Gia đình, con đường hy vọng

95

 

Tháng tám năm 2000, giáo phận Puy-en-Velay (Pháp) và Uỷ ban Gia đình của Hội đồng Giám mục Pháp cùng tổ chức một cuộc hội thảo về gia đình. Chúng tôi xin giới thiệu cùng quý độc giả Thời sự Thần học bài tham thuận của đức cha André Vingt-Trois, Tổng giám mục Giáo phận Paris. Bùi Thiện dịch từ La Documentation catholique, số 2236, ra ngày 19/11/2000.

giadinhDẫn nhập

Gia đình nằm trong danh sách những điều kỳ vọng của con người thuộc thời đại chúng ta, kể cả các bạn trẻ. Gia đình xuất hiện như một thí nghiệm có nhiều bất trắc, điều này gây ra sự sợ hãi thất bại, sợ hãi về bổn phận và sợ hãi phải đau khổ. Giáo hội Công giáo dấn thân trong việc thăng tiến và phát triển gia đình. Đối với Giáo hội, gia đình là một duyên may và là niềm hy vọng. Tại sao?

I. Gia đình, tế bào đầu tiên của xã hội

Năm 1981, trong Tông thư Familiaris consortio, Đức thánh cha Jean-Paul II trích dẫn Công đồng Vatican II: “Đấng Sáng Tạo đã dựng nên cộng đồng hôn nhân, nguồn gốc và là nền tảng của xã hội loài người”. Và người còn trích dẫn thêm: “Gia đình đón nhận từ Thiên Chúa sứ mạng làm tế bào đầu tiên và tế bào sống của xã hội” (Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân, số 11).

Cách nói một “tế bào đầu tiên” có nguy cơ làm chúng ta lạc đường nếu chúng ta liên tưởng đến những khái niệm cơ bản của khoa học tự nhiên về sự sinh sản của tế bào (phân bào): 1,2,4,8,16, v.v… Tế bào đầu tiên là tế bào thứ nhất của một loạt những tế bào hoàn toàn giống nhau.

Bảo rằng gia đình là tế bào đầu tiên của xã hội đúng hơn là nói đến nền tảng, nghĩa là một điểm tựa, một nền móng cần thiết mà không có nó thì sau đó sẽ chẳng có gì cả. Gia đình là tế bào làm nên nền tảng của toàn bộ sự sống xã hội. Chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu điều này.

Gia đình là một tế bào trong đó các đôi hôn nhân tự nguyện chọn lựa và dấn thân cho nhau theo một cách thức nhất định. Trước tiên, họ chấp nhận cùng nhau chung sống và đón nhận những bất trắc có thể xảy ra trong cuộc sống. Họ mong muốn trao tặng thân xác cho tương lai qua những đứa con mà họ sẽ có. Kết ước này là một giao ước. Đây không phải là một hợp đồng riêng tư đơn giản mà người ta có thể từ bỏ nó khi các điều khoản không được tôn trọng hay những cam kết không được duy trì. Đó là một kết ước mang tính quyết định. Tính bền chặt và bất khả phân ly của gia đình là nền tảng để xây dựng tương quan tình yêu dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Vì vậy, tình yêu được củng cố và thoát khỏi những bất ngờ của sự cám dỗ: người ta yêu nhau bởi vì người ta chọn nhau.

Con cái ra đời trong gia đình, chúng không được chọn lựa. Người ta có thể lựa lúc để sinh con nhưng không thể lựa chọn tính chất, tài năng, giới tính hay màu tóc của con cái. Con cái được yêu thương vì chúng là hoa trái của tình yêu và chúng cũng học cách yêu thương nhau bởi vì tất cả chúng đều được cha mẹ đón nhận. Chính nhờ sự bao bọc và che chở của tình yêu hôn nhân mà con cái có thể lớn lên trong tin tưởng và trở thành chính mình. Chính nhờ sự bao bọc và che chở của tình yêu mà con cái học biết những bất trắc trong tương quan với những người khác, giúp chúng biết đón nhận những khác biệt và ý nghĩa của cử chỉ hoà hoãn trong xung đột. Đó là “thao trường” đầu tiên của “trường đời”.

