Em Cũng Là Người Có Đạo

56

Ngày đầu bước chân vào trường cao đẳng, tôi nghĩ rằng mình sẽ không còn e ngại như những cô cậu học trò cấp 1, cấp 2 nữa, vì tôi bây giờ đã là một sinh viên. Nhưng không, trước mắt tôi mọi thứ đều xa lạ và tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé.

Lớp tôi gồm 68 sinh viên đến từ mọi miền của đất nước – một con số lớn hơn tôi tưởng rất nhiều – với những ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo rất khác biệt. Lớp tôi đa số là người ngoại đạo, nên sinh viên Công Giáo thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vì thế, tôi – một người đang chập chững bước vào đời tu – trở nên khá “khác lạ” đối với bạn bè. Khác lạ bởi cách ăn mặc của tôi, bởi cách xưng hô, và bởi tôi không sử dụng những chiếc điện thoại hay nhưng công cụ “thông minh” trong xã hội đầy phát triển này. Tôi như trở thành một người được hỏi cung bởi những câu hỏi của bạn bè đặt ra, nào là : bạn ở đâu? bạn theo tôn giáo nào? bạn đi tu à? đi tu là gì hả bạn? sao mình thấy cũng có nhiều người đi tu mà họ lại ăn mặc khác bạn? nhà dòng là như thế nào? bạn sống trong dòng thì sống làm sao?…. Những câu hỏi đổ dồn về phía tôi, tôi mỉm cười giải thích cho các bạn theo sự hiểu biết và sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Tuy là người khác tôn giáo và người ngoại đạo, nhưng tôi thấy rõ trên khuôn mặt của các bạn có vẻ rất lắng nghe, nên tôi cũng thấy vui. Niềm vui đó được dâng lên khi Nga nói với tôi:

– Em cũng là người Công Giáo chị à! Có lẽ sợ tôi không tin nên Nga nói tiếp: Em làm Dấu Thánh Giá cho chị xem. “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Lạy Cha chúng con ở trên Trời….”

Khi thấy Nga Dấu Thánh Giá và đọc kinh tuyên xưng Đức Tin của mình, tôi thật sự rất vui. Nhưng niềm vui của thôi bị chặn lại khi Ngân nói với  Nga:

– Cậu  đọc kinh Chúa Thánh Thần cho mình nghe thử xem!

Nga tỏ ra suy nghĩ và hỏi tôi kinh đó đọc như thế nào. Tôi chưa kịp trả lời thì Nga nói tiếp:

– Nhà em ở quê cũng gần nhà thờ lắm chị, nhưng từ khi em lên đây đi học. Em ở xa nhà thờ nên em không đi lễ được.

“Ở xa nhà thờ nên không đi lễ được!” Nghe Nga giải thích, tôi liên tưởng tới đời sống đức tin của gia đình tôi. Bởi đức tin của gia đình tôi được xây dựng trên nền tảng bố tôi – một người đạo theo – và mẹ tôi, là người đạo gốc. Hai mươi hai năm bố sống cùng với ông bà nội, bố chưa hề được nghe tới Thiên Chúa. Đối với bố, Thiên Chúa là một ai đó vô cùng xa lạ. Vậy mà bố đã chấp nhận tin vào Người. Bố luôn cố gắng cùng mẹ nêu gương và xây dựng đức tin cho các con trong gia đình. Mặc dù bố biết đức tin của một người đạo theo sẽ không được cắm rễ sâu và vững chắc như một người đạo gốc. Trong thâm tâm tôi, vì thế luôn đặt ra nhiều vấn đề, rằng tôi sẽ ra sao nếu bố tôi không về quê ngoại ở? Tôi có được đầy đủ đức tin khi sống giữa một môi trường với họ hàng nội là người ngoại đạo không?

Qua câu chuyện của bạn Nga, nếu không được tiếp tục học hỏi và nuôi dưỡng, thì đức tin của Nga sẽ thế nào? Tôi suy nghĩ và dâng lên Chúa lời cầu nguyện cho Nga và những người đang gặp phải hoàn cảnh như Nga.

Trong cuộc sống hôm nay, không chỉ có Nga mà thôi, nhưng có rất, rất nhiều người đang rơi vào hoàn cảnh như vậy. Giáo Hội đang cần rất nhiều lời cầu nguyện, nhiều chứng nhân sống động, để làm chứng cho Chúa và đem mọi người về với lòng nhân hậu của Chúa. Ước mong các sinh viên Ki-tô hữu là những chứng nhân ấy trong chính môi trường sống của mình.

Hồng Hường, Thanh Tuyển sinh MTG Thủ Đức