Được sai đi… với con tim mới

178

Bài suy niệm Tháng 07/2019

ĐƯỢC SAI ĐI…VỚI CON TIM MỚI

***

Thử hỏi Tin Mừng của Chúa Giêsu còn có ý nghĩa gì đối với thế gian hôm nay, một thế giới đang bị đè bẹp dưới sức nặng của bao sự dữ? Mỗi ngày, tin tức các nơi luôn nhắc nhở chúng ta là trong thế giới vẫn còn nhiều đau khổ thê lương. Biết bao nhiêu người mệt lả và bị cuộc đời đè nặng trên vai: những va chạm và hiềm khích trong môi trường làm việc và trong gia đình; những người bị thất nghiệp hay bị tai nạn hoặc rủi ro bất hạnh; những kẻ bị đàn áp bất công, bị tàn phế vì bạo động chiến tranh, bị bệnh tật hành hạ, bị các yếu đuối, các tật xấu, và sự trống rỗng nội tâm dày xéo; những anh chị em bị bỏ rơi và phải sống trong cô đơn, vân vân… và biết bao hoàn cảnh đau thương khác nữa quanh chúng ta… Trước những hoàn cảnh như vậy, người đồ đệ của Chúa phải làm gì để cho Tin Mừng của Chúa đến được với mọi người, nhất là “những ai mệt mỏi và gánh nặng”, để bổ sức cho tất cả, mang đến cho tất cả sự sống mới, dồi dào, tràn đầy niềm vui… Đi trước nêu gương cho người tông đồ, Chúa Giêsu Kitô đã ý thức rõ ràng về sứ mạng của mình và đã dùng lời tiên tri Isaia mà mô tả sứ mạng đó cho những kẻ đang nghe Ngài nơi hội đường Nazareth như sau: “Thánh Thần Chúa đã xuống trên tôi, và nhờ đó Chúa đã xức dầu cho tôi. Ngài sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, nâng dậy những con người bị tan nát tâm can, giải thoát những người tù đầy được tự do, loan báo năm ân thánh và ngày oán phạt của Thiên Chúa, để an ủi những ai than khóc” (Is 61,1-2; Lc 4,18-21). Trung thành với sứ mạng này, Chúa Giêsu chứng tỏ tình thương của Ngài đối với mọi người đến với Ngài. Ngài không từ chối ai cả, mà còn kêu gọi thêm: “Hãy đến với Ta, tất cả những ai mệt mỏi và gánh nặng. Ta sẽ bổ sức cho” (Mt 11,28).

Trong những giây phút suy niệm này, mỗi người chúng ta cần tự hỏi chính mình xem có ý thức sứ mệnh đã được trao phó hay không? Và chúng ta có ý thức với cùng tâm tình như Chúa đã nêu gương hay không? Chúng ta có chuẩn bị chu toàn sứ mệnh mang Tin Mừng cho con người đang bị đè bẹp dưới sức nặng của sự dữ hay không? Hay chúng ta đã phí phạm thời giờ, sức lực và công khó cho những việc không đâu? Tệ hại hơn, nhiều khi chúng ta sống đãng trí, hay thờ ơ đến độ không nhận ra những đau khổ của người khác, của cả người anh chị em sống gần gũi bên cạnh. Đây là một thứ đãng trí cố ý, do một con tim khép kín trước những đau khổ của anh chị em, và quá bồn chồn lo lắng cho những lợi lộc riêng tư của mình. Bài học Chúa Giêsu muốn dạy cho vị luật sĩ sống đóng kín trong tháp ngà địa vị và quyền lợi, qua dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu, được ghi lại nơi Phúc Âm theo thánh Luca, chương 10, câu 25 đến câu 27, cần được lặp lại cho mỗi người đồ đệ của Chúa hôm nay.

Có một người xứ Giuđêa đi từ Giêrusalem xuống Giêricô. Trên quãng đường vắng, anh bị cướp đánh nửa sống nửa chết, và bị bỏ nằm bên vệ đường… Ngày hôm nay, không phải chỉ có một mà có muôn vàn người bị bỏ rơi, nạn nhân của bạo lực, bất công, thù ghét… cần đến tâm hồn quảng đại không phải chỉ của một người Samaritanô nhân lành, mà của thật nhiều người hành xử như người Samaritanô, nghĩa là biết “biến mình trở thành người lân cận thật sự của mọi người”. Vị luật sĩ, trong cái nhìn tự nhiên, theo lối lý luận tự nhiên, đã đặt câu hỏi: Ai là người láng giềng của tôi? Nhưng trong cái nhìn của Chúa Giêsu, thì hoàn toàn ngược lại: Ai là người láng giềng của người gặp nạn?

Người Samaritanô đã vượt qua được tất cả mọi ngăn cách chính trị, tôn giáo, chủng tộc, để coi người Giuđêa kia như người láng giềng của mình. Cần phải biết đi bước đầu để đến với anh chị em, để thông cảm, nâng đỡ và tha thứ cho anh chị em. Cần biết trước những sáng kiến để hòa giải, để chứng tỏ lòng yêu thương tha thứ, để chia sẻ liên đới, chứ không ngồi yên chờ được người khác yêu thương. Câu hỏi của Chúa Giêsu khi kết thúc dụ ngôn về người Samaritanô nhân lành. Ai trong ba người đi qua nơi đó — thầy tư tế, người thuộc chi tộc Lêvi, và người Samaritanô —  ai trong ba người đó là người láng giềng của người Giuđêa bị trọng thương. Câu hỏi của Chúa luôn luôn vang dội qua mọi thời đại, và không ngừng chất vấn lương tâm mọi đồ đệ của Chúa. Người đồ đệ đó có thể biết nhiều điều về Chúa, thuộc lòng các lý thuyết về tình yêu, nhưng lại rất nông cạn, hẹp hòi trong thực hành. Người đồ đệ đó có thể bàn cãi nhiều về tình yêu thương, nhưng không bao giờ thi hành bác ái và tha thứ. Một lần, khi người ta hỏi nhà hiền triết Gandhi: Ông sợ điều gì nhất? Ông trả lời: Điều tôi sợ nhất là con tim chai đá của những người trí thức.

Lạy Chúa, được mời gọi theo Chúa và mang Tin Mừng hạnh phúc đến cho anh chị em, mỗi người chúng con cần cởi bỏ con tim chai đá, ích kỷ của mình, để mặc lấy con tim của Chúa, để trở thành người láng giềng của mọi người. Xin Chúa thương ban ơn giúp con thực hiện được sự biến đổi đầu tiên và tận căn này, để mỗi ngày một trở nên xứng đáng hơn với ơn gọi và sứ mạng đã lãnh nhận. Amen.

Sr. Anna Hoàng Mai, MTG.Thủ Đức