Sau đây là bài diễn văn của Đức Giáo hoàng Phanxicô:
‘Chúng ta ở đây như một gia đình! Và bất kỳ lúc nào chúng ta đến với nhau như một gia đình, chúng cảm thấy mái ấm. Cảm ơn các gia đình Cuba. Cảm ơn người dân Cuba vì, những ngày này, đã cho tôi được cảm nhận là một phần của gia đình, vì cho tôi được cảm nhận mình trong mái ấm. Buổi gặp này như ‘trái cherry trên cái bánh’ vậy. Kết chuyến viếng thăm Cuba của tôi bằng cuộc gặp quy tụ các gia đình, là một lý do để tạ ơn Chúa vì ‘hơi ấm’ lan tỏa từ những con người biết chào đón và chấp nhận người khác, cho người đó được thấy mình trong mái ấm. Cảm ơn các bạn!
Tôi biết ơn tổng giám mục Dionisio García của Santiago, vì những lời chào đón của ngài thay mặt mọi người hiện diện, và tôi biết ơn các cặp vợ chồng đã không ngại ngùng mà chia sẻ với tất cả chúng ta những hi vọng và đấu tranh của họ để làm cho nhà mình thành một ‘giáo hội tại gia.’
Tin mừng theo thánh Gioan cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên tại lễ cưới Cana, một bữa tiệc gia đình. Ngài ở đó với Đức Maria, Mẹ Ngài, và một vài môn đệ, cùng dự buổi tiệc ăn mừng trong gia đình.
Lễ cưới là những thời điểm đặc biệt trong cuộc sống nhiều người. Với những bậc cao niên, cha mẹ, ông bà, đây là dịp để thu hoa trái mà họ đã gieo trồng. Lòng chúng ta vui mừng khi thấy con cái lớn lên và lập gia đình riêng của mình. Lúc đó, chúng ta thấy mọi việc chúng ta đã làm thật xứng đáng công sức. Nuôi dạy con cái, nâng đỡ và khích lệ chúng, giúp chúng muốn tạo dựng cuộc sống cho mình và lập gia đình, đây thật là một thách thức lớn lao cho tất cả bậc làm cha làm mẹ. Lễ cưới cũng cho chúng ta thấy niềm vui của cặp vợ chồng trẻ. Tương lai đang mở ra trước mắt họ, và mọi sự đều mang màu sắc của những khả dĩ mới, của hi vọng. Lễ cưới luôn luôn là nơi hội tụ của quá khứ mà chúng ta thừa hưởng và tương lai chúng mà chúng ta đặt hi vọng. Lễ cưới là những dịp để biết ơn về mọi sự đã đưa chúng ta đến ngày hôm nay, với cùng một tình yêu mà chúng ta đã nhận.
Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai tại một lễ cưới. Ngài đi vào lịch sử gieo và gặt, mơ tưởng và chinh phục, nỗ lực và dấn thân, làm việc hăng say vun xới mảnh đất để sinh được hoa trái. Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời trong một gia đình, một mái ấm. Và Ngài tiếp tục đi vào, và trở nên, một phần trong nhà chúng ta.
Thật thú vị khi thấy Chúa Giêsu cũng hiện diện trong các bữa ăn như thế nào. Ăn cùng với người lạ, viếng thăm những nhà khác nhau, là một cách đặc biệt để Ngài cho thế giới biết dự định của Thiên Chúa. Ngài đến nhà của bạn mình, Martha và Maria, nhưng Ngài không phải kiểu kén cá chọn canh, với Ngài cũng không có gì khác biệt khi người đón tiếp Ngài là một người thu thuế, hay người tội lỗi như Giakêu. Ngài không chỉ làm việc này riêng mình, nhưng khi sai các môn đệ ra đi công bố tin mừng Nước Thiên Chúa, Ngài đã dạy rằng: ‘Hãy ở lại một nhà, ăn và uống những gì họ đưa cho anh em.’ Các lễ cưới, thăm viếng nhà mọi người, dùng bữa, những thời khắc này trong cuộc sống của mọi người trở nên đặc biệt bởi Chúa Giêsu đã chọn dự phần trong đó.
