Với sự phát triển của mạng xã hội và người dùng có xu hướng chia sẻ mọi thứ, kể cả cảm xúc, sở thích của mình lên mạng xã hội, các nhà khoa học chỉ ra rằng mạng xã hội, cụ thể ở đây là Facebook, thậm chí còn hiểu bạn hơn cả người thân hay bạn bè.
Bạn nghĩ rằng những người bạn thân, cha mẹ hay bạn đời của mình chính là những người hiểu rõ con người của bạn nhất? Tuy nhiên, với sự phát triển của mạng xã hội, giờ đây chính mạng xã hội mới là thứ hiểu rõ con người của bạn nhất.
Theo đó các nhà khoa học của Trường đại học Cambirdge và đại học Stanford đã xây dựng một hệ thống máy tính có thể đánh giá khả năng hiểu về một người nào đó. Đối tượng được các nhà khoa học đưa ra để so sánh là người thân và bạn bè của một người, và một bên là tài khoản mạng xã hội của người đó, dựa trên quá trình hoạt động trên Facebook người người này.
Con người ngày càng có xu thế chia sẻ mọi thứ lên mạng xã hội, thay vì chia sẻ với những người xung quanh
Các nhà khoa học đã sử dụng hệ thống máy tính này với thuật toán đặc biệt, thử nghiệm trên hơn 17.000 người dùng Facebook, những người tình nguyện tham gia cuộc thử nghiệm bằng cách hoàn thành một cuộc khỏa sát về cá nhân cũng như cung cấp cho các nhà nghiên cứu những nội dung mà mình “Thích”.
Bên cạnh đó, nhiều người trong số bạn bè, đồng nghiệp và người thân của những người này cũng tham gia cuộc thử nghiệm bằng cách hoàn thành những câu hỏi khảo sát mô tả về đối tượng chính tham gia thử nghiệm.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng thu thập những hoạt động, nội dung, hình ảnh hay những chủ đề mà người dùng đã “thích” trên Facebook để tạo ra sơ đồ về nét tính cách cụ thể của người đó.
Sau khi thu thập đủ dữ liệu khảo sát và các dữ liệu từ Facebook của người dùng, bằng thuật toán của mình, các nhà khoa học chỉ ra rằng hệ thống máy tính của mình chỉ cần dựa vào 10 sở thích được người dùng chia sẻ trên Facebook để có thể “đánh bại” đồng nghiệp của người đó về các câu hỏi cá nhân.
Tương tự, hệ thống chỉ cần dựa vào 70 nội dung mà người dùng đã “thích” và chia sẻ trên Facebook để “đánh bại” bạn ở chung phòng và cần 150 nội dung trên Facebook để “đánh bại” cha mẹ hoặc anh chị em. Đối với bạn đời, hệ thống dựa vào 300 nội dung khác nhau từ các hoạt động trên Facebook của người dùng để có thể “đánh bại”.
Dựa vào kết quả của nghiên cứu, các nhà khoa học chỉ ra rằng máy tính có thể thay thế vai trò của con người trong việc giúp người dùng có thể giải bày các cảm xúc của mình, do vậy thậm chí máy tính còn có thể hiểu người dùng hơn những gì mà người thân thiết nhất của họ có thể hiểu được, do con người ngày càng có xu thế chia sẻ mọi thứ lên mạng xã hội, thay vì chia sẻ trực tiếp với những người xung quanh.
Nghiên cứu của các nhà khoa học được xuất bản trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ.
T. Thủy