Em Con Đây Đã Chết Mà Nay Đã Sống (Thứ Bảy Tuần 2 Mùa Chay)

73

donnhanCó lẽ không mùa Chay năm nào chúng ta không được nghe câu chuyện dụ ngôn về Người Cha Nhân Hậu. Song trước đây vì nhiều người đã quen gọi dụ ngôn này là dụ ngôn Người Con Hoang Đàng, nên đã bị hiểu theo hướng chú trọng vào người con thứ mà quên rằng, câu chuyện này Chúa Giêsu muốn nhắm đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với cả hai người con, con thứ và người con cả.

Ngay mở đầu câu chuyện, thánh Luca đã cho thấy lý do Chúa Giêsu kể câu chuyện này là vì khi thấy những người thu thuế và tội lỗi lui tới với Chúa Giêsu để nghe Người giảng, thấy vậy, những người luật sĩ và biệt phái tỏ ra khó chịu với Chúa Giêsu, nên Ngài mới kể dụ ngôn này.

Câu chuyện muốn nhấn mạnh đến hình ảnh của một Thiên Chúa như người cha yêu thương, Ngài đau lòng vì người con thứ đã bỏ nhà ra đi, đã phủ nhận tình yêu thương và sự quảng đại mà người cha dành cho nó. Trong mắt nó, người cha như đã chết và không còn vị trí nào trong tâm hồn nó. Nó phung phí tài sản mà cả đời người cha đã vất vả dành dụm, nó bỏ nhà ra đi không hẹn ngày trở về, vậy mà người cha vẫn cứ kiên nhẫn, vẫn hy vọng và đợi chờ nó. Khi nó trở về ông vui mừng chạy ra ôm chầm lấy nó và hôn lấy hôn để. Người cha không hề giận dỗi, không hề bực bội khi thấy nó thân tàn ma dại trở về, ông vẫn mở rộng vòng tay, mở rộng lòng để ôm lấy nó như thể chưa bao giờ được ôm. Bao ngày ông mong đợi con ông trở về, nay khi gặp lại con, ông cũng chẳng quan tâm đến lời xin lỗi của nó, mà ông đã làm hết sức có thể để trả lại vinh dự cho nó. Dù đứa con thứ nghĩ mình không còn xứng đáng là con, không xứng đáng ở trong nhà, nhưng người cha thì quảng đại và bao dung hơn sự tưởng tượng của nó, ông sai đầy tớ lấy áo, lấy nhẫn, lấy giầy mới ra mặc vào cho nó. Ông không để cho nó tự mặc, mà ông còn để cho đầy tớ phục vụ nó như thể nó là cậu chủ trước đây. Ông sai mở tiệc ăn mừng vì một lý do hết sức đặc biệt : Vì con ta đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.

Trước sự quảng đại của ông với người con thứ, thì với sự hẹp hòi nhỏ mọn của người con cả, anh ta đã không chấp nhận người em của mình trở về. Có lẽ anh muốn rằng người em phải xin lỗi cả anh nữa chăng ? Rất có thể rằng, vì sự hẹp hòi ghen tị của anh đã khiến tình nghĩa anh em con cùng một cha một nhà đã không còn đậm đà mặn mà nữa, vì lý do đó nó không thể ở trong nhà được nữa. Rất có thể vì sự tính toán nhỏ nhen của anh, khiến cho bầu khí trong gia đình trở nên ngột ngạt khiến cho cậu em kia phải ra đi. Người cha đã đau khổ vì đứa con thứ bỏ nhà ra đi, thì ông cũng đau khổ vì đứa con cả hững hờ với ông, không hiểu ông.

Nay, khi người em trở về, thấy cha quan tâm lo lắng cho em, thấy cha trả lại cho em vinh dự địa vị làm “Cậu Ba” trong nhà, thì anh khó chịu. Anh càng khó chịu hơn khi thấy cha mở tiệc ăn mừng. Anh quyết định không vào nhà, dù người cha đã phải cất bước, hạ mình bước xuống, đi ra để xin anh, nhưng anh vẫn một mực từ chối tình thương của cha và từ chối tình anh em.

