Con chim chẳng khác là bao, chiếc tổ của nó chỉ là rác đan với nước bọt, lại chẳng có mái che mưa nắng, cũng chẳng có cửa để ngăn rắn và sâu xâm nhập… vậy mà loài chim vẫn cần tổ đến mức sống còn. Với chúng, không có tổ không thể có đời sống uyên ương.
Với loài cáo, loài chim đã vậy, thì con người cần mái nhà của mình biết bao! Con người đã đặt cái mái nhà của mình biết bao từ trìu mến “tổ ấm”, “tế bào cuộc sống”, “cơ sở của hạnh phúc”… Khi con người trưởng thành, rời xa vòng tay ẵm nựng của cha mẹ, người ta đều muốn dựng vợ- gả chồng, xây dựng tổ ấm riêng. Ở nhiều vùng, khi con cái lớn lên, được tách ra làm ngôi nhà riêng cho mình, việc đó được coi như một sự kiện vô cùng trọng đại. Thậm chí trọng đại nhất đời người, bởi lẽ, kể từ đó, con người có thế giới hạnh phúc riêng. Được tự do sống theo ý mình mà không phải chịu sự ràng buộc của cha mẹ nữa. Ở phương Tây, các cô gái còn không thể chịu nổi khi đám cưới xong phải ở chung với bố mẹ chồng.
Gia đình quan trọng như vậy nên người Ba Lan có câu: “Khi ra biển cầu nguyện một lời, khi ra trận cầu nguyện hai lời, nhưng trước khi đám cưới cầu nguyện ba lời”. Tại sao vậy? Vì ra biển gặp sóng to gió lớn có thể không trở về, nên phải cầu nguyện. Nhưng ra trận thì rủi ro còn cao hơn khi hai bên lăn xả vào chém giết nhau. Dẫu vậy, cũng chỉ cầu nuyện một lần, hai lần. Nhưng đám cưới là gì mà phải cầu nguyện đến ba lần, nhiều hơn cả ra biển và ra trận? Đơn giản thôi, đám cưới còn rủi ro nhiều hơn ra trận và ra biển. Như người đời nói:Đám cưới một là thành thiên đường, hai là thành địa ngục. Đại văn hào Shakespeare còn bào: Hơn 90% bi kịch của nhân loại xảy ra trên giường ngủ. Ra biển ư? Vò võ cô đơn chỉ thấy bao la sóng cả, có bất hạnh cũng là bình thường. Ra trận ư? Súng đạn nổ suốt ngày đêm, chết chóc thương vong cũng là lẽ thường. Nhưng trên giường cưới, nơi người ta ngủ với chăn đệm ấm êm, cùng người đẹp thì thào tình tứ tan chảy cả không gian, vậy mà lại làm cho nhiều người thương vong tắc tử nhất, mới là sự bất bình thường. Nhưng cái bất thường nằm ngay trong gang tấc đó có thể bất ngờ đến với bất cứ ai. Bởi thế bạn hãy nên thận trọng.
Ai cũng mong có một gia đình, một tổ ấm. Nó không chỉ là nơi dung dưỡng, thể hiện khi người ta quang vinh mà còn là hầm trú ẩn khi người ta xa cơ lỡ vận, thất bại, rồi đau ốm trong cuộc đời. Bởi thế mà khi thấy một ai, đặc biệt là phụ nữ sống đơn thân không có bạn đời chia sẻ, ai ai cũng thấy chạnh lòng, thông cảm và chẳng ai muốn mình bị rơi vào cảnh đó. Người ta sốt sắng mọi nơi mọi lúc nào hăm hở làm quen, làm mai, làm mối rồi truy tìm các địa chỉ trên mạng, thậm chí còn đăng ký với các công ty dịch vụ chuyên lo chuyện ghép đôi – để tìm cho ra một nửa của mình. Tìm được rồi thì sao? Đỉnh cao của vận may đó là cả hai tổ chức đám cưới. Nhưng đám cưới liệu có phải là cây cầu bắc lên hạnh phúc một lần cho suốt đời, hay nó chỉ là thứ cầu khỉ vắt vẻo đưa con người ta trôi xuống địa ngục bất hạnh? Bất hạnh đến mức có nhiều đôi hét vào mặt nhau: “Anh hãy biến khỏi đời tôi”, thậm chí còn có vô số vụ bạo hành gia đình, cầm cả xà beng phang vợ, rồi càm ràm nguyền rủa nhau cả tuần lễ, đến mức người chồng bức xúc không chịu nổi đã cầm dao chém vợ, hay ghen tuông hấy cả xăng vào bạn đời rồi châm lửa đốt…Tổ ấm lúc đó sao còn là thiên đường, mà nó hoàn toàn là nơi tra tấn người ta, thậm chí là địa ngục nuốt chửng, khiến người ở trong chỉ muốn thoát ra ngoài bằng mọi giá.
Có một phương ngôn tê tái rằng: “Thường những người thân yêu nhất lại làm ta đau khổ nhất”, nạn tan vỡ gia đình trên toàn thế giới ngày một tăng đã chứng tỏ điều đó. Hôn nhân thân thiết còn hơn ruột thịt, vì Kinh Thánh có câu: Người đàn ông từ bỏ cha mẹ mình, kết hợp với người đàn bà để làm nên một xương, một thịt. Chính thế người ta mới gọi bạn đời là “một nửa của mình”. Cái nửa ấy hơn thế còn đem đến cho người tạ lạc thú cũng như ý nghĩa trực tiếp của hạnh phúc. Giờ mà nửa đó mà tan vỡ thì thân ta còn gì?
Để bảo vệ tổ ấm, người Đức hiện đại có câu: “Hôn nhân không phải chia sẻ cái đẹp của nhau mà còn la chịu đựng cái xấu của nhau”. Bạn chớ nên đòi hỏi, hy vọng ở bạn đời nhiều quá, hãy tập thích ứng với bạn đời, cho dù người đó còn chứng nọ tật kia. Cũng có phương ngôn: “Người ta cứ đòi hỏi người khác lý tưởng nhưng chính mình có phải lý tưởng đâu”. Vì thế nên hạ tiêu chuẩn so đo người khác xuống, còn mình hãy tự nâng lên và trên hết hãy biết chấp nhận nhau với những gì đang có để còn có nhau. Chớ nên hoạnh hoẹ đòi hỏi nhau nhiều quá để rồi thất vọng và tan vỡ. Gia đình dù là nhỏ bé, nhưng cả hai không gìn giữ thì sao có thể tồn tại?
Nguyễn Hoàng Đức