con bạn không được biểu lộ bất cứ trạng thái nào của tâm hồn nó.
Nhận biết và tôn trọng con cái trong cương vị là con người, là điều kiện căn bản của toàn tiến trình giáo dục đích thực.
Trong phạm vi giáo dục, Giáo hội có một vai trò đặc biệt phải hoàn thành. Dưới ánh sáng của Truyền Thống và Quyền Giáo Huấn của Công Đồng, người ta có thể nói rằng không những phải trao phó cho Giáo Hội sự giáo dục về tôn giáo và đạo lý của con người, mà còn phải phát huy trọn vẹn tiến trình giáo dục của con người “cùng với Giáo Hội”. Gia đình được kêu gọi thực thi công việc giáo dục của mình trong Giáo Hội, và như vậy là tham gia vào đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội. Giáo Hội ước ao sự giáo dục phải qua gia đình, vì gia đình đã có được tư cách nhờ bí tích hôn phối, với “ơn đấng bậc” có được, nhờ bí tích ấy và đặc sủng của cộng đoàn gia đình.
Một trong những lãnh vực gia đình không thể thay thế được là phạm vi giáo dục tôn giáo. Việc giáo dục này giúp cho gia đình phát triển như là “Giáo hội tại gia”.Việc giáo dục tôn giáo cho trẻ đặt gia đình vào trong Giáo hội như một chủ thể thực sự hành động cho việc rao giảng Tin Mừng và làm tông đồ. Đó là một quyền lợi được kết nối chặt chẽ vào nguyên tắc tự do tôn giáo. Các gia đình, thực tế hơn là các bậc cha mẹ, có quyền tự do để lựa chọn cho con cái mình một khuôn mẫu nhất định của việc giáo dục tôn giáo thích hợp với xác tín của mình.
Tuy nhiên, ngay cả khi họ phó thác những trách vụ này cho những tổ chức của Giáo Hội hoặc những trường học được đảm trách bởi những thầy cô Công giáo, thì sự hiện diện có tính giáo dục của cha mẹ vẫn phải liên tục và năng động.
Trong giáo dục, cũng không được coi thường vấn đề thiết yếu của sự biện phân về ơn gọi, và đặc biệt là sự chuẩn bị cho cuộc sống lứa đôi. Giáo Hội đã tích cực khai triển những cố gắng và sáng kiến cho việc chuẩn bị hôn nhân, chẳng hạn những buổi học tập cho những đôi trai gái hứa hôn. Tất cả những điều đó rất có giá trị và cần thiết. Nhưng không được quên rằng: sự chuẩn bị cho cuộc sống tương lai của đôi bạn đời trước hết là trách nhiệm của gia đình. Dĩ nhiên, chỉ những gia đình chín chắn về đàng thiêng liêng mới có thể thực hành trách nhiệm này một cách thích hợp. Bởi vậy, nên nhấn mạnh về sự cần thiết của một sự liên đới trách nhiệm chặt chẽ giữa các gia đình. Sự liên đới này có thể được thể hiện bằng nhiều loại tổ chức như các hiệp hội gia đình. Định chế gia đình được kiên định nhờ việc liên đới này, không những làm cho cá nhân mà cả những cộng đoàn xích lại gần nhau nhờ việc khuyến khích họ cùng nhau cầu nguyên và cộng tác với nhau , tìm ra những giải pháp cho những vấn đề quan thiết xảy ra trong cuộc sống. Phải chăng đó là một dạng thức quý giá của việc làm tông đồ cho gia đình bởi chính các gia đình? Như vậy, thật là quan trọng việc các gia đình cố gắng thắt chặt những mối ràng buộc liên đới với nhau. Ngoài ra, điều ấy còn giúp tạo nên sự trao đổi ý kiến với nhau về công việc giáo dục: các bậc cha mẹ này được chỉ dạy bởi những bậc cha mẹ khác, những trẻ em này được giúp đỡ giáo dục bởi những trẻ em khác. Một truyền thống giáo dục đặc biệt nhờ vậy được sáng tạo nên. Truyền thống này được làm cho vững mạnh nhờ tính cách của “Giáo hội tại gia” rất thích hợp cho gia đình.