Người con cả đã bày tỏ sự bực bội nổi giận của mình đối với đưa em, và bực bội cả với sự nhân từ quảng đại của cha. Anh tỏ ra ghen tị nhỏ nhen với người em của mình, và anh quay lại kể lể công trạng với cha. Anh tự hào tự mãn vì cho rằng mình là người phục vụ cha, là người có công trong nhà và là người đáng được cha khen thưởng. Tuy nhiên qua lời nói của anh, lại bộc lộ rõ ràng anh không hề có lòng yêu mến kính trọng cha, mà bấy lâu nay dù vẫn là Cậu Cả trong nhà, được cha tín nhiệm yêu thương, vậy mà anh không hề biết điều đó, anh vẫn sống như là một đứa đầy tớ, anh làm việc không phải vì yêu mến cha, yêu mến gia đình, anh cũng không làm việc vì trách nhiệm là Cậu Cả, mà anh làm việc với tâm trạng thái độ của một người đầy tớ làm việc để tính công tính điểm với chủ: Cha coi đã bao năm trời con hầu hạ cha, chẳng khi nào trái lệnh cha, thế mà chưa bao giờ cha cho con được một con dê để ăn mừng với chúng bạn.

Cũng trong lúc giận dỗi này anh đã bộc lộ cái nhìn và mối tương quan của anh với cậu em. Anh chưa bao giờ nhìn nhận nó là em của mình, anh cũng chưa bao giờ đồng cảm và thông cảm với em, mà anh coi nó không phải là em của mình, coi nó như một người chẳng có liên hệ gì với anh. Chính vì thế anh đã gọi nó là : Thằng con của cha kia, sau khi nuốt hết của cải với bọn điếm, nay cha lại cho giết bê béo ăn mừng.

Đến đây câu chuyện cho thấy, người cha lại một lần nữa hết sức kiên nhẫn và rộng lượng với người con cả, và ông cho thấy, người cần bước vào nhà, cần trở về lúc này không còn phải là người con thứ nữa mà chính là Cậu Cả. Ông ôn tồn để nhắc cho anh: Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất nay lại tìm thấy. Ông nhắc cho anh biết, dù anh không quan tâm đến cha, nhưng lúc nào anh cũng được ở với cha, ông cũng nhắc cho anh biết tất cả tài sản trong nhà, ông đã dành trọn cho anh là của anh, và ông còn mời gọi anh phải nối lại tình anh em với đứa em của anh.

Đã bao mùa Chay trôi qua trong cuộc đời, có lẽ vì thấy mình chưa đến nỗi như đứa con thứ bỏ nhà đi hoang, nên chúng ta không thấy mình cần phải trở về. Vì không nhìn thấy sai lầm thiếu sót của mình, nên chúng ta không thể thay đổi, không chịu sám hối, và coi việc sám hối là của người khác. Chúng ta có thể đã tự hào coi mình như người con cả vẫn đi nhà thờ, vẫn dâng lễ, chẳng bao giờ phạm tội gì nặng, không giết người không trộm cắp nên ta không cần phải sám hối. Thế nhưng chúng ta quên rằng, có thể chúng ta vẫn ở gần nhà thờ nhưng lại không ở gần bên Chúa, không gặp Chúa. Thực tế có thể chúng ta không trộm cắp giết người, nhưng lòng chúng ta lại xa Chúa, vì chúng ta đang cố tình đứng bên ngoài tình yêu thương của Chúa. Nhiều người trong chúng ta cũng cho mình cái quyền lên án xét xử anh em, sống hẹp hòi thiếu thông cảm, thiếu bao dung với anh em, và nhất là chúng ta đã bỏ qua tình yêu thương của Chúa.

Xin Chúa giúp chúng ta biết dành những phút thinh lặng để có thể lắng nghe được lời mời gọi của Thiên Chúa, tin tưởng vào tình Chúa yêu thương để trở về với Chúa, sà vào vòng tay nhân hậu của Chúa. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc