Đường Tu Đức Nào Cho Thời Đại Ngày Nay?

191

Đường Tu Đức Nào Cho Thời Đại Ngày Nay?

 

Hơn bao giờ hết, ngày nay người tu sĩ cần biết nhạy cảm

để nhận ra dấu chỉ thời đại, nhận ra tiếng nói của Thánh Linh

để vừa tiến xa hơn trên đường trọn lành

và vừa tìm ra được con đường thích hợp cho nhu cầu thời đại.



Sau khi Giáo hội được hình thành, đã có rất nhiều tâm hồn quảng đại, khước từ danh-lợi-thú ở đời, quyết một lòng theo gương Chúa Kitô. Mỗi người ở từng thời đại khác nhau đều tìm cho mình một con đường để đến với Chúa, mà ngày nay gọi là tu đức. Vậy tu đức là gì?

Theo cuốn Tu đức học của Đại chủng viện Huế thì: “Tu đức học là khoa học dựa vào các chân lý mạc khải mà trình bày cho biết sự hoàn thiện Kitô hữu cốt tại chỗ nào và con người sống ở đời này phải làm gì để đạt tới sự hoàn thiện ấy”.

Như vậy, người tu sĩ muốn bước theo Chúa Kitô thì cần học hỏi và thực hành về sự hoàn thiện hầu nên giống Chúa Kitô là Đấng toàn thiện. Nhưng, cuộc sống luôn có những thay đổi vì con người luôn đổi thay. Quan niệm về nẻo đường tu đức cũng không nằm ngoài quy luật đó. Cho nên, việc đưa ra một nẻo đường tu đức thích hợp cho mỗi giai đoạn là hết sức cần thiết, nhưng cũng rất khó khăn. Song một điều không thể thiếu là vai trò của Thánh Linh trong việc thúc đẩy, hướng dẫn, gợi mở cho Giáo hội những nẻo đường tu đức mới, phù hợp với yêu cầu của thời đại.

Với bài viết ngắn, chúng tôi mạo muội chọn lọc, đưa ra vài nẻo đường tu đức như những đề nghị tham khảo cho các tu sĩ Việt Nam ngày nay.

1. Nẻo đường đức Cậy

A. KHỞI HỨNG CHO NẺO ĐƯỜNG ĐỨC CẬY

Trong thời đại ngày nay, dường như con người đang mong muốn đi tìm lời giải đáp cho những thắc mắc của họ về cuộc sống. Nhìn vào thực trạng xã hội, bên cạnh những thành tựu đạt được, con người càng cố gắng xây dựng hoà bình thì những cuộc chiến tranh về sắc tộc, tôn giáo vẫn xảy ra liên miên, không ngày nào là không có tiếng súng, không ngày nào là không có người chết vì bom đạn. Người ta càng ra sức lấp hố sâu ngăn cách giàu nghèo thì hố ngăn cách ấy cứ rộng ra và sâu thêm, người giàu cứ giàu lên, còn người nghèo ngày một nhiều hơn. Đâu đâu cũng nghe nói đến bảo vệ môi trường, nhưng hệ sinh thái đang mất cân bằng nghiêm trọng, nên đã gây ra những thảm hoạ thiên nhiên không thể lường trước được. Do đó, con người cảm thấy thất vọng vì không giải quyết được những mâu thuẫn giữa con người với con người và giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội.

Khởi hứng cho đức Cậy sẽ càng được củng cố hơn khi nhìn về Kinh Thánh. Có lẽ ngay khi rời khỏi Địa Đàng, loài người đã nuôi hy vọng có ngày được trở về chốn an bình – nơi mà mình đã đánh mất (x.St 3). Và trên con đường hy vọng này, tổ phụ Ápraham đã đánh dấu bước khởi đầu vững chắc trong việc cậy dựa vào Thiên Chúa hoàn toàn (x.St 12,1-9). Có thể nói lịch sử của dân tộc Israel là lịch sử của niềm hy vọng. Ta có thể nhận thấy đó là những hình ảnh của Tôbít (x.Tb 2,10-23) ; của Máttathia (x.Mcb 2,49-64); của bà mẹ và bảy người con chết trong niềm hy vọng được sống đời đời (x.Mcb 7,1-2.9-14.20-31); đặc biệt của ông Gióp (x.G 14,1-3.10-15) hay những bài ca về người tôi trung của ngôn sứ Isaia (x.Is 50,4-9a). Quả thực đứng trước những khó khăn, cản trở trong cuộc sống,

“Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy ; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,20-21).

