Facebook muốn bạn cầu nguyện cùng. Đừng tin những ý đồ của họ.

72

Jim McDermott

Từ tháng 03/2020 đến tháng 5/2021, tôi đã dâng Thánh lễ Chúa nhật trên Facebook. Đây là chuyện tôi chưa từng thực hiện trước đây. Một trong những điều làm tôi ngạc nhiên nhất qua trải nghiệm này đó là những lời nguyện chuyển cầu. Trong phụng vụ Chúa nhật thông thường, những lời chuyển cầu diễn ra ở thời điểm khác, khi chúng ta qui tụ lại và được mời lắng nghe ai đó đọc lên những ý chỉ viết sẵn. Những lời cầu này liên quan đến chuyện gì đó đang xảy ra trong giáo xứ, nhưng nhìn chung thường có ý hướng sâu xa hơn. Đây là lúc Giáo hội cầu nguyện cho Giáo hội và cả thế giới.

Tham dự Thánh lễ trực tuyến cho phép mọi người dâng lên những ý chỉ của riêng mình trên đó. Và kết quả là các buổi cử hành phụng vụ trở nên gần gũi hơn. Việc này tác động tới bài giảng của tôi và cũng tạo ra một ý thức cộng đồng rõ rệt giữa những người tham dự. Hầu hết những người này chưa từng gặp gỡ hay thậm chí nhìn thấy nhau. Nhưng từ nhiều tháng nay, rõ ràng là họ đã trở nên quen biết và quan tâm lẫn nhau nhiều hơn.

Nhận ra rất nhiều cộng đồng tôn giáo chuyển sang dùng nền tảng của mình trong thời gian đại dịch, Facebook quyết định đưa ra tính năng cầu nguyện trong ứng dụng của nó. Bạn chưa thể nhìn thấy tính năng này trong nguồn cấp dữ liệu chính, nhưng hiện tại, tất cả các nhóm Facebook đã có tùy chọn cho phép mọi người yêu cầu những lời cầu nguyện, những người khác có thể đáp lời bằng cách nhấp vào nút để báo rằng “Tôi đã cầu nguyện”.

Khi ngẫm nghĩ về những trải nghiệm của chính bản thân liên quan đến kinh nguyện khẩn cầu trực tuyến, tôi tự hỏi liệu nút “chắp tay cầu nguyện” có thể giúp chúng ta có một phản hồi thích hợp hơn đối với một số bài đăng hay không. Nút “like” đúng là không được sử dụng khi ai đó nhờ cầu nguyện cho người chị em của họ đang mắc ung thư hay cho người bạn đời vừa đột ngột ra đi. Và một sinh vật không xác định màu vàng đang ôm lấy trái tim của Facebook, dù trông rất biểu cảm, lại có vẻ hơi ngọt ngào giả tạo. Hơn nữa, đôi khi người ta sử dụng chính biểu tượng này để báo rằng họ vui mừng về sinh nhật của bạn hay việc bạn rốt cuộc cũng bước vào kỳ nghỉ. Thật là một chuyện kỳ quặc.

Tuy nhiên, không phải chúng ta đang bàn về việc Vatican hay Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ cho bạn một cách thức tuyệt vời để thể hiện tình liên đới với ai đó ở đây. Chúng ta đang nói về Facebook, một công ty kiếm lợi nhuận dựa vào việc thuyết phục mọi người tiết lộ đời sống của mình cho nền tảng của họ càng nhiều càng tốt. Việc đưa ra chức năng cầu nguyện không phải là một nỗ lực giúp mọi người, nhưng là một cách thế để lợi dụng chúng. Công ty này thừa nhận rằng các bài đăng về cầu nguyện của mọi người sẽ tác động tới những quảng cáo họ xem thấy. Rõ ràng là mục đích của việc đưa ra tính năng cầu nguyện chuyên biệt này là giúp Facebook dễ dàng hơn trong việc phân loại và bán dữ liệu tương tác cầu nguyện của mọi người.

Facebook cũng đã cho thấy phản ứng mạnh mẽ của mình để điều chỉnh những lời nói căm thù và tin giả. Trên thực tế, thuật toán của nó, cũng như các thuật toán của mọi phương tiện truyền thông xã hội khác, được xây dựng xoay quanh sự tương tác. Những bài viết mà chúng ta căm ghét hay lo sợ khiến chúng ta muốn phản hồi. “Các lượt like” tạo ra cảm giác liên tục được thừa nhận khiến chúng ta muốn tiếp tục đăng bài. Ngay cả việc thiếu các lượt thích cũng kéo chúng ta vào sự tương tác với hy vọng mình sẽ được quan tâm trong lần đăng tiếp theo. Khi đến với truyền thông xã hội, mỗi chúng ta đều có thể trở nên giống với một con bạc tại Vegas lúc 3 giờ sáng, đang chạy theo chiến thắng ở ván kế tiếp.

