Gia đình cầu nguyện, bảo vệ đức tin và sống niềm vui

44

Chiều hôm qua thứ bảy 26/10/2013 Đức Thánh Cha đã gặp gỡ hàng trăm nghìn tín hữu, các gia đình nhân dịp ngày gia đình trong Năm Đức Tin. Cuộc gặp gỡ do Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân tổ chức với chủ đề ”Hỡi gia đình, hãy sống niềm vui đức tin”, đã kết thúc trong bầu khí vui tươi như buổi họp mặt gia đình.

Sáng nay Chúa nhật 27/10/2013, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ kết thúc ngày họp mặt, với hơn 100 nghìn người tham dự đến từ các quốc gia trên thế giới.

Dựa vào các bài đọc trong ngày Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến ba điểm chính trong đời sống gia đình đó là : Gia đình cầu nguyện, bảo vệ đức tin và sống niềm vui.

Ạnh chị em thân mến

Các bài đọc của Chúa nhật hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về một vài đặc tính căn bản của gia đình kitô hữu.

Messa (11)1. Trước hết : Gia đình cầu nguyện. Đoạn Tin mừng làm nổi bật hai kiểu cầu nguyện, một cách sai lầm – của người biệt phái và cách đúng đắn – của người thu thuế. Người biệt phái tiêu biểu cho thái độ không biết bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa vì những ơn lành và lòng từ bi của Người, nhưng thay vào đó ông tự mãn về mình. Người biệt phái cảm thấy mình công chính, đứng đắn, ông vênh vang vì những điều này và còn xét đoán tha nhân dưới chân mình. Trái lại, người thu thuế không nhiều lời. Lời cầu nguyện của ông thật khiêm tốn, giản dị, lòng tràn đầy ý thức về sự bất xứng và khốn khổ của mình : Ông thực sự thấy cần sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lời cầu nguyện của người thu thuế là lời cầu nguyện của người nghèo, lời cầu nguyện làm hài lòng Thiên Chúa, như bài đọc thứ nhất đã nói : “lên đến các tầng mây” (Cn 35,20), trong khi đó lời cầu nguyện của ông biệt phái thì nặng nề vì sức nặng của tính kiêu căng.

Dưới ánh sáng của Lời Chúa, tôi muốn hỏi anh chị em, các gia đình thân mến : Có khi nào anh chị em cầu nguyện trong gia đình không? Một vài người nói có, tôi biết. Nhưng rất nhiều người nói với tôi : cầu nguyện thế nào? Rõ ràng là ta có thể làm như người thu thuế, hạ mình trước mặt Chúa. Mỗi người với sự khiêm tốn hãy để cho Thiên Chúa đoái nhìn và cầu xin lòng từ ái của Người đến với chúng ta. Nhưng ở trong gia đình ta phải làm thế nào? Bởi vì lời cầu nguyện xem ra là chuyện cá nhân, sau nữa là không bao giờ có thời gian thích hợp, yên lặng trong gia đình… Vâng, đúng vậy, nhưng đó cũng là vấn đề khiêm tốn, ý thức rằng chúng ta cần đến Chúa, giống như người thu thuế kia! Tất cả các gia đình, chúng ta cần Chúa : Tất cả chúng ta cần sự trợ giúp, sức mạnh, phúc lành, lòng tương xót và tha thứ của Thiên Chúa. Để cầu nguyện trong gia đình cần phải đơn sơ! Đọc Kinh Lạy Cha chung với nhau, quanh bàn ăn, không phải là chuyện bất thường, nhưng là chuyện dễ dàng. Lần chuỗi chung với nhau, trong gia đình thì rất tốt, đem lại nhiều sức mạnh! Cũng có thể người này cầu cho người kia : Chồng cầu cho vợ, vợ cầu cho chồng, cả hai cầu nguyện cho con cái; con cái cầu nguyện cho cha mẹ, cho ông bà nội ngoại… Người này cầu nguyện cho người kia. Đó là cầu nguyện trong gia đình, và điều làm cho gia đình mạnh mẽ là : lời cầu nguyện.

2. Bài đọc II gợi ra cho chúng ta một ý khác đó là : Gia đình bảo vệ đức tin. Thánh Phaolô Tông đồ, vào tuổi xế chiều của cuộc đời, ngài đã làm một bản tổng kết căn bản, ngài nói : “Cha đã giữ vững đức tin” (2Tm 4,7). Ngài đã giữ vững đức tin như thế nào? Ngài không đặt đức tin vào tủ sắt! Không chôn giấu đức tin dưới đất, như người đầy tớ biếng nhác. Thánh Phaolô so sánh cuộc đời ngài với một trận chiến và một cuộc chạy đua. Ngài đã giữ vững đức tin bởi vì ngài không bị thu hẹp qua việc bảo vệ đức tin không thôi, mà đã loan truyền đức tin, tỏa sáng đức tin và mang đức tin đến những nơi xa xôi. Rõ ràng ngài chống lại những người muốn giữ gìn, “tẩm ướp” sứ điệp của Đức Kitô nơi các ranh giới của Palestine. Chính vì thế, ngài đã chọn lựa can đảm, đã đi đến các địa hạt thù nghịch, là để cho mình bị những người ở xa, các nền văn hóa khác nhau khích động, ngài đã nói một cách thẳng thắn không hề sợ sệt. Thánh Phaolô đã giữ vững đứng tin, vì ngài đã nhận thế nào, thì ngài đã trao ban đức tin, bằng cách tự đẩy mình đến các vùng ngoại ô, mà không yên vị trên vị trí tự vệ.