Vậy đứng trước những khởi hứng trên, người tu sĩ ngày nay cần một nẻo đường tu đức dễ dàng để đi tới trên đường tiến đức và qua nẻo đường đó, đời sống tu trì có thể lan toả niềm hy vọng trong sự sẻ chia với con người.

B. ĐỨC CẬY, MỘT NẺO ĐƯỜNG TU ĐỨC THỜI ĐẠI

Phải nói rằng, đời sống của con người được nuôi dưỡng bằng những hy vọng. Niềm hy vọng đã giúp con người tiến bộ như những gì chúng ta thấy đang diễn ra. Đây là một món quà quý giá mà Thiên Chúa ân ban cho con người. “Niềm hy vọng đáp lại khát vọng hạnh phúc mà Thiên Chúa đặt để nơi mỗi người. Nó bảo vệ chúng ta khỏi tuyệt vọng, nâng đỡ chúng ta trong mọi cơn chán nản, chướng ngại.”[1] Vì thế đứng trước những thách đố, con người thường không chịu thúc thủ, buông xuôi. Trái lại, vì trông chờ vào một ngày mai tươi sáng, họ luôn tìm tòi, mạo hiểm khám phá những chân trời mới. Với những ý nghĩa như vậy, một lần nữa chúng ta nói với nhau về niềm hy vọng, nhất là với người nghèo, người đang chịu cảnh khốn khổ, quả là một điều hợp lý và cần thiết.

Sự chuyển biến chóng mặt của thế giới, đã khiến con người thời đại phải lo toan nhiều mặt, quay quắt với những gánh nặng của cuộc sống. Bởi quá lo toan, nên dường như họ mất hết niềm tin vào cuộc sống; chính vì thế, con đường tu đức hiện nay phải là con đường nhập cuộc vào thế giới, mang lại niềm tin và hy vọng cho con người thời đại. Và vì thế, người ta có khuynh hướng đề cao con đường của hy vọng, con đường của đức Cậy.

Nhìn vào thực trạng thế giới, chúng tôi cho rằng đức Cậy là một trong những nẻo đường tu đức mà tất cả mọi người có thể áp dụng. Đối diện với những khó khăn, hoàn cảnh khắc nghiệt, người Kitô hữu khó có thể khám phá khuôn mặt của Đức Kitô, làm chứng cho Đức Kitô mà không thông qua con đường hy vọng. Nhìn vào những thách đố phía trước, Giáo hội khó có thể bước đi tiếp nếu không thông qua con đường của đức Cậy. Và đời tu nào có nghĩa gì nếu ta không nhìn thấy ở trong đó sự đỡ nâng của đức Cậy.

Ngày nay, các tu sĩ đang phải đối diện với những cám dỗ ngọt ngào. Nhiều hình thức cám dỗ tinh vi đã khiến các tu sĩ dễ đánh mất các nhân đức trụ hay các nhân đức đối thần, phá bỏ những lời mà mình đã khấn hứa trước Chúa và cộng đoàn. Thêm vào đó, dưới những ảnh hưởng của xã hội, mặt trái của những trào lưu xã hội như : chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng, cách đánh giá duy khoa học đã làm cho một số tu sĩ có cái nhìn hồ nghi với những giá trị tôn giáo, Kinh Thánh, giáo lý…; lối sống đề cao tự do đã khiến cho việc sống chung trở nên hết sức khó khăn. Mỗi lúc như vậy, con đường hy vọng, con đường đức Cậy lại là con đường cần thiết để các tu sĩ bám víu vào để sống, để tu và để theo Chúa.

