Tin Giáo hội Giáo huấn Đừng quên đưa tay ra để giúp người khác đứng dậy

Đừng quên đưa tay ra để giúp người khác đứng dậy

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô về nội dung sách Công vụ Tông đồ tại quảng trường thánh Phêrô, sáng thứ tư ngày 7/8/2019.

 

5. “nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nazareth, anh hãy đứng dậy mà đi!” (Cv 3, 6).

Anh chị em thân mến!

Trong sách Công vụ Tông đồ, việc rao giảng Tin mừng không chỉ dựa vào lời nói mà còn dựa vào những hành động cụ thể, chúng làm chứng cho chân lý mà các Tông đồ loan báo. Đây là những “điềm thiêng và dấu lạ” (Cv 2,43) xảy ra nhờ hoạt động của các Tông đồ, chúng xác nhận lời của các ngài và cho thấy rằng các ngài hành động nhân danh Chúa Kitô. Điều đó xảy ra khi các Tông đồ can thiệp và Chúa Kitô hoạt động. Ngài hành động “cùng với họ” và củng cố Lời Chúa bằng những dấu lạ đi kèm (Mc 16,20). Rất nhiều dấu chỉ, phép lạ mà các Tông đồ đã làm chính xác là một biểu lộ về thần tính Chúa Giêsu.

Hôm nay chúng ta đặt mình trước câu chuyện chữa lành đầu tiên, trước một phép lạ, đó là câu chuyện chữa lành đầu tiên của sách Công vụ. Nó có mục đích truyền giáo rõ ràng, nhằm khơi dậy đức tin. Thánh Phêrô và Gioan lên đền thờ cầu nguyện, đây là trung tâm kinh nghiệm đức tin của Israle, nơi mà các kitô hữu đầu tiên vẫn còn gắn bó cách mạnh mẽ. Các kitô hữu tiên khởi cầu nguyện trong Đền thờ Giêrusalem. Thánh Luca ghi lại giờ giấc: đó là giờ thứ chín, tức là vào 3 giờ chiều, khi hiến vật được dâng lên như một dấu chỉ hiệp thông của dân với Thiên Chúa của họ; và đó cũng là giờ mà Chúa Kitô chịu chết, bằng cách dâng hiến chính mình “một lần và mãi mãi” (Dt 9,12; 10,10). Và ở cửa đền thờ gọi là “cửa đẹp” họ thấy một người ăn xin, bại liệt từ khi mới sinh. Tại sao anh ta lại nằm nơi cửa đó? Bởi vì luật Môsê (x. Lv 21,18) đã ngăn chặn những người bị thương tật thể lý, bị coi là hậu quả của một số lỗi lầm, dâng lễ vật lên Chúa. Chúng ta nhớ rằng khi đứng trước một người mù từ khi mới sinh, dân chúng đã hỏi Chúa Giêsu : “Người có tội, anh ta hay cha mẹ của anh ta, tại sao anh ta bị mù?” (Ga 9,2). Theo não trạng đó, thì tội lỗi luôn là nguyên do của bệnh tật. Và thậm chí sau đó anh còn bị cấm vào đền thờ. Người què quặt, mẫu hình của tất cả những người bị loại trừ và gạt bỏ ra loài xã hội, anh ta ở đó hằng ngày để xin của bố thí. Anh không thể bước vào, nhưng có thể ở tại cửa đền. Khi đó có điều không ngờ xảy ra : Phêrô và Gioan đến và trò chơi lôi cuốn được thiết đặt. Người què nhìn hai vị Tông đồ để xin bố thí. Trái lại, các ngài nhìn thẳng vào anh, mời anh nhìn các ngài theo một cách khác để nhận một món quà khác. Người què nhìn các ngài và thánh Phêrô nói : “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nazareth, anh đứng dậy mà đi!” (Cv 3, 6). Các Tông đồ đã tạo nên một mối quan hệ, bởi vì đây là cách mà Thiên Chúa yêu thương tự tỏ bày, trong các mối quan hệ, luôn luôn có đối thoại, luôn luôn xuất hiện, luôn truyền cảm hứng cho tâm hồn : đó là mối tương quan giữa Thiên Chúa với chúng ta; qua cuộc gặp gỡ thực tế với con người, và điều đó chỉ có thể xảy ra trong tình yêu.

