Được khỏi bệnh (Thứ Năm Tuần 1 Thường Niên)

148

ĐƯỢC KHỎI BỆNH

Dt 3, 7-14; Mc 1, 40-45. (thứ 5 tuần 1 TN)

1“Còn nước còn tát”, là câu thành ngữ chỉ sự kiên nhẫn, mà gia đình thường không ngần ngại chạy chữa, lo cho người bệnh. Kinh nghiệm cho thấy, nếu người đau bệnh lo buồn một, thì thân nhân gia đình phải buồn chán gấp đôi. Nếu trời sinh voi, trời sinh cỏ, vợ chồng nghèo con cái thường khỏe mạnh, dễ nuôi; cũng từ đó mà có câu : “buồn ngủ gặp chiếu manh” hay “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”.

Ở đâu có đau ốm bệnh tật, người ta thấy ở đó thầy thuốc giỏi sẽ xuất hiện, giống như tiền nhân ta vẫn nói : “thời thế tạo anh hùng”. Thư Do-thái hôm nay nói rằng, bao lâu còn là ngày anh em hãy khuyên bảo nhau : tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Kitô; ai được vào đất hứa ? thưa phải là kẻ không sống trong nghi ngờ; ai được cứu độ ? thưa phải là người tin tuyệt đối vào Đức Kitô.

Người ta được khỏi bệnh là nhờ các thầy thuốc đông y hoặc tây y giỏi; Đức Giêsu là thầy thuốc chữa “bá bệnh”, Ngài không phải là đông hay tây y; Đức Giêsu thực hiện việc chữa bệnh cho người phong cùi hôm nay bằng niềm tin. Các thầy thuốc khám chữa bệnh lấy thù lao, lấy tiền công, Đức Giêsu chữa miễn phí, Ngài thường có câu : anh hãy đi trình diện với tư tế, để được chứng thực mình khỏi bệnh; bạn hãy về bình an, từ nay đường phạm tội nữa…..

Khoa học tiến bộ, nghề nghiệp nào cũng cần đến “bằng cấp” để hợp pháp, mới thu hút được khách hàng. Đức Giêsu có khả năng chữa các loại bệnh, cả đau đớn thể xác lẫn tâm hồn, Ngài luôn cần mọi người thể hiện niềm tin, minh chứng bằng tình yêu vào Thiên Chúa. Đức Giêsu thu hút đám đông dân chúng không phải nhờ nhiều bằng cấp, hay thuộc dòng tộc quí phái; nhưng nhờ lời rao giảng lôi cuốn, nhờ Lời quyền năng, nhờ tình yêu cứu độ có “ngọn nguồn” từ Thiên Chúa.

Tình yêu mà chúng ta thấy nơi bài đọc I hôm nay nói là đừng cứng lòng, đừng nghi ngờ, đừng thách thức Thiên Chúa như tổ phụ, như tổ tiên trong samạc xưa kia, để không ai bị tội lỗi mê hoặc trở nên chai đá. Tình yêu của Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay là Ngài “động lòng thương”, giơ tay đặt trên người “phong cùi” và nói : “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”; tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Tình yêu cứu độ nơi Đức Giêsu luôn luôn là tình yêu vâng phục : “anh hãy ý tứ, đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện với trưởng tế, dâng của lễ theo luật Môisê để chứng thực mình đã khỏi bệnh”.

“Có bệnh, vái tứ phương”, dù tốn kém, dù thầy thuốc ở trường phái đông y hay tây y, không nên “lăn tăn” miễn sao khỏi bệnh. Được khỏi bệnh thường có niềm vui đi kèm; được sạch tâm hồn luôn cần đến sự quyết tâm và cách thể hiện tình yêu của người bệnh. Được cứu độ không thể ở ngoài tình yêu của Đức Kitô, luôn đòi hỏi mỗi người phải theo tiến trình : nhận biết mình tội lỗi, sám hối và thể hiện được niềm tin tuyệt đối vào Đức Kitô là Chúa.

Có thể ngày nay người ta không còn sợ bệnh phong cùi nữa, vì đã tìm ra được thuốc đặc trị; tuy nhiên, thời nào cũng khiếp người mắc “bệnh sĩ”, “bệnh tự mãn”, “bệnh ảo tưởng”…., dường như các thầy thuốc phải “bó tay”, không thể tìm ra thuốc điều trị ! Đức Giêsu hôm nay vẫn ở trong Giáo hội chữa bệnh, cứu độ nhân loại; nếu như mỗi người biết khiêm tốn, ý thức mình đầy “tật bệnh”, đầy “tội lỗi”, cần phải sám hối, cần được tình yêu và ơn cứu độ của Đức Kitô. Amen.

 Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc