Gặp gỡ Chúa trong thinh lặng – Để thấy Chúa trong đời thường

1225

GẶP GỠ CHÚA TRONG THINH LẶNG – ĐỂ THẤY CHÚA TRONG ĐỜI THƯỜNG  

(Gương sống Thánh Cả Giuse)

Lời Chúa: Lễ 19/3 – Mt 1, 16.18-21

Bài Giảng Tĩnh Tâm Dòng MTG Thủ Đức

Ngày 14 tháng 03 năm 2021

 

Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD

Dẫn Nhập:

Kính thưa Quý Soeurs, giữa dòng đời náo động hằng ngày bởi có biết bao âm thanh được phát ra từ các phương tiện giao thông, tiếng nói cười của những con người trao đổi nơi các phiên chợ, âm thanh đến từ những vũ trường, quán bar, những bản nhạc xập xình, những nhà máy, công trường… làm cho cuộc sống của con người luôn đối diện với sự ồn ào náo động. Không còn khoảng lặng trong đời sống. Khoảng lặng, thinh lặng là một điều gì đó dường như là vô bổ với con người trong thế giới hôm nay khi khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bậc, nhất là với người trẻ, họ rất sợ thinh lặng, họ ngại đối diện với những khoảng lặng của dòng đời khi họ đang sống trong sự ồn ào náo động. Họ đã không nhận ra hậu quả của sự ồn ào náo nhiệt ấy, vì đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của con người.

Dù rằng đời sống con người đang đối diện với rất nhiều tiếng ồn náo động và phải gánh biết bao hậu quả do tiếng ồn để lại. Với các tôn giáo, họ đã nhận ra giá trị của sự thinh lặng, họ cần những khoảng lặng để tìm về chính mình, tìm về với Thượng Đế qua cầu nguyện và phụng vụ. Họ dùng nhiều phương cách như: thiền, yoga… để có thể gặp gỡ Đấng mà họ noi theo. Kitô giáo chúng ta, đặc biệt là các tu sĩ tìm về bên Chúa và tìm về với chính mình không gì tốt cho bằng tìm đến sự thinh lặng tuyệt đối. Trong khoảng lặng tuyệt đối ấy chúng ta sẽ gặp được Chúa và sẽ lắng nghe được ý Chúa gọi mời qua kinh nghiệm của các Vị Thánh đi vào sa mạc: Ông Môisen vào sa mạc Madian, Thánh Gioan tiền hô vào sa mạc Giuđê; Thánh Phaolô vào sa mạc Syria; Thánh Bênêđictô lên núi Subiacô; Thánh Phanxicô khó khăn vào hang Assisi; và Chúa Giêsu vào sa mạc 40 đêm ngày. Vì thế, buổi tĩnh tâm hôm nay chúng ta sẽ chia sẻ với nhau với chủ đề: “Gặp Gỡ Chúa Trong Thinh Lặng – Để Thấy Chúa Trong Đời Thường”, qua gương thinh lặng của Thánh Cả Giuse.

I. GẶP GỠ CHÚA TRONG THINH LẶNG

  1. Thinh Lặng Để Gặp Chúa

Đến với Lời Chúa trong Kinh Thánh cho ta nhận ra: Thinh lặng là một điều kiện cần và đủ để con người gặp gỡ, đối thoại và chiêm gắm Thiên Chúa: “Còn Đức Chúa, Ngài ngự trong thánh điện, toàn cõi đất hãy thinh lặng trước nhan Người (Kha- ba- ruc 2,20). Hãy lặng thinh trước nhan Đức Chúa là Chúa Thượng, vì ngày của Đức Chúa đã đến gần (Xô- phô-ni-a 1,7). “Khi con Chiên mở ấn thứ bảy, thì cả trời yên lặng chừng nửa giờ”(Kh 8,1).