Đền thờ, ngoài việc là trung tâm tôn giáo thì nó còn là nơi trao đổi kinh tế và tài chính : vì chống lại sự biến đổi này mà các tiên tri và ngay cả Chúa Giêsu cũng bị ném đá nhiều lần (x. Lc 19, 45-46). Nhiều khi tôi nghĩ về điều này, khi thấy một số giáo xứ, ở đó người ta cho rằng tiền quan trọng hơn các bí tích! Làm ơn! Giáo hội nghèo : chúng ta xin Chúa điều này. Người ăn xin đó, khi gặp các Tông đồ, không nhận được tiền, nhưng gặp được cái Danh của Đấng cứu độ con người : Chúa Giêsu Kitô, người Nazareth. Phêrô cầu xin nhân danh Chúa Giêsu, truyền lệnh cho người bại liệt tự đứng lên, trong tư thế của những người sống. Phêrô chạm vào người bệnh này, tức cầm tay anh ta và nâng lên, một cử chỉ mà thánh Gioan Crisosto nhìn thấy nơi đó “hình ảnh của sự phục sinh” (bài giảng về sách CVTĐ, 8). Và ở đây xuất hiện bức chân dung của Giáo hội, thấy được người đang khó khăn, không nhắm mắt, biết cách nhìn vào nhân loại đang đối diện để tạo nên những mối quan hệ có nghĩa, tạo nên nhịp cầu của tình bạn và đoàn kết thay vì rào cản. Xuất hiện gương mặt của “một Giáo hội không biên giới, cảm thấy mình là mẹ của tất cả mọi người” (GE 210), biết cách nắm tay và đồng hành để đỡ nâng chứ không để lên án.

Chúa Giêsu luôn mở rộng đôi tay, luôn tìm kiếm để đỡ nâng, để làm cho mọi người được chữa lành, được hạnh phúc, được gặp gỡ Thiên Chúa. Đó là “nghệ thuật đồng hành” được trình bày bằng sự tinh tế, để qua đó, chúng ta tiếp cận được với “vùng đất thiêng thánh của người khác”, bằng cách đem đến cho bước đường “nhịp sống lành mạnh của sự gần gũi, bằng cái nhìn tôn trọng và đầy lòng trắc ẩn, tự do và khích lệ để trưởng thành trong đời sống kitô hữu” (GE 169). Và đây là điều mà hai vị Tông đồ đã làm cho người què : các ngài nhìn anh ta và nói rằng : “anh hãy nhìn chúng tôi đây”, các ngài đưa tay cho anh ta nắm, nâng anh ta dậy và chữa lành anh ta. Chúa Giêsu cũng làm như thế với chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ điều này khi chúng ta ở trong những giây phút tồi tệ, trong những lúc tội lỗi, trong khi buồn sầu, Chúa Giêsu luôn hiện diện và Ngài nói với chúng ta “hãy nhìn Ta đây: Ta đang ở đây!”. Chúng ta hãy nắm lấy tay Chúa Giêsu và chúng ta đứng dậy.

Phêrô và Phaolô dạy chúng ta đừng quá tin cậy vào các phương tiện, dù chúng hữu ích, nhưng tin vào sự giàu có đích thực là mối tương quan với Đấng Phục sinh. Thực vậy, như thánh Phaolô nói : chúng tôi “coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả” (2 Cor 6:10). Tất cả chúng ta là Tin mừng, biểu lộ sức mạnh nhân danh Chúa Giêsu, Đấng thực thi những điều kỳ diệu. Và mỗi người trong chúng ta sở hữu điều gì? Đâu là là sự phong phú của chúng ta, đâu là kho tàng của chúng ta? Chúng ta có thể đem lại điều gì tốt cho người khác? Chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha ban cho chúng ta ơn biết nhớ về những ơn lành của tình yêu Chúa trong đời sống chúng ta, để trao ban cho tất cả mọi người chứng từ của lời ngợi ca và biết ơn. Chúng ta đừng quên đưa tay ra để giúp người khác đứng dậy; đó là đôi tay của Chúa Giêsu qua trung gian là chúng ta để giúp người khác đứng dậy.

G.Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Vatican.va

Exit mobile version