Tin Mừng Tình Yêu là nguồn suối không thể múc cạn của tất cả những gì nuôi sống gia đình con người, khi là sự thông hiệp giữa các cá nhân. Tất cả tiến trình giáo dục tìm thấy trong tình thương, sự nâng đỡ và ý nghĩa cuối cùng của nó, bởi vì tiến trình ấy là hoa trái viên mãn của việc đôi vợ chồng tự hiến cho nhau. Qua những cố gắng, những khổ đau và những thất vọng thường gặp phải trong việc giáo dục con cái, tình thương không ngừng bị thử thách. Để vượt qua điều đó, cần có một nguồn sức mạnh thiêng liêng chỉ được tìm thấy nơi Đấng đã “yêu thương cho đến cùng” (Jn 13,1).Như vậy, sự giáo dục hoàn toàn thuộc về hy vọng của nền văn minh tình thương” và đóng góp rất nhiều để xây dựng nền văn minh ấy.
Lời kinh nguyện đầy cậy trông và liên lỉ của Giáo hội trong “Năm Gia đình” cầu xin cho sự giáo dục con người, để các gia đình kiên tâm trong trách nhiệm dạy dỗ với lòng can đảm, tin tưởng và cậy trông, bất chấp những khó khăn, đôi khi nghiêm trọng đến nỗi chúng có vẻ như không thể vượt qua được. Giáo hội cầu xin cho sức mạnh của nền văn minh tình thương chiếm ưu thế hơn, vì văn minh này được phun trào từ nguồn mạch của Tình yêu Thiên Chúa. Giáo hội không ngừng cống hiến những sức mạnh này cho lợi ích của toàn thể gia đình nhân loại.
TÌNH YÊU VÀ TRÁCH NHIỆM
Hôn nhân Kitô giáo, xây dựng trên nền móng tình yêu song phương, là một sự kết hợp phong phú. Nếu sự lựa chọn người bạn đời chỉ dựa trên những tiêu chuẩn vật chất, thì bạn nhầm lẫn và sẽ bất hạnh, vì thể hình của người bạn đời của bạn sẽ không tồn tại mãi như lúc thanh xuân, tình huống nghề nghiệp của người ấy cũng phụ thuộc vào những thay đổi bất ngờ, tánh tình của người ấy cũng thay đổi, những mơ ước có thể mòn mỏi đi, khi tình cảm chỉ hời hợt…
Những người độc thân, chưa từng kết hôn đã sớm học hỏi kinh nghiệm của Đức Gioan-Phaolô II, trong mối tương quan sống động của Ngài với những cặp vợ chồng trẻ. Ngài biết rõ sự quan trọng của sự kiên định trong hôn nhân như Giáo hội Công giáo đòi hỏi. Đây là một quan điểm có giá trị cho mọi Giáo hội Kitô.
Vào tháng 3 năm 1949, Đức Hồng Y Sapieha thuyên chuyển linh mục Karol Wojtyla về làm việc tại một trường đại học thuộc giáo xứ Saint-Florian ở Cracovie. Trong thời gian này, linh mục Wojtyla khám phá “sự quan trọng căn bản của giới trẻ”. Ngài tập họp một nhóm người trẻ và cho họ tham dự những buổi giảng huấn đặc biệt của ngài.