Muốn gặp Thiên Chúa trong cầu nguyện, trước hết chúng ta cần học lấy bài học biết lắng nghe. Bởi vì Thiên Chúa nói trong thinh lặng của tâm hồn và để có thể cảm nghiệm được sự thinh lặng này, để có thể lắng nghe Thiên Chúa nói, chúng ta cần có tâm hồn trong sạch bởi vì con tim trong sạch có thể nhìn thấy Thiên Chúa, cảm nghiệm Thiên Chúa và lắng nghe Lời Ngài (x. Mt 5,8).

Khi cầu nguyện trở nên khó khăn thì chúng ta cần giúp mình biết kiên trì cầu nguyện và phương thế đầu tiên mà chúng ta phải sử dụng là thinh lặng sâu xa, một sự thinh lặng thánh trong cõi lặng. Chúng ta không thể nào đặt mình trong sự hiện diện trực tiếp với Thiên Chúa nếu chúng ta không có thói quen giữ thinh lặng trong tâm hồn và bên ngoài xung quanh chúng ta.

Thiên Chúa là bạn của sự thinh lặng, chúng ta hãy tôn thờ Chúa Giêsu trong tâm hồn. Ngài đã sống cuộc đời trần thế trong sự âm thầm và thinh lặng với thời gian 33 năm nơi mái nhà Nazaret. Duy chỉ có 3 năm cuối đời Ngài hoạt động và trong thời gian ấy cũng có những khoảng lặng cần thiết để gặp Chúa Cha và để thực thi ý định của Chúa Cha. Ngài thường tách mình ra để gặp gỡ Cha trong yên lặng trên những ngọn núi hoặc nơi những tảng đá của bờ biển. Từ các môn đệ cho đến dân chúng  mặc dầu Ngài được dân chúng vinh danh nơi ồn ào náo nhiệt nhưng Ngài vẫn tìm cách tốt nhất để có khoảng lặng nghỉ ngơi và gặp gỡ Thiên Chúa.

Chúng ta hãy tôn thờ Chúa Giêsu trong thinh lặng của Bí tích Thánh Thể. Chúng ta cần phải gặp Thiên Chúa và chúng ta không thể gặp Ngài trong nơi ồn ào hay trong cảnh náo động thiên cung.

  • Hãy nhìn xem thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá, chúng lớn lên trong thinh lặng.
  • Hãy nhìn ngắm các vì sao, mặt trời, mặt trăng, tất cả di chuyển trong thinh lặng.

Sự thinh lặng cho chúng ta một cách thức mới để nhìn các sự vật và hiện tượng xảy ra trong thế giới này. Thánh Vịnh sẽ giúp ta cảm nghiệm điều này: “Hãy dừng lại trong thinh lặng và các con sẽ nhận biết Ta là Thiên Chúa” (Tv 46,11).

Không phải là một Thiên Chúa đã chết đi trong thinh lặng nhưng là Thiên Chúa sống và ưa thích sự thinh lặng thánh này. Ngài dạy cho chúng ta rằng, càng yêu thích thinh lặng thì chúng ta càng có thể cho đi trong đời sống hoạt động của chúng ta.

Sự thinh lặng cho chúng ta một cách thức mới để nhìn các sự vật, các sự kiện của đời sống. Trong thinh lặng, Ngài sẽ lắng nghe mọi tâm tư và ước nguyện của chúng ta. Trong thinh lặng, Ngài sẽ nói với linh hồn chúng ta mọi điều. Trong thinh lặng, chúng ta sẽ nghe được tiếng Ngài đang thì thầm bên tai và trong quả tim chúng ta.

Thật khó để giữ thinh lặng trong chúng ta, nhưng chúng ta phải cố gắng cho được. Trong thinh lặng chúng ta sẽ có được năng lực mới là sự kết hiệp thật sự với Chúa. Sức mạnh Thánh Thần của Thiên Chúa là sức mạnh tuyệt đối để chúng ta có thể làm tốt và làm mới mọi sự.

Sự kết hiệp những tư tưởng của chúng ta với những tư tưởng của Chúa. Kết hiệp những lời cầu nguyện của chúng ta với những lời cầu nguyện của Chúa. Kết hiệp những hành động của chúng ta với những hành động của Chúa và kết hiệp đời sống chúng ta với đời sống của Chúa. Chúng ta sẽ gặp được sự kết hiệp đó trong thinh lặng. Đây chính là sự kết hiệp của cuộc gặp gỡ Chúa trong thinh lặng thánh.

Tất cả những lời nói của chúng ta sẽ trở nên vô ích nếu chúng không đến từ nội tâm. Những lời nói nào trao ban ánh sáng của Chúa Kitô thì làm giảm bớt bóng tối nơi những ai đó hoặc ngay cả nơi bóng tối của chính mình. Mẹ Têrêsa nói như sau: “Việc cầu nguyện nội tâm và chiêm niệm là sự đáp trả tình yêu thương của Thiên Chúa”. Hay “Thinh lặng, toàn hảo của cầu nguyện” (x. Học Sống Thinh Lặng, trang 72) là để gặp Chúa cách tốt nhất.

Hiến luật của Dòng MTG, điều 59, trang 58 nói về “ Sống Tịch Mạc Nội Tâm”. “Mỗi chị em cố gắng tạo sự thinh lặng bên trong và bên ngoài để dễ kết hợp với Chúa hơn: Chị em giữ luật thinh lặng theo Nội quy. Hằng tháng tĩnh tâm ít nhất nửa ngày. Hằng năm tĩnh tâm một số ngày như Nội quy ấn định. Ngoài ra các Bề trên còn tạo điều kiện cho những chị em có nhu cầu thiêng liêng chính đáng được sống thời gian sa mạc phụ trội, để đào sâu kinh nghiệm nội tâm theo gương Đấng sáng lập”.

  1. Thinh Lặng Theo Gương Thánh Giuse

Tháng 3 hằng năm, Giáo Hội dành để kính nhớ Thánh Cả Giuse, Ngài có một chỗ đứng quan trọng trong chương trình cứu độ. Ngài được cả Giáo Hội tôn vinh, yêu mến. Đặc biệt với Dòng MTG Việt Nam, chính Đấng sáng lập đã nhận Thánh Giuse làm Quan Thầy, Bổn Mạng cho Hội Dòng MTG (Tiểu sử số 30 trang 55). Và cứ vào ngày 19 tháng 3 hằng năm, Quý Soeurs Mừng Lễ Thánh Cả rất lớn…

Trong suốt năm 2020 và cho đến năm 2021 này, đại dịch Covid 19 đã làm cho thế giới phải điêu đứng: Hằng trăm ngàn sinh mạng phải chết, kinh tế thế giới đang đi vào con đường kiệt quệ, các gia đình nghèo đang phải gặp khó hơn lúc nào hết. Chính những thử thách ấy, vị Cha chung là ĐGH Phanxicô đã chọn năm 2021 cũng là năm kính Thánh Giuse (từ 8.12.2020 đến 8.12.2021), để chạy đến với Ngài, xin Thánh Cả cầu thay nguyện giúp trước Tòa Chúa cho thế giới được sống yên hàn.

Chúng ta biết rằng, không phải thinh lặng nào cũng tốt cả. Có nhiều thứ thinh lặng tiêu cực, nó làm chết mòn tâm hồn con người: Thinh lặng vì kiêu căng; Thinh lặng vì lập dị; Thinh lặng vì bất cần; Thinh lặng vì dửng dưng; Thinh lặng vì ích kỷ; Thinh lặng vì dốt nát; Thinh lặng vì sợ sệt và thinh lặng vì giận hờn, …

Đọc Tin Mừng, suy gẫm về hành động và gương Thánh Cả Giuse, chúng ta thấy Thánh Cả có nhiều nhân đức trổi vượt, và một điều quá nổi bật nơi Ngài đó chính là sự thinh lặng. Ngài thinh lặng không mang tính thụ động, không mang tính lên án, kết tội. Nhưng thinh lặng nơi Thánh Giuse là Thinh Lặng Thánh của sự gặp gỡ Thiên Chúa sâu đậm và thinh lặng để thực thi trọn vẹn Ý nhiệm mầu của Thiên Chúa.