Cũng như ở đây, chúng ta tự hỏi : Chúng ta bảo vệ đức tin của chúng ta trong gia đình bằng cách nào? Chúng ta có giữ đức tin cho chúng ta, trong gia đình của mình, như một lợi ích riêng tư, như một tài khoản ngân hàng, hoặc là chúng ta có biết chia sẻ nó bằng chứng tá, bằng việc đón nhận, mở lòng ra với tha nhân? Các gia đình Kitô hữu là những gia đình truyền giáo. Ngày hôm qua chúng ta đã nghe ở quãng trường này, chứng tá của các gia đình truyền giáo. Họ cũng là những nhà truyền giáo trong cuộc sống hằng ngày, bằng cách làm mọi việc hằng ngày, bằng cách nêm vào trong tất cả mọi việc men và muối của đức tin! Giữ vững đức tin trong gia đình, nêm muối và men đức tin trong mọi việc mỗi ngày.

3. Khía cạnh cuối cùng chúng ta rút ra từ lời Chúa : gia đình sống niềm vui. Trong Thánh vịnh đáp ca ta thấy diễn tả này : “những kẻ nghèo hãy lắng nghe và hãy mừng vui” (Tv 33,3). Trọn Thánh vịnh này là một thánh thi ngợi ca Thiên Chúa, suối nguồn của niềm vui và và bình an. Đâu là động lực của niềm hoan lạc này? Đó là: Thiên Chúa thật gần, đang lắng nghe tiếng kêu của những kẻ khiêm nhường và giải thoát họ khỏi sự dữ. Thánh Phaolô còn viết về điều đó như sau : “Anh em hãy vui luôn… Thiên Chúa đang gần kề” (Phil 4,4-5). Hôm nay tôi muốn đưa ra câu hỏi. Mỗi người trong anh chị em có mang niềm vui trong tâm hồn, cho nhà mình không? Đây như là một bài tập để thực hành. Và tự trả lời một mình. Làm sao để niềm vui đến nhà mình? Làm sao để niềm vui đến với gia đình mình?. Anh chị em trả lời nó.

Các gia đình thân mến, anh chị em biết điều đó rất rõ : niềm vui đích thực được ưa thích trong gia đình không phải là cái gì đó hời hợt, không đến từ vật chất, từ những hoàn cảnh hứa hẹn… Niềm vui đích thực đến từ sự hòa hợp sâu xa giữa nhiều người, mọi người cảm nhận được nó trong tâm hồn, làm cho chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống chung, nâng đỡ chúng ta lẫn nhau trong hành trình cuộc sống. Nền tảng của tâm tình vui mừng sâu xa này có sự hiện diện của Thiên Chúa, sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia đình, có tình yêu nồng ấm của Người, lòng thương xót và tôn trọng tất cả mọi người. Và nhất là một tình yêu nhẫn nại : kiên nhẫn là đức tính của Thiên Chúa và Người dạy chúng ta, trong gia đình, phải có tình yêu nhẫn nại này, người này nhẫn nại với người kia. Có sự nhẫn nại giữa chúng ta. Tình yêu nhẫn nại. Chỉ có Thiên Chúa mới biết tạo nên sự hài hòa giữa những khác biệt. Nếu thiếu vắng tình yêu Thiên Chúa, gia đình đánh mất sự hài hòa, các chủ nghĩa cá nhân chiếm ưu thế và dập tắt niềm vui. Vì thế gia đình sống niềm vui đức tin thông truyền nó cách tự phát, là muối của thế gian, là ánh sáng cho thế giới, và là men cho tất cả mọi xã hội.

Các gia đình thân mến, anh chị em hãy luôn sống đức tin, cách giản dị như gia đình Thánh Nazareth. Niềm vui và bình an của Thiên Chúa hằng ở cùng anh chị em.

Sau thánh lễ trong giờ đọc kinh Truyền tin Đức Thánh Cha đã chào mừng tất cả các khách hành hương, đặc biệt các gia đình đến từ khắp nơi trên thế giới. Đức Thánh Cha nói : Tôi chân thành cám ơn! Tôi mến chào các giám mục và các tín hữu của nước Guinea Equatoriale, đã đến đây nhân dịp ký hiệp định với Tòa thánh. Đức Trinh nữ vô nhiễm che chở cho dân tộc mến yêu của anh chị em và để đạt được sự thăng tiến trên bước đường hòa hợp và công bằng. Bây giờ chúng ta cùng đọc kinh Truyền tin. Với lời kinh này chúng ta cầu xin sự che chở của Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, cho các gia đình trên toàn thế giới, đặc biệt cho các gia đình đang sống trong hoàn cảnh khó khăn. Đức Maria, Nữ vương các gia đình, xin cầu cho chúng con.

Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