Như vậy, con đường đức Cậy là con đường mà mọi người có thể nhận thấy Chúa Giêsu đang đợi để liên kết mình lại với Chúa và nâng đỡ con người vượt qua những khó khăn, thách đố của cuộc sống. Sống nhân đức Cậy là chúng ta nhận ra Chúa Giêsu đang đồng hành và dẫn dắt đời mình. Sống nhân đức Cậy là mỗi người nhận ra được Chúa Giêsu đang chào đón mình ở cuối đường lịch sử của cuộc đời. Con đường lịch sử của mỗi người dẫu bê tha, tội lỗi, khốn nạn nhưng vẫn hy vọng Chúa luôn yêu thương, tha thứ và không bỏ rơi. Sống nhân đức Cậy là không được tuyệt vọng, nản chí hay tự phụ, bởi chính những điều đó đi ngượi lại với đức Cậy, chối từ hy vọng.

Cũng cần nói thêm, khi nói về đức Cậy như một nẻo đường tu đức của thời đại, ta nên nhớ con đường hy vọng không chỉ quy về một cá nhân nào đó, nhưng tinh thần của nẻo đường hy vọng phải được mở rộng ra. Vì chúng ta hy vọng vào triều đại Thiên Chúa mau đến mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, nên chúng ta cần có trách nhiệm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Thế giới đó không có bạo lực, chiến tranh, nghèo đói, bất công. Điều này đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực dấn thân hơn nữa, đem nghị lực và tài năng Chúa ban để phục vụ cho công lý và hoà bình, hòng mưu cầu hạnh phúc, thăng tiến đời sống cho những con người đang sống trong cảnh lầm than[2].

Tóm lại, Con đường đức Cậy giúp các tu sĩ đặt trọn niềm hy vọng vào lý tưởng mình đã chọn lựa, vào Đấng mình hiến dâng. Một khi vững lòng trông cậy, người tu sĩ có thể làm lan toả cuộc sống của mình tới mọi người và cùng đồng hành với mọi người sống niềm hy vọng.

2. Đồng hành với tha nhân

a. Khởi hứng cho nẻo đường đồng hành với tha nhân

Chúng ta tin rằng, Thiên Chúa là Đấng tạo tác muôn vật trong tình trạng tốt lành. Nói cách khác, chúng ta xác tín Đấng Tạo Hoá chỉ có thể dựng nên những điều tốt đẹp vì nơi Người chỉ thuần thánh thiện và hoàn mỹ. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng nhân loại đã tự đánh mất sự tốt lành thuở ban đầu. Đấy là do con người đã lệch lạc và không thể làm chủ trong việc sử dụng sự tự do mà Thiên Chúa đã trao ban. Nhưng Mầu Nhiệm Vượt Qua đã một lần nữa minh chứng cách rõ ràng cho tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại và thế giới do Người tác tạo.

Chính vì thế, nếu Đấng Tạo Hóa đã tỏ ra yêu thương và muốn duy trì thế giới ấy bằng mọi giá – kể cả chấp nhận một giải pháp “vô tiền khoáng hậu” là chọn con đường Thập Giá – thì các thụ tạo, nhất là nhân loại, không có lý do gì để khước từ hay trốn tránh Thế Giới đó.