Theo một nghĩa nào đó, chức năng “tâm linh” mới trên Facebook biến những lời cầu nguyện của chúng ta trở thành vũ khí để chống lại chúng ta. Mỗi cú nhắp chuột “Tôi đã cầu nguyện” khơi lên hứng thú nhưng cũng làm chúng ta lo lắng. Tôi sẽ nhận được nhiều hơn? Tôi nghĩ lời cầu nguyện của mình thật xứng đáng, có nhiều người nghĩ giống thế không? Nếu không thì họ nghĩ gì? Họ nói gì về tôi? Còn về những lời tôi cầu nguyện?

Nhìn từ bình diện tâm linh, đó quả thật là điều điên rồ. Cầu nguyện là một hành vi của sự từ bỏ, một cách thế để chúng ta thừa nhận sự bất lực của bản thân và hướng nhìn về Thiên Chúa, Đấng yêu thương và cứu độ chúng ta. Còn khi được đóng thành kiện hàng trên Facebook, “thực hành” cầu nguyện kiểu này có vẻ càng giống như đang mời gọi chúng ta lún sâu hơn vào địa ngục ái kỷ và tự mãn của truyền thông xã hội. Hãy cầu nguyện cho chúng tôi, thực vậy ư!

Sau những gì đã nói, tôi tiếp tục nghĩ đến kinh nghiệm về Thánh lễ trên Facebook và sự cộng hưởng của cộng đồng nơi mọi người có thể bày tỏ những lời cầu nguyện của họ. Trong truyền thống Công giáo, chúng ta muốn làm nổi bật lời kêu gọi “tham dự đích thực” vào phụng vụ của Công đồng Vatican II. Giáo dân không phải là nhân chứng cho Thánh lễ của linh mục, nhưng tích cực tham dự vào cử hành này.

Điều này thường có nghĩa rằng, tốt nhất là tất cả chúng ta cùng hát và một số trong chúng ta đảm nhận các vai trò mà thực ra vị linh mục không thể, chẳng hạn như việc đọc tất cả các bài đọc, chào đón mọi người khi họ vào nhà thờ, hay trao Mình thánh cho những người tham dự.

Mới đây, tôi vừa tham khảo trên một chương trình truyền hình, ở đó xuất hiện một câu hỏi: Chính xác phải nói gì về những ngọn nến nguyện ước nhỏ màu đỏ mà mọi người thắp sáng? Tại sao lại có chuyện này? Và tôi tự hỏi liệu mức độ phổ biến của thực hành này có phải phát xuất từ thực tế là những ngọn nến ước nguyện mang lại cho người ta cách để thể hiện rằng họ đang mang trong mình điều gì đó quan trọng và cần được Thiên Chúa cũng như cộng đoàn chú ý đến. Mỗi ngọn nến sáng là một lời cầu nguyện, một sự tạ ơn, một ràng buộc, một nhu cầu.

Mọi người đến nhà thờ vào mỗi Chúa nhật đều mang theo những lời khẩn nguyện riêng tư này. Chúng thường là những điều rất quan trọng đang diễn ra trong cuộc đời họ, nhưng phụng vụ không bao giờ thực sự cho họ cơ hội để chia sẻ chúng. Thường lệ tốt nhất mà chúng ta dành cho việc này là khoảnh khắc thinh lặng.

Thinh lặng không phải là sự trống rỗng; nhiều người trong chúng ta đã có trải nghiệm về việc dâng lên điều gì đó đầy ý nghĩa cách đột xuất, một khoảnh khắc nối kết với Thiên Chúa. Và chính xác thì làm sao bạn có thể chia sẻ những lời cầu nguyện của các tín hữu khi có đến 500 người tham dự?

Nhưng liệu chúng ta có thể tạo ra một hình thức thinh lặng nào đó trong việc dâng những lời chuyển cầu khi mọi người được mời gọi tiến lên và thắp những ngọn nến hoặc đặt những lời cầu nguyện viết sẵn ở nơi họ có thể nhìn thấy và đọc được? Tại Đại hội Giáo dục Tôn giáo hằng năm ở Los Angeles, tôi thấy họ đưa ra một nguồn cấp dữ liệu truyền thông để mọi người trong các hàng ghế có thể bày tỏ những lời cầu nguyện của họ trong khi việc đọc lời nguyện chuyển cầu và dâng lễ vật diễn ra? Tại sao không thử làm như vậy?

Khi nói đến lời cầu nguyện của mọi người, có phải một khoảnh khắc thinh lặng là tất cả những gì chúng ta có thể thực sự cung cấp? Nếu thế, có gì phải bất ngờ việc mọi người tìm kiếm một sự giúp đỡ thay thế nơi một tập đoàn truyền thông tồn tại khắp nơi?’

Grêgoriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

https://www.americamagazine.org