Đời sống xã hội là một điều tự nhiên cho dù nó là một chiến trường, là một không gian để thi thố tài năng trong đó sự hiểu biết người khác (còn được gọi là kiến thức xã hội) phụ thuộc vào hành vi và hoạt động. Có những quan hệ do hôn nhân, quan hệ do quyền lực và quan hệ do cưỡng bức. Cuộc tranh đua tất yếu này có thể dẫn đến bạo lực, giết chóc, về điều này chúng ta có rất nhiều thí dụ buồn về sự tranh đua giữa các quốc gia, giữa các nhóm xã hội đối kháng hay giữa các băng đảng. Sở dĩ bạo lực phát sinh từ những xung đột này thắng thế các quan hệ xã hội, chẳng phải trước tiên do việc học hỏi về những tương quan gia đình đã trở nên tồi tệ đó sao? Không thể nào có những tương quan xã hội hài hoà và hoà hoãn nếu gia đình không khởi xướng gây dựng những tương quan vô vị lợi và trên hết là bảo đảm khả năng riêng của từng người.

II. Gia đình, trường học đầu tiên 

Gia đình không chỉ đơn giản là nơi hội tụ đầu tiên của việc học hỏi những tương quan xã hội, gia đình còn là trường học đầu tiên. Gia đình chuyển tải những yếu tố đầu tiên của các đức tính của con người. Khoa sư phạm hiện đại cho chúng ta biết rằng, việc giáo dục trẻ em khi chúng còn nhỏ tuổi để lại dấu ấn rất khó xoá nhoà trong nhân cách của trẻ. Chính vì vậy mỗi gia đình chuyển tải cho thế hệ kế tiếp toàn bộ các giá trị sẽ tác động đến sự phát triển và quan niệm sống của thế hệ mới.

Hình thức giáo dục đầu tiên này không mang tính học đường hay tính sư phạm. Không phải những khuyên nhủ hằng ngày đem lại hoa trái, nhưng đúng hơn là do việc giáo dục hành vi, do gương sáng (của cha mẹ) trong tương quan với những người khác và trong việc phục vụ lẫn nhau. Chính nhờ những điều chỉnh thường nhật này đã hình thành những quy chiếu cơ bản: yêu mến sự thật, tôn trọng người khác, hiểu biết ý nghĩa của việc phục vụ, giáo dục trách nhiệm cá nhân, v.v… Sau này, trường học giúp sẽ giúp trẻ đối chiếu những tập tục này của gia đình mình với những tập tục của các gia đình khác, giúp trẻ học cách suy nghĩ về những gì chưa được áp dụng, cởi mở đối với những lối suy tư và lý luận khác. Đó phải là sứ mạng của học đường, và sứ mạng này không bao giờ thay thế cho sứ mạng của gia đình mà chỉ bổ sung bằng các phương pháp giáo dục có tính sư phạm cao hơn lối giáo dục gia đình. Đó là việc quản lý giữa đời sống nội bộ gia đình và những tương quan bên ngoài, nhờ vậy làm nảy nở và phát triển tự do cá nhân.