  • Thinh lặng nổi bật của Thánh Giuse là luôn vâng phục đức tin. Khi Thánh Cả gặp điều chưa hiểu rõ ý Chúa, Ngài Thinh lặng (Truyền tin cho ông Giuse, Mt 1,18-25).
  • Thinh lặng nổi bật của Thánh Giuse là khi phải đi trong đêm tối của đức tin. Ngài thinh lặng (Đức Giêsu trốn sang Ai cập Mt 2, 13-18).
  • Thinh lặng nổi bật của Thánh Giuse là luôn cho Chúa dạy dỗ và hướng dẫn trong lúc thử thách và khó khăn nhất, Ngài thing lặng (Từ Ai Cập đến Ít-ra-en Mt 2, 19-23).

Tất cả để Thánh Giuse có được một hướng đi mới, một sự tự do mới. Biết chọn Chúa là tất cả và trên hết cho đời mình. Dám vứt bỏ ý riêng, để mau mắn đáp trả ý Chúa. Ngài sẵn sàng đón Maria về nhà mình (Mt 1,24). Ngài mau lẹ trong đêm tối, đưa Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập (Mt 2,14). Ngài liền vội vã chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài về đất Israel (Mt 2,21).

Thánh Giuse luôn sống thinh lặng trong khiêm nhường và tín thác để tất cả những khó khăn khi xảy đến với mình và “bạn đời” của mình được trở nên mẫu gương tốt lành không gì trước mặt Chúa. Qua đó, sự thinh lặng của thánh Giuse trở nên trường dạy cho mỗi Kiô hữu về đời sống đức tin, về con đường tu trì của mỗi người chúng ta và về sứ vụ của Hội Thánh.

Thinh lặng bao trùm cả cuộc đời Thánh Giuse, chính vì vậy mà thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II gợi lại bầu khí thinh lặng bao trùm tất cả những gì liên quan đến bản thân Thánh Giuse, ngài viết: “Một sự thinh lặng cho thấy được một cách đặc biệt con người nội tâm của Thánh Giuse. Các sách Tin mừng chỉ nói đến những gì “Thánh Giuse làm”, nhưng cũng giúp chúng ta khám phá được “trong những hành động” luôn luôn thấm nhuần sự thinh lặng của Người có một bầu khí chiêm niệm sâu xa. Hằng ngày thánh Giuse tiếp xúc với “mầu nhiệm được giấu kín từ bao thế hệ”, mầu nhiệm đã “cư ngụ” dưới mái gia đình của thánh Giuse(x. Thông điệp Đấng giữ gìn Chúa Cứu Thế, Số 25).

II. ĐỂ THẤY CHÚA TRONG ĐỜI THƯỜNG

Như phần trên chúng ta đã nói, thinh lặng là điều kiện cần phải có trong cuộc gặp gỡ chính mình với Chúa. Vì chính trong thinh lặng thẳm sâu tâm hồn, con gặp Chúa, Chúa gặp con. Hai bên hiểu nhau. Thinh lặng hoàn toàn không mang tính thụ động, nhưng đó là một sức mạnh để ta vươn lên mãi không ngừng. Thinh lặng để gặp Chúa trong cầu nguyện, giúp ta dễ dàng nhận ra Chúa qua từng biến cố vui buồn, hân hoan, hạnh phúc hay khổ đau của kiếp người. Ta nhìn thấy Chúa trong anh chị em, nơi mọi người ta gặp gỡ. Và ngay cả những người nhỏ bé nhất, Chúa cũng đang ẩn hiện nơi họ: “Xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm” (x. Mt 25, 35-40).