Như thế nhân loại, cách riêng với các Kitô hữu và đặc biệt là những người tự nguyện sống đời tận hiến, được mời gọi cùng cộng tác vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa, nhằm trả lại cho thế giới con người tình trạng hoàn hảo thuở ban đầu. Hay nói cách khác, đồng hành cùng tha nhân chính là con đường mà giới tu sĩ phải là những người giữ vai trò tiên phongtrong bối cảnh thế giới ngày nay.

b. Đồng hành với tha nhân, một nẻo đường tu đức thời đại

Hiến chế Gaudium et Spes của Công đồng Vatican II viết:

Vui mừng và hy vọng, âu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, âu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”.[3]

Từ đây ta có thể nhận ra rằng, hơn ai hết, người tu sĩ với đời sống tận hiến không thể có thái độ khước từ, lãnh đạm với thế giới, bất chấp thế giới ấy đang ở trong tình trạng nào. Sống đời dâng hiến là cuộc sống đòi hỏi sự dấn thân cách mạnh mẽ vào thế giới mà Thiên Chúa đang muốn biến đổi.

Quả vậy, yêu mến tha nhân là một hành vi thể hiện cách thuyết phục nhất mình chính là Kitô hữu, là môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Song điều quan trọng không phải là chứng minh cho tha nhân biết ta là ai, nhưng giá trị nằm ở chỗ: người Kitô hữu sẽ nhận ra lòng yêu thương diệu kỳ của Thiên Chúa dành cho chính bản thân mình khi họ dấn thân và quên mình vì tha nhân.

Trong xã hội Việt Nam hôm nay, khi tầm nhận thức về thế giới – con người – đức tin của người tín hữu chưa được trưởng thành do nghèo đói, lạc hậu và ngăn cấm, thì họ lại tiếp tục bị rơi vào sự khủng hoảng nghiêm trọng của thế giới nhân loại. Đó là sự khủng hoảng về đức tin, luân lý, đạo đức; sự khủng hoảng do vấn đề kinh tế thị trường, toàn cầu hoá và lối sống thực dụng gây nên. Ta có bi quan không khi nhận định rằng : đời sống đức tin – chứng nhân Tin Mừng của phần lớn người Kitô hữu Việt Nam đã, đang và sẽ càng lúc càng trở nên mỏng manh, yếu đuối hơn trước những hệ quả của các cuộc khủng hoảng trên. Đơn giản bởi họ chưa thực sự được chuẩn bị tốt để có thể kịp hình thành bản lĩnh của người Kitô hữu trước những chuyển biến phức tạp của thế giới hôm nay.

Trọng trách của người tu sĩ Việt Nam trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Chúng ta phải làm gì để sứ mệnh của chúng ta, tiếng nói của Tin Mừng trong ta không trở nên lạc lõng, đơn điệu, thậm chí là phản chứng trước cuộc khủng hoảng về nhiều mặt của người Kitô hữu?

Một trong những hướng đi mà các giám mục Việt Nam, trong bản thư góp ý cho uỷ ban trù bị Thượng hội đồng giám mục về Á Châu, đã gợi lên:

Một giáo hội nghèo mới có thể thích hợp với đại dương mênh mông của người nghèo. Một giáo hội khiêm nhu nhỏ bé dễ hoà mình vào giữa đại đa số những người nghèo của Châu Á. Và một giáo hội không quyền lực dễ gần gũi số đông những người chỉ mơ ước được làm người, được cơm no áo ấm, được học hành và có việc làm. Vì thế, phải chăng đã đến lúc cần sáng tạo những “mô hình” mới của giáo hội, như là những cộng đoàn bé nhỏ, dễ hoà mình vào những cộng đồng xã hội, nhất là xã hội của những người nghèo ; những cộng đồng nghèo hơn, ít bề thế, ít cồng kềnh, khiến người ta không e dè khi tiếp cận, gặp gỡ ; những cộng đồng mở rộng hơn là khép kín.[4]

Chúng ta đã nhận ra rất rõ những điểm yếu của mình, nhưng phương cách khắc phục có lẽ còn rất chậm chạp và kém hiệu quả. Chúng ta nhận ra mình đang quá chú ý đến bản thân thay vì tha nhân – những người mà bởi sự hiện diện của họ, chúng ta mới có được danh xưng là những người phục vụ. Chúng ta nhận ra mình cũng là nạn nhân của một cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, xu hướng tục hoá. Song, sẽ khó có lời bào chữa tiếp theo nếu ta nại đến những tác động ấy mà quên mất ta đã khấn hứa điều gì, với ai khi ta tự nguyện bước vào đời dâng hiến – không chỉ với ý thức về thân phận yếu đuối và bất toàn, nhưng còn với lòng xác tín về những điều mà Thiên Chúa sẽ thực hiện qua chúng ta như những khí cụ của Người. Có lẽ chúng ta đang tự dễ dãi với mình nhiều hơn, chứ không phải Thiên Chúa đã quên đồng hành với chúng ta.