III. Gia đình, tế bào của Giáo hội 

Gia đình không chỉ có chức năng đối với xã hội mà còn có nghĩa vụ đối với Giáo hội. Dĩ nhiên người ta có thể nghĩ rằng, những gì tôi vừa trình bày về việc giáo dục sơ đẳng đều có giá trị đối với việc giáo dục đời sống Ki-tô giáo. Chính nhờ gia đình mà đứa trẻ nhận biết mình là Ki-tô hữu và được khai tâm đức tin Ki-tô giáo. Thế nhưng, gia đình không phải là nơi để cha mẹ dạy cho con cái những bài giáo lý vượt quá khả năng hiểu biết của con trẻ. Nhưng đúng hơn là dạy cho con cái biết học hỏi những thái độ cụ thể của đời sống Ki-tô giáo phát xuất từ cuộc sống thường nhật: học làm dấu thánh giá, đọc những lời nguyện đầu tiên, khám phá nhà thờ giáo xứ, nơi đứa trẻ được rửa tội, v.v…

Nhưng sâu xa hơn cả trường học đầu đời của trẻ, gia đình còn mang lại cho con trẻ một kinh nghiệm đặc biệt: đó là kinh nghiệm về một xã hội được xây dựng trên Hồng ân của Thiên Chúa. Thật vậy, chính ân sủng của bí tích hôn nhân đã thể hiện một cách sâu sắc phúc lộc của gia đình (con cái), khả năng phát triển tương quan tình yêu, không ngừng hoán cải và hoà giải, nhưng cũng không ngừng làm triển nở hy vọng về một bước tiến mới trong đức tin. Về phương diện này, gia đình thật sự là trường học của kinh nghiệm sống các bí tích. Có lẽ chiều kích bí tích này của đời sống gia đình không phải lúc nào cũng tìm thấy những từ ngữ để diễn tả và thể hiện. Nhưng chính đời sống hiệp thông giữa các thành viên trong gia đình, cách giải quyết của các thành viên trong việc tha thứ và hoà giải, sự kiên trì trong tình yêu bất chấp những yếu đuối và thiếu sót của các thành viên trong gia đình, tất cả những điều ấy vừa giúp con trẻ khai tâm về sự trung tín và lòng vị tha của Thiên Chúa, vừa giúp con trẻ khám phá thể chế bí tích của đời sống Ki-tô giáo: diễn tả những thực tại của tình yêu bằng cử chỉ. Chính vì vậy mà gia đình được xem như là một “tiểu Giáo hội”.

IV. Tính “siêu việt” của gia đình

Gia đình không phải là toàn bộ sự hiện hữu của nhân loại hay của Giáo hội. Như Thánh kinh đã nói với chúng ta một cách rất khôn ngoan rằng: “người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình…”. Khác với một số tôn giáo chủ yếu mang tính “gia đình” hay một số truyền thống mang tính đặc trưng của bộ tộc, theo quan niệm Ki-tô giáo, gia đình không mang tính tuyệt đối. Gia đình được tương đối hoá.

Một cách chính xác bởi vì vẻ đẹp, sức mạnh và phúc lộc của gia đình là những hồng ân của Thiên Chúa, tự chính mình, gia đình không thể đạt được những mục tiêu của mình. Gia đình hiến dâng chính mình để chuẩn bị cho các thành viên rời khỏi chính mình nhằm thành lập những gia đình mới, gia đình còn nỗ lực tự xoá mình trước một quan hệ khác còn căn bản hơn, đó là tương quan phụ tử giữa chúng ta với Thiên Chúa, “nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất”.

Trong Tin mừng, chúng ta thấy rõ những giới hạn của gia đình khi gia đình cố gắng nhường chỗ cho tương quan nền tảng này với Chúa Cha. “Ai là mẹ tôi và là anh em của tôi?”…

Kết luận

Tôi hy vọng rằng giờ đây chúng ta thấy rõ hơn vị trí và vai trò của gia đình trong cơ cấu phức hợp của cuộc mạo hiểm của nhân loại và đời sống Ki-tô giáo. Qua đó, chúng ta thoáng thấy những sứ mạng chuyên nhất của gia đình mà không ai có thể thay thế được. Chúng ta cũng nhận ra những giới hạn khi gia đình được mời gọi tự xoá mình trước tự do của các thành viên và trước thánh ý Thiên Chúa.

(Thời sự Thần học – Số 1, Tháng 3/2009)