Tôi nhớ ở giáo phận của tôi hồi trước, có biết bao gia đình bảo tôi rằng, hầu như thời gian họ đến với nhau là trong bữa tối, sau giờ làm việc, lúc con cái cũng đã xong bài tập về nhà. Đây là những thời điểm đặc biệt trong đời sống gia đình. Mọi người nói về những gì diễn ra trong ngày, và những gì mỗi người đã làm, dọn dẹp nhà cửa, để mọi thứ sang một bên và chuẩn bị ngày mới sắp đến. Đây cũng là những thời điểm mà ai đó sẽ về nhà với sự mệt mỏi, hay sau khi thất bại một thảo luận một chuyện tranh cãi. Chúa Giêsu chọn hết những thời điểm này để cho chúng ta thấy tình yêu Thiên Chúa. Ngài chọn những thời điểm này để đi vào lòng chúng ta và giúp chúng ta khám phá Thần Khí sự sống đang hoạt động trong mọi chuyện hằng ngày của chúng ta. Chính trong nhà, mà chúng ta học được tình thân ái, đoàn kết và bỏ đi thói hống hách. Chính trong nhà, mà chúng ta học biết đón nhận, trân trọng cuộc sống như một ơn lành, và biết nhận ra rằng chúng ta cần có nhau để tiến tới. Chính trong nhà, mà chúng ta cảm nghiệm được sự tha thứ, để chúng ta không ngừng xin được tha thứ và để lớn lên. Chính trong nhà, là nơi không có chỗ cho ‘mặt nạ’ chúng ta là chính con người mình, và cách cách này cách khác, chúng ta được kêu gọi hãy làm những gì tốt nhất cho người khác.
Đây là lý do vì sao cộng đồng Kitô gọi các gia đình là ‘giáo hội tại gia.’ Chính trong hơi ấm của gia đình, mà đức tin lấp đầy mọi ngóc ngách, thắp sáng mọi khoảng không, và xây dựng cộng đồng. Chính những lúc này, người ta học biết khám phá ra tình yêu Thiên Chúa đang hiện diện và hành động.
Trong nhiều nền văn hóa, các không gian này đang bị thu hẹp, các cảm nghiệm về gia đình đang biến mất, và mọi sự dần dần bị phá vỡ, bị xé lẻ chia lìa. Chúng ta ngày càng ít đi những thời điểm chung với nhau, những lúc cùng ở nhà như một gia đình. Kết quả là, chúng ta không biết cách để kiên nhẫn, không biết cách xin phép hay xin tha thứ, hay thậm chí là không biết nói ‘cảm ơn,’ bởi vì nhà của chúng ta đang ngày càng trống rỗng. Sự trống rỗng liên hệ, trống rỗng kết nối, trống rỗng gặp gỡ. Cách đây không lâu, có một người làm việc với tôi đã kể rằng vợ và con ông đã đi nghỉ, và ông ở nhà một mình. Ngày đầu tiên, căn nhà hoàn toàn yên tĩnh, ‘thanh bình’ và mọi chuyện rất ổn. Đến ngày thứ ba, khi tôi hỏi xem mọi chuyện thế nào rồi, ông bảo tôi: ‘Con mong sao vợ và con về sớm mà thôi.’ Ông cảm thấy ông không thể sống thiếu vợ và con mình.
Không có gia đình, không có hơi ấm của mái nhà, thì cuộc sống trở nên trống rỗng, mà đang có một sự suy yếu trong mạng lưới vốn nâng đỡ chúng ta trong những lúc bất hạnh, nuôi dưỡng chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, và thúc giục chúng ta xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Gia đình cứu chúng ta khỏi 2 hiện tượng đương thời, đó là sự phân mảnh và sự đồng nhất. Trong cả hai trường hợp, con người ta trở nên cá nhân, dễ bị lạm dụng và thống trị. Những xã hội bị chia rẽ, phá vỡ, ly tán hay đồng nhất cách thô thiển, là kết quả do sự phá vỡ các mối dây gia đình, mất đi những mối liên hệ cho chúng ta là chính mình, dạy chúng ta trở nên một con người.
