Bài huấn từ của ĐTC Phanxicô tại quảng trường thánh Phêrô, sáng Chúa nhật 13 thường niên, 01/07/2018.
Anh chị em thân mến
Tin mừng Chúa nhật hôm nay (Mc 5,21-43) trình bày hai việc kỳ diệu từ Chúa Giêsu, bằng cách diễn tả chúng như một loạt diễn hành chiến thắng về sự sống.
Bên trong trình thuật về phép lạ này, thánh Marcô cũng lồng một phép lạ khác: chữa lành người đàn bà bị chứng bệnh loạn huyết và bà được chữa khỏi khi vừa đụng vào áo choàng của Chúa Giêsu (c. 27). Sự kiện gây ấn tượng ở đây chính là đức tin của người đàn bà – đối với tôi nó được gọi là “ăn trộm” – lôi kéo quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, quyền năng có trong Đức Kitô, qua đó, Ngài cảm thấy một sức mạnh “phát ra từ Ngài”, Ngài cố tìm người đã làm điều đó. Và khi người đàn bà rụt rè tiến đến thú nhận tất cả mọi sự, Chúa Giêsu nói với bà: “Hỡi con, đức tin của con đã cứu chữa con” (c. 34)
Đó là hai câu chuyện hoàn toàn ăn khớp nhau, tập trung một điểm duy nhất là : đức tin, và qua đó giới thiệu Chúa Giêsu như là suối nguồn sự sống, như Đấng phục hồi sự sống cho những ai hoàn toàn tin cậy nơi Ngài. Hai nhân vật chính là cha của bé gái và người đàn bà đau bệnh, họ không phải là các môn đệ của Chúa Giêsu tuy nhiên họ được thỏa chí toại lòng nhờ đức tin của họ. Họ có đức tin vào con người ấy. Từ đây chúng ta hiểu rằng trên con đường của Thiên Chúa tất cả mọi người đều được chấp nhận: không ai cảm thấy mình bị ép, bị lạm dụng hay không có quyền. Để có thể tiếp cận với trái tim Chúa, trái tim của Chúa Giêsu, chỉ cần một điều kiện duy nhất: là thấy mình cần được chữa lành và cậy tin vào Chúa.
Tôi hỏi anh chị em nhé: mỗi người trong anh chị em có cảm thấy mình cần được chữa lành không? Chữa lành về điều gì đó, về tội lỗi, về một vài vấn đề? Và một khi bạn cảm nhận điều ấy, bạn có tin vào Chúa Giêsu không?. Có hai điều kiện cần để được chữa lành, để có thể tiếp cận với trái tim của Chúa: là cảm thấy cần được chữa lành và tin cậy vào Chúa.
Chúa Giêsu đến để tìm ra những con người này giữa đám đông và tháo gỡ họ khỏi cái vô danh, giải phóng họ khỏi những sợ hãi của cuộc sống và thử thách. Ngài ban cho họ cái nhìn và lời nói là đưa họ trở lại trên đường sau nhiều đau khổ và nhục nhã. Chúng ta cũng được kêu gọi để học hỏi và bắt chước những lời này, lời có sức giải phóng và những cái nhìn có sức phục hồi, cho người thiếu thốn và khát khao sự sống.
Trang Tin mừng này đan kết các chủ đề của đức tin và cuộc sống mới mà Chúa Giêsu đã đến để hiến trao cho tất cả mọi người. Bước vào nhà nơi bé gái đang nằm, Chúa Giêsu đuổi những người đang náo động và khóc lóc ra ngoài (v.40) và Ngài nói : “Con bé không chết đâu, nó đang ngủ” (c. 39). Chúa Giêsu là Thiên Chúa, trước mặt Ngài là một người đã chết vể thể lý tựa như giấc ngủ: không còn lý do gì để tuyệt vọng. Một cái chết khác cần phải sợ : đó là cái chết của con tim bị xơ cứng vì điều ác. Vâng, chúng ta phải sợ cái chết ấy! Khi chúng ta cảm thấy con tim bị chai lì, con tim bị làm cho chai cứng, cho phép tôi dùng từ này là con tim đã bị ướp xác, chúng ta phải sợ điều này. Đây là cái chết của con tim. Nhưng ngay cả tội lỗi, ngay cả con tim bị ướp xác, đối với Chúa Giêsu đó không phải là lời cuối cùng, bởi vì Ngài đã đem đến cho chúng ta lòng thương xót vô biên của Cha. Ngay cả khi nếu chúng ta bị ngã xuống thật sâu, âm thanh dịu dàng và mạnh mẽ của Ngài cũng đuổi kịp chúng ta: “Ta truyền cho con, hãy chỗi dậy”. Thật tuyệt vời khi nghe những lời ấy của Chúa Giêsu dành cho mỗi người chúng ta: “Ta truyền cho con hãy chỗi dậy! hãy đi, can đảm lên, hãy chỗi dậy”. Và Chúa Giêsu đã ban lại sự sống cho bé gái và trao ban sự sống cho người phụ nữ được chữa lành: sự sống và đức tin cho cả hai.
Chúng ta xin Đức Trinh nữ Maria đồng hành với lộ trình đức tin và tình yêu cụ thể, đặc biệt hướng đến những người đang túng thiếu. Chúng ta khẩn xin lòng từ mẫu của Mẹ cầu bầu cho anh chị em của chúng ta, những người đang chị đau đớn trong thể xác lẫn tinh thần.
Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