Ngài học hành cùng với họ, trượt tuyết cùng với họ và tổ chức một dạng thức truyền bá Tin Mừng mới. Ngài tổ chức những cuộc dã ngoại, gồm có thời gian suy nghĩ, cầu nguyện và chơi thể thao. Mỗi năm có hai kỳ dã ngoại, và mỗi kỳ kéo dài 15 ngày, Ngài làm lễ trên một chiếc ca-nô – điều này hiếm có trước Công đồng Vatican II. Ngài mặc y phục dân sự để tránh sự chú ý của công an cộng sản thời bấy giờ. Trong thời gian các cuộc dã ngoại ấy, Ngài lắng nghe và thảo luận rất nhiều với những người trẻ, nhất là những người đã đính hôn. Ngài nói về các phương diện khác nhau của cuộc sống hôn nhân. Ngài đưa ra một điểm rất mới mẻ là cởi mở thảo luận về tình dục. Ngài mời gọi các thanh niên nam nữ “học biết cách làm thế nào để cùng chung sống với nhau, trước khi dấn thân vào một quan hệ mật thiết hơn. Họ phải học cách xử trí đối với nhau, biết nhịn nhục, biết lắng nghe nhau, biết tìm hiểu nhau”. Ngài mở ra cách suy nghĩ sâu sắc về ơn gọi hôn nhân. Suốt đời Ngài, vấn đề này sẽ là một trong số những đề tài lớn của chương trinh giáo huấn của Ngài.
“TƯƠNG LAI NHÂN LOẠI SẼ ĐẾN QUA GIA ĐÌNH”
(Familiaris Consortio, 86)
“Yêu mến gia đình là biết trân trọng và phát huy những giá trị và khả năng của gia đình. Yêu mến gia đình là làm thế nào để bảo đảm cho gia đình có một môi trường thích hợp cho sự triển nở của các thành viên trong gia đình. Gia đình Kitô-hữu ngày nay thường bị cám dỗ ngã lòng và lo âu trước những khó khăn ngày càng nhiều; lòng yêu mến ấy còn được biểu lộ qua một hình thức trổi vượt nữa, đó là đem lại cho gia đình Kitô hữu những lý do để vững tin vào chính mình…, qua sứ mệnh đã được Chúa giao phó cho mình.” (F.C. 86) Vâng, “những gia đình sống trong thế giới hôm nay phải chấn chỉnh lại! Phải theo Chúa Kitô!” (Thư Appropinquat jam, ngày 15/8/1989 của Đức Gioan Phaolô II).
“Ngoài ra, các Kitô hữu còn có bổn phận rao truyền “Tin mừng về gia đình” trong niềm vui và lòng kiên tín. Gia đình tuyệt đối cần phải lắng nghe và mãi mãi cần phải lắng nghe và cần hiểu biết càng ngày càng sâu sắc hơn những lời chân thật mạc khải cho gia đình về căn tính, các tiềm lực nội tâm, sự quan trọng của sứ mạng gia đình trong xã hội loài người cũng như trong nước Thiên Chúa.
“Giáo Hội biết rõ con đường đưa dẫn gia đình tới chân lý sâu xa nhất của chính gia đình. Con đường đó mà Giáo Hội đã học hỏi nơi trường học của Đức Kitô và nơi lịch sử, được diễn giải dưới ánh sáng của Thánh Linh. Giáo Hội không áp đặt, nhưng cảm thấy một sự đòi hỏi gắt gao phải đề xuất con đường ấy cho mọi người, không e ngại, và thậm chí với một niềm tin tưởng và hy vọng lớn lao, mặc dầu Giáo Hội biết rằng “Tin Mừng” cũng bao gồm cả ngôn ngữ của thập giá. Tuy nhiên, chính xuyên qua thập giá mà gia đình có thể đạt tới sự viên mãn của thực thể và sự tuyệt hảo của tình yêu.” (F.C. 86)
NỀN VĂN MINH TÌNH THƯƠNG
“Ngài đã sáng tạo con người, có nam có nữ”
Vũ trụ, mênh mông và đa dạng, tức là thế giới của mọi sinh vật, đã được ghi sẵn trong phụ-tính của Thiên Chúa, là cội nguồn của vũ trụ (Ep 3,14-16). Dĩ nhiên, nó đã được ghi vào đó theo tiêu chuẩn của phép loại suy, nhờ đó mà chúng ta có thể phân biệt, ngay từ đầu sách Sáng Thế, sự hiện thực của phụ-tính và mẫu-tính, và như vậy tức cũng là sự hiện thực của gia đình con người. Chìa khóa của sự giải thích này hệ tại vào nguyên lý của “hình ảnh” Thiên Chúa và sự “giống như” Ngài, mà căn bản của Thánh Kinh đã nêu bật thật rõ ràng. (St 1, 26). Thiên Chúa đã sáng tạo bằng sức mạnh của lời Ngài “Phải có!” (St 1, 3). Thật rất có ý nghĩa khi, ở trường hợp sáng tạo con người, lời ấy đã được bổ sung trọn vẹn bằng những lời khác như sau “Chúng ta hãy làm ra con người, theo hình ảnh chúng ta, và giống như chúng ta” (St 1, 26). Trước khi tạo dựng con người, Đấng Tạo Hóa hình như đã trở lại chính bản thân mình để tìm ra khuôn mẫu và thầm hứng trong Huyền Nhiệm của Bản Thể Ngài. Bản thể này biểu lộ tựa như “cái chúng ta” thần thánh. Từ huyền nhiệm này, theo cách sáng tạo, con người đã được sinh ra: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh của Ngài. Ngài đã sáng tạo con người, có nam và có nữ.” (St 1,27).