Gia đình là trường dạy nhân văn, cho chúng ta biết mở rộng lòng mình với nhu cầu của người khác, để tâm đến cuộc sống của họ. Giữa mọi khó khăn đang quấy rối gia đình chúng ta ngày nay, xin các bạn, đừng bao giờ quên một điều, rằng gia đình không phải là vấn đề, gia đình trên hết và trước hết là một cơ hội, một vận hội. Một cơ hội mà chúng ta phải chăm lo, bảo vệ và nâng đỡ.
Chúng ta nói nhiều về tương lai, về dạng thế giới mà chúng ta muốn để lại cho con cháu, dạng xã hội mà chúng ta muốn cho con cái mình. Tôi tin rằng câu trả lời khả dĩ nằm ở việc nhìn vào bản thân mình, hãy để lại cho con cháu một thế giới với các gia đình. Chắc chắn là không có gia đình hoàn hảo, không có người chồng người vợ hoàn hảo, không có cha mẹ hay con cái hoàn hảo, nhưng điều này không ngăn cản gia đình là câu trả lời cho tương lai. Thiên Chúa truyền cho chúng ta tình yêu, và tình yêu luôn ở cùng người yêu thương. Vậy nên hãy chăm lo cho gia đình mình, là những ngôi trường đích thực cho tương lai. Hãy chăm lo cho gia đình mình, những không gian tự do đích thực. Hãy chăm lo cho gia đình, những trung tâm nhân văn đích thực.
Tôi không muốn kết thúc mà không nói đến Phép Thánh Thể. Tất cả các bạn đều biết rõ là Chúa Giêsu đã chọn một bữa ăn để cho chúng ta tưởng nhớ Ngài. Ngài chọn một thời khắc đặc biệt của đời sống gia đình như là ‘nơi’ ngài hiện diện giữa chúng ta. Một thời khắc mà tất cả chúng ta đều cảm nghiệm, một thời khác mà tất cả chúng ta đều hiểu, đó là một bữa ăn.
Phép Thánh Thể là bữa ăn của gia đình Chúa Giêsu, nơi thế giới quy tụ để lắng nghe lời Ngài và được nuôi sống bằng mình Ngài. Chúa Giêsu là Bánh Sự Sống cho các gia đình chúng ta. Ngài muốn hiện diện luôn mãi, nuôi dưỡng chúng ta bằng tình yêu của Ngài, nâng đỡ chúng ta trong đức tin, giúp chúng ta bước đi trong hi vọng, để trong mọi hoàn cảnh, chúng ta có thể cảm nghiệm được Bánh bởi Trời đích thực.
Trong vòng vài ngày tới, tôi sẽ cùng dự với các gia đình từ khắp nơi trên địa cầu, trong Đại hội Gia đình Thế giới, và trong vòng chưa đến một tháng nữa, sẽ là trong Hội đồng Giám mục về Gia đình. Tôi xin các bạn cầu nguyện cách riêng cho hai sự kiện này, để cùng với nhau, chúng ta có thể giúp nhau và chăm lo cho gia đình, để chúng ta có thể khám phá Emmanuael, Thiên Chúa đến giữa dân Ngài, và cư ngụ trong các gia đình chúng ta.’
Rồi Đức Phanxicô nói tự phát, nhắc lại biết bao bà mẹ mang thai trong những buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư ở Vatican, đã xin ngài chúc lành cho đứa trẻ chưa sinh ra. Ngài nói rằng, bất kỳ ai đang dự buổi tiếp kiến này, hay theo dõi qua truyền thanh và truyền hình, mà ‘đang mang thai hi vọng’ thì hãy đặt tay lên bụng và nhận lời chúc lành của Giáo hoàng.
J.B. Thái Hòa
chuyển dịch từ Vatican Radio Eng (phanxico.vn)