Gương Thánh Cả Giuse cho ta thấy điều này. Chính gặp gỡ Chúa trong thinh lặng mà trong mọi biến cố của cuộc đời, Thánh Cả đã mau mắn nhận ra Chúa trong đời thường:

  • Nếu không nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong Đức Maria thì chắc chắn Thánh Cả đã để cho bạn đời của mình bị ném đá vì dám mang thai với người khác.
  • Nếu không nhận ra chính Ngôi Lời là Thiên Chúa thật đang hiện diện, thì Thánh cả Giuse đã không đem Hài Nhi trốn sang Ai Cập, thoát tay bạo Chúa Hêrôđê hung tàn.
  • Nếu không có cái nhìn đức tin và nhận ra thánh ý Chúa trên cuộc đời của mình và trong công việc của xưởng mộc thì Thánh Cả đã không mau mắn thi hành ý Chúa được báo qua giấc mơ.
  • Nếu không có cái nhìn của đức tin, đức cậy và đức mến, chắc Thánh Cả không thể kiên định trong cuộc đời của mình khi mà mọi biến cố được diễn ra trong giấc mơ, không như mình dự định trước.

Cuộc đời trần thế nơi Thánh Giuse là biết gieo hạt giống tình yêu Chúa vào lòng mình; biết tự do chọn điều lành và tự do bỏ điều xấu; Biết sống theo tinh thần nghèo khó trong gia đình Nagiaret; Biết sống thinh lặng thường xuyên với chính mình và biết kết hợp với Chúa để thấy rõ mình hơn.

Thay Lời Kết:

Quý Soeurs rất quý mến, qua gương Thánh Cả Giuse cho chúng ta thấy rất rõ: Nếu chúng ta gặp gỡ Chúa trong thinh lặng, thì chúng ta cũng sẽ mau mắn nhận ra Chúa trong cuộc sống thường ngày.

Một ngày sống của quý Soeurs được khởi đi từ những giây phút gặp gỡ Chúa qua những giây phút thinh lặng: Nguyện ngắm, Suy gẫm, Thánh lễ, Chầu Thánh Thể, các giờ kinh, giây phút xét mình, giờ cầu nguyện chung, cầu nguyện riêng… Đó là những giây phút rất riêng tư, quý Soeurs thinh lặng sâu bên Chúa. Chính từ những tương giao với Chúa này, quý Soeurs kín múc sức sống, sức bật cho chính đời sống của mình. Khi đã có một đời sống sâu sắc khi gặp Chúa trong thinh lặng của con tim, của tâm hồn, quý Soeurs bước ra khỏi nhà nguyện, là trực tiếp đối diện với sứ vụ Chúa trao cho từng chị em qua Hội Dòng. Nào là sứ vụ mà một chị Tổng phải mang vác, Chị Phó tổng phải chu toàn, nào là công việc của Ban Tổng Cố vấn, Chị Phụ trách Cộng đoàn, nào là trách vụ của chị Giáo, quý Chị Ban Giám hiệu trường, sứ vụ của quý Chị trong các Mái ấm, quý Chị Quản lý, các em đi học… tất cả những sứ vụ trực tiếp quý Chị đang thi hành, tôi tin rằng với cái nhìn của đức tin, đức cậy, đức mến nồng nàn, cùng với tình yêu “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, là đối tượng duy nhất của cuộc đời quý Soeurs”, thì đã Thấy Chúa Trong Đời Thường.

Gợi Ý Suy Niệm:

  1. Gặp gỡ Chúa trong thinh lặng là một điều quan trọng của người tu sĩ, quý Soeurs có nhận ra những giây phút thinh lặng trong đời sống mang lại những hoa trái trong tâm hồn của chính mình không? Gương Thánh Giuse có giúp quý Soeurs áp dụng được gì vào chính đời sống của quý Soeurs?
  2. Gặp gỡ Chúa trong đời thường qua các sứ vụ quý Soeurs đang đảm nhận, quý Soeurs có thấy đó là sứ vụ mình phải chu toàn và đem lại đời tu của mình niềm vui và hạnh phúc không? Hay gặp gỡ Chúa trong đời thường là áp lực cho chính quý Soeurs? Như thế, Chúa hiện diện ở đâu trong cuộc đời chúng ta?
  3. Để sống thinh lặng theo ý Chúa trong Mùa Chay Thánh này, tôi cần phải buông bỏ cái gì và điều gì đang vướng mắc trong tôi?