Trong lúc chúc lành cho các sinh vật mới, Chúa đã phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều đầy tràn mặt đất và hãy thống trị mặt đất.” (St 1,28) Sách Sáng Thế dùng những thành ngữ đã được sử dụng ở ngữ cảnh nói về việc sáng tạo các sinh vật khác: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều”. Ý nghĩa tương đồng của những cách diễn tả này thật rõ ràng. Ngoài con người ra, không một sinh vật nào khác được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống như Ngài”. Mặc dầu xét về mặt sinh học thì phụ tính và mẫu tính của con người cũng giống như của các sinh vật khác trong thiên nhiên, tuy nhiên nếu xét về bản chất riêng biệt, thì phụ tính và mẫu tính con người hàm chứa một cách cốt yếu và đặc biệt, sự “giống với” Thiên Chúa; và trên nền tảng đó gia đình được xây dựng như cộng đoàn đời sống con người, là cộng đoàn của những con người được kết hợp trong tình yêu.
Dưới ánh sáng của Tân Ước, chúng ta có thể thấy được rằng nguyên mẫu của gia đình phải được tìm kiếm chính ở nơi Thiên Chúa, trong mầu nhiệm Ba Ngôi của bản thể Ngài. Hạn từ “Chúng ta” nơi Thiên Chúa là khuôn mẫu đời đời của từ “chúng ta” nơi con người, và trước nhất là tiếng “chúng ta” được hình thành bởi người nam và người nữ, đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, và giống như Ngài. Những ngôn từ của sách Sáng Thế chứa đựng chân lý về con người và tương hợp với chính kinh nghiệm của nhân tính. Từ “ban sơ”, con người được tạo dựng có nam, có nữ: Cuộc sống của cộng đồng nhân loại, của những cộng đoàn nhỏ cũng như của toàn xã hội – đều mang dấu ấn của tính nhị-nguyên ban sơ ấy. Chính từ tính nhị-nguyên này mà nảy sinh tính chất “nam” hay “nữ” của các cá nhân và cũng từ đó mà bất cứ cộng đoàn nào cũng có được điểm đặc trưng và sự phong phú trong việc bổ sung của những con người khác nhau. Hình như ngôn từ của sách Sáng Thế sau đây phù hợp với điểm này:“Ngài tạo dựng họ, có nam và có nữ” (St 1,27). Đó cũng là sự khẳng định đầu tiên về phẩm cách bình đẳng cùa người nam và người nữ: con người của hai giới tính đều là những con người giống nhau thôi. Thể chất của họ, cùng với phẩm chất đặc biệt của họ, đã thiết lập “ngay từ đầu” những đặc điểm của lợi ích chung cho nhân loại, ở mọi chiều kích và mọi môi trường của đời sống. Cả hai người, cả người nam lẫn người nữ, đều đóng góp phần riêng của mình vào lợi ích chung ấy. Sự đóng góp ấy bao hàm tính chất thông hiệp và bổ sung cho nhau, ở chính gốc rễ của tình tương ái giữa con người.
