Nỗi buồn ủ quá lâu sẽ khiến chúng ta mất phương hướng. Khiến chúng ta không đủ can đảm để muốn bước tiếp, không đủ can đảm để đứng lên nhắm đến mục tiêu khác. Bởi vì ngày hôm qua, nó hết rồi. Như thể là một đoạn băng đã được thu lại không có cách nào gỡ ra để xóa bỏ, cũng không có cách nào sửa chữa. Những chuyện đã qua có thể khiến chúng ta buồn, hoặc tổn thương. Hoặc thảy những gì thuộc về mình bỗng chốc chẳng còn là của mình nữa, hoặc chẳng cảm nhận được mình tha thiết điều gì, chỉ muốn tuột tay vứt bỏ mọi thứ
Có gì đáng phải buồn tiếp nỗi buồn đã lùi lại về sau?
Chúng ta càng sống, càng lớn lên, trưởng thành và già đi, càng thấy mình cứ đăm đăm nhìn vào những tháng ngày xưa cũ. Buồn những chuyện đã qua, nhớ những người vốn là đã đi, ân hận về những sai lầm muốn xóa sạch bách như chưa từng.
Quá khứ đâu có chờ bất cứ ai trong chúng ta? Quá khứ chỉ là lưu lại những hình ảnh của chúng ta trong một chặng đường dài biến đổi dáng vóc, suy nghĩ, biến đổi hình hài, tính cách, biến đổi từ một đứa trẻ thành một người lớn trưởng thành để dẫu cho não bộ bắt đầu hằn thêm vô số nếp nhăn, nhưng khuôn mặt vẫn còn rất trẻ.
Buồn làm gì những điều đã cũ? Nếu có thể hãy là hoài niệm hoặc nghĩ về nó như một đoạn nhật ký. Nếu cảm động thì khóc, nếu vui thì cười thật lớn, nếu đau lòng thì ôm trái tim an ủi, nếu tàn nhẫn hoặc khốc liệt thì hãy ôm nó lên để nâng niu.
Nhưng tuyệt đối đừng buồn, dành quá nhiều nỗi buồn vào những ký ức xưa cũ, sẽ khiến chúng ta không thể bắt đầu một điều gì mới mẻ. Chúng ta không thể đứng mãi một chỗ, sờ lên trái tim, vuốt ve ký ức để sống tiếp những tháng ngày đằng đẵng. Chúng ta cũng không thể vì đã trải qua nhiều nên mệt mỏi muốn buông tay.
Cuộc đời, dù muốn hay không, ai cũng phải bước lên, giẫm lên sỏi đá để mặc bước chân rớm máu, dẫu có muốn trốn chạy cũng không thể, dẫu có muốn vùi đầu vào ký ức, sống chật hẹp trong một góc của thế giới, rồi cũng sẽ có ngày phải tuân theo lẽ tự nhiên.
Quá khứ đau, không phải đến hiện tại là hết đau. Bởi vì nó sẽ còn đau cho đến tương lai, cho đến khi chúng ta phải tiếp nhận một vết thương khác nữa, cho đến khi chúng ta phải nhận ra rằng, chấp nhận đau thương vốn dĩ là một việc thường tình.
Thật buồn là, con người ta ai cũng phải làm quen với việc cứ bất chấp bước đi để rồi thấy trên người cứ lại xuất hiện những vết thương mới. Mỗi ngày trôi qua sẽ chai sạn đi một chút, cảm xúc tê liệt thêm một chút, cho đến khi không thể nhận ra bản thân đã từng có một thời yếu đuối, đã từng có một thời sợ hãi, trốn chạy, đã từng có một thời buồn mãi một nỗi buồn của quá khứ, không dám nhấc chân bước tiếp về phía trước.
Có lẽ sẽ rất nhiều người cho rằng, nỗi buồn sinh ra là do cảm xúc. Như một kiểu bỗng dưng thấy nhớ, thấy nuối tiếc, bỗng dưng thở dài vì đời rộng và dài, còn chúng ta thì luôn bất lực trước những chuyện bất ngờ xảy đến. Buồn chỉ là chuyện thường tình khi con người ta hoài cổ, cũng chỉ như một cái bắt tay giữa trời đông lạnh giá, nghĩ lại thấy ấm đến rơi nước mắt.
Nhưng nỗi buồn ủ quá lâu sẽ khiến chúng ta mất phương hướng. Khiến chúng ta không đủ can đảm để muốn bước tiếp, không đủ can đảm để đứng lên nhắm đến mục tiêu khác và chạy đuổi, không đủ can đảm để coi mọi thứ là chuyện thường tình…
CaDe – Theo Trí Thức Trẻ