Như thế, trong bối cảnh xã hội ngày nay, người tu sĩ có thể tham gia vào những sinh hoạt chuyên môn, tham gia vào những chuyến công tác xã hội hay làm những công việc bình thường một cách âm thầm, không ồn ào khoa trương, không cần mọi người biết đến. Lối sống ấy giúp họ cảm thông hơn với người chưa nhận được ánh sáng đức tin, hoặc mở đường cho một hình thức truyền giáo mới, đó là giảng Tin Mừng qua sự chia sẻ kiếp nhân sinh với hết mọi người, bất kể họ theo tín ngưỡng hay tôn giáo nào.

Một đối tượng tha nhân khác mà người tu sĩ đôi khi quên hướng đến khi lao mình vào những công tác mục vụ, phục vụ bên ngoài. Đối tượng tha nhân này chẳng ở đâu xa, đó chính là những người anh chị em đang chung sống trong cộng đoàn với ta. Trước đối tượng tha nhân này, phải chăng mỗi người tu sĩ đều dám mạnh dạn trả lời rằng : Thiên Chúa có thể hài lòng vì tình yêu thương của Người đã được phác họa lại phần nào trong cách hành xử của tôi đối với những tha nhân sát cạnh tôi, cùng chia sẻ một chí hướng với tôi? Người giáo dân có thể nhìn thấy hình ảnh rất đáng kính và dễ thương của ta trong những hoạt động mục vụ, nhưng không hiếm khi anh em của ta lại nhìn thấy nơi ta một hình ảnh gần như trái ngược… Đời sống cộng đoàn của những người sống đời tận hiến và cũng là những chứng nhân tình yêu thực sự đang cần được nhìn lại bằng đức ái và tinh thần kenosis của Đức Kitô.

Kết luận

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, Thánh Thần Chúa lại thúc đẩy để xuất hiện những nẻo đường tu đức mới và thích hợp cho từng thời kỳ. Trước đây, đời sống tu trì nhấn mạnh đến cách thức thoát tục, “lìa bỏ thế gian” để đi tìm sự thánh thiện bằng cách sống khổ hạnh. Dần dần những quan niệm ấy đã được thay đổi: đi tu không phải là bỏ thế gian, không tham dự vào đời sống cộng đoàn dân Chúa, mà trái lại đi tu là cách thế nhập thể, dấn thân vào đời sống Giáo hội, sống giữa nhân loại và phục vụ nhân loại bằng những hoạt động bác ái, chú ý tới các giá trị trần thế, đề cao phẩm giá con người. Ngày nay, đứng trước những lo âu, thắc mắc của con người về cuộc sống ; đứng trước sự đối nghịch giữa con người với con người và giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội, người tu sĩ cần mang lại niềm hy vọng và dám đồng hành cùng với con người để vượt qua những thách thức ấy. Hơn bao giờ hết, ngày nay người tu sĩ cần biết nhạy cảm để nhận ra dấu chỉ thời đại, nhận ra tiếng nói của Thánh Linh để vừa tiến xa hơn trên đường trọn lành và vừa tìm ra được con đường thích hợp cho nhu cầu thời đại.

 Hoàng Linh, OP.


[1] GLHTCG, số 1818.

[2] Xc. GLHTCG, số 2820.

[3] Vatican II, Gaudium et Spes, số 1.

[4] Nội san Chia Sẻ, số 35, tr. 06.