Ước gì “Năm của Gia đình” trở nên một lời cầu nguyện chung và không ngừng của mọi Giáo hội địa phương và của toàn thể dân Chúa! Nguyện xin ý hướng của lời cầu này bao gồm trọn vẹn những gia đình đang gặp khó khăn hay nguy hiểm, thất vọng hay chia rẽ, và những gia đình ở trong những tình huống “bất bình thường”! Chớ gì những gia đình ấy đều cảm thấy được sự bảo bọc, đỡ nâng của tình thương và lòng ân cần của anh chị em của họ!
Chúng ta hãy cầu xin cho mọi gia đình trên khắp thế giới. Chúng ta hãy cầu nguyện, bởi Ngài, với Ngài và trong Ngài, người Cha mà tính “hiền phụ” của Ngài đã nhuần thấm mọi người, mọi vật “trên Trời, dưới Ðất”.
Gia đình ngày nay cũng như ở mọi thời đại, đang đi tìm “tình yêu tốt đẹp”. Một tình yêu không “đẹp”, tức là một tình yêu bị hạn chế vào sự thỏa mãn tình dục hay là việc “sử dụng” nhau giữa người nam và người nữ, làm cho con người trở thành nô lệ của tính yếu đuối của mình. Vào thời chúng ta, một số “chương trình văn hóa” phải chăng đã dẫn đưa con người đến sự nô lệ ấy? Đó là những chương trình “khai thác” sự yếu đuối của con người, làm cho con người càng lúc càng yếu hơn và không còn khả năng tự bảo vệ.
Văn minh tình thương đem lại niềm vui – đặc biệt niềm vui vì có một con người được sinh ra ở trần gian (Ga 16,21) và như vậy, đối với vợ chồng, là niềm vui được làm cha làm mẹ. Văn minh tình thương có nghĩa là “đặt niềm vui của mình trong sự thật”(1 Cr 13,6), nhưng một nền văn minh bắt nguồn từ tâm lý tiêu thụ và chống sinh sản thì “không phải là” và “ không bao giờ có thể là” văn minh của tình thương. Nếu gia đình là quan trọng như thế đối với văn minh tình thương, thì đó chính là vì từ nơi gia đình những liên hệ chặt chẽ và mạnh mẽ giữa những con người và những thế hệ được thiết lập. Tuy nhiên gia đình vẫn dễ bị thương tổn và có thể dễ dàng bị xâm hại bởi tất cả những gì có nguy cơ làm cho suy yếu hay thậm chí phá hoại sự đồng nhất và sự bền vững của nó. Do bởi những chướng ngại này, các gia đình không còn làm chứng nhân cho văn minh tình thương và ngay cả có thể trở thành sự phủ nhận và một phản chứng đối với nó. Ngoài ra, một gia đình chia rẽ có thể làm cho kiên vững hơn một dạng thức đặc biệt chống lại văn minh tình yêu, bằng cách phá hủy tình yêu ở những lĩnh vực khác nhau nơi mà tình yêu tỏ lộ ra, và do đó gây nên những phản xạ không tránh được trên toàn cuộc sống xã hội.
YÊU SÁCH CỦA TÌNH YÊU
Tình yêu mà Thánh Phaolô đã dành cho cả một bài tụng ca, trong Thư thứ I gởi giáo hữu Corintô, tình yêu nhẫn nhục, hay giúp đỡ và chịu đựng tất cả (1 Cr 13,4-7) dĩ nhiên là “một tình yêu đầy yêu sách. Vẻ đẹp của tình yêu ấy chính là ở sự kiện đó là một tình yêu đầy yêu sách, bởi vì nhờ đó nó gây dựng nên điều thiện hảo đích thực cho con người và làm tỏa sáng điều thiện hảo ấy nơi kẻ khác. Thật thế, theo bản chất của nó, điều thiện hảo “có khuynh hướng tự thông đạt”, như lời Thánh Thomas – Tình yêu là đích thực khi nó tạo nên điều thiện hảo cho những con người và các cộng đoàn, khi nó tạo điều thiện và cống hiến điều thiện hảo đó cho kẻ khác. Chỉ kẻ nảo biết yêu sách nơi chính mình nhân danh tình yêu, mới có thể đòi hỏi tình yêu nơi những kẻ khác. Bởi vì tình yêu có tính yêu sách. Nó yêu sách trong mọi tình huống của con người; nó còn yêu sách hơn nữa đối với người nào mở tâm hồn lắng nghe Tin Mừng. Phải chăng đó là điều mà Đức Kitô tuyên bố trong “giới răn của Ngài”? Những con người ngày nay phải khám phá được “tình yêu yêu sách” này, bởi vì ở nơi đó có nền tảng thật sự vững chắc của gia đình, một nền tảng giúp cho gia đình có thể “chịu đựng tất cả”, “không tự đắc, không làm điều bất chính” (1 Cr 13,4-5). Thánh Phaolô dạy: “Tình yêu đích thực thì khác: nó tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7). Chính tình yêu ấy mới “đỡ nâng tất cả”. Quyền năng của chính Thiên Chúa, “là tình yêu”, hoạt động nơi tình yêu ấy (Ga 4,8.16). Quyền năng của Đức Kitô, Đấng cứu chuộc con người và cứu độ thế giới hoạt động nơi tình yêu ấy.
Việc suy niệm chương 13 thư thứ I của Thánh Phaolô gửi giáo hữu Corintô sẽ làm cho chúng ta hiểu được ý nghĩa đích thực của văn minh tình thương cách mau chóng nhất và sâu sắc nhất. Không một bản văn Thánh Kinh nào diễn tả nền văn minh tình thương một cách đơn giản và sâu sắc cho bằng bài “Tụng ca về đức mến”.
Những nguy hiểm ảnh hưởng đến tình yêu cũng cấu thành sự đe dọa cho văn minh tình thương, bởi vì chúng hỗ trợ cho những gì có thể chống đối lại tình yêu một cách có hiệu quả. Về điểm này, trước tiên người ta nghĩ đến sự ích kỷ – không những sự ích kỷ của cá nhân, mà là sự ích kỷ của đôi vợ chồng, hoặc trong một phạm vi rộng lớn hơn, là lòng vị kỷ cùa xã hội, chẳng hạn của một tầng lớp hay một quốc gia. Dưới tất cả mọi dạng thức của nó, lòng vị kỷ chống lại cách trực tiếp và triệt để nền văn minh tình thương. Từ đó, phải chăng ta có thể định nghĩa cách đơn giản tình yêu là sự “đối nghịch” với lòng vị kỷ? Nhưng định nghĩa này có thể quá nghèo nàn và quá tiêu cực, cho dù thực sự muốn thực hiện tình yêu và văn minh tình yêu, ta cần phải triệt tiêu mọi dạng thức của sự vị kỷ. Đúng hơn là phải nói đến “lòng vị tha” là điều đối nghịch với sự vị kỷ. Nhưng quan niệm của tình yêu được phát triển rộng ra bởi Thánh Phaolô còn có tính cách phong phú và đầy đủ hơn. Bài tụng ca tình yêu của Thư thứ I gởi Giáo hữu Corintô vẫn còn là Đại Hiến Chương của nền văn minh tình thương. Thư ấy không chủ yếu nói về những biểu hiện rời rạc (của sự vị kỷ hay lòng vị tha) cho bằng nói đến sự chấp nhận thẳng thắn quan niệm con người là kẻ “hiện hữu” nhờ sự trao tặng chính mình một cách vô vị-lợi. Một sự trao tặng dĩ nhiên là cho “kẻ khác”: đó là chiều kích quan trọng nhất của nền văn minh tình thương.
Nữ tu BENEDICTE DIỆU KHÁNH, SPC
Đà Nẵng ngày 23/11/2011